2 Banner ngang

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Tám và tám tháng năm 2024

Thứ tư - 04/09/2024 20:40
1. Sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản
Nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp tháng Tám của các địa phương trong tỉnh là tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, rau màu vụ Mùa và các loại cây ăn quả, đồng thời bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm trước những diễn biến của thời tiết và dịch bệnh.                     
a) Trồng trọt
Cây hằng năm: theo tổng hợp báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Mùa toàn tỉnh sơ bộ đạt 30.093 ha, giảm 1,60% (giảm 491 ha) so với vụ Mùa năm trước. Trong đó: diện tích gieo trồng cây lúa sơ bộ đạt 24.343 ha, giảm 2,50% (giảm 623 ha); ngô sơ bộ đạt 847 ha, giảm 2,36% (giảm 21 ha); đậu tương sơ bộ đạt 144 ha, giảm 4,88% (giảm 7,00 ha); lạc sơ bộ đạt 162 ha, tăng 37,61% (tăng 44 ha); rau các loại sơ bộ đạt 3.123 ha, tăng 4,87% (tăng 146 ha); đậu các loại sơ bộ đạt 191 ha, giảm 8,79% (giảm 18 ha); hoa các loại sơ bộ đạt 297 ha, giảm 3,22% (giảm 10 ha); cây hằng năm khác sơ bộ đạt 913 ha, giảm 1,05% (giảm 10 ha). Diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Mùa giảm ở hầu hết tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Thời điểm cuối tháng Bảy, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và kéo dài đã gây ngập, úng một số diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả. 
Diện tích gieo cấy lúa vụ Mùa năm nay có nhiều diện tích lúa chất lượng cao như: Bắc thơm số 7 (4.260 ha); Nếp thơm Hưng Yên (3.655 ha); Đài thơm số 8 (1.991 ha); Hà Phát 3 (1.359 ha);... Hiện nay, lúa vụ Mùa đang ở thời kỳ cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng, một số diện tích đã trổ bông, đây là giai đoạn lúa rất mẫn cảm với sâu, bệnh hại và quyết định đến năng suất, chất lượng lúa. Người dân đang tích cực bón thúc kịp thời, kết hợp làm cỏ, sục bùn, điều tiết nước hợp lý và chủ động theo dõi phát hiện và phòng trừ sâu bệnh.
Cây lâu năm: tình hình sản xuất cây lâu năm của tỉnh vẫn duy trì ổn định. Ước tính tổng diện tích hiện có các loại cây lâu năm đạt 15.829 ha, giảm 0,21% (giảm 34 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: cây ăn quả ước đạt 14.761 ha, giảm 0,49% (giảm 73 ha); cây lấy quả chứa dầu ước đạt 5,21 ha, tăng 79,04% (tăng 2 ha); cây gia vị và dược liệu lâu năm ước đạt 147 ha, tương đương năm trước; cây lâu năm khác ước đạt 916 ha, tăng 4,14% (tăng 36 ha). 
Hiện nay, cây nhãn đang trong giai đoạn thu hoạch chính vụ. Dự kiến năng suất, sản lượng nhãn năm nay cao hơn năm 2023 từ 2-3%. Các loại cây có múi như cam, bưởi đang trong giai đoạn phát triển quả non, hình thành múi, bà con nông dân đang tiến hành các biện pháp chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây ăn quả, bổ sung nguồn dinh dưỡng nuôi quả, thực hiện cắt tỉa, chăm sóc các diện tích bị mất mùa để bảo đảm cho vụ sau.
b) Chăn nuôi 
Hiện nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát, con giống tiếp tục được sản xuất tại các trang trại, hộ chăn nuôi bảo đảm số lượng phục vụ tái đàn trong năm 2024.
So với cùng thời điểm năm trước, tổng đàn ước tại thời điểm 01/8/2024 như sau: đàn trâu ước đạt 4.420 con, tăng 1,38%, đàn bò ước đạt 31.022 con, giảm 0,68%; đàn lợn ước đạt 501.224 con, giảm 1,18%; đàn gia cầm 8.765 nghìn con, giảm 7,50%. 
So với cùng kỳ năm trước, ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng Tám như sau: thịt trâu ước đạt 39 tấn, tăng 2,90%; thịt bò ước đạt 391 tấn, tăng 2,86%; thịt lợn hơi ước đạt 9.556 tấn, tăng 3,27%; gia cầm hơi ước đạt 3.758 tấn, tăng 3,47%. Tính chung tám tháng, thịt trâu hơi ước đạt 337 tấn, tăng 4,27%; thịt bò hơi ước đạt 2.870 tấn, tăng 4,78%; thịt lợn hơi ước đạt 73.447 tấn, tăng 5,62%; gia cầm hơi ước đạt 30.158 tấn, tăng 4,14%.
c) Thủy sản
Tình hình sản xuất thuỷ sản tiếp tục ổn định và từng bước đa dạng giống nuôi trồng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 5.039 ha, giảm 3,39% (giảm 177 ha) so với cùng kỳ năm trước. Phương thức nuôi trồng thủy sản trong tỉnh chủ yếu là nuôi thâm canh và bán thâm canh (chiếm 99% tổng diện tích nuôi). Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu vẫn là giống cá trắm, chép, rô phi, cá trôi,... cho năng suất cao. Sản xuất giống thủy sản chủ yếu là cá bột và cá trắm giống, đủ phục vụ nhu cầu trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Hoạt động khai thác thuỷ sản trong tỉnh vẫn được duy trì ở quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình. Do đặc điểm của địa phương không có biển, địa phận giáp sông Hồng, sông Luộc nhưng nguồn lợi thuỷ sản không nhiều nên dự báo trong dài hạn việc khai thác thuỷ sản sẽ giảm dần.
2. Sản xuất công nghiệp
So với tháng trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tám tăng 0,07%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,51%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,06%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 12,12%. Các sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng so với tháng trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 3,30%; thức ăn cho gia súc tăng 1,64%; thức ăn cho gia cầm tăng 4,34%; giầy, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 0,66%; quần áo các loại tăng 5,34%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 20,00%; máy phát điện xoay chiều (máy giao điện) tăng 1,99%; máy điều hòa không khí khác chưa được phân vào đâu tăng 12,50%; xe mô tô, xe máy và xe đạp có gắn động cơ phụ trợ với động cơ piston đốt trong xi lanh không quá 50 cc tăng 8,26%;...
Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với tháng trước như: gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 12,14%; sắt, thép các loại giảm 4,54%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5W giảm 10,92%; máy giặt loại dùng cho hiệu giặt là quần áo với sức chứa >10kg vải khô một lần giặt giảm 0,17%; sản phẩm bằng plastic giảm 1,28%;...
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tám tăng 11,76%. Trong đó: chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,13%; chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 3,20%; chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 45,84%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng có khối lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc cột trụ chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 24,10%; tấm lợp tăng 14,17%; lưỡi dao cạo tăng 65,49%; sản phẩm thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 39,33%; hộp và thùng bằng giấy nhăn và bìa nhăn tăng 5,78%; giấy vệ sinh tăng 23,08%; mạch in khác tăng 58,61%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi (vd: CD, DVD,…) tăng 264,06%; tụ điện các loại tăng 25,97%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 7,13%; áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 20,52%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 6,76%;...
Bên cạnh đó, các sản phẩm có khối lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như: thép hợp kim khác dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác giảm 11,91%; sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác giảm 1,18%; ống và đường ống bằng sắt, thép không nối khác giảm 10,5%; góc, khuôn, hình bằng sắt, thép đã được hàn giảm 10,84%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 62,67%; thức ăn gia súc giảm 11,36%;... 
Tính chung tám tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,91%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,19%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,69%. 
Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh như: sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 20,87%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 21,12%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 31,39%; sản xuất thiết bị điện tăng 7,99%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 15,82%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,67%;...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tám tháng có khối lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 4,56%; quần áo các loại tăng 6,90%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 5,06%; sản phẩm bằng plastic tăng 7,32%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc cột trụ chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 21,36%; mạch in khác tăng 58,09%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi (vd: CD, DVD,…) tăng 65,96%; máy phát điện xoay chiều (máy giao điện) tăng 56,69%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ yếu trong tám tháng có khối lượng sản xuất giảm như: thức ăn cho gia súc giảm 12,28%; thức ăn cho gia cầm giảm 8,41%; cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ giảm 25,89%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 39,30%; sắt, thép các loại giảm 2,72%; mạch điện tử tích hợp giảm 36,19%;...
3. Hoạt động đầu tư, xây dựng
a) Vốn đầu tư ngân sách địa phương (NSNN)
Ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Tám đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 7,98% so với tháng trước và tăng 9,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 909 tỷ đồng, tăng 5,98% so với tháng trước và tăng 12,85% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 337 tỷ đồng, tăng 12,33% so với tháng trước và tăng 33,44% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 366 tỷ đồng, tăng 9,20% so với tháng trước và giảm 10,74% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung tám tháng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 9.051 tỷ đồng, tăng 6,50% so với cùng kỳ năm trước và đạt 45,60% Kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 5.025 tỷ đồng, tăng 10,87%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 2.195 tỷ đồng, tăng 17,97%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 1.831 tỷ đồng, giảm 13,05%.
b) Hoạt động đầu tư nước ngoài
Tính đến ngày 26/8/2024, toàn tỉnh có 578 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 7.600,4 triệu USD, trong năm có 33 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 519,1 triệu USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: thứ nhất là Nhật Bản có 176 dự án, vốn đăng ký là 3.862 triệu USD, chiếm 50,81% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 155 dự án, vốn đăng ký 910,8 triệu USD, chiếm 11,98% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 151 dự án, vốn đăng ký 1.183,4 triệu USD, chiếm 15,57% tổng số vốn đăng ký.
c) Phát triển doanh nghiệp
Trong tám tháng (tính từ ngày 22/12/2023 đến ngày 21/8/2024), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.276 doanh nghiệp, với vốn đầu tư đăng ký 28.216 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo 267 doanh nghiệp, vốn đăng ký 4.236 tỷ đồng; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 502 doanh nghiệp, vốn đăng ký 2.500 tỷ đồng; xây dựng 108 doanh nghiệp, vốn đăng ký 1.175 tỷ đồng; vận tải kho bãi 63 doanh nghiệp, vốn đăng ký 487 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản 64 doanh nghiệp, vốn đăng ký 18.352 tỷ động; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 76 doanh nghiệp, vốn đăng ký 474 tỷ đồng;...
Trong tám tháng (tính từ ngày 22/12/2023 đến ngày 21/8/2024), số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 259 doanh nghiệp. Trong đó, ngành sản xuất kinh doanh quay lại hoạt động nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 96 doanh nghiệp, tiếp đó là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 67 doanh nghiệp; xây dựng 18 doanh nghiệp; vận tải kho bãi 16 doanh nghiệp; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 15 doanh nghiệp; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 15 doanh nghiệp;...
Trong tám tháng (tính từ ngày 22/12/2023 đến ngày 21/8/2024), số doanh nghiệp giải thể là 148 doanh nghiệp, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 593 doanh nghiệp. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 37 doanh nghiệp giải thể và 159 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; ngành bán buôn, bán lẻ có 52 doanh nghiệp giải thể và 208 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; kinh doanh bất động sản có 10 doanh nghiệp giải thể và 23 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ có 09 doanh nghiệp giải thể và 40 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; xây dựng có 07 doanh nghiệp giải thể và 44 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động;...
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
a) Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước đạt 12.944 tỷ đồng, tăng 6,80% so với tháng trước và giảm 6,36% so cùng kỳ năm trước. Cộng dồn tám tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 77.516 tỷ đồng, giảm 3,28% so cùng kỳ năm trước. Diễn biến tăng, giảm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của một số nhóm ngành chính như sau:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Tám ước đạt 2.691 tỷ đồng, chiếm 20,79% tổng doanh thu, giảm 0,59% so với tháng trước và tăng 5,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong 12 nhóm hàng hóa có 7 nhóm hàng tăng và 5 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng doanh thu tăng là: phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 94,63%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 48,00%; nhiên liệu, xăng dầu tăng 36,48%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 5,16%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,80%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 1,18%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 0,53%. Nhóm hàng doanh thu giảm là: vật phẩm, văn hoá, giáo dục giảm 27,47%; hàng may mặc giảm 9,78%; hàng hoá khác giảm 6,03%; lương thực, thực phẩm giảm 3,43%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 1,56%.
Tính chung tám tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 21.739 tỷ đồng, chiếm 28,04% tổng doanh thu, tăng 6,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong 12 nhóm hàng hóa có 8 nhóm hàng tăng và 4 nhóm hàng giảm. Nhóm hàng doanh thu tăng là: nhiên liệu, xăng dầu tăng 57,44%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 24,18%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 17,24%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 9,53%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 7,70%; hàng hoá khác tăng 3,74%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,32%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,14%. Nhóm hàng doanh thu giảm là: vật phẩm, văn hoá, giáo dục giảm 22,66%; hàng may mặc giảm 5,72%; lương thực, thực phẩm giảm 2,76%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,37%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Tám ước đạt 247 tỷ đồng, tăng 1,99% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú 13 tỷ đồng, giảm 0,02% so với tháng trước và tăng 34,66% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch ăn uống 234 tỷ đồng, tăng 2,10% so với tháng trước và tăng 1,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, do thời tiết nắng nóng, nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ giải khát như bia hơi, trà sữa, đồ uống, hoa quả tăng.
Tính chung tám tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.940 tỷ đồng, tăng 1,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú 89 tỷ đồng, tăng 14,45% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch ăn uống 1.851 tỷ đồng, tăng 0,46% so với cùng kỳ năm trước do các chi phí sản xuất như giá lương thực, giá điện, giá gas, chi phí thuê nhân công, chi phí thuê mặt bằng tăng.
Doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành tháng Tám ước đạt 6 tỷ đồng, giảm 2,04% so với tháng trước và tăng 20,80% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết trong tháng mưa nhiều nên nhu cầu đi du lịch của người dân giảm. 
Tính chung tám tháng, doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành ước đạt 47 tỷ đồng, tăng 72,77% so với cùng kỳ năm trước do các chi phí về đi lại (vé máy bay, thuê xe), nhà nghỉ tại các điểm du lịch tăng.
Doanh thu ngành dịch vụ khác tháng Tám ước đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 9,12% so với tháng trước và giảm 9,26% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của nhóm ngành này so với cùng kỳ năm trước là do doanh thu ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản chiến 94,95% tổng doanh thu nhưng giảm 10,33%. Diễn biến một số ngành có doanh thu lớn như: dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 9.495 tỷ đồng tăng 8,85% so với tháng trước và giảm 10,33% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 193 tỷ đồng, giảm 0,42% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ giáo dục và đào tạo ước đạt 133 tỷ đồng, tăng 84,96% so với tháng trước và tăng 61,89% so với cùng kỳ;…
Tính chung tám tháng, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 53.790 tỷ đồng, giảm 6,83% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành kinh doanh bất động sản chiếm tới 93,21% tổng doanh thu nhưng lại giảm 7,91% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ khác vẫn duy trì mức tăng doanh thu khá cao so với cùng kỳ năm trước như: dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 29,24%; dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng 14,90%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 23,19%; dịch vụ khác tăng 10,58%;...
b) Hoạt động vận tải, kho bãi
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng Tám ước đạt 579 tỷ đồng, tăng 0,94% so với tháng trước và tăng 5,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong tám tháng, doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 4.458 tỷ đồng, tăng 7,42% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách tháng Tám ước đạt 1.613 nghìn lượt người vận chuyển và 82.940 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 1,47% về lượt người vận chuyển và tăng 0,28% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 82 tỷ đồng, tăng 0,77% so với cùng kỳ năm trước. 
Tính chung tám tháng, vận tải hành khách ước đạt 12.337 nghìn lượt người vận chuyển và 686.649 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 2,80% về lượt người vận chuyển và tăng 4,37% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 637 tỷ đồng, tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hoá tháng Tám ước đạt 2.994 nghìn tấn vận chuyển và 155.771 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 1,73% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 7,83% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 417 tỷ đồng, tăng 6,19% so với cùng kỳ năm trước. 
Tính chung tám tháng, vận tải hàng hoá ước đạt 24.570 nghìn tấn vận chuyển và 1.199.405 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 7,20% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 10,64% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 3.187 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm trước. 
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tháng Tám ước đạt 80 tỷ đồng, giảm 0,79% so với tháng trước và tăng 5,59% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát ước đạt 634 tỷ đồng, tăng 7,28% so với cùng kỳ năm trước.
5. Chỉ số giá
a) Chỉ số giá tiêu dùng
So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám tăng 0,31%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 07 nhóm có chỉ số tăng, 03 nhóm có chỉ số giảm và 01 nhóm có chỉ số ổn định. Cụ thể, các nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số giá tăng là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,65%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,55%; đồ uống, thuốc lá tăng 0,03%; nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,42%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; bưu chính viễn thông tăng 0,06%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,98%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số giá giảm là: giáo dục giảm 0,01%; giao thông giảm 2,43%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số ổn định.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám tăng 6,50%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Nhóm hàng có chỉ số giá tăng là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,82%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,58%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 6,20%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 16,30%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,20%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,88%; giáo dục tăng 2,57%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,56%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,70%. Nhóm hàng có chỉ số giá giảm là: dịch vụ giao thông giảm 5,13%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 1,10%.
Bình quân chung tám tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Nhóm hàng có chỉ số tăng là: hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 6,02%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,80%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 6,10%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 13,92%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,74%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,03%; giáo dục tăng 3,60%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,57%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,50%. Nhóm hàng có chỉ số giảm là: giao thông giảm 0,40%; bưu chính, viễn thông giảm 2,68%.
Các nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân tám tháng so với cùng kỳ năm trước: 
(1) Cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine kéo dài và những vấn đề về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới đã gây ra khủng hưởng lương thực trầm trọng, giá cả lương thực leo thang ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh an ninh lương thực đang nguy cấp ở nhiều quốc gia, thị trường Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cấm xuất khẩu gạo trắng để hạ giá gạo và đảm bảo nguồn cung trong nước; Thái Lan - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới kêu gọi người dân giảm diện tích trồng lúa để tiết kiệm nước đã đẩy tình hình an ninh lương thực trên thế giới càng trở nên trầm trọng. Điều này tác động tới thị trường xuất khẩu gạo trong nước, xuất khẩu tăng khiến giá lúa gạo trong nước tăng nhanh. Giá gạo trên địa bàn tỉnh cũng tăng theo xu hướng của cả nước, chỉ số giá nhóm lương thực bình quân tám tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 22,21%. Cùng với đó, ảnh hưởng từ bệnh Tả Châu phi trên lợn khiến nguồn cung thịt lợn cho thị trường giảm sút đẩy giá thịt lợn tăng, chỉ số giá nhóm thực phẩm bình quân tám tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 3,26%. 
 (2) Giá nhà ở thuê và các loại nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 23,82% so với cùng kỳ. Giá các loại vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 4,42% so với cùng kỳ.
(3) Giá dịch vụ y tế tăng 19,8% do áp dụng mức thu phí dịch vụ y tế mới theo quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 17/11/2023.
(4) Giá điện sinh hoạt bình quân tám tháng tăng 8,5% so với bình quân cùng kỳ năm trước, do 2 kỳ điều chỉnh mức tăng giá điện của EVN từ ngày 04/5/2023 và ngày 08/11/2023.
(5) Giá dịch vụ giáo dục tăng 3,6% do giá học phí tại các cơ sở đào tạo nghề  lái xe tăng so với cùng kỳ năm trước.
(6) Giá các loại lương thực, thực phẩm, chi phí điện nước, nhiên liệu, chi phí thuê nhân công, chi phí thuê mặt bằng tăng cao là nguyên nhân chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 7,05%.
Một số nguyên nhân làm giảm chỉ số giá bình quân tám tháng: (1) Các sản phẩm công nghệ được chọn điều tra trong rổ hàng hoá trở nên lỗi thời và được chào bán với mức giá thấp hơn do ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ mới đa dạng về hình thức, mẫu mã, mạnh mẽ được các công ty tung ra thị trường. Điều này khiến cho chỉ số giá bình quân tám tháng của nhóm bưu chính viễn thông giảm 2,68% so với cùng kỳ. (2) Các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu tác động làm giảm chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,40%.
b) Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng Tám tăng 2,09% so với tháng trước và tăng 36,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân tám tháng, chỉ số giá vàng tăng 27,86% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá vàng thế giới tăng cao, kèm theo đó, thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đã khiến dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý là vàng. Hiện giá vàng đang ở mức giá cao nhất trong mấy năm trở lại gần đây, bình quân tám tháng xấp xỉ 7.631.000 VNĐ/1 chỉ.
Giá đồng Đô la Mỹ có xu hướng giảm hơn so tháng trước do nhu cầu mua đầu tư tích trữ của các nhà đầu tư giảm. Chỉ số giá đồng Đô la Mỹ tháng Tám giảm 0,49% so với tháng trước và tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân tám tháng, chỉ số giá đồng Đô la Mỹ tăng 5,77% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá chuyển đổi đồng Đô la Mỹ sang Đồng Việt Nam xấp xỉ 25.338 VND.
6. Hoạt động tài chính, ngân hàng
a) Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách tháng Tám ước đạt 1.960 tỷ đồng, giảm 51,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa 1.595 tỷ đồng, giảm 56,98%; thuế xuất nhập khẩu 364 tỷ đồng, tăng 21,72%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 82 tỷ đồng, tăng 5,83%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 833 tỷ đồng, giảm 72,10%; thu thuế thu nhập cá nhân 84 tỷ đồng, giảm 17,73%; các khoản thu về đất 430 tỷ đồng, tăng 29,20%;...
Tính chung tám tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 28.195 tỷ đồng, tăng 25,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa 25.282 tỷ đồng, tăng 25,34%; thuế xuất nhập khẩu 2.913 tỷ đồng, tăng 28,71%. Một số khoản thu nội địa như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 134 tỷ đồng, tăng 1,76%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 2.315 tỷ đồng, tăng 22,29%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 10.369 tỷ đồng, giảm 17,42%; thu lệ phí trước bạ 448 tỷ đồng, tăng 60,22%; thuế thu nhập cá nhân 1.270 tỷ đồng, tăng 30,83%; các khoản thu về đất 9.715 đồng, tăng 172,49%. 
b) Chi ngân sách nhà nước
Lũy kế từ ngày 01/01/2024 đến ngày 23/8/2024, chi ngân sách nhà nước đạt 16.515 đồng, đạt 57,51 Kế hoạch. Trong đó: chi đầu tư phát triển 11.455 tỷ đồng, đạt 57,50 Kế hoạch; chi thường xuyên 5.060 tỷ đồng, đạt 57,51 Kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: chi sự nghiệp kinh tế 305 tỷ đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.928 tỷ đồng; chi sự nghiệp y tế 594 tỷ đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 93 tỷ đồng; chi đảm bảo xã hội 468 tỷ đồng; chi quản lý hành chính 1.231 tỷ đồng;...
c) Hoạt động ngân hàng
Ước tính đến 31/8/2024, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 145.876 tỷ đồng, tăng 4,69% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 136.960 tỷ đồng, tăng 4,93% và chiếm 93,89% tổng nguồn vốn. 
Tổng dư nợ ước tính đến thời điểm 31/8/2024 đạt 107.454 tỷ đồng, tăng 9,61% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 78.463 tỷ đồng, tăng 10,29%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 28.991 tỷ đồng, tăng 7,80%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 104.006 tỷ đồng, tăng 10,07%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 3.448 tỷ đồng, giảm 2,74%. 
Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 2.507 tỷ đồng (chiếm 2,33% tổng dư nợ), tăng 105,35% so với thời điểm 31/12/2023.
7. Một số hoạt động xã hội
a) Hoạt động văn hóa, thể thao 
Trong tháng qua, toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và của tỉnh, trọng tâm là kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024). 
Ngày 15/8/2024, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đã diễn ra Liên hoan Giai điệu tuổi hồng và thiếu nhi kể chuyện năm 2024. Tham gia liên hoan có hơn 400 thiếu nhi thuộc 10 đội tuyển đến từ các huyện, thị xã, thành phố với 30 tiết mục ca, múa, nhạc, giới thiệu sách, kể chuyện, thuyết trình. Các tiết mục có chủ đề ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, hình ảnh đẹp Bộ đội Cụ Hồ, những người anh hùng dân tộc; tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo thân yêu, quê hương Hưng Yên đổi mới; các điển hình tiên tiến trong học tập, lao động, sản xuất,... Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức trao các giải Nhất, giải Nhì, giải Ba cho các đội và các tiết mục xuất sắc.
Thư viện tỉnh tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách, báo, tài liệu theo chủ đề: Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ; tuyên truyền giới thiệu sách mới, sách hay trên Fanpage và facebook Thư viện tỉnh. Ngày 22/8/2024, tại Thư viện tỉnh đã diễn ra công tác tổng kết, trao giải vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Hưng Yên năm 2024. Cuộc thi thu hút trên 22 nghìn học sinh của 70 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia. Các bài dự thi phong phú về thể loại, nghiêm túc trong việc đầu tư về hình thức, với nội dung viết (hoặc video clip) về một nhân vật truyền cảm hứng cho lối sống tích cực; viết tiếp một câu chuyện hay; sáng tác một tác phẩm văn học,... qua đó, góp phần lan tỏa văn hóa đọc và đề xuất những sáng kiến phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tổng kết vòng sơ khảo cuộc thi, Ban Tổ chức trao 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 12 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các thí sinh, đồng thời lựa chọn 6 bài thi xuất sắc tham dự vòng chung khảo cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, dự kiến trao giải vào trung tuần tháng 10/2024 tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Nghệ thuật biểu diễn: Nhà hát Chèo đã dàn dựng vở diễn, chương trình ca, múa nhạc đi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân, trọng tâm là: Chương trình nghệ thuật chào mừng Đoàn cán bộ cấp cao của Đảng Nhân dân cách mạng Lào thăm và làm việc tại tỉnh Hưng Yên; tổng duyệt vở chèo “Tướng quân Phạm Ngũ Lão”; biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập huyện Văn Lâm; biểu diễn chương trình nghệ thuật tại hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên. 
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức 72 buổi chiếu phim (12 buổi lưu động, 60 buổi tại rạp) phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của Nhân dân. 
Thể dục, thể thao quần chúng: trong tháng, đã tổ chức 02 giải thể thao quần chúng cấp tỉnh (Karate, Quần vợt). Phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong mọi tầng lớp Nhân dân được đẩy mạnh. 
Thể thao thành tích cao: trong tháng, đoàn thể thao của tỉnh đã tham gia thi đấu 07 giải quốc gia, đạt 28 huy chương các loại (6 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 16 Huy chương Đồng). 
b) Hoạt động y tế
Ngành y tế của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Từ đầu năm đến ngày 23/8/2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 121 ca mắc tay chân miệng; 84 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue; 164 ca bệnh mắc Covid-19, không có trường hợp tử vong. Không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào. 
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được tăng cường nhằm kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
c) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ 
Từ ngày 16/7/2024 đến ngày 15/8/2024, trên địa bàn tỉnh phát hiện 05 vụ vi phạm môi trường (03 vụ về an toàn thực phẩm, 02 vụ về khai thác tài nguyên khoáng sản (cát)), đã xử lý 03 vụ với số tiền xử phạt 28 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm tăng 03 vụ, số vụ xử phạt tăng 02 vụ; số tiền xử phạt giảm 07 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm giảm 02 vụ, số vụ xử phạt giảm 03 vụ, số tiền xử phạt tăng 13 triệu đồng. Lũy kế từ ngày 16/12/2023 đến ngày 15/8/2024, toàn tỉnh đã phát hiện 36 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 23 vụ với số tiền xử phạt là 328 triệu đồng. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu về vi phạm quản lý chất thải nguy hại, xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; tiếp nhận chất thải rắn không đúng quy định; khai thác cát trái phép, vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm,....
Cũng từ ngày 16/7/2024 đến ngày 15/8/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy phương tiện giao thông tại huyện Yên Mỹ; không có vụ nổ; không có người chết, người bị thương do cháy. Lũy kế từ ngày 16/12/2023 đến ngày 15/8/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ cháy, không có vụ nổ, làm bị thương 2 người, không có người chết. 
d) An toàn giao thông    
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 15/7/2024 đến ngày 14/8/2024, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông (đều là tai nạn đường bộ), làm chết 12 người, làm bị thương 15 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 14 vụ, giảm 35,90%; số người chết giảm 04 người, giảm 25,0%; số người bị thương giảm 19 người, giảm 55,88%. Lũy kế từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 14/8/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 396 vụ tai nạn giao thông, làm chết 123 người, làm bị thương 372 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 66 vụ, tăng 20,0%; số người chết tăng 03 người, tăng 2,50%; số người bị thương tăng 160 người, tăng 75,47%./.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây