Trên thế giới, giá hàng hóa tăng đột biến trong bối cảnh những cú sốc địa chính trị và thời tiết. Xung đột ở Trung Đông, ở U-crai-na và các cuộc tấn công liên tục ở Biển Đỏ có nguy cơ tạo ra những cú sốc bất lợi mới về nguồn cung đối với sự phục hồi toàn cầu, do chi phí lương thực, năng lượng và vận chuyển tăng đột biến. Những cú sốc thời tiết cực đoan hơn, bao gồm lũ lụt và hạn hán, cùng với hiện tượng El Nino, cũng có thể khiến giá lương thực tăng cao, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và làm gián đoạn quá trình giảm lạm phát trên toàn cầu. Tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc gây ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng của các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.
Tình hình kinh tế – xã hội quý I năm 2024 diễn ra trong bối cảnh cả nước đón tết Nguyên đán Giáp Thìn, các hoạt động du lịch, dịch vụ nhìn chung sôi động. Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế – xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau tết Nguyên đán năm 2024.
Đối với tỉnh Hưng Yên, Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt kịp thời và tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản của cấp trên. Đồng thời đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành với 17 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong Nghị quyết số 412/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên năm 2024; các cấp, các ngành, địa phương đã thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp đã phục hồi và phát triển trở lại. Các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh tiếp tục đón nhận những dự án sản xuất công nghiệp mới vào đầu tư và những dự án được đầu tư, mở rộng sản xuất đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I năm 2024 ước tăng 6,71% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,06% (đóng góp 0,18 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); công nghiệp và xây dựng tăng 7,49% (đóng góp 4,57 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); khu vực thương mại, dịch vụ tăng 5,43% (đóng góp 1,29 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,49% (đóng góp 0,68 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh). Như vậy, tăng trưởng kinh tế trong quý I của tỉnh tiếp tục duy trì mức khá ổn định so với quý I các năm gần đây[1] và chủ yếu đóng góp từ khu vực công nghiệp và xây dựng, đóng góp tới 68,04% tăng trưởng. So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên xếp thứ 7/11 tỉnh, thành phố[2] và xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Sản xuất nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, không có dịch bệnh xảy ra đối với cây trồng và vật nuôi. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều đạt khá, tuy nhiên, do diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm tiếp tục giảm nên sản lượng cây trồng hằng năm giảm.
Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp cùng lúc phải chịu ảnh hưởng từ việc thị trường một số sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp; chi phí sản xuất kinh doanh tăng;... nhưng đã bắt đầu thích ứng linh hoạt trước các biến động của thị trường. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,29%, đóng góp 3,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh. Một số ngành duy trì được mức trưởng khá như: sản xuất trang phục; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện;...
Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển mạnh nhờ đầu tư công và đầu tư tư nhân tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đối với hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp và một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng ước tính tăng 18,59%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành xây dựng trong những năm gần đây[3].
Các hoạt động kinh doanh dịch vụ tiếp đà phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước và là ngành có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực thương mại, dịch vụ ước tăng 5,43%, đóng góp 1,29 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh. Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá như: Kinh doanh bất động sản tăng 9,77%; hoạt động tài chính, ngân hàng tăng 7,55%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 6,99%; vận tải, kho bãi tăng 6,13%;...
2. Sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản
a) Trồng trọt
Cây hằng năm
Sản xuất vụ Đông: tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông toàn tỉnh đạt 6.795,7 ha, giảm 0,83% (giảm 56,6 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngô 1.294,5 ha, giảm 0,65% (giảm 8,4 ha); cây lấy củ có chất bột 339,7 ha, giảm 2,66% (giảm 9,3 ha); cây có hạt chứa dầu 237,7 ha, tăng 0,92% (tăng 2,2 ha); rau, đậu, hoa các loại 4.482,9 ha[4], giảm 2,04% (giảm 93,3 ha); cây hằng năm khác đạt 440,1 ha, tăng 13,23% (tăng 51,4 ha).
Thời tiết tương đối thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển các loại rau màu vụ Đông. Hầu hết các loại cây rau màu năm nay đều cho năng suất khá hơn năm trước. Năng suất, sản lượng một số cây hằng năm so với cùng kỳ năm trước cụ thể như sau: năng suất ngô đạt 57,48 tạ/ha, tăng 6,28%, sản lượng ngô 7.440 tấn, tăng 5,59% (tăng 394,2 tấn); năng suất khoai lang 145,88 tạ/ha, giảm 0,1%, sản lượng khoai lang 1.931 tấn, giảm 2,34% (giảm 46,2 tấn); năng suất đậu tương đạt 16,96 tạ/ha, giảm 2,19%, sản lượng đậu tương 337 tấn, tăng 0,7% (tăng 2,4 tấn); năng suất rau các loại 240,03 tạ/ha, tăng 0,48%, sản lượng rau các loại 97.607,4 tấn, giảm 1,55%; 33.576 nghìn bông hoa các loại.
Sản xuất vụ Xuân: đến ngày 25/3, toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy lúa vụ Xuân, diện tích gieo cấy ước đạt 24.208 ha, đạt 100,22% Kế hoạch, giảm 4,45% (giảm 1.127 ha) so với vụ Xuân năm 2023. Ngoài việc hoàn thành diện tích gieo cấy lúa, người dân các địa phương đã khẩn trương gieo trồng các loại rau màu vụ Xuân. Đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng 978 ha ngô 431 ha đậu tương và lạc, 3.422 ha rau các loại. Diện tích rau màu vụ Xuân đã thu hoạch đạt 508 ha.
Cây lâu năm: tình hình sản xuất cây lâu năm của tỉnh vẫn duy trì ổn định. Tổng diện tích hiện có cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 15.968,3 ha, tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước (cây ăn quả chiếm 93,5% tổng diện tích). Ước tính trong quý I, toàn tỉnh thu hoạch được 17.500 tấn chuối (tăng 2,34%), 21.566 tấn cam (tăng 1,05%), 4.250 tấn táo (tăng 1,19%), 2.145 tấn ổi (giảm 3,37%),…
b) Chăn nuôi
Đến thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh phát triển ổn định, không có địa phương nào xuất hiện dịch bệnh. Tại thời điểm 01/3/2024, so với cùng kỳ năm trước, ước tính đàn trâu đạt 4.961 con, tăng 1,04%; đàn bò 30.241 con, tăng 1,18%; đàn lợn 512.947 con, tăng 1,94%; đàn gia cầm 9.145 nghìn con, tăng 2,13%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I/2024 ước tính như sau: thịt trâu 114 tấn, tăng 3,64% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 1.115 tấn, tăng 1,46%; thịt lợn 26.350 tấn, tăng 3,01%; thịt gia cầm 12.469 tấn, tăng 3,06%; trứng 156.694 nghìn quả, tăng 7,15%; sữa 2.105 tấn, tăng 5,89%.
c) Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.114 ha, giảm 1,55%, tương ứng giảm 81 ha so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu vẫn là giống cá trắm, chép, rô phi, mè, trôi,... cho năng suất cao. Sản lượng thủy sản quý I ước đạt 13.998 tấn, tăng 3,87%. Trong đó, cá các loại 13.750 tấn, tăng 3,82%; tôm 86 tấn, tăng 16,49%; thủy sản khác 162 tấn, tăng 1,76%. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I ước đạt 13.877 tấn, tăng 3,94%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 121 tấn, giảm 3,57%.
Sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Tổng sản lượng giống cung cấp toàn tỉnh trong quý I/2024 đạt 2.374 triệu con; tăng 3,94% so với năm 2023. Sản lượng giống cung cấp chủ yếu là cá bột và cá trắm giống, chiếm tới 98% tổng sản lượng.
3. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Ba tăng 3,32% so với tháng trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,80%; sản xuất và phân phối điện tăng 25,62%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 62,27%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Ba tăng 8,72%. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,58%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,78%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,07%. Một số sản phẩm có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 24,12%; quần áo các loại tăng 12,30%; giầy, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 18,52%; máy giặt loại dùng cho hiệu giặt là quần áo với sức chứa >10 kg vải khô một lần giặt tăng 13,95%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser tăng 30,01%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 4,37%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 4,69%; sắt, thép các loại tăng 4,78%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 62,40%;... Bên cạnh đó, cũng có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia súc giảm 4,10%; thức ăn cho gia cầm giảm 18,41%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 24,14%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 60,31%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 33,01%;...
Tính chung quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,47 %; sản xuất và phân phối điện tăng 6,40%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,11%. Một số ngành kinh tế cấp 2 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng là: sản xuất trang phục tăng 11,05%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm rạ và vật liệu tết bện tăng 7,53%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 21,64%; sản xuất kim loại tăng 8,00%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 21,64%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,62%;... Bên cạnh đó cũng một số ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 4,71%; sản xuất đồ uống giảm 9,44%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 6,53%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 43,70%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 42,22%;... Một số sản phẩm có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 14,02%; quần áo các loại tăng 8,78%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 5,23%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 8,91%; sắt, thép các loại tăng 4,75%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser tăng 17,33%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 52,17%; máy giặt loại dùng cho hiệu giặt là quần áo với sức chứa > 10 kg vải khô một lần giặt tăng 5,98%;... Bên cạnh đó, cũng có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia súc giảm 9,26%; thức ăn cho gia cầm giảm 14,14%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 39,58%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 46,87%;...
4. Hoạt động đầu tư, xây dựng
a) Hoạt động đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: tổng vốn đầu tư phát triển quý I ước đạt 13.767 tỷ đồng; giảm 3,90% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh ở khu vực Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (giảm 57,35%). Vốn đầu tư phát triển phân theo nguồn vốn như sau: Vốn đầu tư nhà nước đạt 2.551 tỷ đồng, tăng 4,57%; Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 10.312 tỷ đồng, tăng 5,59%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 905 tỷ đồng, giảm 57,35%. Vốn đầu tư phát triển phân theo ngành kinh tế: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 63 tỷ đồng, giảm 84,46%; công nghiệp và xây dựng 3.417 tỷ đồng, giảm 33,87%; thương mại, dịch vụ 10.288 tỷ đồng, tăng 17,48%.
Thực hiện vốn đầu tư ngân sách địa phương: vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Ba ước đạt 877 tỷ đồng, giảm 3,04% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 427 tỷ đồng, giảm 12,84%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 286 tỷ đồng, tăng 33,79%; vốn ngân sách cấp xã đạt 164 tỷ đồng, giảm 18,27%. Quý I năm 2024, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 2.516 tỷ đồng, tăng 5,20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 1.307 tỷ đồng, tăng 10,34%; vốn ngân sách cấp huyện 722 tỷ đồng, tăng 6,85%; vốn ngân sách cấp xã 488 tỷ đồng, tăng 7,99%.
Hoạt động đầu tư nước ngoài: tính đến 20/3/2024, toàn tỉnh có 563 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt 7.299,5 triệu USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 176 dự án, vốn đăng ký là 3.862,7 triệu USD, chiếm 52,92% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 156 dự án, vốn đăng ký 891,6 triệu USD, chiếm 12,21% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 141 dự án, vốn đăng ký 1.158,9 triệu USD, chiếm 15,88% tổng số vốn đăng ký.
b) Phát triển doanh nghiệp
Tính từ ngày 22/12/2023 đến ngày 21/3/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 441 doanh nghiệp, với vốn đầu tư đăng ký 4.504 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản 01 doanh nghiệp, vốn đăng ký 10 tỷ đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo 82 doanh nghiệp, vốn đăng ký 1.956 tỷ đồng; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 181 doanh nghiệp, vốn đăng ký 702 tỷ đồng; xây dựng 39 doanh nghiệp, vốn đăng ký 222 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản 16 doanh nghiệp, vốn đăng ký 795 tỷ động; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 29 doanh nghiệp, vốn đăng ký 135 tỷ đồng;...
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I (tính từ ngày 22/12/2023 đến ngày 21/3/2024) là 128 doanh nghiệp. Trong đó, ngành sản xuất kinh doanh quay lại hoạt động nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 46 doanh nghiệp, tiếp đó là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 28 doanh nghiệp; xây dựng 10 doanh nghiệp; vận tải kho bãi 09 doanh nghiệp; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 08 doanh nghiệp; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 07 doanh nghiệp;...
Số doanh nghiệp giải thể trong quý I (tính từ ngày 22/12/2023 đến ngày 21/3/2024) là 59 doanh nghiệp, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 410 doanh nghiệp. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 15 doanh nghiệp giải thể và 110 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; ngành bán buôn, bán lẻ có 22 doanh nghiệp giải thể và 149 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; kinh doanh bất động sản có 07 doanh nghiệp giải thể và 17 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ có 01 doanh nghiệp giải thể và 21 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; xây dựng có 02 doanh nghiệp giải thể và 34 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động;...
c) Hoạt động xây dựng
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 KCN (diện tích 4.395,43 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Trong đó, 11 KCN được chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích 2.873 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký 14.395 tỷ đồng và 412,25 triệu USD. Hiện tại, có 09 KCN đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hoạt động xây dựng trong quý I năm 2024 và thời gian tới.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng trong quý I/2024 theo giá so sánh ước đạt 5.170 tỷ đồng, tăng 18,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: xây dựng công trình nhà ở đạt 2.771 tỷ đồng, tăng 3,02%; công trình nhà không để ở 1.062 tỷ đồng, tăng 98,88%; công trình kỹ thuật dân dụng 1.016 tỷ đồng, tăng 30,23%; hoạt động xây dựng chuyên dụng 319 tỷ đồng, giảm 9,21%.
5. Thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước tính đạt 10.707 tỷ đồng, tăng 34,22% so với tháng trước và tăng 22,15% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 28.454 tỷ đồng, tăng 13,04% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể như sau:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Ba ước đạt 2.644 tỷ đồng, tăng 3,26% so với tháng trước và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng so với tháng trước chủ yếu là do các ngành sau: gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,66%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,45%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 43,54%; nhiên liệu, xăng dầu tăng 4,32%;... Bên cạnh một số nhóm hàng có doanh thu tăng, trong tháng cũng có một số mặt hàng có doanh thu giảm so với tháng trước như: lương thực, thực phẩm giảm 2,27%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) giảm 3,24%; nhóm hàng vàng bạc đá quý, kim loại quý giảm 2,47%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục giảm 0,88%.
Quý I năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7.974 tỷ đồng, tăng 9,28%. Tốc độ tăng, giảm doanh thu một số nhóm ngành hàng, dịch vụ chủ yếu như sau: gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,01%; xăng dầu các loại tăng 86,36%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 5,47%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 21,55%; hàng hóa khác tăng 44,34%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 0,20%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,29%; lương thực, thực phẩm giảm 1,07%; hàng may mặc giảm 9,96%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục giảm 23,76%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 24,43%; phương tiện đi lại (trừ ô tô con) giảm 31,07%;
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Ba ước đạt 235 tỷ đồng, tăng 6,25% so với tháng trước và giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú 8,6 tỷ đồng, tăng 2,51% so với tháng trước và giảm 12,21% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch ăn uống 226 tỷ đồng, tăng 6,40% so với tháng trước và giảm 1,94% so với cùng kỳ năm trước.
Quý I năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 710 tỷ đồng, giảm 0,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 27 tỷ đồng, giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch ăn uống 683 tỷ đồng, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành tháng Ba ước đạt 5,3 tỷ đồng, tăng 24,12% so với tháng trước và tăng 234,90% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2024, doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành ước đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 104,16% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu ngành dịch vụ khác tháng Ba ước đạt 7.823 tỷ đồng tăng 50,68% so với tháng trước và tăng 30,09% so cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất ở doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản 7.363 tỷ đồng, tăng 50,40% so với tháng trước và tăng 31,12% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2024, doanh thu dịch vụ khác 19.756 tỷ đồng, tăng 15,17%. Một số ngành có mức tăng cao như Dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 15,17%; Dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 38,93%; Dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 30,82%;...
6. Chỉ số giá
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm 0,09% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 04 nhóm có chỉ số tăng, 06 nhóm có chỉ số giảm và 01 nhóm có chỉ số ổn định. 06/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số giá giảm là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,94%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,19%; giao thông giảm 0,18%; bưu chính viễn thông giảm 0,18%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,22%. 04/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số giá tăng là: may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,06%; nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,07%; giáo dục tăng 0,19%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số ổn định so với tháng trước.
So với tháng 12/2023, Chỉ số giá tiêu dùng Ba tăng 1,61%. Trong đó: hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,43%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,40%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,77%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,30%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; dịch vụ giao thông tăng 2,90%; bưu chính, viễn thông giảm 0,51%; giáo dục tăng 0,27%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 1,83%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,32%.
So với tháng cùng kỳ năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba tăng 8,28%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,56% (lương thực tăng 23,23%; thực phẩm tăng 3,67%; ăn uống ngoài gia đình tăng 7,93%); đồ uống và thuốc lá tăng 3,00%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 6,36%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 22,88%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,07%; dịch vụ giao thông giảm 0,36%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 3,06%; giáo dục tăng 3,78%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,41%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,81%.
Bình quân chung quý I/2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Cụ thể, hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 5,39%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,64%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 5,43%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 22,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,38%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,06%; dịch vụ giáo dục tăng 3,70%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 1,94%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,75%; giao thông giảm 0,21%; bưu chính, viễn thông giảm 2,82%.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tại tỉnh Hưng Yên tháng 3/2024 tăng 4,66% so với tháng trước và tăng 19,02% so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá vàng trên địa bàn tỉnh đang ở mức giá cao nhất trong mấy năm trở lại gần đây, bình quân tháng 3/2023 giá vàng xấp xỉ 6.629.000 VNĐ/1 chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2024 tăng 0,85% so với tháng trước và tăng 3,87% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá chuyển đổi đồng Đô la Mỹ sang Đồng Việt Nam xấp xỉ 24.840 VND.
7. Hoạt động vận tải
Doanh thu vận tải tháng Ba ước đạt 541 tỷ đồng, tăng 2,85% so với tháng trước và tăng 6,28% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải quý I/2024 ước đạt 1.653 tỷ đồng, tăng 8,74% so với cùng kỳ năm trước.
a) Hoạt động vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng Ba ước đạt 1.482 nghìn lượt người vận chuyển và 85.047 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 9,11% về lượt người vận chuyển và tăng 10,24% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 78 tỷ đồng, tăng 10,54%.
Tính chung quý I, vận tải hành khách ước đạt 4.456 nghìn lượt người vận chuyển và 254.734 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 2,94% về lượt người vận chuyển và tăng 2,83% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 235 tỷ đồng, tăng 2,98%.
b) Hoạt động vận tải hàng hoá
Vận tải hàng hoá tháng Ba ước đạt 3.102 nghìn tấn vận chuyển và 142.741 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 7,02% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 4,98% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 386 tỷ đồng, tăng 6,22%.
Tính chung quý I, vận tải hàng hoá ước đạt 9.417 nghìn tấn vận chuyển và 431.289 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 10,16% về tấn hàng hoá vận chuyển và tăng 9,41% về tấn hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.183 tỷ đồng, tăng 10,36%.
c) Kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tháng Ba năm 2024 đạt 59 tỷ đồng, giảm 3,05% so với tháng trước và tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bưu chính, chuyển phát ước tháng Ba năm 2024 đạt 18 tỷ đồng, tăng 17,65% so với tháng trước và giảm 15,63% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 181 tỷ đồng, tăng 10,17% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 54 tỷ đồng, giảm 2,94% so với cùng kỳ năm trước.
8. Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
a) Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách tháng Ba ước đạt 1.716 tỷ đồng, giảm 22,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa 1.387 tỷ đồng, giảm 26,51%; thuế xuất nhập khẩu 330 tỷ đồng, giảm 0,77%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ doanh nghiệp nhà nước 15 tỷ đồng, tăng 11,26%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 168 tỷ đồng, giảm 21,09%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 513 tỷ đồng, giảm 37,24%; thu thuế thu nhập cá nhân 137 tỷ đồng, tăng 14,62%; các khoản thu về đất 421 tỷ đồng, giảm 28,58%;...
Quý I năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 9.962 tỷ đồng, tăng 56,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa 8.950 tỷ đồng, tăng 61,68%; thuế xuất nhập khẩu 1.012 tỷ đồng, tăng 19,08%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ doanh nghiệp nhà nước 64 tỷ đồng, tăng 25,67%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 950 tỷ đồng, tăng 17,24%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 4.565 tỷ đồng, tăng 124,25%; thu lệ phí trước bạ 130 tỷ đồng, tăng 12,17%; thuế thu nhập cá nhân 470 tỷ đồng, tăng 17,16%; các khoản thu về đất 2.438 đồng, tăng 27,58%.
b) Chi ngân sách nhà nước
Tính từ 01/01/2024 đến ngày 25/3/2024, chi ngân sách nhà nước ước đạt 8.305 đồng, đạt 20,30% Kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 6.710 tỷ đồng; chi thường xuyên 1.595 tỷ đồng. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 93 tỷ đồng; chi giáo dục, đào tạo 642 tỷ đồng; chi sự nghiệp y tế 114 tỷ đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 26 tỷ đồng; chi đảm bảo xã hội 160 tỷ đồng; chi quản lý hành chính 422 tỷ đồng.
c) Hoạt động ngân hàng
Ước tính đến 31/3/2024, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 142.521 tỷ đồng, tăng 2,28% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 133.320 tỷ đồng, tăng 2,14% và chiếm 93,54% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ đối với nền kinh tế ước tính đến thời điểm 31/3/2024 đạt 97.748 tỷ đồng, giảm 0,29% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 70.980 tỷ đồng, giảm 0,23%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 26.768 tỷ đồng, giảm 0,47%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 94.256 tỷ đồng, giảm 0,25%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 3.492 tỷ đồng, giảm 1,50%.
Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.299 tỷ đồng (chiếm 1,33% tổng dư nợ), tăng 6,41% so với thời điểm 31/12/2023.
II. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Từ đầu năm đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra tương đối ổn định; giá cả tiêu dùng được kiểm soát; các chính sách về lao động, tiền lương được triển khai thực hiện đã đem lại các kết quả tích cực tác động trực tiếp đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình chính sách và hỗ trợ đối tượng xã hội, cụ thể như sau:
Người có công với cách mạng: tặng 33.062 suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí là 10.125,3 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tặng 33.140 suất quà của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tới người có công, gia đình liệt sỹ, gia đình quân nhân làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 và các đơn vị chăm sóc nuôi dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền là 29.854,8 triệu đồng. Ngoài ra, tại các địa phương (cấp huyện, cấp xã) đã trích ngân sách và vận động các tổ chức, cá nhân tặng 12.283 suất quà, trị giá 4.682,8 triệu đồng cho người có công và thân nhân người có công.
Người cao tuổi: thăm, chúc thọ, tặng quà 35.566 người cao tuổi, tổng số tiền là 12.289,5 triệu đồng (trong đó nguồn xã hội hóa là 273,5 triệu đồng).
Hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng khác tại cộng đồng: hỗ trợ 3.483 hộ nghèo (100% hộ nghèo) ăn Tết, với mức 500.000đ/hộ, tổng số tiền là 1.741,5 triệu đồng (trong đó: ngân sách tỉnh: 1.393,2 triệu đồng; Quỹ Vì người nghèo: 348,3 triệu đồng); hỗ trợ 732 đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở trợ giúp xã hội trong tỉnh, tổng số tiền là 499,3 triệu đồng (trong đó: ngân sách tỉnh 262 triệu đồng; nguồn xã hội hóa là 237,3 triệu đồng). Ngoài ra, có 15.495 suất quà được trao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi với tổng số tiền 6.336,5 triệu đồng. Toàn tỉnh thăm, tặng quà, trợ giúp (bằng tiền và hiện vật) cho 5.010 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 1.783,4 triệu đồng, trong đó, nguồn vận động là 1.413,7 triệu đồng.
Chăm lo, hỗ trợ người lao động: theo số liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh, toàn tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà 66.367 người lao động với kinh phí trên 28,53 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách và xã hội hóa).
2. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
a) Hoạt động văn hóa
Quý I năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2024) và mừng Xuân Giáp Thìn 2024; kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Văn hóa quần chúng và tuyên truyền cổ động: tổ chức Chương trình nghệ thuật chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), mừng Xuân Giáp Thìn; tổ chức trình diễn di sản văn hóa phi vật thể (hát Văn, Chầu văn, Xẩm); viết kịch bản, lên market, tổ chức tập luyện chuẩn bị tham gia Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; tổ chức 10 buổi xe ô tô đi tuyên truyền lưu động; trưng bày, triển lãm ảnh tư liệu về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hình ảnh quê hương Hưng Yên, pano tranh cổ động; tham gia sáng tác tranh cổ động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; kỷ niệm 65 năm ngày Mở đường Hồ Chí Minh – ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
Thư viện tỉnh tổ chức 01 cuộc trưng bày, triển lãm sách, báo, tài liệu kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2024), mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 thu hút 6.671 lượt người tham quan; tham gia trưng bày sách, báo, tài liệu tại Hội báo Xuân Giáp Thìn; tuyên truyền giới thiệu sách, báo, tài liệu kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và địa phương; tuyên truyền sách hay trên Fanpage Facebook Thư viện tỉnh; tổ chức nói chuyện chuyên đề “Văn hóa đọc cho thanh thiếu niên - học sinh trong thời đại công nghệ số” tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, thu hút trên 1.000 học sinh và giáo viên tham dự.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức 205 buổi chiếu, trong đó có 30 buổi lưu động, 175 buổi tại rạp phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của Nhân dân.
Nhà hát Chèo tổ chức 31 buổi biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ Nhân dân, trọng tâm là: Biểu diễn ca nhạc Khai mạc “Chợ Tết Việt” tại Bảo Tàng tỉnh; chương trình văn nghệ kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02; chương trình nghệ thuật đêm giao thừa tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh và tại khu Đô thị mới xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu; chương trình văn nghệ Khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn tỉnh Hưng Yên.
b) Hoạt động thể dục, thể thao
Thể dục, thể thao quần chúng: tổ chức thành công các giải thể thao quần chúng cấp tỉnh như: Bóng bàn cán bộ lãnh đạo, quản lý và vô địch các nhóm tuổi tỉnh Hưng Yên; Bóng chuyền hơi nam, nữ vô địch các nhóm tuổi tỉnh; Quần vợt vô địch các CLB tỉnh Hưng Yên; Hội thao nhân dịp kỷ niệm Ngày Thể thao Việt Nam; Hội thi thể dục, thể thao dành cho người khiếm thị tỉnh Hưng Yên.
Thể thao thành tích cao: trong quý I/2024, Đoàn Thể thao của tỉnh đã tham gia 02 giải thể thao quốc gia, đạt 14 huy chương các loại, trong đó: 03 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng.
c) Hoạt động du lịch
Tham gia quảng bá xúc tiến du lịch tỉnh tại các sự kiện: “Chợ Tết Việt” tổ chức tại Bảo Tàng Hưng Yên; Lễ hội làng Nôm xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm; lễ hội đền Đa Hòa xã Bình Minh, huyện Khoái Châu; Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, huyện Yên Mỹ; Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc Hải Dương năm 2024. Xây dựng Kế hoạch, maket, nội dung chuẩn bị tham gia quảng bá xúc tiến du lịch tỉnh tại Liên hoan ẩm thực Hưng Yên lần thứ Nhất năm 2024; đăng ký gian hàng, phối hợp lên maket, xây dựng nội dung quảng bá xúc tiến du lịch tỉnh tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM - HaNoi; Ngày hội du lịch Thành Phố Hồ Chí Minh; Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” diễn ra tại tỉnh Điện Biên; phối hợp với Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch Sông Hồng tổ chức đón và hướng dẫn đoàn khách tour du lịch sông Hồng.
3. Hoạt động y tế
Sốt xuất huyết Dengue: lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/3/2024, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số 05 ca mắc sốt xuất huyết Dengue (Ân Thi 01 ca, Văn Giang 01 ca, Khoái Châu 01 ca, Mỹ Hào 01 ca, Văn Giang 01 ca), không có trường hợp tử vong. Không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, các bệnh nhân mắc bệnh đều đã được điều tra, giám sát.
Dịch Covid-19: lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/3/2024, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 68 ca mắc Covid-19, không có trường hợp tử vong.
Tình hình một số bệnh truyền nhiễm khác:
- Ngày 07/3 ghi nhận chùm ca bệnh tiêu chảy cấp tại trường mầm non xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, trong đó 01 ca xét nghiệm dương tính với Rota virus, các bệnh nhân hiện tại đã ổn định, không có ca nặng hoặc tử vong.
- Tình hình bệnh tay chân miệng: Trong tuần ghi nhận 05 ca mắc mới (tăng 04 ca so với tuần trước). Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 17 ca mắc bệnh tay chân miệng, bệnh nhân được sàng lọc tại bệnh viện khi đến khám và điều trị, không có trường hợp tử vong.
- Bệnh bạch hầu, đậu mùa khỉ: Hiện tại toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nào.
- Bệnh cúm mùa: Toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm cúm A H5N1 và H7N9, lũy kế số ca mắc cúm mùa từ đầu năm 2024 đến nay là 1.469 ca theo báo cáo của các địa phương trên phần mềm bệnh truyền nhiễm (TT54), các bệnh nhân được phát hiện tại các cơ sở y tế, không ghi nhận ca bệnh nặng hoặc tử vong.
4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/02/2024 đến ngày 15/3/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát hiện 01 vụ vi phạm môi trường về khai thác tài nguyên khoáng sản (cát), cơ quan chức năng đã xử lý 01 vụ, số tiền xử 20 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm giảm 04 vụ, giảm 80,0%; số vụ xử phạt giảm 04 vụ, giảm 80,0%; số tiền xử phạt giảm 70 triệu đồng, giảm 77,78%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm giảm 19 vụ, giảm 95,0%; số vụ đã xử lý giảm 14 vụ, giảm 93,33%; số tiền xử phạt giảm 42 triệu đồng, giảm 67,74%. Lũy kế từ ngày 16/12/2023 đến ngày 15/3/2024, toàn tỉnh đã phát hiện 12 vụ vi phạm môi trường; xử lý 12 vụ với tổng số tiền xử phạt là 160 triệu đồng. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu về vi phạm quản lý chất thải nguy hại, xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; tiếp nhận chất thải rắn không đúng quy định; khai thác cát trái phép, an toàn vệ sinh thực phẩm,...
Từ ngày 15/02/2024 đến ngày 14/3/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra 3 vụ cháy tại huyện Văn Giang (01 vụ); thị xã Mỹ Hào (01 vụ) và huyện Tiên Lữ (01 vụ), không có người chết, người bị thương do cháy. Trong đó: 01 vụ cháy nhà đơn lẻ; 2 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh khác. Lũy kế từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/3/2024, toàn tỉnh đã đã xảy ra 15 vụ cháy, tăng 11 vụ (tăng 275%) so với cùng kỳ năm trước.
5. An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/02/2024 đến 14/3/2024, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 15 người, làm bị thương 41 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 27 vụ, giảm 36,49%; số người chết giảm 7 người, giảm 31,82%; số người bị thương giảm 25 người, giảm 37,88%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 9 vụ, tăng 23,68%; số người chết tăng 5 người, tăng 50,0%; số người bị thương tăng 14 người, tăng 51,85%. Lũy kế từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 14/3/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 189 vụ tai nạn giao thông, làm chết 59 người, làm bị thương 179 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 97 vụ, tăng 105,43%; số người chết tăng 18 người, tăng 43,90%; số người bị thương tăng 116 người, tăng 184,13%./.
Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn