2 Banner ngang

Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 11 và 11 tháng năm 2018

Thứ sáu - 30/11/2018 13:53

    1. Nông nghiệp và thủy sản
    Trọng tâm sản xuất nông nghiệp trong tháng qua trên địa bàn tỉnh là tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa mùa, tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương gieo trồng rau màu cây vụ đông và bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm.
    Đối với trồng trọt: Tính đến ngày 19/10/2018, toàn tỉnh đã thu hoạch xong diện tích lúa mùa, nông dân các địa phương khẩn trương gieo trồng các loại cây rau màu vụ đông. Theo đánh giá của ngành chức năng, sản xuất vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho gieo trồng cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và huyện, nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ trồng cây rau màu vụ đông với cơ cấu giống phong phú, tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường, dự báo năng suất cao hơn năm trước.
    Tuy vậy, sản xuất cây vụ đông năm nay cũng có không ít khó khăn, đó là: giá đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá nhân công, công làm đất tăng nhanh, trong khi giá sản phẩm cây vụ đông không tăng nhiều trong những năm gần đây gây khó khăn cho nông dân trong đầu tư thâm canh cây vụ đông, giảm hiệu quả sản xuất; nguồn lao động trẻ bị thu hút vào làm trong các doanh nghiệp và dịch vụ thương mại, xây dựng nên nhiều nơi thiếu lao động thời vụ, nhất là các huyện phía bắc tỉnh; nhiều địa phương, sản xuất vụ đông chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, khó khăn trong tưới tiêu, bảo vệ sản xuất. Do vậy, dự báo tổng diện tích gieo trồng vụ đông năm nay khả năng sẽ không đạt kế hoạch.
    Theo báo cáo tiến độ sản xuất đến ngày 20/11/2018, toàn tỉnh gieo trồng đạt 10.726 ha cây vụ đông các loại. Trong đó: cây ngô đạt 2.750 ha; lạc, đậu tương 377 ha; khoai tây 480 ha; bí các loại 1.295 ha; dược liệu 302 ha; hoa cây cảnh 927 ha; rau, màu các loại 4.595 ha. Đến thời điểm này, các loại cây vụ đông đang sinh trưởng và phát triển tốt. Từ ngày 07/11, các tỉnh phía Bắc nhiệt độ giảm xuống, đây là điều kiện thuận lợi cho cây vụ đông phát triển nhanh và cho năng suất cao.
    Cây ăn quả: Đối với các loại cây ăn quả như cam, chuối đều đang trong giai đoạn phát triển quả và cho thu hoạch. Thời tiết trong thời gian vừa qua tương đối thuận lợi, dự tính sản lượng cam, bưởi năm nay tăng hơn so với năm trước.
    Đối với chăn nuôi: Trong tháng qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Đàn gia súc, gia cầm vẫn phát triển ổn định. Theo ngành chức năng, để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trong những những tháng cuối năm, toàn tỉnh phấn đấu tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ 100% số con trong diện tiêm, kế hoạch tiêm phòng vụ thu-đông cho đàn gia súc, gia cầm tập trung từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2018. Đến thời điểm này, các huyện, thành phố đã hoàn thành tiêm phòng tả và tụ huyết trùng cho đàn lợn; hoàn thành tiêm phòng tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò, dê và đang triển khai tiêm phòng bệnh cúm gia cầm và bệnh dại trên đàn chó, mèo.
    2. Sản xuất công nghiệp
    So với cùng kỳ năm trước, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Mười Một tăng 10,81%, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 5,93%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,89%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 10,74%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 17,10%;
    Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 10,35%; thức ăn cho gia cầm tăng 27,57%; nước khoáng không ga tăng 14,15%; quần áo các loại tăng 22,61%; cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ tăng 36,76%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 10,36%; sản phẩm bằng plastic tăng 15,23%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 10,86%; mạch điện tử tích hợp tăng 10,48%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 3,10%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 22,24%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 17,94%; điện thương phẩm tăng 10,74%...
    Tính chung mười một tháng năm 2018, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,52% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) giảm 17,41%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,49%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,11%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,99%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 8,39%; thức ăn cho gia súc tăng 7,62%; thức ăn cho gia cầm tăng 15,21%; nước khoáng không ga tăng 5,32%; quần áo các loại tăng 20,74%; cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ tăng 34,52%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 13,17%; sản phẩm bằng plastic tăng 12,84%; gạch xây bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 6,57%; sắt thép các loại tăng 8,20%; mạch điện tử tích hợp tăng 12,03%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5W tăng 21,61%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 6,73%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 13,09%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 8,39%; điện thương phẩm tăng 14,11%.
    3. Hoạt động đầu tư, xây dựng
    Vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Mười Một ước đạt 221.130 triệu đồng, tăng 17,22% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 89.040 triệu đồng, giảm 2,25%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 63.540 triệu đồng, tăng 35,35%; vốn ngân sách cấp xã đạt 68.550 triệu đồng tăng 35,46%. Tính chung mười một tháng năm 2018, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 1.914.058 triệu đồng, tăng 14,13% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 85,39% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 847.473 triệu đồng, tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2017; vốn ngân sách cấp huyện 534.847 triệu đồng, tăng 26,92; vốn ngân sách cấp xã 531.738 triệu đồng, tăng 27,24%.
    Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 20/11/2018, toàn tỉnh có 417 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.343.437 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 27 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 127.612 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 153 dự án, vốn đăng ký là 2.849.313 nghìn USD, chiếm 65,60% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 124 dự án, vốn đăng ký 642.000 nghìn USD, chiếm 14,78% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 83 dự án, vốn đăng ký 455.103 nghìn USD, chiếm 10,48% tổng số vốn đăng ký.
    4. Thương mại, dịch vụ
    Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng Mười Một ước đạt 2.733.250 triệu đồng, tăng 13,58% so với tháng cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.188.986 triệu đồng, tăng 12,23%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 146.306 triệu đồng, tăng 13,35%; doanh thu dịch vụ khác 397.959 triệu đồng, tăng 21,74%. Tính chung mười một tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính 28.240.916 triệu đồng, tăng 11,48% so với cùng kỳ năm 2017.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa mười một tháng đầu năm 2018 ước đạt 22.749.272 triệu đồng, chiếm 80,55% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó:             Doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13,11%; hàng may mặc tăng 7,86%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 2,41%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 47,40%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,45%; ô tô các loại tăng 9,46%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 7,98%; xăng, dầu các loại tăng 10,38%; đá quý, kim loại quý tăng 31,36%...
    Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống mười một tháng năm 2018 ước tính đạt 1.517.983 triệu đồng, tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2017.
    Dịch vụ khác mười một tháng năm 2018 ước tính đạt 3.973.662 triệu đồng, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm 2017.
    5. Chỉ số giá
    a. Chỉ số giá tiêu dùng

    Trong tháng qua, giá một số mặt hàng tiêu dùng giảm so với tháng trước, như: thịt lợn, thịt gia cầm, thủy sản tươi sống, rau tươi, khô, hoa quả, trứng gà, trứng vịt, điện, nước, gas, xăng, dầu... đã tác động tới chỉ số giá tiêu dùng trong tháng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2018 đã giảm 0,52% so với tháng trước. Trong đó: Có 5/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,70%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,33%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,36%; giao thông giảm 1,70%; bưu chính, viễn thông giảm 0,13%. Có 4/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: nhóm hàng may mặc, mũ, nón, giày dép tăng 0,28%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,47%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 0,12%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,01%. Có 2/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục.
    So với tháng 12/2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Một tăng 2,63%. Trong đó: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 6,37%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,43%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,81%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 6,22%; dịch vụ giao thông tăng 7,53%; bưu chính, viễn thông giảm 0,88%; dịch vụ giáo dục tăng 1,80%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,22%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,44%.
    So với tháng cùng kỳ năm 2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Một tăng 2,63%. Trong đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,60%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,43%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 0,80%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,96%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 6,22%; dịch vụ giao thông tăng 8,27%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,88%; giáo dục tăng 1,80%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,22%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,93%.
    Bình quân chung mười một tháng năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,62% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,15%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,42%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,19%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,01%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,03%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 19,09%; dịch vụ giao thông tăng 8,89%; bưu chính, viễn thông giảm 0,77%; dịch vụ giáo dục tăng 3,16%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,37%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,87%.
    b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
    Chỉ số giá vàng tháng Mười Một tăng 1,36% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.503.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,04% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.388 đồng/USD.
    6. Hoạt động vận tải
    a. Hoạt động vận tải hành khách

    Vận tải hành khách tháng Mười Một ước đạt 1.444 nghìn lượt người vận chuyển và 73.900 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 16,93% về lượt người vận chuyển và tăng 12,54% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 60.099 triệu đồng, tăng 17,52%. Tính chung mười một tháng năm 2018, vận tải hành khách ước đạt 13.596 nghìn lượt người vận chuyển và 777.518 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 14,71% về lượt người vận chuyển và tăng 10,22% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 596.960 triệu đồng, tăng 15,43%.
    b. Hoạt động vận tải hàng hóa
    Vận tải hàng hoá tháng Mười Một ước đạt 2.954 nghìn tấn vận chuyển và 107.527 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 14,0% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 14,28% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 245.050 triệu đồng, tăng 16,53%. Tính chung mười một tháng năm 2018, vận tải hàng hóa ước đạt 27.848 nghìn tấn vận chuyển và 999.764 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 13,11% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 12,56% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.245.615 triệu đồng, tăng 13,42%.
    7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
    a. Thu ngân sách nhà nước
    Thu ngân sách tháng Mười Một ước đạt 907.604 triệu đồng, giảm 35,90% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 607.604 triệu đồng, giảm 43,83%; thuế xuất nhập khẩu 300.000 triệu đồng, giảm 10,26%. Một số khoản thu dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 21.039 triệu đồng, tăng 3,83%; thu từ DNNN địa phương 2.348 triệu đồng, tăng 66,52%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 79.083 triệu đồng, tăng 11,76%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 241.718 triệu đồng, tăng 2,89%; thu lệ phí trước bạ 26.740 triệu đồng, giảm 6,82%; thu thuế thu nhập cá nhân 51.005 triệu đồng, giảm 1,92%; các khoản thu về nhà đất 139.889 triệu đồng, giảm 78,08%.
    Tính chung mười một tháng năm 2018, thu ngân sách nhà nước ước đạt 10.747.337 triệu đồng, tăng 3,21% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 7.895.000 triệu đồng, tăng 8,30%; thuế xuất nhập khẩu 2.852.337 triệu đồng, giảm 8,67%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 190.000 triệu đồng, tăng 1,0%; thu từ DNNN địa phương 28.000 triệu đồng, tăng 12,80%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.630.000 triệu đồng, tăng 36,45%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 2.340.000 triệu đồng, giảm 14,70%; thu lệ phí trước bạ 270.500 triệu đồng, tăng 13,51%; thuế thu nhập cá nhân 675.000 triệu đồng, tăng 13,61%; các khoản thu về nhà đất 2.205.000 triệu đồng, tăng 17,55%; các khoản thu khác 218.000 triệu đồng, tăng 96,86%.
    b. Chi ngân sách nhà nước
    Tính từ đầu năm đến ngày 20/11/2018, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 7.938.760 triệu đồng, đạt 91,03% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 2.859.391 triệu đồng, đạt 107,77% kế hoạch; chi thường xuyên 5.079.368 triệu đồng, đạt 83,71% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 495.786 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.856.050 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 577.314 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 108.471 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 383.737 triệu đồng; chi quản lý hành chính 1.187.871 triệu đồng; chi khác 440.855 triệu đồng.
    c. Hoạt động ngân hàng
    Tính đến 31/10/2018, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 72.933.691 triệu đồng, tăng 13,05% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 63.144.637 triệu đồng, tăng 12,72% và chiếm 86,58% tổng nguồn vốn.
    Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 55.870.304 triệu đồng, tăng 11,78% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 38.742.316 triệu đồng, tăng 13,34%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 17.127.988 triệu đồng, tăng 8,42%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 53.107.633 triệu đồng, tăng 11,35%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.762.671 triệu đồng, tăng 20,86%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.204.448 triệu đồng (chiếm 2,16% tổng dư nợ), tăng 66,04% so với thời điểm 31/12/2017.
    8. Một số hoạt động xã hội
    a. Hoạt động văn hóa, thể thao

    Hoạt động văn hoá: Từ ngày 20-25/10/2018, Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Hưng Yên đã tham dự Hội diễn “Đàn, hát dân ca 3 miền” được tổ chức tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh. Hội diễn nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2018 Hạ Long-Quảng Ninh. Đoàn Hưng Yên tham gia thi diễn 3 tiết mục là: Tiết mục múa dân gian “Vọng mây ngàn”; độc tấu sáo “Xuân về trên bản Mèo ” và Acappella “Trống cơm”, kết quả đạt 01 Huy chương Bạc tiết mục và Huy chương Bạc toàn đoàn.
    Từ ngày 25-26/10/2018, tại Nhà hát Chèo tỉnh đã diễn ra vòng sơ khảo, chung khảo hội thi hát Chèo không chuyên tỉnh Hưng Yên năm 2018. Có 55 thí sinh dự thi, Ban giám khảo đã lựa chọn được 20 tiết mục vào vòng Chung khảo. Ban Giám khảo đã chấm và đề xuất cơ cấu giải thưởng, lựa chọn các tiết mục tiêu biểu và tổ chức trao giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cho các thí sinh.
Từ ngày 01-05/11/2018, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018. Tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc lần này có khoảng hơn 300 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công thuộc Câu lạc bộ Ca trù đến từ các tỉnh, thành phố có di sản hát ca trù được ghi trong hồ sơ quốc gia: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh… Đoàn Ca trù tỉnh Hưng Yên tham gia 05 tiết mục: Tỳ bà hành, Bắc phản, Đào hồng đào tuyết, Ả phiền 36 giọng, Hát múa chúc hỗ. Kết quả, đoàn Hưng Yên đạt Giải B chương trình; 2 Đào nương đạt giải A và giải B.
    Hoạt động thể thao: Từ ngày 9-10/11/2018, giải Bóng bàn cán bộ lãnh đạo và quản lý tỉnh Hưng Yên năm 2018 tranh cup Vietcombank đã được tổ chức tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh. Tham gia giải có 86 vận động viên của 23 đơn vị là các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Đây là giải được tổ chức thường niên, nhằm nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đồng thời khích lệ và đẩy mạnh phong trào tập luyện môn Bóng bàn trong cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp.
    Đối với thể thao thành tích cao: tiếp tục chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên tham dự các giải thể thao quốc gia và tham dự Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Trong tháng 10, vận động viên tỉnh đã tham gia 04 giải thể thao quốc gia (Wushu, Rowing, Canoeing, Taekwondo), đạt 18 huy chương các loại, trong đó 03 HCV, 05 HCB, 10 HCĐ.
    b. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
    Từ ngày 16/10/2018 đến ngày 15/11/2018, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 3 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt 3 vụ với số tiền 108 triệu đồng. Các vụ vi phạm nguyên nhân chủ yếu là xả thải không đúng quy chuẩn ra môi trường, chuyển giao chất thải rắn công nghiệp không đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 101 vụ vi phạm môi trường, trong đó đã xử lý 80 vụ, xử phạt 2.878 triệu đồng.
    Từ ngày 16/10/2018 đến ngày 15/11/2018, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra 3 vụ cháy, không có vụ nổ, không có thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản có 2 vụ đang trong quá trình thống kê thiệt hại, 1 vụ khoảng 30 triệu đồng. Riêng vụ cháy tại Công ty dược phẩm Hà Hưng tại huyện Văn Lâm đã thiêu rụi nhà xưởng sản xuất nhựa và gỗ của công ty, diện tích khoảng 3.000 m2, vụ cháy đang được thống kê thiệt hại và điều tra nguyên nhân.
    e. An toàn giao thông
    Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/10/2018 đến 15/11/2018, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông (đều là tai nạn đường bộ), làm chết 12 người, làm bị thương 1 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 3 vụ, tăng 42,86%; số người chết tăng 3 người, tăng 33,33%; số người bị thương giảm 7 người, giảm 87,50%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 142 vụ tai nạn giao thông, làm chết 109 người, làm bị thương 102 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tai nạn giảm 2 vụ, giảm 1,39%; số người chết tăng 3 người, tăng 2,83%; số người bị thương bằng với cùng kỳ năm 2017./.

Nguồn tin: Cục Thống kê Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây