1. Nông nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Về gieo trồng cây vụ đông: Theo tổng hợp sơ bộ kết quả điều tra, diện tích gieo trồng cây vụ đông năm 2019 của tỉnh đạt 9.900 ha, giảm 1.791 ha, tương đương giảm 15,3% so với vụ đông năm 2018.
Theo đánh giá của ngành chức năng, sản xuất vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho gieo trồng cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ trồng rau màu vụ đông với cơ cấu giống phong phú, tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường, dự báo năng suất cao hơn năm trước. Tuy vậy, sản xuất vụ đông năm nay có không ít khó khăn, giá vật tư đầu vào cho sản xuất như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá nhân công cao, công làm đất tăng nhanh, trong khi giá sản phẩm cây vụ đông không tăng nhiều trong những năm gần đây gây khó khăn cho nông dân trong đầu tư thâm canh, giảm hiệu quả sản xuất. Nguồn lao động trẻ bị thu hút vào làm trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ nên nhiều nơi thiếu lao động thời vụ, nhất là các huyện phía bắc tỉnh. Nhiều địa phương, sản xuất vụ đông chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, khó khăn trong tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.
Tính đến ngày 21/01/2019, toàn tỉnh đã thu hoạch được 9.506 ha rau màu vụ đông. Trong đó: ngô 2.370 ha; khoai tây 185 ha; lạc, đậu tương 323 ha; bí các loại 1.275 ha; dược liệu, hoa, cây cảnh 888 ha; rau, màu các loại 4.465 ha.
Bên cạnh việc gieo trồng và thu hoạch cây vụ đông, các địa phương tích cực chuẩn bị cho kế hoạch gieo trồng vụ xuân năm 2019, trong đó tập trung vào cày ải. Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 31.440 ha lúa. Các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo cấy. Tăng cường công tác chuẩn bị lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy lúa xuân năm 2019. Chuẩn bị tốt công tác làm đất, ngâm, ủ và gieo cấy lúa xuân theo đúng quy trình kỹ thuật.
Cây ăn quả: Đối với các loại cây ăn quả như cam, chuối đều đang trong giai đoạn phát triển quả và cho thu hoạch. Thời tiết trong thời gian vừa qua tương đối thuận lợi, dự tính sản lượng cam, bưởi tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
b) Chăn nuôi
Trước tình hình dịch lở mồm, long móng trên đàn lợn diễn biến phức tạp xảy ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước, để chủ động phòng ngừa, khống chế, dập tắt dịch bệnh, UBND tỉnh đã có nhiều công văn yêu cầu thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, theo đó yêu cầu các địa phương chủ động trích kinh phí dự phòng để phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh đã phát động tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ môi trường, cơ sở chăn nuôi, các chợ, các điểm buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Với tinh thần chỉ đạo kiên quyết và bằng mọi nỗ lực của các cấp, các ngành, đến thời điểm này đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh vẫn bảo đảm an toàn, chăn nuôi các địa phương phát triển ổn định.
Ước tính số lượng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh so với cùng kỳ năm trước: đàn trâu 2.721 con, tăng 0,48%; đàn bò 35.385 con, tăng 0,75%; đàn lợn 587.700 con, tăng 0,38%; đàn gia cầm 8.650 nghìn con (trong đó: đàn gà 5.990 nghìn con), tăng 3,28%.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Một tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó:
Đối với công nghiệp khai khoáng chủ yếu khai thác cát đen phục vụ cho xây dựng công trình và san lấp mặt bằng. Trong thời gian qua, tình hình khai thác cát trên sông Hồng và sông Luộc đã được tỉnh quản lý chặt chẽ, cùng với đó tình hình tiêu thụ cát dành cho san lấp mặt bằng, xây dựng chậm lại.
Bên cạnh đó, việc khai thác cát cũng ảnh hưởng đến đời sống dân cư và môi trường. Chỉ số sản xuất công nghiệp khai khoáng tăng 2,63%.
Đối với công nghiệp chế biến, chế tạo: Từ những tháng cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 đã có một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất khá đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Một ước tính tăng 10,23%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 7,0%; thức ăn cho gia cầm tăng 30,48%; nước khoáng không ga tăng 6,60%; quần áo các loại tăng 2,86%; cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ tăng 26,64%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 12,70%; sản phẩm bằng plastic tăng 16,98%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 38,45%; sắt thép các loại tăng 5,14%; mạch điện tử tích hợp tăng 26,51%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi tăng 7,87%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 17,35%; điện thương phẩm tăng 8,12%.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước: Tình hình sản xuất điện trên toàn quốc có nhiều cải thiện, ngành điện đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, do vậy tình hình tiêu thụ điện năng trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ở mức khá cao. Ngành điện Hưng Yên đang từng bước cải tạo hệ thống truyền tải điện, thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với kinh tế thị trường, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế nên khả năng phân phối điện ngày càng bảo đảm và đạt hiệu quả cao. Ước tính tháng Một tổng lượng điện thương phẩm đạt 333 triệu Kwh, tăng 8,12% so với cùng kỳ năm 2018.
Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải: Hoạt động cung cấp nước trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, do nhu cầu tiêu thụ nước sạch của nhân dân ngày càng cao, nhiều nhà máy nước được xây dựng và hoạt động tốt để cung cấp nước cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó hoạt động xử lý rác thải của tỉnh tăng khá do có nhiều cơ sở tham gia hoạt động xử lý rác thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Do vậy, chỉ số sản xuất của ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải ước tính tăng 12,76% so với cùng kỳ năm 2018.
3. Hoạt động đầu tư, xây dựng
a) Đầu tư vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý
Qua rà soát, tổng hợp, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2019 tạm thời được phân bổ như sau: Tổng vốn đầu tư 2.530.422 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.278.072 triệu đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 754.850 triệu đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp xã 497.500 triệu đồng.
Từ đầu tháng đến nay, thời tiết có nhiều thuận lợi nhưng các công trình, dự án mới chưa thực hiện được nhiều nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và giá trị thực hiện của các công trình, dự án. Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Một đạt 180.660 triệu đồng, tăng 12,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 85.520 triệu đồng, tăng 7,88%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 58.110 triệu đồng, tăng 26,88%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 37.030 triệu đồng, tăng tăng 4,76%.
b) Hoạt động đầu tư nước ngoài
Tính đến 21/01/2019, toàn tỉnh có 423 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.400.237 nghìn USD, trong đó có 1 dự án được cấp phép năm 2019 với số vốn đăng ký là 64.890 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 154 dự án, vốn đăng ký là 2.916.478 nghìn USD, chiếm 66,28% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 128 dự án, vốn đăng ký 647.030 nghìn USD, chiếm 14,70% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 84 dự án, vốn đăng ký 439.708 nghìn USD, chiếm 9,99% tổng số vốn đăng ký.
4. Thương mại, dịch vụ
a) Bán lẻ hàng hoá
Tháng Một là tháng trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi nên tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường diễn ra sôi động hơn các tháng trong năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Một ước đạt 2.292.054 triệu đồng, tăng 2,75% so với tháng trước và tăng 13,71% so với tháng cùng kỳ năm 2018.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số các ngành hàng so với tháng trước như sau: lương thực, thực phẩm tăng 5,68%; may mặc tăng 7,91%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,17%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 1,65%; ô tô các loại tăng 5,58%; xăng dầu các loại tăng 3,52%; vàng, kim loại quý tăng 2,50%; hàng hóa khác tăng 4,40%.
b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Một ước đạt 153.713 triệu đồng tăng 2,65 % so với tháng trước và tăng 8,90% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Dịch vụ ăn uống đạt 148.530 triệu đồng, tăng 2,66% so với tháng trước và tăng 9,12 % so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do tháng giáp Tết, nhiều buổi liên hoan hội nghị diễn ra nên doanh thu dịch vụ ăn uống tăng lên so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Dịch vụ lưu trú đạt 5.183 triệu đồng, tăng 2,20% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2018. Dịch vụ lưu trú trên địa bàn chủ yếu phục vụ các đối tượng trong tỉnh nên doanh thu tương đối ổn định.
c) Dịch vụ du lịch, lữ hành
Đây là tháng giáp Tết Nguyên đán nên nhu cầu du lịch của người dân giảm so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành tháng Một ước đạt 520 triệu đồng, giảm 6,47% so với tháng trước, tuy nhiên vẫn tăng 6,56% so với cùng kỳ năm 2018.
d) Dịch vụ khác
Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng Một ước đạt 413.732 triệu đồng, tăng 24,84% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, biến động của các ngành dịch vụ như sau: Doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 36,66%; doanh thu dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 0,97%; doanh thu dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 1,86%; doanh thu dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 2,07%; doanh thu dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình giảm 4,48%; doanh thu dịch vụ khác tăng 6,88%.
5. Chỉ số giá
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, trên địa bàn toàn tỉnh không khí “sắm tết” đã nhộn nhịp. Các đơn vị cung ứng hàng tết năm nay đã đưa ra thị trường các loại hàng hóa khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng cao đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nguời dân. Tình hình giá cả, cung cầu hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng găm hàng, sốt giá.
So với tháng trước, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một tăng nhẹ, chỉ tăng 0,05%. Trong đó: có 5/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, bao gồm: nhóm hàng may mặc, mũ, nón, giày dép giảm 0,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,17%; giao thông giảm 2,96%; bưu chính, viễn thông giảm 0,33%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,19%. Có 4/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,79%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,20%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,26%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%. Có 2/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục.
So với tháng cùng kỳ năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng 1,91%. Trong đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,77%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,06%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép giảm 0,47%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,80%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,0%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,53%; dịch vụ giao thông giảm 2,44%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,73%; giáo dục tăng 1,80%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,10%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,83%.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng Một tăng 2,81% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.626.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,5% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.254 đồng/USD.
c) Chỉ số giá sản xuất
Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tháng Một giảm 2,21% so với tháng trước và tăng 15,08% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Chỉ số giá sản xuất nông nghiệp giảm 2,50% so với tháng trước và tăng 17,39% so với cùng kỳ năm 2018; chỉ số giá sản xuất thuỷ sản tăng 0,46% so với tháng trước và giảm 3,56% so với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ số giá sản xuất công nghiệp tháng Một giảm 0,33% so với tháng trước và tăng 0,37% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,39% so với tháng trước và giảm 0,36% so với cùng kỳ năm 2018; chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 4,22% so với cùng kỳ năm 2018; chỉ số giá nước tự nhiên khai thác, dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 3,49% so với cùng kỳ năm 2018.
6. Hoạt động vận tải
a) Hoạt động vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng Một ước đạt 1.230 nghìn lượt người vận chuyển và 77.003 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,56% về lượt người vận chuyển và tăng 12,09% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 57.803 triệu đồng, tăng 14,92%. Nguyên nhân chủ yếu đây là thời điểm giáp Tết Nguyên Đán nên nhu cầu đi lại tăng khá cao do lượng học sinh, sinh viên và người lao động được nghỉ về gia đình làm cho doanh thu vận tải trong tháng tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
b) Hoạt động vận tải hàng hóa
Vận tải hàng hoá tháng Một ước đạt 2.780 nghìn tấn vận chuyển và 100.078 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 18,38% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 17,45% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 240.713 triệu đồng, tăng 19,11%. Nguyên nhân chủ yếu do đây là tháng giáp Tết Nguyên đán nên nhu cầu vận chuyển các loại hàng hóa cũng tăng cao đã tác động tích cực làm tăng doanh thu, khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển hàng hóa.
7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
a) Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách tháng Một ước đạt 1.022.633 triệu đồng, giảm 8,71% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 730.000 triệu đồng, giảm 14,62%; thuế xuất nhập khẩu 292.633 triệu đồng, tăng 10,34%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 12.000 triệu đồng, tăng 66,88%; thu từ DNNN địa phương 3.000 triệu đồng, giảm 26,36%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 180.000 triệu đồng, giảm 5,40%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 230.000 triệu đồng, giảm 17,96%; thu lệ phí trước bạ 34.000 triệu đồng, tăng 8,75%; thu thuế thu nhập cá nhân 70.000 triệu đồng, giảm 7,17%; các khoản thu về nhà đất 155.600 triệu đồng, giảm 26,88%.
b) Chi ngân sách nhà nước
Tính từ đầu năm đến ngày 21/01/2019, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 290.310 triệu đồng. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 62.705 triệu đồng; chi thường xuyên 227.605 triệu đồng. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 24.809 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 59.659 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 12.142 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 2.621 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 39.180 triệu đồng; chi quản lý hành chính 66.742 triệu đồng; chi khác 22.298 triệu đồng.
c) Hoạt động ngân hàng
Ước tính đến 31/01/2019, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 73.403.356 triệu đồng, tăng 0,66% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 64.319.554 triệu đồng, tăng 0,34% và chiếm 87,62% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 56.335.166 triệu đồng, tăng 0,81% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 39.872.652 triệu đồng, tăng 0,84%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 16.462.514 triệu đồng, tăng 0,74%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 53.919.979 triệu đồng, tăng 0,75%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.415.187 triệu đồng, tăng 2,15%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.171.810 triệu đồng (chiếm 2,08% tổng dư nợ), giảm 1,67% so với thời điểm 31/12/2018.
8. Một số hoạt động xã hội
a) Hoạt động văn hóa, thể thao
Toàn tỉnh tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động tiến tới kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2019) và mừng xuân Kỷ Hợi năm 2019. Từ ngày 22-23/12/2018, tại Nhà tập luyện và thi đấu TDTT tỉnh, Liên đoàn bóng bàn tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Giải bóng bàn các câu lạc bộ tỉnh năm 2018. Tham gia giải có trên 200 vận động viên đến từ 23 câu lạc bộ bóng bàn trong toàn tỉnh. Các vận động viên thi đấu ở 5 nội dung: đôi nam, đơn nam, đôi nữ và đơn nữ, đôi nam nữ; thi đấu theo 8 nhóm tuổi: 13 tuổi trở xuống, 18 tuổi trở xuống, 19- 25 tuổi, 26- 35 tuổi, 36- 45 tuổi, 46 -55 tuổi, 56 - 65 tuổi và 66 tuổi trở lên.
Tại Đại hội Thể thao toàn quốc, Đoàn thể thao của tỉnh đã chọn, cử 58 vận động viên tham gia 10 môn trong 36 môn thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Kết quả, Đoàn thể thao của tỉnh giành được 25 huy chương các loại, trong đó có 3 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc và 15 Huy chương Đồng, xếp thứ 35/65 tỉnh, thành, ngành trên cả nước.
b) Chăm lo các đối tượng chính sách và người có công
Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Chủ tịch nước và Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ tỉnh thăm, tặng quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình chính sách và hỗ trợ đối tượng xã hội. Cụ thể như sau:
Người có công (gia đình liệt sỹ; thương binh; bệnh binh; anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong kháng chiến; người có công giúp đỡ cách mạng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy); gia đình quân nhân làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 là 35.578 đối tượng, mỗi đối tượng một suất quà trị giá 500.000 đồng, gồm 300.000 đồng tiền mặt và 1 túi quà trị giá 200.000 đồng; ngoài ra, doanh nghiệp hỗ trợ thêm quà tặng trị giá 50.000 đồng mỗi túi quà.
Thăm, tặng quà 05 trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh và đối tượng người có công đang sinh sống ở các trung tâm điều dưỡng trong tỉnh, đối tượng có công quê Hưng Yên ở các trung tâm điều dưỡng ngoài tỉnh, mỗi trung tâm 01 suất quà trị giá 3.000.000 đồng (gồm 2.500.000 tiền mặt và 01 túi quà trị giá 500.000 đồng); tặng 24 thương, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ đang điều dưỡng tại 05 trung tâm mỗi đối tượng 01 suất quà trị giá 500.000 đồng, gồm 300.000 đồng tiền mặt và 01 túi quà trị giá 200.000 đồng; ngoài ra, doanh nghiệp hỗ trợ thêm quà tặng trị giá 50.000 đồng vào mỗi túi quà.
Thăm, tặng quà 22 gia đình người có công (mỗi huyện, thành phố 02 gia đình, riêng huyện Khoái Châu 03 gia đình, huyện Ân Thi 03 gia đình), mỗi gia đình 01 suất quà trị giá 1.500.000 đồng, gồm 1.000.000 đồng tiền mặt và 01 túi quà trị giá 500.000 đồng; ngoài ra, doanh nghiệp hỗ trợ thêm quà tặng trị giá 50.000 đồng mỗi túi quà.
Chúc thọ, mừng thọ, tặng quà cho 25.918 người cao tuổi ở các mốc tuổi 70, 75, 80, 85, 90, các cụ ở tuổi 91 đến 99, tròn 100, trên 100 tuổi, tổng kinh phí 9.114,55 triệu đồng.
Tặng 9.953 suất quà bằng tiền mặt cho các hộ nghèo ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với mức 300.000 đồng/hộ (trong đó 250.000 đồng trích từ nguồn ngân sách tỉnh và 50.000 đồng trích từ Quỹ Vì người nghèo các cấp).
Hỗ trợ tiền ăn tết cho 773 đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội, Trung tâm điều dưỡng Tâm thần kinh, trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu, Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ) với mức 200.000 đồng/người.
Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (Nguồn Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh): Bảo trợ của Công ty Hyundai Aluminum Vina cho 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mỗi huyện/thành phố 10 cháu, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/em/năm; hỗ trợ trẻ em quê Hưng Yên đang học tập và rèn luyện tại trường Giáo dưỡng Ninh Bình 3.000.000 đồng; hỗ trợ 333 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo tại cộng đồng, mỗi suất quà trị giá 400.000 đồng (bao gồm 200.000 đồng mặt và túi quà trị giá 200.000 đồng); thăm, tặng quà cho 30 trẻ em đang nằm điều trị tại bệnh viện trong ngày Tết, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng (bao gồm 300.000 đồng tiền mặt và túi quà trị giá 200.000 đồng).
c) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/01/2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát hiện 25 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 24 vụ, với số tiền xử phạt 643 triệu đồng, 1 vụ đang trong quá trình điều tra xử lý. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu về vi phạm quản lý chất thải nguy hại, xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; và 1 số vi phạm khác.
Từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/01/2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không xảy ra vụ cháy, nổ nào.
d) An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/12/2018 đến 15/01/2019, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 15 người, làm bị thương 12 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 2 vụ, tăng 12,50%; số người chết tăng 12 người, tăng 400,0%; số người bị thương tăng 2 người, tăng 20,0%. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn tăng 2 vụ, tăng 12,50%; số người chết tăng 4 người, tăng 36,36%; số người bị thương bằng với cùng kỳ năm trước./.
Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn