Trong thời gian qua, tình hình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam nói chung, của tỉnh Hưng Yên nói riêng diễn ra ngày càng mạnh mẽ, điều đó cũng đã tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản, tranh thủ nền công nghệ hiện đại và phương thức sản xuất tiên tiến, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho nông dân, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức: mức độ cạnh tranh của nông sản phẩm ngày càng gay gắt, lao động nông nghiệp giảm do chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp, chênh lệch thu nhập giữa thành thị - nông thôn tăng, nhu cầu tiêu dùng của người dân về chất lượng sản phẩm ngày càng tăng …. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, tác động từ biến đổi khí hậu, …những yếu tố trên tiếp tục tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp thời gian tới, đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp Hưng Yên phải xác định rõ những tồn tại, hạn chế cùng những khó khăn trên để nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để tham mưu, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra.
Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới:
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 27/6/2016 về Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu rộng nghị quyết trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân, nhất là nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết. Đồng thời, rà soát các quy hoạch ngành, chương trình hành động, đề án và kế hoạch để bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nghị quyết; tuyên truyền, phổ biến những điển hình tiên tiến trong phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, kịp thời khen thưởng, động viên đối với tập thể, cá nhân và các hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn,… nhằm phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất; hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân; ưu tiên đầu tư các dự án khuyến nông phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh phục vụ tái cơ cấu ngành; ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng và nhân rộng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai có hiệu quả kế hoạch đến năm 2021: xây dựng được từ 3 đến 5 vùng sản xuất lúa theo phương thức canh tác SRI, 03 vùng sản xuất chuối, 03 vùng sản xuất dược liệu, 05 vùng sản xuất rau an toàn, 05 vùng sản xuất cây ăn quả lâu năm ứng dụng công nghệ cao với quy mô từ 50 ha/vùng trở lên.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng mô hình nông thôn mới; với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cần coi trọng các nội dung về tổ chức sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Ban hành nội dung xây dựng nông thôn mới, nâng cao tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với tình hình của tỉnh; mỗi huyện, thành phố chỉ đạo lựa chọn từ 1 đến 2 xã để thực hiện làm điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cư đáp ứng yêu cầu phòng, chống bão, úng; chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, thích ứng với đối phó với biến đổi khí hậu.
Năm là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng tạo động lực mạnh mẽ hướng tới một nền sản xuất theo hướng hiện đại, bảo đảm nguyên tắc thị trường, phát triển bền vững; đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, gắn với bảo đảm an sinh xã hội.
Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, hình thành các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp giữ vai trò kết nối, làm “đầu kéo” trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từng bước đưa sản xuất vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi giá trị của cả nước và khu vực.
Bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao: vùng sản xuất tập trung theo hướng VietGAP; chăn nuôi trang trại công nghiệp tập trung; hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, con giống, hình thành cộng đồng chăn nuôi an toàn; chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là khâu sản xuất giống, quy trình sản xuất công nghệ cao, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Sáu là, hỗ trợ đẩy mạnh khâu tiêu thụ hàng hóa nông sản giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa ổn định, tạo thu nhập bền vững
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa ổn định, cần tăng cường liên kết các nhà: Giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần hỗ trợ xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh tới người tiêu dùng và những nhà đầu tư.
Cơ quan tham mưu cần xác định rõ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Từ đó, tham mưu hỗ trợ thu hút dự án đầu tư vào địa bàn Hưng Yên với quy mô lớn thực hiện công tác làm đầu mối chế biến và tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực. Do đặc thù sản phẩm nông nghiệp diễn ra theo thời vụ nên để thực hiện được điều này, cần khảo sát và phối hợp với các vùng lân cận, xác định sản phẩm chủ lực của cả vùng. Từ đó chủ đầu tư có thể thực hiện chế biến và tiêu thụ quanh năm.
Tỉnh cũng cần tạo mối liên kết giữa các nhà sản xuất nông nghiệp, trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp; việc liên kết giữa các mô hình sẽ được chủ động, linh động thích ứng với thị trường. Muốn vậy nhà nước cần đóng vai trò là kho dữ liệu thông tin về sản phẩm, thị trường trong thời đại dữ liệu lớn (big data) để các nhà nông nghiệp gặp gỡ và liên kết, đóng vai trò tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Hỗ trợ người dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, để có thể tạo được thương hiệu lớn ra thị trường thì không thể xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho vùng với phạm vi hẹp như hiện nay (ví dụ: không thể làm như hiện nay nhãn hiệu cam Quảng Châu, cam Đồng Thanh - quy mô nhỏ lẻ, manh mún khi ra thị trường sẽ không thể vươn xa được). Muốn làm được điều này, hẳn việc lập hợp tác xã là chưa đủ mà phải tạo liên kết giữa các hợp tác xã, lập Liên hiệp hợp tác xã từ đó tạo nhãn hiệu sản phẩm cho vùng lớn (dù sản xuất không gần nhau).
Cần định hướng sản xuất nông sản cho bà con trên cơ sở khoa học về thổ nhưỡng, cầu của thị trường nhưng cũng cần đảm bảo sản xuất phân vùng, chuyên môn hóa cao. Chứ không nên sản xuất nhỏ lẻ, theo mô hình một nhà nông sản xuất nhiều sản phẩm để hạn chế mất mùa, rớt giá theo mặt hàng. Điều này sẽ dẫn đến sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm.
Để đảm bảo an sinh xã hội, cũng cần phải xử lý vấn đề môi trường, như:
+ Đối với khu vực doanh nghiệp: Công tác môi trường cần tiếp tục siết chặt, thực hiện đúng việc xả thải ra môi trường đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, trong thời gian tới thu hút doanh nghiệp vào đầu tư cần dịch chuyển vào khu công nghiệp tập trung, đảm bảo cho công tác xử lý môi trường.
+ Đối với nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp của các hộ sản xuất công nghiệp: đối với những khu vực tập trung dân cư đông, cần phân luồng nước thải, tập trung nước thải về hồ điều hòa, xử lý đảm bảo an toàn mới được thải ra môi trường (nước thải sinh hoạt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng rất nhiều hóa chất sẽ gây hại cho môi trường nghiêm trọng nếu diễn ra trong thời gian dài và đặc biệt nước thải đó không đảm bảo lại được sử dụng để tưới tiêu cho cây trồng, rau màu và nuôi thủy sản).
Bảy là, định hướng sản xuất công nghiệp trên địa bàn với quy mô lớn, tăng năng lực sản xuất, tạo nguồn thu cho tỉnh đảm bảo hoạt động của bộ máy hành chính, đầu tư công và đầu tư vào khu vực nông nghiệp.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp chiếm trên 50%, vì vậy công nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển của tỉnh. Cũng vì thế, phát triển công nghiệp sẽ tạo nguồn thu lớn, có như vậy mới có nguồn lực để thực hiện các chính sách, đề án CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Và trong phát triển công nghiệp, tỉnh cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
+ Cần thu hút doanh nghiệp tập trung nhất là khu công nghiệp để đảm bảo vấn đề xử lý môi trường. Vấn đề môi trường là một vấn đề lớn hiện nay sau nhiều năm tỉnh ta tập trung thu hút đầu tư, tập trung phát triển kinh tế trong giai đoạn đầu tái lập tỉnh nhưng chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề môi trường.
+ Đối với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm không phải là sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm công nghệ cao nhưng lại sử dụng quá ít lao động thì tỉnh cũng cần quan tâm, xem xét có thu hút hay không? Bởi khi sử dụng quá ít lao động, sẽ dẫn đến hệ quả nguồn lao động khu vực nông thôn dư thừa dẫn đến bất ổn xã hội.
+ Thu hút doanh nghiệp FDI là cần thiết, tuy nhiên tỉnh cũng cần xem xét và đánh giá đúng. Việc thu hút đó thì nguồn lực trong nước có tiếp cận, tiếp thu được trình độ quản lý, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp hay không. Hay khi doanh nghiệp rút lui thì ta cũng trắng tay không tiếp nhận được trình độ quản lý, công nghệ sản xuất (chủ yếu tỉnh chỉ thu được thuế trong suốt quá trình doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn). Vấn đề này rất dễ xảy ra đối với một số công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Thực chất họ sang Việt Nam họ chỉ là công ty con, sang Việt Nam tận dụng nhân công giá rẻ, họ sản xuất hoặc gia công cho công ty mẹ, họ sử dụng toàn bộ bộ máy quản lý là người của họ. Trong trường hợp này ta thu được duy nhất là thuế (Thậm chí còn bị chuyển giá, dẫn đến thu thuế không đầy đủ). Khi họ sản xuất xong sản phẩm họ lại xuất trở lại công ty mẹ hoặc bạn hàng của công ty mẹ như vậy nó cũng không phản ánh được thực chất năng lực sản xuất của tỉnh. Điều này thể hiện rõ khi họ rút khỏi Việt Nam, ta chưa hề tiếp cận được năng lực quản trị, trình độ khoa học công nghệ, thậm chí các công ty trong nước cũng chưa tham gia được chuỗi giá trị đối với sản phẩm sản xuất của họ.
+ Để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh cần tiếp tục phát triển hệ thống giao thông thuận lợi trong giao thông, lưu thông hàng hóa nói chung cũng như hàng nông sản. Cần quan tâm đến mạng lưới giao thông để hàng nông sản thuận lợi lưu thông về Hà Nội, đi Hải Phòng để xuất khẩu, đi lên các tỉnh phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tám là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền và sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, đổi mới hệ thống chính trị nhất là cơ sở theo tinh thần nghị kết luận 64-KL/TW, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nghị quyết.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, hướng vào phục vụ dân, sát dân, vận động dân tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của nông dân và dân cư nông thôn để vươn lên làm giàu cho chính mình và gia đình, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại
Tác giả bài viết: Lê Quý Tuyên; Phó cục trưởng - Cục Thống kê Hưng Yên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn