1. Phạm vi đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước
Theo quy định hạch toán và điều kiện thực tiễn của mỗi quốc gia, khu vực kinh tế chưa được quan sát và mỗi thành tố cấu thành của nó được xem xét, đo lường và bổ sung vào quy mô GDP với các mức rất khác nhau. Tổng cục Thống kê đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để nghiên cứu, xem xét và đánh giá mức độ tác động của khu vực này tới toàn bộ nền kinh tế theo 5 thành tố cấu thành. Mặc dù chưa chính thức thực hiện Đề án nhưng để triển khai đánh giá lại quy mô GDP, Tổng cục Thống kê đã chủ động rà soát toàn bộ thông tin từ tổng điều tra, từ hồ sơ hành chính và xem xét áp dụng quy định mới về việc bổ sung lý luận của SNA2008. Triển khai thực hiện công việc này chính là đã thực hiện nội dung của thành tố thứ năm của khu vực kinh tế chưa được quan sát, đó là “Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê”. Thực hiện đánh giá lại quy mô GDP chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, chưa đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát.
a) Xem xét, rà soát các ngành trong nền kinh tế, giai đoạn 2010-2017
Thực hiện xem xét, rà soát từ nguồn thông tin và kết quả tính toán chi tiết đến 88 ngành kinh tế cấp 2; 21 ngành kinh tế cấp 1 và 3 khu vực kinh tế cho giai đoạn 2010-2017 của toàn bộ nền kinh tế.
Trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, căn cứ vào Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và 2016 để xác định các hoạt động bị thiếu, các sản phẩm chưa chi tiết hoặc chưa cập nhật. Các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được phân chi tiết theo theo mã sản phẩm cấp 9 trên cơ sở bảng giá gồm 661 sản phẩm, theo từng nhóm sản phẩm tách chi tiết theo phẩm cấp, chất lượng của sản phẩm; bổ sung số liệu sản lượng sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm mới của địa phương. Phân tách chi tiết như vậy sẽ đảm bảo đầy đủ hơn về phạm vi do đã bổ sung phần giá trị sản phẩm tăng lên từ kết quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong hoạt động nông nghiệp và thủy sản thời gian qua. Trên cơ sở số liệu GO tính chi tiết theo mã sản phẩm cấp 9, VA được tổng hợp và tính toán chi tiết cho 3 ngành kinh tế cấp 2; tổng hợp lên ngành cấp 1 và khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản).
Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 và Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là căn cứ quan trọng cho các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ xem xét lại phạm vi tính toán. Tổng điều tra kinh tế đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ và chi tiết, hạn chế tối đa bất cập về suy rộng số liệu của điều tra chọn mẫu; khắc phục tình trạng bỏ sót quan sát, thiếu hợp tác giữa các đơn vị v.v… Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu doanh nghiệp từ cơ quan thuế cũng là nguồn thông tin quan trọng bổ sung các doanh nghiệp còn bị bỏ sót trong danh mục của các cuộc điều tra thống kê.
Trong ngành công nghiệp, GO đã được bổ sung phạm vi còn thiếu từ kết quả Tổng điều tra kinh tế, chi tiết đến ngành kinh tế cấp 2: bổ sung phần GO của các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp... VA được tổng hợp, tính toán lại từ 34 ngành kinh tế cấp 2, tổng hợp lên ngành kinh tế cấp 1 và khu vực II (công nghiệp và xây dựng).
Trong ngành xây dựng, GO được rà soát, tính toán chi tiết cho 3 ngành kinh tế cấp 2, phân theo doanh nghiệp, xã/phường, hộ dân cư, các đơn vị hành chính - sự nghiệp. VA được tổng hợp, tính toán cho 3 ngành kinh tế cấp 2, tổng hợp lên ngành kinh tế cấp 1 và khu vực II (công nghiệp và xây dựng).
Trong ngành dịch vụ, GO được bổ sung đầy đủ phạm vi hơn từ các cuộc tổng điều tra kinh tế; được tính chi tiết từ ngành kinh tế cấp 2; bổ sung phần GO hoạt động viễn thông của Tập đoàn Viettel, bổ sung phần hoạt động ngoài ngân sách của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, bổ sung phần khấu hao tài sản của các cơ quan quản lý nhà nước v.v…VA được tổng hợp, tính toán chi tiết cho 49 ngành kinh tế cấp 2, tổng hợp lên ngành kinh tế cấp 1 và khu vực III (dịch vụ). Đối với ngành dịch vụ có sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện ước tính bổ sung các hoạt động còn thiếu.
Hệ thống chỉ số giá được hoàn thiện, cập nhật những thay đổi về quyền số của một số hàng hóa và dịch vụ mới đặc thù, hoặc chiếm tỷ trọng lớn, bổ sung danh mục, bổ sung chi tiết bảng giá của 661 sản phẩm cho ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện nối chuỗi chỉ số giá vật liệu xây dựng trong CPI với chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất; bổ sung các chỉ số giá còn thiếu của 85 ngành kinh tế cấp 2 cho cả nước, theo 8 vùng. Cập nhật hệ số IC đến ngành kinh tế cấp 2 của cả nước.
b) Bổ sung, cập nhật một số nội dung theo phương pháp luận của Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và hệ thống phân loại mới
SNA 2008 đã đưa ra một số thay đổi liên quan đến phạm vi tài sản bao gồm: mở rộng phạm vi tài sản là các sản phẩm nghiên cứu và phát triển; đánh giá lại phân loại tài sản. Khung lý thuyết mới đã phân biệt cụ thể hơn giữa tài sản do sản xuất và tài sản không do sản xuất tạo ra; không căn cứ vào hình thái để phân chia tài sản thành tài sản vô hình và tài sản hữu hình như trước đây. Tài sản cố định thuộc nhóm tài sản do sản xuất tạo ra được phân tách chi tiết hơn và bổ sung một số loại tài sản cố định mới bao gồm: Giá trị cải tạo đất, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống vũ khí, chi phí chuyển nhượng của tài sản không do sản xuất tạo ra, tài sản sở hữu trí tuệ, giá trị nghiên cứu và phát triển, định giá mỏ, cơ sở dữ liệu. Nhóm tài sản không do sản xuất tạo ra được bổ sung một số loại tài sản mới bao gồm: vùng phủ sóng radio, các nguồn tài nguyên khác (không bao gồm đất, năng lượng, khoáng sản, tài nguyên sinh vật không do nuôi trồng và nước); giấy chứng nhận quyền sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên; giấy chứng nhận cho phép thực hiện các hoạt động đặc biệt; quyền đối với hàng hóa và dịch vụ tương lai trên cơ sở độc quyền. Trong các loại tài sản được bổ sung mới này, một số tài sản đã được tính toán vào tài khoản quốc gia trong quá trình đánh giá lại quy mô GDP như: Bổ sung, cập nhật giá trị các sản phẩm nghiên cứu và phát triển, phần mềm tin học sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh; giá trị cải tạo đất, chi phí chuyển nhượng tài sản không từ sản xuất theo phương pháp luận của Hệ thống tài khoản quốc gia 2008.
Cập nhật Hệ thống phân ngành kinh tế 2018 theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/7/2018 và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2018.
c).Thực hiện đánh giá theo giá hiện hành và giá so sánh năm 2010
Đánh giá lại quy mô GDP theo giá hiện hành và giá so sánh để phản ánh quy mô, cơ cấu của GDP theo ngành kinh tế. GDP giá hiện hành kết hợp với các chỉ tiêu vĩ mô khác để nghiên cứu, xem xét các cân đối lớn trong nền kinh tế để so sánh kết quả hoạt động trong nền kinh tế, của các địa phương, của các ngành kinh tế với nhau.
Đánh giá lại quy mô GDP theo giá so sánh để đánh giá tốc độ tăng trưởng theo từng ngành kinh tế qua các năm. Đó chính là mức tăng về lượng của toàn bộ nền kinh tế thể hiện qua so sánh quy mô GDP các năm theo giá so sánh năm gốc 2010.
d) Tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan
Bên cạnh việc rà soát, biên soạn lại GDP theo giá hiện hành và so sánh từ năm 2010 đến 2017 cần xem xét chỉ tiêu này trong mối quan hệ với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác có liên quan. Trong điều kiện phạm vi tính toán được mở rộng và đầy đủ hơn, quy mô GDP thay đổi dẫn đến các quan hệ, cân đối lớn của nền kinh tế thay đổi. Đánh giá lại quy mô GDP ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác có liên quan và làm thay đổi các chỉ tiêu biểu hiện quan hệ tài chính, quan hệ cung- cầu và các cân đối lớn trong nền kinh tế. Từ đó, có những phân tích, đánh giá, xem xét thấu đáo hơn kết quả và hiệu quả hoạt động kinh tế của đất nước trong một chuỗi năm. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phù hợp với năng lực của quốc gia.
2. Nguồn thông tin phục vụ đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước
Nguồn thông tin phục vụ cho rà soát, đánh giá lại quy mô nền kinh tế chủ yếu dựa trên kết quả các cuộc tổng điều tra và điều tra thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện gần nhất; khai thác hồ sơ hành chính; báo cáo thống kê và các nguồn thông tin khác.
a) Tổng điều tra và điều tra toàn bộ
Lý thuyết tài khoản quốc gia và thực tế áp dụng ở các nước đều cho thấy việc xác định quy mô của nền kinh tế cần dựa vào thông tin Tổng điều tra do tính toàn diện và bao trùm của nó. Đây là cơ sở đầy đủ nhất về nguồn thông tin cho hầu hết các ngành trong nền kinh tế. Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 và Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là căn cứ để các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đánh giá lại số liệu VA của năm 2011 và 2016. Khối doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và khối cá thể cùng được rà soát và tính toán lại số liệu trên cơ sở thông tin thu thập trong 2 kỳ tổng điều tra này.
Điều tra toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty là căn cứ để tính toán, phân bổ GO các hoạt động đa ngành kinh tế, đa lĩnh vực, đa địa bàn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011, 2016 là căn cứ quan trọng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản để thực hiện rà soát, tính toán đánh giá lại số liệu VA của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016.
b) Điều tra hàng năm
Tổng điều tra cung cấp danh sách tổng thể và thông tin chi tiết, đầy đủ cho năm báo cáo. Từ đó làm cơ sở để rà soát và cập nhật dàn mẫu và suy rộng cho các năm giữa hai kỳ Tổng điều tra. Điều tra hàng năm cung cấp những thông tin thực tế phản ánh hiện trạng, xu thế biến động của các hoạt động kinh tế trong năm đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ quản lý của các cấp lãnh đạo và người dùng tin. Kết hợp với số liệu tổng thể từ tổng điều tra và số liệu điều tra trong năm để có thể xem xét về cả chiều rộng và chiều sâu của nền kinh tế năm báo cáo.
c) Báo cáo thống kê
Hệ thống chế độ báo cáo thống kê nhằm thu thập, tổng hợp các thông tin cần thiết cho quá trình sản xuất số liệu thống kê. Chế độ báo cáo thống kê được thiết lập từ Trung ương đến địa phương trong nội bộ ngành thống kê và trong các bộ, ban, ngành khác. Do thực hiện phân công, phân cấp, phân nhiệm, chế độ báo cáo thống kê được thu gọn, nhằm kiểm tra và bổ sung cho thông tin còn thiếu của điều tra thống kê. Tuy nhiên, số liệu chính thức từ báo cáo thống kê là nguồn thông tin quan trọng, có tính pháp lý, đảm bảo cho biên soạn GDP chính thức năm và các chỉ tiêu thống kê quan trọng khác.
d) Hồ sơ hành chính
Số liệu chính thức từ các bộ, ban, ngành là nguồn thông tin quan trọng, đáng tin cậy cho việc cập nhật, đánh giá lại những sai số trong số liệu điều tra và số liệu ước tính của cơ quan thống kê. Do hạn chế về nguồn lực và khả năng cung cấp thông tin của các đối tượng điều tra nên Tổng cục Thống kê không thể thu thập tất cả các thông tin chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực qua kênh điều tra thống kê và báo cáo chính thức. Thông tin từ các bộ, ban, ngành thống nhất với tiêu chuẩn của cơ quan thống kê sẽ là bằng chứng cụ thể để phản ánh rõ nét kết quả hoạt động sản xuất trong lĩnh vực mà các bộ, ban, ngành được phân công quản lý.
Ngoài các thông tin trực tiếp từ các bộ, ban, ngành, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh là nguồn thông tin cơ bản và quan trọng của cơ quan thống kê. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, điều tra thống kê không thể bao quát toàn bộ các đối tượng điều tra, đơn vị điều tra thì báo cáo tài chính là nguồn thông tin bổ sung rất hiệu quả và tiết kiệm.
e) Nguồn thông tin khác
Bên cạnh các nguồn thông tin chính thức nói trên, nguồn thông tin khác từ các phương tiện thông tin đại chúng được tham khảo bởi tính cập nhật và khả năng khai thác dễ dàng, nhanh chóng. Thông tin về doanh nghiệp, báo cáo tài chính của các công ty niêm yết được công khai trên mạng; trên sàn giao dịch chứng khoán; thông tin từ một số tổ chức điều tra nghiên cứu thị trường; thông tin chuyên ngành của các ngân hàng, bảo hiểm, các doanh nghiệp, và tập đoàn lớn v.v… được lưu giữ trên mạng đã và đang được cơ quan thống kê khai thác, sử dụng.
3. Quy trình đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước
Trên cơ sở các nguyên tắc và nguồn thông tin đã đề cập, quy trình tổng thể đánh giá lại GDP được thực hiện theo các công đoạn dưới đây:
(1) Biên soạn lại chỉ tiêu giá trị sản xuất;
(2) Rà soát, hoàn thiện hệ thống chỉ số giá;
(3) Cập nhật hệ số chi phí trung gian;
(4) Biên soạn lại chỉ tiêu GDP theo GO, hệ thống chỉ số giá và hệ số IC đã thực hiện trong các bước (1), (2) và (3);
(5) Tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan; so sánh, đánh giá kết quả đánh giá lại với số liệu GDP và các chỉ tiêu vĩ môđã công bố; báo cáo giải trình kết quả và kiến nghị.
Dưới đây là quy trình chi tiết cho mỗi công đoạn trong quy trình tổng quát nói trên.
a) Quy trình biên soạn lại giá trị sản xuất
Quy trình chung trong rà soát, biên soạn lại giá trị sản xuất:
(1) Thu thập, rà soát, bổ sung, tổng hợp và kiểm tra, so sánh thông tin đầu vào từ các nguồn số liệu, xuất phát từ hai năm có tổng điều tra (2011 và 2016);
(2) Xem xét, cập nhật phạm vi dữ liệu của thông tin đầu vào, hoàn thiện các chỉ tiêu đầu vào theo dãy năm;
(3) Tính toán GO trên cơ sở các chỉ tiêu đầu vào đã được hoàn thiện ở bước (2);
(4) Kiểm tra, đối sánh kết quả tính toán dãy số liệu 2010-2017 với dãy số liệu GO trước đây và với các chỉ tiêu có liên quan;
(5) Giải trình kết quả biên soạn GO.
Quy trình cụ thể trong rà soát, biên soạn lại GO theo từng ngành:
1. Ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản
(1) Thu thập, rà soát, đối chiếu và tổng hợp thông tin về sản lượng, diện tích, năng suất cây hàng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản từ Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011, 2016 và các cuộc điều tra chuyên đề khác.
- Xem xét lại một số thông tin như diện tích gieo trồng lúa, ngô, khoai lang, sắn, chè, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, dứa, chuối, cam, bưởi, nhãn, vải, chôm chôm…; số trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng…; diện tích nuôi cá, tôm, thủy sản theo các hình thức nuôi chủ yếu…; số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản…
- Xem xét lại số liệu về rừng trên cơ sở điều tra lâm nghiệp do Tổng cục Thống kê vừa triển khai thực hiện.
- So sánh với các nguồn thông tin thường xuyên, thông tin từ Bộ/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan.
- Đối chiếu với nguồn thông tin về diện tích đất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở cấp xã, phường, thị trấn.
(2) Tính toán, đánh giá, cập nhật lại phạm vi thông tin và hoàn thiện số liệu đầu vào theo dãy năm.
- Đánh giá lại số liệu về diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cấp xã, phường, thị trấn.
- Hoàn thiện bộ số liệu đầu vào tính toán GO: sản lượng cây hàng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, thủy sản; đơn giá bình quân theo sản phẩm.
(3) Tính toán GO hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản theo ngành cấp 2 cho dãy năm 2010-2017.
- Tính GO hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh được tính toán bằng cách lấy lượng sản phẩm nhân với bảng giá năm gốc 2010.
- Tính GO hoạt động Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành: sử dụng chỉ số giá PPI chuyển GOgiá so sánh về GO giá hiện hành.
(4) So sánh, xem xét, đánh giá kết quả tính toán dãy số liệu GO nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2017 vừa tính toán với số liệu trước đây và với các chỉ tiêu có liên quan.
(5) Giải thích kết quả đánh giá lại GO trên cơ sở những thay đổi của nguồn thông tin đầu vào và kết quả đầu ra.
2. Ngành công nghiệp
(1) Thu thập, rà soát, đối chiếu và tổng hợp thông tin về doanh thu thuần, chi phí, tồn kho hàng hóa đầu kỳ và cuối kỳ… chi tiết theo từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất kinh doanh; tổng hợp theo ngành kinh tế cấp 2 từ Tổng điều tra kinh tế năm 2017, Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012.
- Xem xét, kiểm tra mã ngành kinh tế của các doanh nghiệp với thực tế hoạt động.
- Rà soát số liệu doanh thu và tồn kho hàng hóa đầu kỳ và cuối kỳ ngành sản xuất kinh doanh chính; phân bổ doanh thu ngành sản xuất kinh doanh phụ cho các ngành tương ứng.
- Rà soát phân bổ số liệu của các chi nhánh cho các địa bàn tương ứng.
- Rà soát, kiểm tra số liệu của các đơn vị sự nghiệp có hoạt động công nghiệp.
(2) Tính toán, đánh giá, cập nhật lại phạm vi số liệu và hoàn thiện số liệu đầu vào theo dãy năm.
- Xem xét, đánh giá lại mã ngành kinh tế của các doanh nghiệp xác định nhầm mã; xác định và tổng hợp lại số liệu doanh thu, tồn kho hàng hóa đầu kỳ và cuối kỳ của các doanh nghiệp công nghiệp.
- Bổ sung hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng cho dãy số liệu 2010-2017.
- Bổ sung thông tin chính thức từ Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than và Khoáng sản, công ty Samsung Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh v.v…
(3) Tính toán GO hoạt động công nghiệp theo ngành cấp 2 cho dãy năm 2010-2017.
- Tính GO hoạt động công nghiệp theo giá hiện hành, theo 34 ngành kinh tế cấp 2: GO giá hiện hành được tính từdoanh thu thuần hoặc chi phí sản xuất.
- Tính GO hoạt động công nghiệp theo giá so sánh, theo 34 ngành kinh tế cấp 2: GO giá so sánh được tính từ GO giá hiện hành chia chỉ số giá PPI.
(4) Kiểm tra, đối sánh kết quả tính toán dãy số liệu GO công nghiệp giai đoạn 2010-2017 với các chỉ tiêu có liên quan.
(5) Giải thích kết quả đánh giá lại GO trên cơ sở những thay đổi của nguồn thông tin đầu vào và kết quả đầu ra.
3. Ngành Xây dựng
(1) Thu thập, rà soát, đối chiếu và tổng hợp thông tin về doanh thu, chi phí xây dựng, số lượng công trình, dự án xây dựng khởi công, đang thực hiện và hoàn thành, vốn đầu tư… chi tiết theo từng loại hình sở hữu; tổng hợp theo ngành kinh tế cấp 2 từ Tổng điều tra kinh tế năm 2017, Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, điều tra hoạt động xây dựng quý và năm.
- Xem xét, kiểm tra mã ngành kinh tế của các doanh nghiệp với thực tế hoạt động.
- Rà soát số liệu doanh thu, chi phí xây dựng, số lượng công trình, dự án xây dựng khởi công, đang thực hiện và hoàn thành; vốn đầu tư theo từng loại hình sở hữu; phân bổ doanh thu ngành sản xuất kinh doanh phụ cho các ngành tương ứng.
- Rà soát phân bổ số liệu công trình xây dựng theo địa bàn tương ứng.
- Rà soát, kiểm tra số liệu của các đơn vị sự nghiệp, các hộ gia đình có hoạt động xây dựng.
(2) Tính toán, đánh giá, cập nhật lại phạm vi số liệu và hoàn thiện bộ số liệu đầu vào theo dãy năm.
Rà soát, xác định lại mã ngành kinh tế của các doanh nghiệp xây dựng xác định nhầm mã; xác định và tổng hợp lại số liệu của các doanh nghiệp xây dựng.
- Xác định lại quy mô vốn đầu tư thực hiện theo địa bàn và cả nước.
- Bổ sung hoạt động tự xây dựng của các đơn vị sự nghiệp, hộ gia đình.
(3) Tính toán GO hoạt động xây dựng theo ngành cấp 2 cho dãy năm 2010-2017.
- Tính GO hoạt động xây dựng theo giá hiện hành, theo 34 ngành kinh tế cấp 2: GO theo giá hiện hành được tính từdoanh thu thuần hoặc chi phí sản xuất.
- Tính GO hoạt động xây dựng theo giá so sánh, theo 34 ngành kinh tế cấp 2: GO giá so sánh được tính từ GO giá hiện hành chia chỉ số giá nguyên vật liệu đầu vào.
(4) Kiểm tra, đối sánh kết quả tính toán dãy số liệu GO xây dựng giai đoạn 2010-2017 với các chỉ tiêu có liên quan.
5) Giải thích kết quả đánh giá lại GO trên cơ sở những thay đổi của nguồn thông tin đầu vào và kết quả đầu ra.
4. Ngành Dịch vụ
(1) Thu thập, rà soát, đối chiếu và tổng hợp thông tin về doanh thu thuần, chi phí, trị giá vốn hàng bán… chi tiết theo từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất kinh doanh; tổng hợp theo ngành kinh tế cấp 2 từ Tổng điều tra kinh tế năm 2017, Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012.
- Xem xét, kiểm tra mã ngành kinh tế của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ với thực tế hoạt động.
- Rà soát số liệu doanh thu thuần, chi phí, trị giá vốn hàng bán ngành sản xuất kinh doanh chính; phân bổ doanh thu ngành sản xuất kinh doanh phụ về các ngành tương ứng.
- Rà soát phân bổ số liệu của các chi nhánh cho các địa bàn tương ứng.
- Rà soát, kiểm tra số liệu của các đơn vị sự nghiệp có hoạt động dịch vụ thu ngoài ngân sách.
(2) Tính toán, đánh giá lại, cập nhật lại phạm vi số liệu và hoàn thiện bộ số liệu đầu vào theo dãy năm.
- Đánh giá lại mã ngành kinh tế của các doanh nghiệp xác định nhầm mã; xác định và tổng hợp lại số liệu doanh thu thuần, chi phí, trị giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ;
- Cập nhật số liệu của các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng và công ty bảo hiểm; phân bổ số liệu của các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng và công ty bảo hiểm;
- Bổ sung số liệu của tập đoàn Viettel cho ngành Viễn thông cho dãy số liệu 2010-2017.
(3) Tính toán lại GO hoạt động dịch vụ theo ngành cấp 2 cho dãy năm 2010-2017.
- Tính GO hoạt động dịch vụ theo giá hiện hành, theo 34 ngành kinh tế cấp 2: GO theo giá hiện hành được tính từ doanh thu thuần hoặc chi phí.
- Tính GO hoạt động dịch vụ theo giá so sánh, theo 34 ngành kinh tế cấp 2: GO giá so sánh được tính từ GO giá hiện hành chia chỉ số giá dịch vụ tương ứng.
(4) Kiểm tra, đối sánh kết quả tính toán dãy số liệu GO dịch vụ giai đoạn 2010-2017 với các chỉ tiêu có liên quan.
(5) Giải thích kết quả đánh giá lại GO trên cơ sở những thay đổi của nguồn thông tin đầu vào và kết quả đầu ra.
b) Rà soát cập nhật hệ thống chỉ số giá
(1) Rà soát danh mục sản phẩm giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đại diện cả nước gồm 669 sản phẩm; chỉ số giá tiêu dùng; chỉ số giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ; chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu.
(2) Cập nhật quyền số GO của các ngành kinh tế đến ngành cấp 2.
(3) Tách riêng chỉ số giá ngành 19 cho Quảng Ngãi, ngành 24 cho Hà Tĩnh, ngành 26, 27 cho Bắc Ninh; đánh giá lại chỉ số giá vùng 1 của ngành 26, 27 (không bao gồm Bắc Ninh); đánh giá lại chỉ số giá vùng 3 của ngành 19 (không bao gồm Quảng Ngãi).
(4) Thực hiện nối chuỗi chỉ số giá vật liệu xây dựng trong CPI với chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất.
(5) Tính toán lại hệ thống chỉ số giá; bổ sung giá dịch vụ của 3 ngành kinh tế cấp 2, 1 ngành kinh tế cấp 1.
(6) Trao đổi với các vụ thống kê chuyên ngành về quy ước sử dụng chỉ số giá liên quan; xử lý những phát sinh bất thường và thiếu chỉ số giá.
c) Rà soát, cập nhật hệ số chi phí trung gian
(1) Rà soát hệ số chi phí trung gian 2012 theo ngành kinh tế cấp 2, theo loại hình sở hữu, theo 8 vùng.
(2) Rà soát cơ cấu GO theo ngành kinh tế cấp 2, theo giá so sánh năm 2016 và 2011 trên cơ sở kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và điều tra lập bảng cân đối liên ngành 2012; nhận diện những ngành kinh tế có biến động lớn trong giai đoạn 2010-2017 điển hình như: ngành 19, 24, 26, 27…
(3) Tổng hợp chi phí sản xuất theo yếu tố của các doanh nghiệp thuộc các ngành có biến động lớn dựa vào báo cáo tài chính doanh nghiệp 2016 và Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
(4) Tính toán hệ số chi phí trung gian của các ngành có biến động lớn, các ngành có liên quan trực tiếp, cập nhật vào bộ hệ số chi phí trung gian của 8 vùng.
(5) Cập nhật hệ số chi phí trung gian của cả nước trên cơ sở cập nhật hệ số chi phí trung gian năm 2012 và cơ cấu GO.
d) Biên soạn lại chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước
(1) Kiểm tra, rà soát, đối sánh số liệu GO của 88 ngành kinh tế cấp 2 của cả nước từ các vụ thống kê chuyên ngành với các chỉ tiêu có liên quan; kiểm tra, rà soát, phân bổ số liệu thuế trừ trợ cấp sản phẩm.
2) Trao đổi với các vụ thống kê chuyên ngành và đề xuất phương án xử lý những bất hợp lý của GO được phát hiện trong bước (1); hoàn thiện số liệu GO của 88 ngành kinh tế cấp 2 và số liệu thuế trừ trợ cấp sản phẩm.
3) Rà soát, cập nhật hệ số chi phí trung gian.
4) Rà soát, cập nhật hệ thống chỉ số giá.
(5) Tính toán chi phí trung gian theo giá so sánh từ GO giá so sánh và hệ số chi phí trung gian.
6) Tính toán chi phí trung gian theo giá hiện hành từ GO giá hiện hành và hệ số chi phí trung gian.
(7) Tính toán VA giá hiện hành bằng hiệu số của GO giá hiện hành và chi phí trung gian giá hiện hành.
(8) Tính VA giá so sánh bằng hiệu số của GO giá so sánh và chi phí trung gian giá so sánh.
(9) Tính toán số liệu thuế trừ trợ cấp sản phẩm giá so sánh từ thuế trừ trợ cấp sản phẩm giá hiện hành, chỉ số giảm phát của giá trị gia tăng và chỉ số giá xuất nhập khẩu.
10) Tính toán số liệu GDP theo giá hiện hành và so sánh; cân đối GDP theo nguồn và sử dụng.