2 Banner ngang

Tình hình Kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 3 và quý I năm 202

Thứ tư - 01/04/2020 09:28
       Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm  trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đó là: tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona (Covid-19) diễn biến nhanh và phức tạp đang diễn ra ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Hưng Yên, đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm Covid-19, tuy nhiên sự tác động của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội địa phương là không nhỏ, tác động đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu; doanh nghiệp có lao động là người nước ngoài; các hoạt động thương mại, dịch vụ (giáo dục, y tế, vận tải, du lịch, giải trí). Bên cạnh đó, kinh tế địa phương cũng chịu tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sản lượng và doanh thu các ngành kinh doanh rượu, bia, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống giảm mạnh
     Tuy nhiên, trước các khó khăn, chính quyền địa phương cùng với các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực chủ động tìm kiếm các giải pháp để duy trì phát triển sản xuất trong dài hạn như: tìm kiếm đối tác mới, thị trường mới trong việc giải quyết các yếu tố đầu vào, đầu ra của đơn vị. Trong quý I, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt kết chủ yếu sau:
   1. Diện tích gieo cấy lúa đông xuân đạt 29.353 ha, giảm 8,3%;
   2. Sản lượng chăn nuôi đạt 36 nghìn tấn, giảm 20,17%;
   3. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,81%;
   4. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 7.791 tỷ đồng, tăng 7,47%
   5. Số dự án đầu tư nước ngoài tăng mới 7 dự án, số vốn đăng ký 22 triệu USD;
   6. Doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 10.435 tỷ đồng, tăng 7,36%;
   7. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng đầu năm tăng 6,33%
   8. Thu ngân sách đạt 3.030 tỷ đồng, giảm 1,14%; trong đó thu nội địa 2.225 tỷ đồng, tăng 0,53%;
   9. Dư nợ tín dụng đạt 60.264 tỷ đồng, giảm 1,6% so với thời điểm 31/12/2019.
   I. Tình hình kinh tế
   1. Sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản
   Sản xuất nông nghiệp và thủy sản của tỉnh không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 do các yếu tố đầu vào từ thị trường nội địa cung cấp là chủ yếu, đầu ra của sản phẩm tiêu thụ trong nước là chính, chỉ một số sản phẩm xuất khẩu như: chuối, hạt sen, long nhãn bị đình trệ khiến giá bán giảm, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang thị trường Trung Quốc không nhiều. Riêng đối với ngành chăn nuôi lợn, hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi để lại vẫn còn. Với tinh thần chỉ đạo kiên quyết và bằng mọi nỗ lực của các cấp, các ngành, đến thời điểm này, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi. Các cơ sở chăn nuôi lợn (chủ yếu các hộ) đã bắt đầu vào đàn, tuy nhiên vẫn ở mức cầm chừng và còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh như sau:
   a. Trồng trọt
   Sản xuất vụ đông: Tổng diện tích gieo trồng đạt 8.214 ha, giảm 11,07% (giảm 1.022 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: ngô 1.845 ha, giảm 15,25% (giảm 332 ha); cây lấy củ có chất bột 584 ha, giảm 18,47% (giảm 132 ha); lạc 100 ha, giảm 19,77%; đậu tương 158 ha, giảm 25,19%; cây rau, đậu, hoa các loại 5.186 ha, giảm 10% (giảm 577 ha); cây gia vị, dược liệu hàng năm 174 ha, tăng 25,02%% (tăng 35 ha).
   Diện tích gieo trồng năm nay giảm so với năm trước, nguyên nhân chủ yếu do quá trình chuyển đổi đất từ trồng cây hàng năm sang cây ăn quả lâu năm diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi vụ, diện tích chuyển đổi khoảng hơn một nghìn ha. Bên cạnh đó, diện tích một phần giảm do chuyển sang đất phi nông nghiệp mà chủ yếu là đất xây dựng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
   Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản kết thúc thu hoạch cây vụ đông. Từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch thời tiết tương đối thuận lợi; mặc dù có xuất hiện đợt rét đậm, rét hại, mưa nhiều ngày và sâu bệnh, nhưng không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Vì vậy, hầu hết các loại cây rau màu vụ đông năm nay đều cho năng suất khá hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: ngô đạt 57,3 tạ/ha, tăng 2,3% (tăng 1,29 tạ/ha); khoai lang đạt 150,08 tạ/ha, tăng 4,15% (tăng 5,98 tạ/ha); lạc đạt 30,42 tạ/ha, tăng 0,33% (tăng 0,05 tạ/ha); đậu tương đạt 18,64 tạ/ha, tăng 0,74 % (tăng 0,14 tạ/ha); rau các loại đạt 240,86 tạ/ha, tăng 3,09% (tăng 7,22 tạ/ha).
   Sản lượng một số cây trồng chủ yếu như sau: ngô 10.570 tấn, giảm 1.622 tấn (giảm 13,3 %); khoai lang 4.230 tấn, giảm 202 tấn (giảm 4,56%); đậu tương 294 tấn, giảm 96 tấn (giảm 24,62%); rau các loại 113.510 tấn, giảm 11.099 tấn (giảm 8,91%). Nguyên nhân là do diện tích gieo trồng các loại đều giảm so với cùng kỳ năm trước.  
   Sản xuất vụ xuân: Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 29.770 ha, trong đó phấn đấu gieo cấy hơn 20 nghìn ha lúa chất lượng cao (chiếm 68,18% diện tích gieo trồng) bằng các giống lúa như: Nếp thơm Hưng Yên, Đài Thơm 8, Hương Thơm 1... Cùng với đó, tăng cường mở rộng diện tích để gieo cấy các giống lúa lai chiếm khoảng 20-24% diện tích (khoảng 7-8 nghìn ha) như: Thiên ưu 8, TBR279, ADI 28,.... tiếp tục thực hiện cánh đồng mẫu lớn tại một số địa phương.
   Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ xuân, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo một số công việc trọng tâm như: cung cấp đủ lượng thóc giống, kể cả giống dự phòng cho nông dân trong tỉnh; lấy nước đổ ải gieo cấy vụ đông xuân, chủ động trữ nước trong các ao, hồ, sông trục, không tháo nước ra sông ngoài gây lãng phí, ảnh hưởng việc tưới dưỡng lúa sau gieo cấy; kiểm tra, giám sát công tác đặt bả, rải bả để diệt chuột theo đúng kỹ thuật; chỉ đạo nông dân các địa phương trong tỉnh không gieo mạ và cấy lúa khi trời rét đậm, rét hại dưới 150C.
   Đến nay, toàn tỉnh đã kết thúc gieo cấy lúa xuân với tổng diện tích gần 30 nghìn ha, bảo đảm đúng lịch thời vụ. Trong đó, diện tích cấy mạ non (mạ gieo trên nền đất cứng) chiếm trên 74%, còn lại là gieo thẳng. Bên cạnh việc gieo cấy lúa xuân, nông dân các địa phương cũng tích cực gieo trồng rau màu vụ xuân. Đến ngày 20/3, toàn tỉnh đã gieo trồng được 7.247 ha rau màu, trong đó: ngô 1.354 ha; lạc, đậu tương 699 ha; dược liệu, hoa cây cảnh 1.121 ha; rau màu khác 4.073 ha. Diện tích thu hoạch rau màu vụ xuân 755 ha.
   Cây lâu năm: Diện tích cây lâu năm hiện có trên địa bàn tỉnh đạt 14.046 ha, chủ yếu cây ăn quả chiếm 93,66% diện tích. Hiện nay, một số loại cây ăn quả đang trong thời kỳ ra hoa như: nhãn, xoài, bưởi, cam; thời tiết năm nay thuận lợi cho nhãn ra hoa, dự tính sản lượng nhãn tăng hơn năm trước.
   Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tất cả các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt ra quân phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Đến ngày 20/3/2020, toàn tỉnh đã trồng được 173.675 cây xanh, trong đó có 147.975 cây ăn quả và 25.700 cây bóng mát.
   b. Chăn nuôi
   Trong quý I, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định; dịch tả lợn Châu phi được kiểm soát, 100% các địa phương trên địa bàn tỉnh đã công bố hết dịch; chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định và đạt kết quả tốt. Mặt khác, giá bán thịt thịt lợn hơi hiện nay trên thị trường khá cao, bình quân từ 80.000-85.000 đồng/kg, đã tạo tâm lý cho bà con yên tâm sản xuất và tái đàn, vì vậy tổng đàn lợn dự báo tăng trở lại trong thời gian tới. Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó có bệnh cúm gia cầm. Tuy nhiên, do có sự chủ động, tích cực của chính quyền các cấp và các hộ chăn nuôi trong phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nên đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch nào.
   Thời điểm 01/3/2020, đàn trâu ước đạt 2.691 con; đàn bò đạt 35.642 con; đàn lợn 435.210 con, giảm 27,71% (thời điểm này năm trước chưa phát sinh dịch bệnh); đàn gia cầm 9.350 nghìn con, tăng 2,19%.
   Ước tính quý I, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 23.352 tấn, giảm 30,81% so với cùng kỳ, sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng đạt 11.120 tấn, tăng 14,05% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tổng đàn và sản lượng gia cầm tăng chủ yếu là do tình hình chăn nuôi ổn định, giá bán tốt, công tác tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh cho gia cầm của tỉnh được triển khai thường xuyên, đồng bộ và kịp thời nên không có địa phương nào xảy ra dịch bệnh nguy hiểm do vậy đã tạo yếu tố tích cực đến sản xuất chăn nuôi. 
   c. Thủy sản         
   Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của toàn tỉnh ước đạt 5.661 ha, không còn diện tích nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu vẫn là những giống cá trắm, chày, chép hoặc một số giống cá khác như: cá mè, cá trôi,… cho năng suất cao hoặc có giá trị trên thị trường. Diện tích nuôi trồng ổn định, cơ cấu nuôi trồng thủy sản đã có sự chuyển đổi tích cực.
   Sản lượng thủy sản trong quý I ước đạt 12.480 tấn, tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng khai thác đạt 170 tấn, giảm 3,13%; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 12.310 tấn, tăng 4,39%.
   2. Sản xuất công nghiệp
   Trong quý I, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực đã tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp và hộ cá thể công nghiệp sản xuất bia, rượu trên địa bàn tỉnh, hầu hết các đơn vị nêu trên đều dự báo năm 2020 giảm mạnh sản lượng và doanh thu so với năm 2019.
   Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Ba tăng 9,38% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 11,73%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,87%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 20,85%. Nhiều sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: mỳ, phở, bún, miến tăng 9,93%; thức ăn cho gia cầm tăng 38,17%; nước khoáng không có ga tăng 27,03%; quần áo các loại tăng 12,02%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 15,03%; gỗ ốp lát công nghiệp tăng 30,86%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 13,93%; sản phẩm bằng plastic tăng 10,11%; mạch điện tử tích hợp tăng 5,25%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 13,99%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu tăng 25,48%; Phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 23,17%;...
   Tính chung quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,81% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 5,03%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,68%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,71%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,07%. Một số sản phẩm công nghiệp trong quý tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: mỳ, phở, bún, miến tăng 8,79%; thức ăn cho gia cầm tăng 26,64%; nước khoáng không có ga tăng 15,21%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 15,29%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 18,24%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 16,92%; sản phẩm bằng plastic tăng 8,44%; mạch điện tử tích hợp tăng 6,84%; Đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 13,75%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi tăng 13,69%; Động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W tăng 26,74%; Thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu tăng 27,81%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 16,91%; điện thương phẩm tăng 8,71%... Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia súc giảm 29,76%; Rượu vodka và rượu cô nhắc giảm 22,31%; sắt, thép các loại giảm 1,05%; Sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang giảm 2%;...
   3. Hoạt động đầu tư
   Thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: Quý I, vốn đầu tư phát triển ước đạt 7.791.141 triệu đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư phát triển phân theo nguồn vốn như sau: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 558.211 triệu đồng, tăng 4,8%; vốn trái phiếu Chính phủ 131.830 triệu đồng, giảm 32,12%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước 122.460 triệu đồng, giảm 25,82%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước) 47.710 triệu đồng, tăng 7,31%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước 12.150 triệu đồng, tăng 16,83%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 3.897.870 triệu đồng, tăng 5,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.797.090 triệu đồng, tăng 11,16%; vốn huy động khác 223.820 triệu đồng, tăng 164,03%.
   Vốn đầu tư phát triển phân theo khu vực kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 328.670 triệu đồng, tăng 5,69%; công nghiệp và xây dựng 3.478.511 triệu đồng, tăng 12,47%; thương mại, dịch vụ 3.983.960 triệu đồng, tăng 3,59%.
   Thực hiện vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Ba ước đạt 189.130 triệu đồng, tăng 18,67% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 80.080 triệu đồng, tăng 2,36%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 61.780 triệu đồng, tăng 44,74%; vốn ngân sách cấp xã đạt 47.270 triệu đồng, tăng 22,94%.
   Quý I năm 2020, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 504.051 triệu đồng, tăng 7,69% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 220.364 triệu đồng, giảm 4,44%; vốn ngân sách cấp huyện 179.676 triệu đồng, tăng 28,97%; vốn ngân sách cấp xã 104.011 triệu đồng, tăng 5,98%.
   Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 19/3/2020, toàn tỉnh có 471 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.733.660 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 7 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 22.104 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 165 dự án, vốn đăng ký là 2.933.481 nghìn USD, chiếm 61,97% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 139 dự án, vốn đăng ký 699.897 nghìn USD, chiếm 14,79% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 104 dự án, vốn đăng ký 525.137 nghìn USD, chiếm 11,09% tổng số vốn đăng ký.
   4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
   a. Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ

   Hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành thương mại, dịch vụ trên địa bản tỉnh sau Tết Nguyên đán đã hoạt động trở lại, tuy nhiên lại cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và NĐ số 100/2019/NĐ-CP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng Ba ước đạt 3.313.978 triệu đồng, tăng 2,9% so với tháng cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.355.416 triệu đồng, tăng 5,44%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 106.887 triệu đồng, giảm 30,06%; doanh thu du lịch 248 triệu đồng, giảm 83,36%; doanh thu dịch vụ khác 851.428 triệu đồng, tăng 2,29%. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 10.435.389 triệu đồng, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm 2019, nếu loại trừ yếu tố giá cả thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 0,86%.
   Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I ước đạt 7.368.745 triệu đồng, chiếm 70,61% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 8,97% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 12,90%; hàng may mặc tăng 5,25%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 5,87%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 9,83%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,73%; ô tô các loại giảm 6,58%; phương tiện đi lại (trừ  ô tô, kể cả phụ tùng) giảm 4,67%; xăng, dầu các loại tăng 10,12%; đá quý, kim loại quý tăng 6,5%...
   Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành quý I ước đạt 402.378 triệu đồng, chiếm 3,86% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và giảm 11,59% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 14.747 triệu đồng, giảm 8,24%; dịch vụ ăn uống 387.631 triệu đồng, giảm 11,71%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 3.173 triệu đồng, giảm 28,55%.
   Doanh thu dịch vụ khác quý I ước đạt 2.661.093 triệu đồng, chiếm 25,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 6,52% so với cùng kỳ năm 2019    
   b. Giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
   Chỉ số giá tiêu dùng

   Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm 0,41% so với tháng trước. Trong đó: Có 6/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, bao gồm: đồ uống và thuốc lá giảm 0,48%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,19%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%; giao thông giảm 4,8%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,71%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,45%. Có 3/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,15%; may mặc, mũ, nón, giày dép tăng 0,25%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Có 2/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là bưu chính viễn thông và giáo dục.
   So với tháng 12/2019, Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng 0,68%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,66%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,27%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép giảm 0,28%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,79%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,44%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%; dịch vụ giao thông giảm 6,34%; bưu chính, viễn thông giảm 0,12%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,31%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,26%; nhóm hàng giáo dục vẫn ổn định so với tháng 12/2019.
   So với tháng cùng kỳ năm 2019, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba tăng 6,13%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 14,6% (lương thực tăng 10,01%; thực phẩm tăng 16,54%; ăn uống ngoài gia đình tăng 10,54%); đồ uống và thuốc lá tăng 2,35%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,13%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,46%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,2%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,6%; dịch vụ giao thông giảm 1,81%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,88%; giáo dục tăng 3,54%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 1,39%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,12%.
   Bình quân chung quý I, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,33% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 13,45%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,58%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,47%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,22%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,56%; dịch vụ giao thông tăng 2,71%; bưu chính, viễn thông giảm 0,64%; dịch vụ giáo dục tăng 3,54%; dịch vụ văn hóa,thể thao, giải trí tăng 1,84%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,39%.
   Một số yếu tố tác động đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong ba tháng đầu năm, bao gồm:
    (1) Dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh trong tháng Hai và vẫn đang tiếp diễn với những diễn biến khó lường đã tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng trong những ngày qua;
   (2) Hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi trong năm 2019 đã làm lượng cung thịt lợn trên địa bàn giảm mạnh, giá thịt lợn tăng, đã tác động tăng không nhỏ đến nhiều nhóm hàng hóa trong quý;
   (3) Giá gas từ đầu tháng Một đến nay đã có 1 lần tăng và 2 lần giảm giá. Tuy nhiên mức giảm 2 lần gần đây vẫn chưa bằng lần tăng giá trong tháng Một, bình quân chỉ số giá gas tăng 9,40% so với cùng kỳ;
   Bên cạnh những  những yếu tố tác động tăng, cũng có các yếu tố tác động giảm đến chỉ số giá trong ba tháng đầu năm như: Giá xăng dầu ba tháng đầu năm được công bố điều chỉnh 5 lần, trong đó cả 5 lần đều có điều chỉnh giảm. Hiện nay giá xăng dầu đang được điều chỉnh giảm khá thấp so với các kỳ trước.
   b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
   Chỉ số giá vàng tháng Ba tăng 5,11% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 4.686.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,03% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.318 đồng/USD.
   5. Hoạt động vận tải
   a. Hoạt động vận tải hành khách

   Vận tải hành khách tháng Ba ước đạt 1.202 nghìn lượt người vận chuyển và 65.924 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt giảm 14,22% về lượt người vận chuyển và giảm 13,98% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 59.504 triệu đồng, giảm 16,69%. Quý I, vận tải hành khách ước đạt 4.152 nghìn lượt người vận chuyển và 222.407 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt giảm 7,74% về lượt người vận chuyển và giảm 7,75% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 204.173 triệu đồng, giảm 7,41%.
   So với quý I năm 2019, cả ba chỉ tiêu doanh thu, khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách đều giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Cùng thời điểm này như mọi năm, sau Tết Nguyên đán người dân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết; học sinh, sinh viên quay lại trường học tập, đồng thời người dân thường tổ chức đi Lễ hội đầu năm rất đông. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường nên lượng khách đi lại trong thời điểm này giảm mạnh. Một số Doanh nghiệp cho biết mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh làm giảm doanh thu từ 20-40% so với cùng thời điểm năm trước, thậm chí có doanh nghiệp báo giảm đến 50%. Ảnh hưởng nhiều nhất chính là các loại hình xe hợp đồng với mức giảm lên tới 70 - 80% so với cùng kỳ. Các hợp đồng xe đưa đón học sinh, xe chở khách dịp lễ hội Xuân Canh Tý 2020 đều đã bị hủy bỏ. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong tháng Ba giảm mạnh cũng tác động đến giá cước vận tải của các doanh nghiệp và hộ cá thể góp phần làm giảm doanh thu, khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách trong thời gian qua.    
   b. Hoạt động vận tải hàng hoá
   Vận tải hàng hoá tháng Ba ước đạt 2.710 nghìn tấn vận chuyển và 113.846 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt giảm 7,41% về tấn hàng hóa vận chuyển và giảm 9,91% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 313.1473 triệu đồng, giảm 8,18%. Quý I, vận tải hàng hoá ước đạt 8.871 nghìn tấn vận chuyển và 372.369 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt giảm 0,45% về tấn hàng hoá vận chuyển và giảm 1,31% về tấn hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.016.884 triệu đồng, giảm 0,57%.
   Cả ba chỉ tiêu về doanh thu, khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển trong quý I đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do tác động từ dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy phải ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển cũng ít đi; giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế, hàng hóa không xuất nhập được qua cửa khẩu. Ngoài ra, kênh xuất nhập khẩu từ các nước có dịch khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... cũng bị giảm đáng kể. Do đó, hoạt động vận tải đã bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh.
   6. Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
   a. Thu ngân sách nhà nước

   Thu ngân sách tháng Ba ước đạt 853.271 triệu đồng, giảm 6,44% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Thu nội địa 553.271 triệu đồng, giảm 13,57%; thuế xuất nhập khẩu 300.000 triệu đồng, tăng 58,22%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 62.417 triệu đồng, giảm 51,36%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 200.893 triệu đồng, giảm 1,93%; thu lệ phí trước bạ 32.314 triệu đồng, tăng 146,56%; thu thuế thu nhập cá nhân 73.094 triệu đồng, tăng 5,07%; các khoản thu về nhà đất 120.562 triệu đồng, giảm 19,68%...
   Quý I, thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.235.691 triệu đồng, tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Thu nội địa 2.430.000 triệu đồng, tăng 9,81%; thuế xuất nhập khẩu 805.691 triệu đồng, giảm 5,49%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 48.000 triệu đồng, tăng 43,66%; thu từ DNNN địa phương 11.000 triệu đồng, giảm 10,79%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 446.700 triệu đồng, tăng 6,01%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 630.000 triệu đồng, giảm 11,25%; thu lệ phí trước bạ 90.000 triệu đồng, tăng 0,77%; thuế thu nhập cá nhân 270.000 triệu đồng, tăng 16,90%; thu phí, lệ phí 30.000 triệu đồng, tăng 9,68%; các khoản thu về nhà đất 744.000 triệu đồng, tăng 31,12%; các khoản thu khác 63.500 triệu đồng, tăng 36,43%.
   b. Chi ngân sách nhà nước
   Tính từ ngày 01/01/2020  đến ngày 20/3/2020, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 2.597.110 triệu đồng, đạt 25,25% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.282.074 triệu đồng, đạt 38,32% kế hoạch; chi thường xuyên 1.315.036 triệu đồng, đạt 18,95% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 68.150 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 516.439 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 81.154 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 18.318 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 124.664 triệu đồng; chi quản lý hành chính 388.399 triệu đồng; chi khác 105.910 triệu đồng.
   c. Hoạt động ngân hàng
   Ước tính đến 31/3/2020, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 86.730.855 triệu đồng, tăng 3,66% so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 80.486.841 triệu đồng, tăng 6,18% và chiếm 82,80% tổng nguồn vốn.
   Tổng dư nợ đối với nền kinh tế ước tính đến thời điểm 31/3/2020 đạt 60.263.752 triệu đồng, giảm 1,61% so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 41.682.510 triệu đồng, giảm 1,93%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 18.581.242 triệu đồng, giảm 0,9%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 57.518.541 triệu đồng, giảm 1,97%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.745.211 triệu đồng, tăng 6,44%. Nguyên nhân dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh giảm so với thời điểm cuối năm 2019 là do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp Covid-19 làm cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng, không đầu tư mở rộng sản xuất, dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm.
   Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.105.427 triệu đồng (chiếm 1,83% tổng dư nợ), tăng 2,01% so với thời điểm 31/12/2019.
       II. Một số hoạt động xã hội   
    1. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội
    Đời sống dân cư

    Trong quý I, các chính sách mới về lao động, tiền lương được triển khai thực hiện đã đem lại các hiệu ứng tích cực tác động trực tiếp đến đời sống của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện Nghị định số 38/2019/ NĐ-CP về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng 7,19%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Thực hiện Nghị định 44/2019/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, điều chỉnh tăng 7,19% mức lương hưu từ ngày 01/7/2019 cho các đối tượng: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng. Thực hiện Nghị Định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2020 đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiếu cao hơn mức lương cũ từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng mỗi tháng. Các chính sách mới về lao động, tiền lương được triển khai hiệu quả là động lực để người lao động hăng say với công việc và nâng cao năng suất lao động
    Các chính sách về tiền lương, thưởng tết cho người lao động được đảm bảo trả đầy đủ và kịp thời theo quy định. Toàn tỉnh có 138 doanh nghiệp thưởng tết cho 15,8 nghìn người lao động với mức thưởng từ 450-500 nghìn đồng/người; 179 doanh nghiệp thưởng tết cho 39 nghìn người lao động với mức thưởng dao động từ 1 - 8,1 triệu đồng/người. Mức thưởng tết có sự khác nhau ở các khu vực, nhóm ngành nghề cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có mức thưởng tết trung bình khoảng 8,1 triệu đồng/người. Mức thưởng tết cao nhất là 227 triệu đồng/người. Một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn nhưng cũng tạo điều kiện thưởng tết cho người lao động ở mức 200 nghìn đồng/người.
    An sinh xã hội
    Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Chủ tịch nước và Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ tỉnh thăm, tặng quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình chính sách và hỗ trợ đối tượng xã hội. Cụ thể như sau:
    Tặng 34.900 suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí là 7.154.400.000 đồng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tặng 34.964 suất quà của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ VN tỉnh tới người có công, gia đình liệt sỹ, gia đình quân nhân làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 và các đơn vị chăm sóc nuôi dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh. Tổng số tiền là 24.519.300.000 đồng.    Ngoài ra, các địa phương đã trích ngân sách và vận động các tổ chức, cá nhân tặng 8.790 suất quà, trị giá 2.495.730.000 cho người có công và thân nhân người có công.
          Tổ chức trao tặng Thiếp, quà chúc thọ của Chủ tịch nước cho người cao tuổi tròn 100 tuổi; Thiếp, quà chúc thọ của Chủ tịch UBND tỉnh cho người cao tuổi tròn 90 tuổi; thăm, tặng quà cho 31.712 người cao tuổi ở các độ tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100 và trên 100 tuổi, tổng số tiền là 11.148.350.000 đồng.
          Hỗ trợ 7.575 hộ nghèo ăn Tết, với mức 300.000 đồng/hộ (trong đó từ ngân sách tỉnh 250.000đồng/hộ; từ Quỹ Vì người nghèo 50.000 đồng/hộ). Tổng số tiền là 2.272.500.000 đồng.
    Tặng 05 suất quà trị giá 1.000.000 đồng/suất cho 05 cơ sở trợ giúp xã hội công lập trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ 760 đối tượng đang nuôi dưỡng tập trung, với mức 200.000 đồng/người. Tổng số tiền là 157.000.000 đồng.
    Toàn tỉnh thăm, tặng quà, trợ giúp (bằng tiền và hiện vật) cho 2.642 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo với số tiền trên 1,63 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp.
    2. Hoạt động văn hóa, thể thao
    a. Hoạt động văn hoá
    Trong quý I, toàn tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, vui chơi mừng năm mới, các lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, địa phương, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) được đẩy mạnh ở toàn thể các cấp, các ngành, các địa phương và các khu dân cư.
    Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức 9 điểm bắn pháo hoa tại 8 địa phương là thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Kim Động, Yên Mỹ, Khoái Châu và 2 điểm của huyện Văn Lâm. Nguồn kinh phí bắn pháo hoa là nguồn xã hội hóa, ủng hộ từ các cá nhân, doanh nghiệp ở các địa phương. Cùng với hoạt động bắn pháo hoa đêm giao thừa, tại các huyện, thành phố đều diễn ra các buổi biểu diễn nghệ thuật chào mừng năm mới. Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm nhằm tạo không khí vui tươi mừng Đảng, mừng Xuân và khơi dậy, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước trong nhân dân.
    Bảo tàng tỉnh trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa tỉnh Hưng Yên” và “Đảng bộ tỉnh Hưng Yên qua các kỳ đại hội” chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 90 năm Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Hưng Yên ra đời.
    Nhà hát chèo tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm giao thừa tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh, biểu diễn vở “Tình mẫu tử” tại thị xã Mỹ Hào. Thời gian sau Tết Nguyên đán, tất cả các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của tỉnh đều tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
    Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hưng Yên đã có Công điện số 174/CĐ-UBND về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona trong hoạt động  lễ hội, di tích, du lịch. Theo đó, tạm dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc, đối với các lễ hội đã khai mạc phải giảm quy mô, thời gian tổ chức các lễ hội, các hoạt động tập trung đông người hạn chế tổ chức.
    b. Hoạt động thể dục thể thao
    Trong quý I, ngành văn hoá, thể thao đã xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện, tập huấn, tham dự thi đấu các giải thể thao quốc gia năm 2020. Rà soát, đánh giá lực lượng vận động viên, tiến hành loại những vận động viên không còn khả năng phát triển, tuyển mới bổ sung để đào tạo, huấn luyện, thi đấu. Triển khai kế hoạch cho VĐV tập luyện thể lực tại gia đình trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19.
    3. Hoạt động y tế
    Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, đến 17 giờ ngày 23/3/2020, tỉnh chưa có trường hợp nào dương tính với Covid-19. Hiện nay, tỉnh đang tổ chức cách ly 41 trường hợp tại các cơ sở y tế; cách ly 321 trường hợp tại cơ sở cách ly tập trung số 1; cách ly 478 trường hợp tại nhà và nơi lưu trú. Toàn tỉnh đã lấy tổng số 376 mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, trong đó có 116 mẫu kết quả âm tính, 260 mẫu đang chờ kết quả.
    Khu cách ly tập trung cơ sở 1 Trường Quân sự tỉnh Hưng Yên tiếp nhận 349 người lao động và học tập trở về từ Hàn Quốc từ ngày 29/02/2020. Qua 14 ngày cách ly, theo dõi, sức khỏe của 349 người đều ổn định, không có trường hợp nào dương tính. Đến sáng ngày 15/3/2020, toàn bộ 349 công dân đã hết hạn cách ly tập trung và trở về nhà.
    Công tác vệ sinh, khử trùng: Tất cả 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức triển khai phun khử trùng tại các cơ quan, đơn vị, nơi công cộng (trường học, bến xe, công sở...), một số điểm phun lần 2, lần 3, lần 4, đặc biệt đã tổ chức phun khử trùng tại nhà và lưu trú của các đối tượng nghi ngờ, các đối tượng tiếp xúc gần với đối tượng nghi ngờ. Đến nay, đã tổ chức phun khử trùng được 5.071 điểm, trong đó tại trường học 1.382; tại chợ, nơi công cộng 502; tại cơ sở ty tế 561; tại cơ quan nhà nước 1.261; tại hộ gia đình 611; các điểm khác 672 . Sở Giao thông vận tải đã phun khử trùng tại 05 bến xe khách trên địa bàn tỉnh.
    Công tác chỉ đạo điều hành: UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng chống Covid-19. Sở Y tế, các sở, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh kịp thời.
    Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 19/3/2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đối tượng thuộc diện vận động tham gia ủng hộ là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Hình thức hỗ trợ: Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể ủng hộ bằng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân đang ở các khu vực cách ly có nhu cầu; hỗ trợ các phương tiện phòng, chống dịch như: Đồ bảo hộ phòng, chống dịch, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn... cho cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; ủng hộ bằng tiền mặt phục vụ công tác phòng, chống dịch... Thời gian vận động từ ngày 18/3- 30/4/2020.
    4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ  
    Trong quý I năm 2020 (Tính từ ngày 16/12/2019 đến ngày 15/3/2020), trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 53 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 52 vụ, xử phạt 2.047 triệu đồng. Riêng trong tháng 3, cơ quan chức năng đã phát hiện 3 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt 2 vụ với số tiền xử phạt là 20 triệu đồng.
    Nguyên nhân vi phạm chủ yếu của các vụ việc là: vi phạm gây ô nhiễm môi trường, việc xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường của các doanh nghiệp, vi phạm không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khai thác cát bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
    Quý I năm 2020 (tính từ 16/12/2019 đến 15/3/2020), toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào.
    5. An toàn giao thông
    Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/02/2020 đến 14/3/2020, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 12 người, làm bị thương 8 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 5 vụ, tăng 55,56%; số người chết tăng 6 người, tăng 100,0%; số người bị thương bằng với tháng trước. Tính từ đầu năm đến hết ngày 14/3/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông, làm chết 35 người, làm bị thương 23 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn tăng 2 vụ, tăng 4,88%; số người chết bằng với cùng kỳ năm 2019; số người bị thương giảm 2 người, giảm 8,0%./.
 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây