1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Sản xuất vụ Mùa: Đến ngày 17/10/2019, tất cả các địa phương trong tỉnh đã kết thúc thu hoạch lúa vụ Mùa. Theo đánh giá sơ bộ, năng suất lúa ước đạt 60,50 tạ/ha, tăng 2,89 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Vụ lúa Mùa năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, một số loại cây trồng khác cũng có năng suất ổn định và tăng so năm trước như: Lạc ước đạt 37,35 tạ/ha, tăng 0,43% so với cùng kỳ (tăng 0,16 tạ/ha); đậu tương đạt 24,51 tạ/ha, tăng 1,28% (tăng 0,31tạ/ha); ngô đạt 56,57 tạ/ha; rau các loại đạt 204,19 tạ/ha, tăng 2,86% (tăng 5,67 tạ/ha). Hoa các loại nhìn chung tăng khá cả về diện tích, năng suất, sản lượng...
Sản xuất cây vụ Đông: Những năm gần đây, vụ Đông là vụ sản xuất có ý nghĩa quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân và đóng góp khá cho tăng trưởng ngành trồng trọt. Vì vậy, sau khi kết thúc thu hoạch lúa mùa, các địa phương đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn gieo trồng các loại cây vụ đông, phấn đấu gieo trồng 11.050 ha theo kế hoạch của UBND tỉnh từ đầu vụ.
Theo đánh giá của ngành chức năng, sản xuất cây vụ Đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ trồng rau màu vụ đông với cơ cấu giống phong phú nên dự báo nguồn cung cho thị trường dồi dào, năng suất, sản lượng thu hoạch cao hơn năm trước. Tuy nhiên, vụ đông năm nay có không ít khó khăn, giá vật tư đầu vào cho sản xuất như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá nhân công cao, công làm đất... tăng nhanh, trong khi giá sản phẩm nhiều loại không tăng, gây khó khăn cho nông dân trong đầu tư thâm canh, giảm hiệu quả sản xuất. Mặt khác, nguồn lao động trẻ bị thu hút vào làm trong các doanh nghiệp nên nhiều nơi thiếu lao động, nhất là các huyện phía Bắc Hưng Yên. Tại nhiều địa phương, sản xuất vụ đông chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, khó khăn trong tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.
Theo báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp đến ngày 25/11, diện tích đất được cày ải trên địa bàn tỉnh đạt 8.810 ha. Toàn tỉnh gieo trồng được 9.786 ha rau màu vụ đông, trong đó: cây ngô đạt 2.010 ha; khoai tây 246 ha; lạc, đậu tương 343 ha; bí các loại 945 ha; dược liệu, hoa cây cảnh 1.104 ha, rau màu các loại rau khác 5.138 ha. Từ ngày 08/11, nhiệt độ tại các tỉnh phía Bắc giảm xuống đáng kể, đây là điều kiện thuận lợi cho cây vụ đông phát triển nhanh và cho năng suất cao. Đến thời điểm này, các loại cây vụ đông đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây lâu năm: Đối với các loại cây ăn quả (cây lâu năm) như cam, chuối đều đang trong giai đoạn phát triển quả và cho thu hoạch. Do thời tiết trong thời gian vừa qua tương đối thuận lợi, mặt khác bà con nông dân đã chú trọng đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng từ cây giống cho đến trong quá trình cây ra hoa đậu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật như: chiết, ghép, lai tạo giống, kích thích cây ra hoa trái vụ, phun thuốc tăng khả năng đậu quả và phòng trừ sâu bệnh kịp thời làm năng suất cây trồng tăng hơn. Do vậy, năng suất và sản lượng các loại cây ăn quả đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước (riêng cây nhãn-cây đặc sản của địa phương đã thu hoạch xong, theo báo cáo sơ bộ các huyện, thành phố sản lượng đạt 31.500 tấn, giảm 25,53% so với năm 2018).
b) Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả Châu Phi trên đàn lợn nhưng đến thời điểm này, 100% số xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch. Các địa phương vẫn duy trì tăng cường cán bộ kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm dịch bệnh, bên cạnh đó còn thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm. Đến thời điểm này các huyện, thành phố đã hoàn thành tiêm phòng tả và tụ huyết trùng cho đàn lợn; hoàn thành tiêm phòng tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò, dê và đang triển khai tiêm phòng bệnh cúm gia cầm và bệnh dại trên đàn chó, mèo.
Một số cơ sở chăn nuôi lợn (các hộ) đã bắt đầu vào đàn, tuy nhiên vẫn ở mức cầm chừng. Chăn nuôi đại gia súc và gia cầm tương đối ổn định, quy mô và sản lượng đạt khá. Thời điểm 01/11/2019, tổng đàn trâu, bò trong toàn tỉnh phát triển ổn định, tổng đàn lợn tuy có dấu hiệu phục hồi so với các tháng trước nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn ước đạt 473.170 con (bao gồm cả lợn sữa), giảm 24,96% so với cùng thời điểm năm 2018. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do các hộ chăn nuôi chuyển hướng từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm và các cơ sở chăn nuôi gia cầm đã chủ động tăng đàn gia cầm trước tình hình dịch bệnh ở lợn. Mặt khác, yếu tố thị trường đang thuận lợi bởi thịt gia cầm có thể thay thế một phần nhu cầu thịt lợn của người dân. Ước tính đàn gia cầm đạt 9.450 nghìn con, tăng 10,44% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó gà 6.625 nghìn con, tăng 10,23%. Hiện nay, tại địa phương đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, giá bán thịt lợn xuất chuồng tăng trở lại (bình quân từ 70.000-75.000 đồng/kg), tạo tâm lý yên tâm sản xuất và tái đàn, vì vậy dự báo tổng đàn lợn tăng trở lại trong thời gian tới.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Mười Một tăng 11,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 11,74%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,86%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,61%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,96%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 11,39%; thức ăn cho gia cầm tăng 15,31%; nước khoáng không có ga tăng 15,72%; quần áo các loại tăng 17,25%; thùng, hộp bằng bằng bìa cứng tăng 12,07%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 15,10%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60 mm tăng 17,66%; sắt thép các loại tăng 22,78%; mạch điện tử tích hợp tăng 3,35%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu tăng 13,79%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 39,63%; điện thương phẩm tăng 9,61%;...
Tính chung mười một tháng năm 2019, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) tăng 6,94%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,41%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,84%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,96%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: thức ăn cho gia cầm tăng 29,51%; nước khoáng không ga tăng 13,60%; quần áo các loại tăng 14,56%; cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ tăng 8,96%; thùng, hộp bằng bìa cứng tăng 15,76%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 12,46%; sản phẩm bằng plastic tăng 10,80%; sắt thép các loại tăng 12,85%; mạch điện tử tích hợp tăng 20,08%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5W tăng 19,65%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 2,25%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 19,58%. Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh phát triển và lây lan rộng nên nhu cầu tiêu thụ thức ăn gia súc bị giảm mạnh làm cho chỉ số sản xuất sản phẩm thức ăn gia súc mười một tháng giảm 19,89% so với cùng kỳ năm trước.
3. Hoạt động đầu tư
Vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Mười Một ước đạt 258.280 triệu đồng, tăng 17,64% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 120.960 triệu đồng, tăng 31,59%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 74.740 triệu đồng, tăng 24,34%; vốn ngân sách cấp xã đạt 62.580 triệu đồng, giảm 7,31%.
Tính chung mười một tháng năm 2019, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 2.187.812 triệu đồng, tăng 14,40% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 86,46% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 1.011.833 triệu đồng, tăng 18,99% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 79,17% kế hoạch; vốn ngân sách cấp huyện 664.083 triệu đồng, tăng 24,96% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 87,98% kế hoạch; vốn ngân sách cấp xã 511.896 triệu đồng, giảm 3,54% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 102,89% kế hoạch năm.
Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 19/11/2019, toàn tỉnh có 459 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.533.347 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 41 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 294.053 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 162 dự án, vốn đăng ký là 2.827.554 nghìn USD, chiếm 62,37% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 137 dự án, vốn đăng ký 672.858 nghìn USD, chiếm 14,84% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 99 dự án, vốn đăng ký 498.635 nghìn USD, chiếm 11,0% tổng số vốn đăng ký.
4. Thương mại, dịch vụ
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước thực hiện 3.286.481 triệu đồng, tăng 0,64% so với tháng trước và tăng 9,31% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung mười một tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 34.769.154 triệu đồng, tăng 11,37% so với cùng kỳ năm 2018.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa mười một tháng ước đạt 25.340.115 triệu đồng, chiếm 72,88% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 11,38% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng tăng chủ yếu như: lương thực, thực phẩm tăng 6,73%; hàng may mặc tăng 11,03%; đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 11,95%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,13%; xăng dầu các loại tăng 44,62%; hàng hóa khác tăng 28,93%;...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống mười một tháng ước đạt 1.734.300 triệu đồng, chiếm 4,99% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 14,22% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: dịch vụ lưu trú 63.043 triệu đồng, tăng 1,40%; dịch vụ ăn uống 1.671.257 triệu đồng, tăng 14,77%.
Doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành mười một tháng ước đạt 7.146 triệu đồng, tăng 13,72% so với cùng kỳ năm 2018.
Doanh thu dịch vụ khác mười một tháng ước đạt 7.687.592 triệu đồng, chiếm 22,11% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 10,73% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 11,15%; giáo dục và đào tạo tăng 17,04%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 12,66%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 10,77%;...
5. Chỉ số giá
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười Một tiếp tục tăng so với tháng trước, tăng 1,13%, đây là tháng có chỉ số giá tăng cao nhất từ đầu năm đến nay (tháng Một tăng 0,05%; tháng Hai tăng 0,71%, tháng Ba tăng 0,52%; tháng Tư tăng 0,05%; tháng Năm tăng 0,09%; tháng Sáu tăng 0,21%; tháng Bẩy tăng 0,54%; tháng Tám tăng 0,94%; tháng Mười tăng 0,98%). Trong đó, có 4/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng, bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, tăng 3,53%. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 4,25%, tiếp đà tăng từ các tháng trước, đến tháng này giá thịt lợn trong tỉnh đang ở đỉnh điểm, cụ thể như: thịt lợn mông sấn tăng 17,32%; thịt lợn lạc thăn tăng 17,05%; thịt lợn ba chỉ tăng 15,43%; sườn lợn loại sườn thăn tăng 15,15%. Giá thịt lợn tăng làm cho giá các mặt hàng kèm theo như chả quế tăng 7,63%, giò lụa tăng 15,39%, thịt lợn ba chỉ quay tăng 7,71%, giá mỡ lợn tăng 17,18%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,54%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,17%. Có 5/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước là: nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,40%; dịch vụ giao thông giảm 0,62%; bưu chính, viễn thông giảm 0,20%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%. Có 2/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước, đó là: thuốc và dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục.
So với tháng 12/2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Một tăng 4,35%. Trong đó: hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 8,88%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,71%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,57%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,52%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,39%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,52%; dịch vụ giao thông tăng 2,23%; bưu chính, viễn thông giảm 0,52%; giáo dục tăng 3,54%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,44%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,98%.
So với tháng cùng kỳ năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Một tăng 4,02%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,71%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,59%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 2,27%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,26%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,74%; dịch vụ giao thông giảm 2,57%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,79%; giáo dục tăng 3,54%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,79%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,0%.
Bình quân chung mười một tháng, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,60% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,71%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,52%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 1,26%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,50%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,78%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,30%; dịch vụ giao thông giảm 1,46%; bưu chính, viễn thông giảm 0,58%; dịch vụ giáo dục tăng 2,31%; dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,09%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,19%.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng Mười Một giảm 0,12% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 4.162.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng nhẹ 0,03% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.244 đồng/USD.
6. Hoạt động vận tải
a) Hoạt động vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng Mười Một ước đạt 1.469 nghìn lượt người vận chuyển và 80.133 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,39% về lượt người vận chuyển và tăng 3,0% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 64.897 triệu đồng, tăng 8,06%. Tính chung mười một tháng, vận tải hành khách ước đạt 15.009 nghìn lượt người vận chuyển và 871.576 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,39% về lượt người vận chuyển và tăng 11,54% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 681.791 triệu đồng, tăng 14,22%.
b) Hoạt động vận tải hàng hóa
Vận tải hàng hoá tháng Mười Một ước đạt 3.252 nghìn tấn vận chuyển và 116.258 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 10,67% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 7,75% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 266.720 triệu đồng, tăng 8,43%. Tính chung mười một tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 31.197 nghìn tấn vận chuyển và 1.116.855 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 12,09% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 11,67% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.519.631 triệu đồng, tăng 12,16%.
7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
a) Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách tháng Mười Một ước đạt 1.124.355 triệu đồng, tăng 27,97% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 823.945 triệu đồng, tăng 31,08%; thuế xuất nhập khẩu 300.410 triệu đồng, tăng 20,16%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 15.324 triệu đồng, tăng 56,99%; thu từ DNNN địa phương 1.632 triệu đồng, tăng 772,73%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 160.295 triệu đồng, tăng 75,26%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 282.224 triệu đồng, tăng 21,77%; thu lệ phí trước bạ 36.265 triệu đồng, tăng 22,97%; thu thuế thu nhập cá nhân 59.529 triệu đồng, tăng 25,75%; các khoản thu về nhà đất 207.594 triệu đồng, tăng 20,78%.
Tính chung mười một tháng năm 2019, thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.079.050 triệu đồng, tăng 22,03% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 101,66% kế hoạch năm. Trong đó: Thu nội địa 9.650.000 triệu đồng, tăng 21,90% và đạt 100,89% kế hoạch; thuế xuất nhập khẩu 3.429.050 triệu đồng, tăng 22,36% và đạt 103,91% kế hoạch. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 188.000 triệu đồng, tăng 5,17%; thu từ DNNN địa phương 32.000 triệu đồng, tăng 29,88%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.740.000 triệu đồng, tăng 6,84%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 2.922.000 triệu đồng, tăng 25,34%; thu lệ phí trước bạ 335.000 triệu đồng, tăng 22,60%; thuế thu nhập cá nhân 790.000 triệu đồng, tăng 17,59%; các khoản thu về nhà đất 3.000.500 triệu đồng, tăng 33,31%.
b) Chi ngân sách nhà nước
Tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 21/11/2019, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 9.006.040 triệu đồng, đạt 102,22% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.591.429 triệu đồng, đạt 143,0% kế hoạch; chi thường xuyên 5.414.611 triệu đồng, đạt 85,95% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 631.474 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.930.753 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 460.861 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 96.358 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 501.889 triệu đồng; chi quản lý hành chính 1.282.230 triệu đồng; chi khác 478.961 triệu đồng.
c) Hoạt động ngân hàng
Tính đến 31/10/2019, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 81.186.192 triệu đồng, tăng 11,33% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 72.690.984 triệu đồng, tăng 13,40% và chiếm 89,54% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 59.769.728 triệu đồng, tăng 6,96% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 41.404.703 triệu đồng, tăng 4,74%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 18.365.025 triệu đồng, tăng 12,32%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 57.344.404 triệu đồng, tăng 7,15%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.425.324 triệu đồng, tăng 2,58%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 965.539 triệu đồng (chiếm 1,62% tổng dư nợ), giảm 18,98% so với thời điểm 31/12/2018.
8. Một số hoạt động văn hoá, xã hội
a) Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hoá
Ngày 8/11, Hội thảo “Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Hưng Yên” diễn ra tại tỉnh Hưng Yên đã thu hút sự chú ý của hơn 50 đơn vị lữ hành trong nước. Tỉnh Hưng Yên có nhiều di tích, trong đó có cụm di tích Phố Hiến đã được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2014. Hội thảo nhằm tìm hướng phát triển cho du lịch Hưng Yên, làm sao có thể đầu tư đúng mức và khai thác một cách khoa học, hiệu quả tiềm năng hiện hữu để Hưng Yên không chỉ phát triển du lịch nhanh mà còn bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xóa đói giảm nghèo…
Ngày 12/11/2019, tại Trung tâm văn hoá tỉnh đã diễn ra Liên hoan các Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa - Nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lần thứ I năm 2019. Tham dự Liên hoan có hơn 200 nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công là các thành viên của 8 CLB tiêu biểu đại diện cho hơn 800 CLB, đội văn nghệ ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, biểu diễn 24 tiết mục ở các thể loại ca, múa, nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, hoạt cảnh… các tiết mục biểu diễn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn sâu sắc vô hạn với Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, niềm tự hào về quê hương Hưng Yên giàu đẹp, văn hiến, không khí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương… Liên hoan nhằm đẩy mạnh giao lưu, trao đổi giữa các CLBvăn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng phong trào nghệ thuật quần chúng, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Hoạt động thể thao
Trong tháng, hoạt động thể thao quần chúng của tỉnh diễn ra sôi nổi. Các địa phương đã tổ chức các giải thể thao như: Giải bóng đá thanh niên Hưng Yên cúp Donexpro năm 2019; Giải Cầu lông câu lạc bộ tỉnh năm 2019... Ngày 22/11/2019, tại Nhà luyện tập và thi đấu thể dục thể thao tỉnh đã diễn ra Giải cầu lông cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Hưng Yên năm 2019. Tham dự giải năm nay có trên 60 vận động viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đến từ các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thi đấu ở 3 nội dung: đôi nam, đôi nữ, đôi nam - nữ, theo thể thức chia bảng, đánh vòng tròn tính điểm, chọn các đôi có thành tích tiêu biểu ở các bảng vào thi đấu bán kết, chung kết. Kết thúc giải, Ban tổ chức đã trao 9 bộ huy chương cho các vận động viên có thành tích xuất sắc.
Cũng trong tháng qua, các vận động viên thể thao thành tích cao đã tham dự 4 giải thể thao quốc gia (Taekwondo, pencaksilat, đua thuyền, võ cổ truyền), đạt 14 huy chương các loại, trong đó 05 HCB, 09 HCĐ. Hiện nay một số môn thể thao như Bóng chuyền nữ, Wushu, Taekwondo, các vận động viên đang tích cực tập luyện để chuẩn bị tham dự các giải thể thao quốc gia. Đội bóng U21 Phố Hiến giành ngôi á quân giải bóng đá U21 Quốc gia báo Thanh Niên 2019 ở lần đầu tiên tham dự giải.
b) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/10/2019 đến ngày 15/11/2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 04 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 04 vụ, tổng số tiền xử phạt khoảng 149 triệu đồng. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu: 03 vụ vi phạm xả nước thải gây ô nhiễm môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, 01 vụ vi phạm về quản lý chất thải chưa đúng quy định.\
Từ ngày 16/10/2019 đến ngày 15/11/2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Từ đầu năm đến nay (tính từ 16/12/2018 đến 15/11/2019), toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy, không có vụ nổ, thiệt hại tài sản 5.170 triệu đồng.
c) An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/10/2019 đến 14/11/2019, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông (trong đó: 11 vụ tai nạn đường bộ, 1 vụ tai nạn đường sắt), làm chết 10 người, làm bị thương 7 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 2 vụ, giảm 14,29%; số người chết bằng với tháng trước; số người bị thương giảm 3 người, giảm 30,0%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 14/11/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 141 vụ tai nạn giao thông, làm chết 107 người, làm bị thương 101 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giảm 1 vụ, giảm 0,70%; số người chết giảm 2 người, giảm 1,83%; số người bị thương giảm 1 người, giảm 0,98%.
Tác giả bài viết: Cục Thông kê Hưng Yên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn