2 Banner ngang

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Năm và năm tháng đầu năm 2023

Chủ nhật - 28/05/2023 20:27

1. Nông nghiệp và thủy sản

Trong tháng, sản xuất nông nghiệp gắn với nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa vụ Xuân, rau màu và cây ăn quả; đồng thời bảo vệ an toàn trên đàn gia súc, gia cầm.

a) Trồng trọt

Sản xuất vụ Xuân: Theo kết quả điều tra diện tích gieo trồng cây nông nghiệp vụ Xuân năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng được 31.358,6 ha, giảm 5,66% (-1.880 ha) so với vụ Xuân năm trước. Cụ thể, diện tích gieo trồng một số loại cây chủ yếu như sau: cây lúa đạt 25.334,8 ha, giảm 6,5% (-1.760,8 ha); cây ngô đạt 958,8 ha, tăng 0,13% (+0,24 ha); cây đậu tương 143,1 ha, giảm 23,4% (-43,7 ha), cây lạc 407,68 ha, giảm 1,23% (-5 ha); rau các loại đạt 3.355,6 ha, giảm 0,26% (-8,29 ha).

Từ khi kết thúc gieo trồng vụ Xuân đến nay, thời tiết diễn biến khá thuận lợi cho cây lúa, rau màu sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, 100% tổng diện tích gieo cấy đã trổ bông. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng thóc. Các cấp, ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự báo thời điểm phát sinh sâu, bệnh hại lúa như bệnh đạo ôn cổ bông, bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, rầy nâu - rầy lưng trắng,... để thông báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Sản xuất cây lâu năm: tổng diện tích hiện có đạt 15.780 ha, chủ yếu là cây ăn quả (chiếm 93,50%). Trong năm tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có nhiều ngày mưa liên tục, mưa kèm theo tạp chất, bụi bẩn đã gây ảnh hưởng đến một số diện tích cây nhãn nở hoa vào thời kỳ này và làm rụng quả non ở một số diện tích vải. Cụ thể: trà nhãn chính vụ nở hoa vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gặp mưa nhiều nên tỷ lệ đậu quả thấp, dự báo sản lượng nhãn năm nay giảm so với năm 2022. Cây vải hiện nay đang trong giai đoạn phát triển quả, tỷ lệ đậu quả đạt cao.

Với các loại cây ăn quả khác, người dân đã chú trọng đầu tư, chọn lọc cây giống, chăm sóc kỹ lưỡng từ khi gieo trồng cho đến khi cây ra hoa, đậu quả, tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật như: chiết, ghép, lai tạo giống, kích thích cây ra hoa trái vụ, phun thuốc tăng khả năng đậu quả và phòng trừ sâu bệnh kịp thời nhằm nâng cao năng suất cây trồng.

b) Chăn nuôi

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ tăng, giảm thất thường gây ảnh hưởng tới sức khoẻ đàn vật nuôi, dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Do có sự chủ động, kịp thời của các ngành chức năng phối hợp với các địa phương trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh và vận chuyển gia súc, gia cầm nên đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

Tại thời điểm 01/5/2023, tổng đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh có dấu hiệu phục hồi, nhất là đàn lợn. So với cùng thời điểm năm trước, đàn lợn ước tính 505.641 con, tăng 4,21%; đàn trâu ước tính 4.670 con, giảm 2,1%; đàn bò ước tính 30.772 con, tăng 1,91%; đàn gia cầm ước tính 9.398 nghìn con, tăng 0,6%.

So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính đạt 39 tấn, tăng 4,05%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước tính đạt 236 tấn, tăng 4,42%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tính đạt 10.547 tấn, tăng 6,82%; sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng ước tính đạt 4.045 tấn, tăng 2,66%.

c) Nuôi trồng thuỷ sản

Từ ngày 15/5/2023 đến 05/6/2023, ngành chức năng đang triển khai đợt khử trùng môi trường nuôi trồng thủy sản để phòng, chống, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh thủy sản gây ra, tạo môi trường ao nuôi được đảm bảo, góp phần phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 5.216 ha, chủ yếu là diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh. Sản phẩm nuôi trồng phần lớn vẫn là những giống cá trắm, chày, chép hoặc rô phi và một số giống cá khác cho năng suất cao hoặc có giá trị trên thị trường.

Trong năm 2023, ngành chuyên môn của tỉnh có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất giống thủy sản để tăng tỷ lệ chủ động con giống, nhất là các giống cá chất lượng cao; tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư vấn chuyển giao kỹ thuật làm dịch vụ cho nông hộ, nhất là trong lĩnh vực giống thủy sản, vì vậy sản xuất thuỷ sản của tỉnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển và cho giá trị kinh tế cao.

2. Sản xuất công nghiệp

Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo chính quyền các cấp địa phương thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tháo gỡ khó khăn, “đồng hành” cùng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã nỗ lực phục hồi và phát triển sản xuất.

So với tháng trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Năm tăng 0,04%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,29%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,85%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,50%. Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng so với tháng trước là: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 9,84%; giầy, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 4,86%; quần áo các loại tăng 3,60%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 2,19%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 5,44%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 12,28%;...

Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với tháng trước như: thức ăn cho gia cầm giảm 2,49%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 6,81%; nước khoáng không có ga giảm 3,23%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 22,75%; thùng, hộp bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 6,16%; dây cách điện đơn bằng đồng giảm 10,38%;...

 So với cùng kỳ năm 2022, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,31%, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 6,13%; ngành sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 1,92%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 13,72%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng Năm có khối lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 11,84%; giầy, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 38,15%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 10,09%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 10,60%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 55,02%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 55,61%;... Bên cạnh đó, các sản phẩm có khối lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia cầm giảm 4,69%; quần áo các loại giảm 3,12%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 5,17%;...

Tính chung năm tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,62%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,91%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,75%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 23,63%; sản xuất trang phục tăng 21,83%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 16,66%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 222,04%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 11,93%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 13,22%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 19,33%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 10,88%;...

Một số sản phẩm công nghiệp có khối lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 1,86%; thức ăn cho gia cầm tăng 7,77; giầy, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 25,63%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 16,15%; sản phẩm bằng plastic tăng 17,71%; nước khoáng không có ga tăng 13,24%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 7,30%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 44,91%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 10,36%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ yếu trong năm tháng đầu năm có khối lượng sản xuất giảm như: thức ăn cho gia súc giảm 1,15%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 4,18%; quần áo các loại giảm 2,85%; dây cách điện đơn bằng đồng giảm 1,79%;...

3. Hoạt động đầu tư

a) Vốn đầu tư ngân sách địa phương

Ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Năm đạt 839.500 triệu đồng, tăng 54,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 468.200 triệu đồng, tăng 65,94%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 286.820 triệu đồng, tăng 60,66%; vốn ngân sách cấp xã đạt 84.480 triệu đồng, tăng 1,54%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Năm tăng cao so với cùng kỳ là do các dự án trọng điểm đang thực hiện có số vốn lớn và tiến độ thi công nhanh, công tác giải ngân, thanh toán được đẩy nhanh và dự toán chi cho XDCB năm 2023 tăng cao so với năm 2022; mặc khác, các công trình/dự án lớn triển khai trong năm 2022 đến nay tiếp tục được đầu tư thực hiện.

Tính chung năm tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.668.378 triệu đồng, tăng 61,89% so với cùng kỳ năm trước và đạt 22,22% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.483.166 triệu đồng, tăng 21,51%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 957.359 triệu đồng, tăng 81,89%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 227.853 triệu đồng, tăng 7,84%.

b) Hoạt động đầu tư nước ngoài

Tính đến ngày 22/5/2023, toàn tỉnh có 520 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 6.505.772 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay, có 17 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 228.840   nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: thứ nhất là Nhật Bản có 169 dự án, vốn đăng ký là 3.701.053 nghìn USD, chiếm 56,89% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 146 dự án, vốn đăng ký 851.567 nghìn USD, chiếm 13,09% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 131 dự án, vốn đăng ký 1.050.080 nghìn USD, chiếm 16,14% tổng số vốn đăng ký.

4. Thương mại, dịch vụ

Trong năm tháng đầu năm 2023, hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh đang trên đà hồi phục và tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước đạt 6.693.092 triệu đồng, tăng 0,41% so với tháng trước và tăng 86,74% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể như sau:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Năm ước đạt 2.628.290 triệu đồng, tăng 2,14% so với tháng trước và tăng 14,85% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 242.582 triệu đồng, tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 22,45% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành ước tính đạt 3.118 triệu đồng, tăng 12,56% so với tháng trước và giảm 8,29% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu ngành dịch vụ khác ước đạt 3.819.102 triệu đồng, giảm 0,75% so với tháng trước và tăng 248,99% so cùng kỳ năm trước. Chi tiết một số ngành như sau:

So với tháng trước, các nhóm hàng hóa, dịch vụ có doanh thu tăng như: ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 24,96%; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,22%; nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,70%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con tăng 1,11%; xăng, dầu tăng 7,58%; nhóm hàng hóa khác tăng 3,18%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 5,52%; dịch vụ khác tăng 22,47%;... Bên cạnh đó, một số nhóm hàng có doanh thu giảm so với tháng trước như: nhóm hàng vật phẩm, văn hoá, giáo dục giảm 3,56%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 0,11%; dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 1,55%.

So với tháng cùng kỳ năm trước, các nhóm hàng hóa, dịch vụ có doanh thu tăng như: lương thực, thực phẩm tăng 10,77%; hàng may mặc tăng 6,48%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 16,13%; xăng dầu các loại tăng 75,54%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 55,35%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 95,20%; dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 395,78%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 27,98%;... Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có doanh thu giảm như: vật phẩm, văn hoá, giáo dục giảm 15,94%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 23,11%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 17,48%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ (trừ dịch vụ lữ hành) giảm 18,97%;...

Tính chung năm tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 32.479.208 triệu đồng, tăng 104,86% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: bán lẻ hàng hóa 12.654.861 triệu đồng, tăng 25,23%; lưu trú, ăn uống 1.206.656 triệu đồng, tăng 40,42%; dịch vụ du lịch lữ hành 14.300 triệu đồng, tăng 86,20%; doanh thu dịch vụ khác 18.603.390 triệu đồng, tăng 281,06%.

Một số nhóm ngành có doanh thu tăng trưởng mạnh trong năm tháng đầu năm 2023 như: lương thực, thực phẩm ước đạt 5.017.638 triệu đồng (tăng 16,58%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 1.950.587 triệu đồng (tăng 39,54%); gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.625.467 triệu đồng (tăng 40,75%); xăng, dầu các loại ước đạt 977.573 triệu đồng (tăng 49,60%); dịch vụ ăn uống ước đạt 1.157.924 triệu đồng (tăng 40,25%); dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 16.717.441 triệu đồng (tăng 473,43%).

Nguyên nhân chính làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do quý I năm 2022, các hoạt động dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống vẫn chịu tác động bởi dịch COVID-19 khiến doanh thu giảm mạnh. Từ ngày 15/3/2021, Hưng Yên đã tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã đã góp phần thúc đẩy doanh thu của các hoạt động này tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

5. Chỉ số giá

a) Chỉ số giá tiêu dùng

So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 giảm 0,02% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có hai nhóm có chỉ số giá giảm, cụ thể: may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,37%; giao thông giảm 3,23%. Có 08 nhóm có chỉ số giá tăng là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,41%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,30%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,64%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; dịch vụ giáo dục tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.

So với tháng cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2023 tăng 1,51%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,15% (lương thực tăng 2,48%; thực phẩm tăng 2,21%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,41%); đồ uống và thuốc lá tăng 4,91%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 3,91%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,61%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,70%; dịch vụ giao thông giảm 6,72%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,45%; giáo dục tăng 3,78%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,65%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,07%.

Bình quân chung năm tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,99%; đồ uống và thuốc lá tăng 5,47%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 4,86%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,08%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,19%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,75%; dịch vụ giao thông giảm 0,72%; bưu chính, viễn thông giảm 0,50%; dịch vụ giáo dục tăng 3,71%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 3,20%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,85%.

Một số nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước là:

(1) Do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine và thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới đã gây ra khủng hưởng lương thực trầm trọng ở nhiều quốc gia. Điều này cũng đã gây tác động tới giá lương thực, thực phẩm của nước ta, bình quân 5 tháng so với cùng kỳ năm 2022 chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,71%; chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 3,37%.

(3) Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 5 tháng tăng 9,32% so với cùng kỳ năm trước do giá sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

(4) Giá dịch vụ giáo dục tăng 3,51% do học phí tại các cơ sở đào tạo nghề, lái xe tăng so với cùng kỳ năm trước.

(4) Giá dầu tăng cao, kéo theo chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng và ảnh hưởng bởi lạm phát nên giá các mặt hàng đồ dùng gia đình, đồ uống, thuốc lá, hàng may mặc mũ nón giày dép tăng.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Thị trường vàng trong nước tháng 5/2023 có động thái tăng theo giá vàng trên thế giới. Hiện tại giá vàng bình quân trong nước đang ở mức xấp xỉ 5.607.000 đ/chỉ, tăng 1,29% so với tháng trước. Nguyên nhân giá vàng tăng cao là do sự suy yếu của đồng đô la Mỹ và các quan ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ.

Trên thế giới, đồng USD đang có xu hướng giảm do những đánh giá không tốt về kinh tế Mỹ. Tại thị trường trong nước, đồng đô la Mỹ cũng được điều chỉnh theo giá đồng USD trên thế giới. Hiện tại, trị giá 01 USD tương đương 23.636 VNĐ, giảm 0,04% so với tháng trước.

6. Hoạt động vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tháng 5/2023 ước đạt 484.318 triệu đồng, tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 0,86% so với cùng kỳ năm trước. Năm tháng đầu năm 2023 doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 2.373.604 triệu đồng, tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước.

a) Hoạt động vận tải hành khách

Doanh thu vận tải hành khách tháng Năm ước đạt 75.353 triệu đồng, tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 0,23% so với cùng kỳ năm trước; tổng số hành khách vận chuyển và luân chuyển ước đạt 1,58 triệu người và 77,59 triệu lượt người.km, tương ứng tăng 0,46% và tăng 1,71% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung năm tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 378.694 triệu đồng, tăng 14,06% so với cùng kỳ năm trước; tổng số hành khách vận chuyển và luân chuyển toàn tỉnh ước đạt 7,40 triệu người và 383,99 triệu người.km; tương ứng tăng 10,01% và 7,19%.

b) Hoạt động vận tải hàng hóa

Doanh thu vận tải hàng hóa tháng Năm ước đạt 335.939 triệu đồng, tăng 1,12% so với tháng trước và tăng 1,55% so cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển ước đạt 2,71 triệu tấn và 157,45 triệu tấn.km, tương ứng tăng 2,03% và 5,65% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung năm tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.627.665 triệu đồng, tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển ước đạt 13,68 triệu tấn và 750,78 triệu tấn.km, tương ứng tăng 6,93% và 13,57%.

7. Hoạt động tài chính, ngân hàng

a) Thu ngân sách nhà nước

Thu ngân sách tháng Năm ước đạt 2.624.348 triệu đồng, giảm 65,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa 2.319.276 triệu đồng, giảm 67,74% (giảm mạnh nhất ở các khoản thu về đất - giảm 97,80%); thu hải quan 305.072 triệu đồng, giảm 18,89%.

Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 13.280 triệu đồng, tăng 11,82%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 128.711 triệu đồng, tăng 34,46%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 1.842.712 triệu đồng, tăng 539,07%; thuế thu nhập cá nhân 89.237 triệu đồng, giảm 6,39%; thu phí, lệ phí 45.254 triệu đồng, giảm 21,34%; các khoản thu về đất 145.520 triệu đồng, giảm 97,80%.

Tính chung năm tháng đầu năm 2023, thu ngân sách nhà nước ước đạt 14.468.079 triệu đồng, giảm 21,56% so với cùng kỳ năm trước và đạt 63,34% kế hoạch năm. Trong đó: Thu nội địa 12.585.000 triệu đồng, giảm 23,68% và đạt 69,07% kế hoạch; thuế xuất nhập khẩu 1.883.079 triệu đồng, giảm 3,63% và đạt 41,13% kế hoạch. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ doanh nghiệp nhà nước 78.000 triệu đồng, giảm 36,44%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.315.000 triệu đồng, tăng 38,80%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 7.225.000 triệu đồng, tăng 193,07%; thu phí, lệ phí 236.000 triệu đồng, giảm 4,37%; thuế thu nhập cá nhân 650.000 triệu đồng, tăng 6,63%; các khoản thu về đất 2.700.000 triệu đồng, giảm 76,80% so với cùng kỳ năm trước.

b) Chi ngân sách nhà nước địa phương

Tính từ ngày 01/01/2023 đến ngày 24/5/2023, chi ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 7.768.732 triệu đồng, đạt 39,22% kế hoạch năm. Trong đó: chi đầu tư phát triển 5.182.549 triệu đồng, đạt 43,18% kế hoạch năm; chi thường xuyên 2.586.183 triệu đồng, đạt 33,12% kế hoạch năm. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: chi sự nghiệp kinh tế 202.163 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 960.969 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 263.711 triệu đồng; chi sự nghiệp khoa học và công nghệ 17.905 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 44.577 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 250.452 triệu đồng; chi quản lý hành chính 603.646 triệu đồng; chi thường xuyên khác 242.760 triệu đồng.

c) Hoạt động ngân hàng

Ước tính tại thời điểm 31/5/2023, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 126.600.378 triệu đồng, tăng 6,75% so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó: nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 118.769.565 triệu đồng, tăng 7,52% và chiếm 93,81% tổng nguồn vốn.

Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 86.320.600 triệu đồng, giảm 0,37% so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 61.158.088 triệu đồng, giảm 0,84%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 25.162.512 triệu đồng, tăng 0,78%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 83.032.232 triệu đồng, giảm 0,57%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 3.288.368 triệu đồng, tăng 4,79%. Về chất lượng tín dụng: nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.218.786 triệu đồng (chiếm 1,41% tổng dư nợ), tăng 55,36% so với thời điểm 31/12/2022.

8. Một số hoạt động xã hội

a) Hoạt động văn hóa, thể thao

Trong tháng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, trọng tâm là: kỷ niệm 137 năm ngày Quốc tế lao động (01/5/1886-01/5/2023); 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023); 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954-07/05/2023); kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Từ ngày 26/4/2023 đến ngày 28/4/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức giải bóng đá U10 tỉnh Hưng Yên năm 2023 tại sân vận động bóng đá Phố Hiến thành phố Hưng Yên. Có 8 đội bóng đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, gồm: Huyện Ân thi, Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm và thành phố Hưng Yên. Sau 3 ngày thi đấu với tinh thần “Thể thao đoàn kết - Trung thực - Tiến bộ”, các cầu thủ nhí đã cống hiến cho khán giả những pha bóng hay, những trận bóng kịch tính, sôi nổi và hấp dẫn những bài thi kỹ năng xử lý trái bóng với kỹ thuật điêu luyện và đẹp mắt, giải bóng đá U10 tỉnh Hưng Yên năm 2023 đã thành công tốt đẹp.

Ngày 29/04/2023, Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống đền Mẫu năm 2023. Đền Mẫu tọa lạc tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên) được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII. Đền thờ Dương Quý Phi, được tôn xưng là Dương Thiên Hậu. Trong Đền lưu giữ nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn. Đền Mẫu hiện là điểm du lịch văn hoá tâm linh, không chỉ của người dân Hưng Yên mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương cầu phúc, cầu tài, cầu bình an.

Từ ngày 09-12/5/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công lễ khai mạc và thi đấu Giải Điền kinh học sinh phổ thông tỉnh Hưng Yên năm 2023. Tham gia Giải Điền kinh HSPT tỉnh Hưng Yên năm 2023 có 10 phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã, thành phố; 24 trường THPT với 356 VĐV tham gia tranh tài môn thi đấu Điền kinh THCS tại trường Đại học Thủy Lợi (cơ sở 2), huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Kết quả, Ban tổ chức đã tặng Cờ cho 8 đoàn đạt Giải Nhất, Nhì, Ba và có 128 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng được trao tặng cho các vận động viên có thành tích cao trong thi đấu.

Đối với thể thao thành tích cao: Trong ngày thi đấu 07/5/2023, tại SEA Games 32, tỉnh Hưng Yên có 02 vận động viên tham gia đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đã xuất sắc giành Huy chương Đồng nội dung Ganda nam. Hai vận động viên thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh Hưng Yên và được chọn vào đội tuyển Pencak Silat Việt Nam thi đấu tại SEA Games 32.

b) Hoạt động y tế

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): Từ ngày 21/4/2023 đến ngày 11/5/2023, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP do Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP tại 15 cơ sở thực phẩm do ngành Nông nghiệp và PTNT quản lý. Đoàn đã kiểm tra hồ sơ giấy tờ theo pháp lý, hợp đồng nguyên liệu, giấy khám sức khỏe; việc thực hành bảo đảm ATVSTP đối với các cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong tỉnh. Kết quả, 4/15 cơ sở được kiểm tra có vi phạm quy định về ATVSTP và bị xử phạt hành chính tổng số tiền 26 triệu đồng. Các lỗi chủ yếu là: công nhân không đủ bảo hộ lao động, kho chứa đựng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm không đủ giá kệ, biển tên. Trong tháng, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Tình hình dịch bệnh Covid-19: Trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 29/4/2021 đến 17/04/2023, toàn tỉnh ghi nhận 245.283 ca dương tính (không tính các ca dương tính là người nhập cảnh cách ly). Tính từ tháng 03/2021 đến nay, tỉnh đã triển khai các đợt tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tại 179 điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong toàn tỉnh. Tổng số đối tượng từ 18 tuổi trở lên có 837.378 người tiêm 1 mũi, số người được tiêm đủ 2 mũi là 861.564 người, số người tiêm mũi 3 là 901.284 người. Tổng số đối tượng từ 12 - 17 tuổi có 112.803 trẻ tiêm mũi 1, số trẻ được tiêm đủ 2 mũi là 112.803 trẻ em, số trẻ tiêm mũi 3 là 64.856 trẻ em. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh được tổ chức bảo đảm quy trình tiêm chủng an toàn. Toàn tỉnh đang triển khai tiêm đợt 44 với tổng số liều vắc xin là 3.300 liều AstraZeneca để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

Công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm khác: Trong tháng, ngành Y tế đã tăng cường công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm. Các hoạt động phòng chống bệnh Lao, phòng chống sốt rét, phòng chống bệnh như tim mạch, huyết áp, ung thư,... tiếp tục được duy trì hiệu quả. Công tác giám sát dịch được thực hiện thường xuyên, bảo đảm chế độ trực dịch và báo cáo dịch theo đúng quy định. Toàn tỉnh không xảy ra trường hợp nào bị dịch bệnh tả, bệnh truyền nhiễm (dịch hạch, thương hàn).

c) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 16/4/2023 đến ngày 15/5/2023, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát hiện 24 vụ vi phạm môi trường, (tăng 20 vụ so với tháng trước và tăng 19 vụ so với cùng kỳ năm trước). Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 21 vụ với số tiền xử phạt 79 triệu đồng. Lũy kế từ ngày 16/12/2022 đến ngày 15/5/2023, toàn tỉnh đã phát hiện 101 vụ vi phạm môi trường, xử lý được 89 vụ với số tiền xử phạt 618 triệu đồng. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu về vi phạm quản lý chất thải nguy hại, xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; tiếp nhận chất thải rắn không đúng quy định; khai thác đất trái phép;...

Cũng từ ngày 16/4/2023 đến ngày 15/5/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy (cháy xưởng sản xuất ở huyện Văn Giang). Lũy kế từ ngày 16/12/2022 đến ngày 15/5/2023, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy; không có vụ nổ; không có người chết, người bị thương do cháy.

d) An toàn giao thông    

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/4/2023 đến 14/5/2023, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông (14 vụ là tai nạn đường bộ; 01 vụ là tai nạn đường sắt), làm chết 11 người, làm bị thương 14 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 05 vụ (tăng 50,00%); số người chết tăng 01 người (tăng 10,00%); số người bị thương tăng 11 người (tăng 366,67%). Tính từ đầu năm đến hết ngày 14/5/2023, toàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, làm chết 42 người, làm bị thương 42 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 01 vụ (giảm 1,79%); số người chết giảm 01 người (giảm 2,33%); số người bị thương tăng 02 người (tăng 5,00%)./.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây