2 Banner ngang

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Ngành Thống kê năm 2018

Thứ năm - 08/03/2018 10:43

Hôm nay, tôi cùng đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất vui mừng đến dự lễ Tổng kết năm 2017 của ngành Thống kê Việt Nam, đặc biệt trong niềm vui các đồng chí về “nhà” mới khang trang, rất chất lượng với việc hoàn thành toàn diện vượt mức kế hoạch năm 2017 và không khí sau chiến thắng của đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam thì toàn quân, toàn dân chúng ta đang hết sức vui mừng.

Tôi làm lãnh đạo đã nhiều năm ở địa phương và Trung ương đã gần mười mấy năm. Từ trước đây, khi làm lãnh đạo ở địa phương, cách đây gần chục năm, tôi đã rất quan tâm tới ngành Thống kê. Như các đồng chí đã biết, bất cứ khi nào có dịp tôi đều nói chuyện với ngành Thống kê. Tôi rất hiểu và rất trân trọng ngành Thống kê, chia sẻ những khó khăn với ngành Thống kê. Tôi cũng rất trân trọng những sản phẩm của ngành Thống kê. Hôm nay, tôi đến đây chia sẻ những thành công của các đồng chí đã đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Tôi hiểu các đồng chí gian lao vất vả như thế nào để có những con số biết nói cho lãnh đạo trong điều hành đất nước.

Trước hết, ta thấy nhận thức trên toàn xã hội, ngành Thống kê là một ngành có vị trí quan trọng, bởi là nơi cho kết quả đầu ra của cả nền kinh tế với những số liệu khách quan, trung thực. Chúng ta có Luật Thống kê, theo đó ngành Thống kê tương đối độc lập để có được kết quả ấy. Từ sản phẩm kết quả đầu ra về kinh tế - xã hội của đất nước, giúp cho việc hoạch định về các chiến lược và công tác quy hoạch, kế hoạch của Quốc gia, của ngành. Từ đó, chúng ta hình thành nên những cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là qua số liệu, chúng ta có thể điều hành chỉ đạo, nhất là chỉ đạo những việc nổi cộm trong từng thời kỳ. Con số biết nói chính là ở chỗ đó. Không thể nói theo định tính được, cần phải có định lượng, khi chưa biết số tuyệt đối thì chưa thể nói số tương đối. Các đồng chí làm việc này rất khách quan.

Tôi cũng hiểu rằng, Thủ tướng nước ta qua các thời kỳ đều luôn quan tâm tới công tác thống kê. Đúng là bao nhiêu năm Thủ tướng mới tới đây nhưng chúng ta thông cảm điều này. Tuy nhiên gần nhất là năm 2017, nhiều lần Thủ tướng đã trực tiếp nghe đồng chí Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trường Tổng cục Thống kê dự Họp báo Chính phủ, phát biểu ý kiến, rất khách quan độc lập. Và Thủ tướng đã làm việc trực tiếp với Tổng cục Thống kê để nghe những tình hình của đất nước, qua số liệu của Tổng cục Thống kê, các tỉnh cập nhật số liệu thống kê về các ngành, các lĩnh vực. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng có sự chỉ đạo, giao trách nhiệm điều hành, làm rõ trách nhiệm cá nhân các Bộ trưởng, các đồng chí thủ trưởng các cơ quan cùng cấp, các địa phương có liên quan, làm rõ vì sao không đạt kế hoạch, vì sao con số của anh có nhiều vấn đề bất cập như vậy. Chính vì thế, tôi đến đây không những thăm các đồng chí, mà tôi muốn khẳng định với toàn xã hội rằng vị thế ngành Thống kê nước ta nói chung và trên thế giới để chỉ đạo điều hành đất nước chúng ta.

Trước hết tôi đánh giá cao kết quả thầm lặng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống Thống kê cả nước và tại đây tôi nhấn mạnh một số vấn đề. Trước hết, nhìn lại năm 2017 cho thấy nhiều khó khăn thách thức nhưng nhờ nỗ lực phấn đấu tuyệt vời của cả hệ thống chính trị, được người dân tin tưởng, đặc biệt điều hành trực tiếp của Chính phủ và các bộ ngành có liên quan, qua số liệu mà chúng ta chỉ đạo và đã đạt được kết quả toàn diện mà ngành Thống kê đã họp báo, công bố trước khi Chính phủ họp. Có thể nói đây là một năm thành công của nước ta, của Chính phủ nước ta, trong đó có sự đóng góp quan trọng, trực tiếp của ngành Thống kê Việt Nam.

Như báo cáo các đồng chí vừa nêu, lần đầu tiên chúng ta có kịch bản tăng trưởng hàng quí. Chúng ta biết GDP quí I chúng ta đạt thấp, chỉ 5,15%. Lúc đó nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều Bộ trưởng nói tôi xem lại, nếu không lại mang tiếng là mình không hoàn thành kế hoạch. Tôi có nói rằng, nếu số liệu này đúng thì chúng ta phải nhìn rất thẳng thắn, đó là “một cái tát” vào mặt Chính phủ về chỉ đạo. Nên tôi yêu cầu đồng chí Tổng cục trưởng cùng đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các kịch bản tăng trưởng của quí II, III và IV, làm rõ các sản phẩm chủ lực để tăng trưởng, các lĩnh vực cần tăng trưởng để chỉ đạo. Từ đó qui trách nhiệm cá nhân của các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí trưởng các đơn vị, chủ tịch các địa phương về đóng góp tăng trưởng. Chúng ta không chạy theo tăng trưởng về số lượng, nhưng số lượng của tăng trưởng này quyết định đến nhiều chỉ tiêu chất lượng khác như việc làm, thu ngân sách, vấn đề lao động; hơn nữa số lượng đã thấp rồi, nhỏ rồi, mà tụt xuống nữa thì có nguy cơ nhiều vấn đề đặt ra. Sau đó với kịch bản cụ thể, Tổng cục Thống kê đưa ra quí II chúng ta đã đạt 6,17%, quí III đạt 7,46% và quí IV đạt 7,65% để tổng kết năm chúng ta đạt 6,81%. Mà mơ ước của chúng ta là 6,7% trong bối cảnh 16 cơn báo dồn đập đổ vào Việt Nam gây tổng thiệt hại trên 60 nghìn tỷ đồng, tương đương với gần 3 tỷ USD. Và 6,81% này tương đương với qui mô nền kinh tế lên đến khoảng 5,1 triệu tỷ. Số lượng này làm cho nợ công của Việt Nam từ 64,6% xuống còn chỉ 61%. Mọi người thở phào, vì nợ công là điều ảnh hưởng đến an toàn quốc gia về kinh tế. Cùng với số liệu tăng trưởng, tất cả các chỉ tiêu chất lượng khác, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước, giảm nghèo, vấn đề môi trường sống của người dân… được cải thiện.

Tôi nói thế để thấy rằng kịch bản tăng trưởng cụ thể của Tổng cục Thống kê, các đồng chí chủ động xây dựng phù hợp để Thủ tướng và Chính phủ phê duyệt đã đạt mục tiêu đề ra. Tôi xin nói lại, đây là lần đầu tiên Chính phủ có kịch bản tăng trưởng hàng quí, theo ngành, lĩnh vực cụ thể làm căn cứ chỉ đạo điều hành. Đây là bài học kinh nghiệm quý của ngành Thống kê chúng ta. Các địa phương, tỉnh ủy có quan tâm vấn đề này không? Có trân trọng người làm thống kê trong từng cơ quan? Đây là kinh nghiệm quý để sang năm tiếp tục triển khai. Để từ đó tôi mới nói anh A hoàn thành nhiệm vụ, anh B không hoàn thành nhiệm vụ, tỉnh A chưa thực hiện tốt trong chỉ đạo điều hành. Khách quan ra sao? Chủ quan ra sao? Chúng ta cứ khai báo liên thiên, trên trời không đụng vào ai cả, thì kịch bàn này đụng chạm vào những sản phẩm, những lĩnh vực mà người điều hành phải chịu trách nhiệm.

Việc làm này không phải là ý chí bình thường mà đây là một phương pháp điều hành có cơ sở khoa học, thông qua con số thống kê. Để làm được việc này các đồng chí phải trực tiếp làm việc, đôn đốc, theo dõi các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành sản xuất, và các đồng chí đã kịp thời kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo cụ thể cho từng ngành, từng sản phẩm để đóng góp vào tăng trưởng. Bây giờ tín dụng tăng, đẩy cầu lên bao nhiêu phần trăm để có một lượng vốn trong xã hội. Lúc đầu chúng tôi dự kiến có thể sẽ tăng thêm 2% tín dụng, nhưng sau khi thấy rằng nó đã đạt mức tăng trưởng rồi, không cần phải tăng tín dụng cao như thế, mà chúng ta vẫn tăng trưởng, chúng ta vẫn tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế cho nên các đồng chí thấy tín dụng chỉ tăng 17-18%, không phải cao lắm. Chúng tôi nói rất khách quan về các ngành, nhất là các ngành kinh tế thấy được số liệu này, chứ không phải Thủ tướng hay Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ép, yêu cầu đưa tín dụng đầu tư ra xã hội lớn. Đặc biệt hàng tháng, các đồng chí đều có báo cáo cụ thể số liệu và tình hình kinh tế - xã hội chính xác từng lĩnh vực, từng sản phẩm chủ đạo, qua đó, giúp Thủ tướng đánh giá được thực chất hoạt động của từng ngành, có chỉ đạo cụ thể cho từng Bộ trưởng, thủ trưởng của từng ngành tại phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ. Và chính vì các thông tin đầu vào như thế, tôi xin nói lại, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo sát sao, chính xác đối với tình hình kinh tế - xã hội chứ không phải nói chung chung, nhất là những sản phẩm chủ lực của nền kinh tế nước ta .Vì sao chúng ta có mấy chục mặt hàng trên một tỷ đô la để xuất khẩu, để chúng ta cán đích cán cân thương mại và có thể xuất siêu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ...

Đặc biệt, tôi đánh giá cao các đồng chí đã phối hợp với các Bộ, ngành trong điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện theo hướng giá thị trường nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức 3,53%. Ta đưa vào thời điểm nào đều tính toán rất chặt. Ngành y tế các tỉnh đưa vào giá dịch vụ y tế, đến cuối tháng 12 ta quyết định đưa giá điện tăng lên để làm cơ sở cho năm 2018. Cho nên kinh nghiệm hay ngoài kịch bản tăng trưởng ra thì kinh nghiệm phối hợp điều chỉnh giá rất quan trọng. Vì lạm phát ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế vĩ mô, chúng ta phải quản lý, Quốc hội rất quan tâm. Các đồng chí thấy lạm phát thấp như thế, người dân rất phấn khởi, đồng tiền của Việt Nam là đồng tiền có giá ổn định nhất của châu Á, là do chúng ta điều hành đấy chứ.

Chúng tôi cũng đánh giá cao các đồng chí làm tốt công tác phổ biến thông tin tình hình kinh tế - xã hội, thường xuyên tổ chức họp báo hàng tháng, hàng quý, có giải trình, đảm bảo tính trung thực, khách quan số liệu thống kê, nhận được sự đồng tình cao của xã hội và người dân.

Nhân đây tôi cũng khẳng định rằng, các đồng chí cần biết hơn tất cả chúng tôi nữa, Chính phủ luôn tôn trọng tính trung thực, khách quan của số liệu thống kê, và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ và ý thức chấp hành pháp luật của các đồng chí; bảo đảm tốt nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong hoạt động Thống kê của Nhà nước, đó là trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, thực hiện đúng Luật Thống kê. Chúng ta không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu mà chúng ta đưa ra những số liệu để nó bổ sung lẫn nhau, chứ không phải anh muốn gia tăng mà được đâu vì anh không hiểu là đưa số liệu lên sẽ tăng, vênh đủ thứ chứ không phải đơn giản đâu. Ví dụ, anh muốn nói về thống kê xuất nhập khẩu thì phải tìm bên hải quan để có những số liệu như thế.

Hôm nay có đông đủ các cơ quan thông tin ở đây, tôi nói luôn tính trung thực là một yêu cầu cho thấy Chính phủ không chạy theo thành tích và chúng tôi yêu cầu thống kê làm đúng theo quy định của pháp luật thống kê. Đương nhiên là các đại biểu ngồi đây có thể nói thế này thế khác nhưng chúng ta phải nói rằng số liệu của chúng ta là chính xác, khách quan. Không có ông chủ tịch nào, không có ông Thủ tướng, Bộ trưởng nào yêu cầu phải tăng số liệu lên. Các đồng chí cứ thực hiện đúng yêu cầu này. Anh Bích Lâm là người rất thẳng thắn, ngay thẳng, không phải né ai, hay sợ sệt bất cứ cái gì cả trong vấn đề thể hiện số liệu.

Các đồng chí đã tiếp tục đổi mới phương pháp cách thức tiếp cận, phát triển hệ thống thống kê, trong đó đã tính toán, công bố số liệu GDP cấp tỉnh đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý, chỉ đạo và điều hành của các cấp, các ngành. Phương pháp tính mới ở địa phương là các đồng chí đã loại bớt được sự trùng lặp, góp phần làm giảm chênh lệch số liệu giữa địa phương và cả nước, khắc phục bệnh thành tích ở địa phương. Tôi vừa nói với Anh Lâm, Tổng cục Thống kê trên này là cơ quan đầu mối, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng cục Thống kê ở các tỉnh lại không thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư gì cả, độc lập cơ mà. Cục Thống kê họ rà soát, loại bỏ những yếu tố trùng lắp này rất lớn, cho nên cộng hết tất cả các địa phương lại theo phương pháp cũ thì lên tận mấy chục phần trăm. Và chúng ta cũng thấy rất rõ trong dư luận xã hội, trong đời sống bình thường khẳng định sự chính xác, bảo đảm uy tín của ngành chúng ta và các dự báo của chúng ta cũng tương đối chính xác. Chúng ta dự báo có khả năng đạt 6,7%, và các đồng chí tại kỳ họp cuối cùng của năm vừa rồi cũng có rất nhiều ý kiến, từ đầu băn khoăn nhưng càng  đến cuối số liệu đó càng khẳng định, đăc biệt các định chế tài chính lớn, quốc tế đều đánh giá thống nhất với dự báo của ngành Thống kê Việt Nam, như WB, ADB, HSBC,… Điều đó chứng tỏ uy tín, chất lượng của số liệu thống kê, dự báo của chúng ta, nhất là con số thực tế cuối năm vượt mức, không phải 6,7% mà là 6,81%. Chúng tôi cũng không có nói gì cả mà chính WB, ADB tự lên ti vi điều chỉnh lại mức công bố này cho phù hợp với đánh giá của Việt Nam. Chứ không số liệu của chúng ta cong vênh với những số liệu đánh giá của họ thì rất phức tạp. Nhưng chúng ta gặp nhau vì cái chung này. Chắc chắn vẫn còn sót rất lớn, tôi sẽ nói phần sau, số liệu chúng ta làm như vậy rất là tốt, rất có ý nghĩa, tạo niềm tin và thực chất của nền kinh tế Việt Nam. 

Tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao việc các đồng chí đã chủ trì, tổng hợp, xây dựng và báo cáo kiểm kê, đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế, báo cáo kịp thời cho Chính phủ. Đây là việc đột xuất nhưng mà các đồng chí đã làm việc rất nghiêm túc để thấy năng lực hay những vấn đề đặt ra cho nền kinh tế. Trước khi đồng chí Huệ (Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ) đi ra sân bay có gọi báo cáo với tôi rằng đã giao việc hoàn chỉnh rồi, sắp tới sẽ báo cáo Bộ Chính trị về đánh giá thực chất các nguồn lực nền kinh tế. Cái này quan trọng, nhất là trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ, làm rõ trách nhiệm điều hành quản lý đất nước. Tôi mong rằng các đồng chí đã hoàn chỉnh bước 2 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, và Bộ chính trị và cần tiếp tục hoàn thiện để chất lượng báo cáo ngày càng tốt hơn, không phải chỉ là 12 doanh nghiệp mà còn nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ... Những số liệu này hay bức tranh của nền kinh tế và từ tình hình thực chất chúng ta hoạch định chủ trương, chính sách tiếp theo cùng với tình hình thực tế của đất nước năm 2017 vừa qua. Những việc như vậy tôi nói các đồng chí làm rất đồng bộ và rất vất vả cho anh em.

Đánh giá thứ hai là các đồng chí triển khai thực hiện tốt cuộc điều tra thống kê, trong đó nổi bật là cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017, đây cũng là việc lớn trong toàn ngành. Các đồng chí cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sau đó đã trình Thủ tướng Đề án ứng dụng và phát triển CNTT truyền thông trong hệ thống thống kê Nhà nước giai đoạn 2017 -2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng thống kê trong bối cảnh bùng nổ việc ứng dụng CNTT và Internet ở Việt Nam và chúng ta đã tận dụng rất tốt điều này.

Thứ ba là các đồng chí đã chủ động, tích cực triển khai Luật Thống kê, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam với trọng tâm là hoàn thiện phương pháp, chế độ thống kê, nâng cao chất lượng thống kê và kiện toàn tổ chức bộ máy ngành. Thành tích của các đồng chí rất lớn, toàn diện chứ không phải chỉ một mặt nào. Hôm nay, tại Hội nghị này, thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được, sự nỗ lực cố gắng, phấn đấu đoàn kết quyết tâm của toàn ngành Thống kê, trong đó các đồng chí đã phối hợp tốt với các Bộ, ngành và địa phương đạt được kết quả toàn diện, xuất sắc, góp phần quan trọng vào những thành công toàn diện của nền kinh tế nước ta trong năm 2017, trong đó có việc hoàn toàn mới như xây dựng kịch bản tăng trưởng, đánh giá năng lực của nền kinh tế... Và cụ thể có việc mà tôi rất ấn tượng là công tác cán bộ, các đồng chí làm bài bản, chặt chẽ, được dư luận đánh giá tốt, quy hoạch, phát triển, đánh giá cán bộ rất quan trọng nhưng các đồng chí đã làm bài bản. Công tác tuyển dụng cán bộ, vừa rồi các đồng chí thiếu biên chế, tổ chức tuyển dụng, thi cử rất nghiêm túc để đầu vào tốt. Đây là kinh nghiệm để các Bộ, ngành cần vận dụng…  Nhiều tập thể ở Tổng cục, nhiều Cục Thống kê ở địa phương có thành tích tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có nhiều cá nhân xuất sắc. Một Tổng cục tốt cần có nhiều Vụ trưởng tốt, nhiều Cục trưởng tốt ở địa phương. “Một cây làm chẳng nên non”, cái này là cái quý. Con người là vấn đề quyết định. Đặc biệt trong lãnh đạo Tổng cục, có chế độ công tác cũng rất bài bản, thiết lập một kỷ cương. Nhiều Bộ, ngành lơi lỏng kỷ cương, ở đây tôi thấy các đồng chí thực hiện nghiêm túc.              

Một lần nữa, tôi đánh giá cao, với những thành tích này các đồng chí xứng đáng với sự ngợi khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đặc biệt là 5300 người của ngành Thống kê trong cả nước. Chúng ta một lần nữa biểu dương những thành tích này.

Tại Hội nghị này ngoài phát biểu của đồng chí Tổng cục trưởng về những tồn tại, tôi nhấn mạnh thêm một số hạn chế, tồn tại để khắc phục những tồn tại mà chúng ta đã phát hiện ra. Vấn đề tổng kết không phải thành tích, mà chính là nói lên những bất cập tồn tại.

Thứ nhất là việc thu thập thông tin thống kê cũng còn nhiều vấn đề mà chúng ta cần chú ý. Thứ hai, chất lượng thông tin thống kê cũng còn nhiều vấn đề bất cập mà chúng ta cần sử dụng phương pháp thống kê chính xác hơn.

Phương pháp, chế độ thống kê còn sự bỏ sót lớn. Một nền kinh tế phát triển như thế này, kim ngạch hai chiều trên 400 tỷ, tại những thành phố lớn, ở những đại công trường mỗi năm nhập khẩu mấy chục triệu ô tô nhưng chúng ta chưa tính đến. Chúng ta bỏ sót lớn nhất là kinh tế dịch vụ.

Công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, phổ biến số liệu thống kê còn nhiều vấn đề. Sản phẩm thống kê còn đơn điệu, thời gian tới các sản phẩm thống kê cần đa dạng hơn, số liệu cần phải thuyết phục hơn, ấn tượng hơn, biểu mẫu sơ đồ cần rõ ràng hơn. Hợp tác quốc tế, đào tạo các cán bộ chuyên gia thống kê cần đẩy mạnh hơn… Đây là ngành khoa học, chứ không phải ngành bình thường. Tôi tin rằng trong cán bộ chúng ta, chưa biết tính phương pháp bình quân gia quyền như thế nào. Đặc biệt các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng là vấn đề cần đặt ra. Mình đang thống kê về số lượng tăng trưởng tương đối nghiêm khắc nhưng các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng cần chú ý hơn nữa: vấn đề môi trường, năng suất lao động, vấn đề xã hội… chứ không phải chỉ về số lượng tăng trưởng.

Đặc biệt là tôi muốn nói chúng ta còn bỏ sót lớn giá trị GDP. Chúng ta không thể gọi kinh tế ngầm của Việt Nam mà phải nói là kinh tế không chính thức ở Việt Nam còn rất lớn ở xã hội mà chúng ta chưa thống kê được. Mà tôi thấy ở Trung Quốc, Phillipine thực tế còn nghèo nhưng sao GDP của họ cao vậy. Dịch vụ tiêu dùng của chúng ta bỏ sót thuế rất lớn. Giá trị tăng trưởng tiêu dùng chúng ta đang bỏ sót nhiều. Cái này các đồng chí cần tìm cách khắc phục. Tôi đã nhấn mạnh với đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê rất nhiều lần, nhưng tại Hội nghị tổng kết này tôi vẫn muốn nói là ít ra chúng ta đã bỏ lỡ khoảng 2% GDP vì phần kinh tế không chính thức này bởi chúng ta chưa có chế độ quản lý chặt chẽ từ dưới lên trên. Cho nên GDP và thuế cũng mất rất lớn. Chúng ta áp dụng thuế khoán, thực tế phương pháp này còn nhiều bất cập. Mà tôi cần sự trung thực, khách quan để cộng vào 6,81% ta sẽ có hơn 7%, như vậy ta sẽ có mẫu số rất lớn và nó kéo theo bình quân rất cao. Đây không phải là thành tích mà tôi nói về điều đó. Như vậy bình quân đầu người Việt Nam sẽ không thấp như thế này, chúng ta sẽ có dư địa để tìm nguồn phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng của chúng ta nhiều vùng còn khó khăn lắm do dư địa nợ công đang ở mức trần. Tôi mong rằng việc bỏ sót giá trị GDP này được khắc phục ngay trong 6 tháng đầu năm 2018. Đây là nhiệm vụ yêu cầu các đồng chí cần quan tâm cùng các Bộ, ngành khác.

Chính vì vậy tại Hội nghị này tôi đưa ra một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2018 như sau:

Trước hết chúng ta thấy vị trí bản lề quan trọng của năm 2018, là năm thực hiện hoạch định chính sách của 5 năm tiếp theo, năm đánh giá sự phát triển kinh tế Việt Nam những vấn đề đặt ra, chính vì vậy việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội là vô cùng quan trọng đối với cơ quan Chính phủ. Một năm đặt ra phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để thực hiện mục tiêu năm 2018.

Vậy ngành Thống kê cần làm gì để thực hiện 10 chữ này thông qua việc phát huy những thành quả của năm 2017 vừa qua. Chắc chắn rằng Thủ tướng và Chính phủ cần một kịch bản tăng trưởng rõ nét để điều hành như kinh nghiệm quan trọng đầu tiên mà năm 2017 của các đồng chí đã đưa ra. Thứ hai, về ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước, không thể để chạy tăng trưởng một chiều, nóng vội. Tăng trưởng rất cao mà không chỉ đạo bài bản, không có hoạch định thì sẽ gay go trong tương lai. Mà bài học nhãn tiền của những năm trước đây chúng ta đã vấp phải cái này. Điều này các đồng chí phải chủ động đề xuất với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với Thủ tướng Chính phủ thông qua các báo cáo hàng tháng, hàng quý để đánh giá.

Chính vì vậy, trước hết tôi đồng ý với phương hướng nhiệm vụ 2018 của Ông Nguyễn Bích Lâm đã báo cáo. Chúng ta cần xác định một lần nữa rằng, với yêu cầu như vậy, Thống kê có vai trò, sứ mệnh rất quan trọng. Các đồng chí cần nâng cao chất lượng công tác thống kê, phục vụ tốt hơn chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2018. Tôi nói vậy để các đồng chí Cục trưởng cũng báo cáo lên Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND các địa phương trong cả nước cần quan tâm đặc biệt đến ngành Thống kê, đừng coi thường ngành Thống kê, trong lãnh đạo, chỉ đạo, anh nào coi thường thống kê là phi khoa học.

Tôi đề nghị một số ý lớn:

-             Thứ nhất, đề nghị các đồng chí tập trung nâng cao chất lượng công tác thống kê, đặc biệt là công tác phân tích, đánh giá, dự báo kinh tế vĩ mô, các ngành, lĩnh vực. Như vậy có nhiều việc, đầu tiên là chất lượng số liệu thống kê, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác phân tích, đánh giá, hoạch định các chính sách của các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương. Số liệu nào chính sách đó, có đánh giá, dự báo. Chính vì vậy, tôi đề nghị số liệu thống kê công bố là nguồn số liệu chính thống, tin cậy, không để sai sót xảy ra, không bỏ sót, không tính trùng… Toàn ngành Thống kê cần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo, thông tin của ngành Thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời, minh bạch. Tôi cũng mong muốn các đồng chí nghiên cứu, áp dụng những chuẩn mực quốc tế và chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ hiện đại vào ngành Thống kê. Không phải ai cũng hiểu con số này, chính vì thế mà bên cạnh số liệu các đồng chí cần quan tâm hơn nữa đến phân tích, đánh giá số liệu thống kê để số liệu thống kê thực sự là con số biết nói.

Các đồng chí ở Cục Thống kê địa phương cần giúp cho Tỉnh ủy nắm được tình hình của địa phương mình để mà chỉ đạo và trên trung ương càng có ý nghĩa hơn, phức tạp hơn các địa phương, cần các số liệu chính xác, có tính đa ngành trong chỉ đạo.

Thời gian qua chúng ta có những báo cáo, đánh giá sâu về tình hình quốc tế nhưng còn ít, chất lượng tham mưu đề xuất chưa cao, chúng ta là một nền  kinh tế hội nhập sau, rất sau. Chúng ta cần đi sâu vào đánh giá tổng quát tình hình thế giới để chúng ta phải có định hướng, kịp thời hơn, chúng ta không bị động bất ngờ. Tình hình quốc tế vô cùng phức tạp, không thể để tình hình quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình trong nước cho nên bộ phận phạm vi nghiên cứu quốc tế đặt ra nhiệm vụ rất lớn. Việc các đồng chí phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong Bộ Kế hoạch Đầu tư, và các cơ quan nghiên cứu rất quan trọng. Chứ không đơn giản như thống kê tình hình trong nước. Tình hình như thế, nhưng thế giới có xu hướng này thì chúng ta phải có những định hướng, đề xuất khác với dự kiến số liệu mà chúng ta đang có, đừng để bất ngờ xảy ra, đừng để Thủ tướng quyết định sai những chính sách vi mô khi mà tình hình thế giới có những thay đổi lớn.

Tôi cho phép đồng chí Tổng cục trưởng, một số vụ trưởng có thể có đề xuất gặp Thủ tướng bất kỳ lúc nào mà các đồng chí thấy cần thiết phải thông tin cho Thủ tướng về những vấn đề đặt ra cho quốc tế và trong nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành, đừng để rơi vào thế bất ngờ, bị động. Việc thông tin kịp thời rất quan trọng, mà bộ phận giúp việc là Vụ Kinh tế Tổng hợp, trợ lý của Thủ tưởng luôn luôn liên hệ chặt chẽ với các Bộ ngành nói chung, mà đặc biệt là Tổng cục Thống kê. Thời đại mới không như trước đây, nhanh nhạy, kịp thời rất quan trọng. Chúng ta không thể khai thác dầu khí khi bị lỗ. Giá dầu khí hiện nay 60 USD/1thùng đã tồn tại bao lâu, để ta quyết định sản lượng thế nào. Mà nếu không là dầu khí thì cái gì có thể thay thế dầu khí? Dầu khí trong năm 2017 vừa rồi giảm 7,1% so với cùng kỳ, và chúng ta tăng lượng rau củ quả, lần đầu tiên rau củ quả Việt Nam xuất khẩu cao hơn cả dầu khí và gạo. Mọi việc bất ngờ như vậy, các đồng chí Bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cần phân tích vấn đề này rất quan trọng cho việc chỉ đạo của chúng ta, nhất là chúng ta đang trong xu hướng tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu sản phẩm để giá trị gia tăng mới cao hơn, điều này rất quan trọng trong phân tích. Thế giới cần cái gì thì chúng ta cung cấp, chứ không phải chúng ta sản xuất cái chúng ta có.  

Nhiệm vụ thứ hai là đề nghị các đồng chí tiếp tục đổi mới công tác, phương pháp chế độ thống kê theo chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam. Ngành thống kê cần phải tập trung nghiên cứu áp dụng phương pháp thống kê mới, tiên tiến và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Các đồng chí cần lưu ý tăng cường hợp tác quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật, các chuyên gia để giúp chúng ta xây dựng hệ thống thống kê hiện đại, hiệu quả và phù hợp. Chúng ta cần phải chú ý phần mềm chứ không chỉ lo phần cứng.  Các đồng chí cần rà soát, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê, thông tin phương pháp thống kê và nắm đầy đủ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Những số liệu cần chi tiết cho điều hành, như năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Đặc biệt, các đồng chí tiếp tục thực hiện tốt các đề án của Ngành trong đó có nhiệm vụ thống kê GDP của các địa phương, tránh trùng lắp, sai số quá lớn giữa số liệu địa phương và số liệu chung cả nước.

Nhân đây tôi muốn nói về kinh tế không chính thức ở Việt Nam, nó nằm ở đâu? Nó nằm ở tất cả các địa phương mà trước hết là ở những trung tâm đô thị lớn của Việt Nam, vì kinh tế dịch vụ ngày càng phát triển. Chúng ta nên nhớ nếu chúng ta đang chú trọng vào sản xuất, rất quan trọng, nhưng trong thế giới này, nhất là khi Trung Quốc là nước lớn ở gần đây thì kinh tế dịch vụ là lớn nhất. Cái này nếu tính tốt thì sẽ cho tăng trưởng tốt. Chính vì vậy tôi muốn nhấn mạnh các đồng chí thực hiện nhiệm vụ rà soát phạm vi, phương pháp tính toán GDP trong đó có khu vực kinh tế không chính thức, chưa quan sát được số liệu sát với tình hình thực tế của đất nước. Đây là việc mà tôi đề nghị các đồng chí cần làm tốt để chúng ta có được số liệu GDP khách quan, thực tiễn. Chúng ta có 4,5 triệu hộ cá thể hoạt động mà không có thống kê, không tính doanh thu, sản phẩm gì cả. Vì vậy chúng ta cần có cơ chế nào để đưa những hộ này lên thành doanh nghiệp. Đây là bài toán đặt ra đối với ngành Thống kê, đề nghị các đồng chí đề xuất thêm.

Tôi đã đưa ra mục tiêu, báo cáo của WB về kinh tế Việt Nam, đến năm 2030 Việt Nam có 50% là kinh tế trung lưu, vì kinh tế trung lưu quyết định đến vấn đề phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, không để ai bị tụt lại phía sau. Vì vậy chúng ta cần chú ý đến cái này để khắc phục những bất cập, tính toán nghiên cứu để không bỏ sót bộ phận quan trọng này trong nền kinh tế.

Thứ 3 là thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước về công tác thống kê, phát huy vai trò điều phối trong toàn khu vực thống kê, chính vì vậy việc tiếp tục tạo môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, triển khai thực hiện tốt hoạt động thống kê của cả nước, trong từng ngành, từng địa phương là rất quan trọng. Cần tập trung cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo hoạt động thông suốt, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng chuyên môn của ngành Thống kê, có cách tiếp cận phù hợp. Chính vì vậy các đồng chí cần ứng dụng công nghệ thông tin, trước mắt là trong cuộc điều tra, phân tích, đánh giá tình hình số liệu thống kê và những đòi hỏi đặt ra trước cuộc cách mạng 4.0 thì ngành Thống kê giải quyết như thế nào, chứ không phải theo phương thức cũ cầm sổ ghi chép... Muốn vậy cần có sự phối hợp tốt giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương.  

Thứ tư, tôi đề nghị các đồng chí phát huy và làm tốt công tác cán bộ. Cán bộ là gốc của mọi công việc. Cán bộ có tốt, thì công việc mới làm tốt. Vì vậy , các đồng chí thống kê phải làm gương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, trong việc tinh giảm, kiện toàn đội ngũ cán bộ. Ngành Thống kê nhìn chung nghèo, nhưng các đồng chí làm cho người ta hiểu vai trò của ngành Thống kê, và người ta quan tâm hơn. Các đồng chí phải xây dựng một hệ thống thống kê hiện đại, chất lượng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Về nội bộ, các đồng chí đã chú trọng tốt hơn và khá chặt chẽ. Tôi cũng muốn các đồng chí phát huy vai trò công đoàn của ngành Thống kê để phát động thi đua, có chế độ chăm lo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác thống kê. Việc chăm lo đời sống đúng pháp luật cho 5 nghìn người là việc khó, đòi hỏi các đồng chí cần phải quan tâm.

Cuối cùng tôi nói về một số kiến nghị của ngành Thống kê.

Thứ nhất, tôi đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương có ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đồng chí Chính phủ đôn đốc, tổng hợp và báo cáo theo quy định, trong đó thực hiện một số nội dung như quan tâm xây dựng hệ thống thông tin thống kê Bộ, ngành, đảm bảo kết nối cung cấp đủ dữ liệu, kịp thời giữa hệ thống thông tin thống kê của cả nước. Điều này rất quan trọng do không thể có số liệu nếu không có số liệu từ Bộ, địa phương. Các đồng chí phải nhận thức về công tác thống kê để có số liệu tốt. Không chỉ các cục Thống kê, mà các Bộ ngành, địa phương phải củng cố hệ thống làm thống kê tại Bộ, địa phương mình.

Thứ hai, yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh phải có sự phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin số liệu kịp thời cho ngành Thống kê, bảo đảm hệ thống thông tin thống kê kịp thời, hiệu quả, giúp Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô kịp thời chính xác. Ở trên là hoàn thiện hệ thống thống kê các Bộ ngành, còn đây là trách nhiệm của Bộ, ngành với cơ quan cùng cấp. Làm không trung thực, các Bộ, ngành sẽ bị xử lý nghiêm. Việc cung cấp số liệu của các bộ rất quan trọng, đặc biệt là các Bộ Tài chính, ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... Phổ biến thực hiện tốt Luật Thống kê mà chúng ta đã ban hành. Có thể nói chúng ta chưa thực hiện đầy đủ Luật thống kê, đi liền với nó là nhiệm vụ tuyên truyền, truyền thông báo chí rất quan trọng đối với công tác thống kê của chúng ta. Vì vậy việc các đồng chí tổ chức họp báo hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm rất quan trọng. Trong quá trình đó, các đồng chí thường xuyên trao đổi, thống nhất báo cáo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, rút ra những định hướng chỉ đạo để báo cáo Chính phủ. Thông qua Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trực tiếp báo cáo với Chính phủ hàng tháng về tình hình. Cuối cùng, tôi muốn nói về tinh thần, chúng ta phải phát triển nhanh nhưng phải bền vững, chắc chắn, có cơ sở khoa học. Một con hổ trong kinh tế cho thấy sự bền vững giữa phát triển và ổn định, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô đặt ra đối với ngành Thống kê thông qua số liệu của chúng ta. Vì vậy những con số biết nói rất cần thiết để làm kịch bản và chiến lược cho phát triển của từng địa phương, của cả quốc gia là rất quan trọng. Từ nhận thức đến hành động, chúng ta phải đánh giá, sử dụng số liệu thống kê tốt hơn nữa. Trên tinh thần này, từ số liệu, từ thực tiễn, nhất là từ nhận thức của hành động, chúng ta phải tìm một giá trị gia tăng mới lớn hơn, đóng góp vào tăng trưởng Việt Nam. Một dân tộc anh hùng, một đất nước do một Đảng lãnh đạo, có khoa học, mà bình quân có hơn 2000 USD  thì cho thấy chúng ta cần cố gắng hơn thông qua thống kê. Chúng ta phải có tốc độ phát triển chắc chắn ngày càng cao hơn, không để Việt Nam chỉ cao hơn 3 nước, Lào Camphuchia và Mianma. Chúng ta phải dằn vặt điều này, để tìm ra lối đi, cách làm mạnh mẽ hơn, tìm giá trị gia tăng mới để phát triển hơn, chứ chúng ta không nóng vội, không để đổ bể hệ thống nền vĩ mô, đó là yêu cầu đối đầu nhau trong chỉ đạo điều hành mà hệ thống số liệu của các đồng chí rất quan trọng trong chỉ đạo, trong dự báo. Ở Việt Nam, 3 khu vực tăng trưởng đều rất quan trọng, không nên coi nhẹ, nhưng từng thời điểm chúng ta cần tập trung vào đâu. Công nghiệp chế biến chế tạo có tăng trưởng rất lớn trong thời gian vừa qua nhưng dịch vụ là hướng rất quan trọng cùng với tiêu dùng. Người ta không ngờ ở Việt Nam có đến 100 triệu người có thể đi máy bay. Tôi rất hoan nghênh một số tư nhân tiếp tục mở hàng không để Việt Nam mở cửa bầu trời hội nhập quốc tế và phát triển. Thống kê sẽ bám vào định hướng, tìm giá trị gia tăng mới để tìm một bình quân mới cho phát triển, đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ cũng như Bộ kế hoạch và Đầu tư những giải pháp rõ hơn trong con số biết nói của các đồng chí.

Cuối cùng tôi rất hoan nghênh Hội nghị này vì các đồng chí mời được đến các địa phương.

Nhân dịp 72 năm truyền thống của Ngành và đặc biệt là đón xuân năm mới sắp tới, không thể đi thăm từng đơn vị, cục thống kê, nhưng cho tôi xin chuyển lời thăm hỏi ân cần nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đến 5.300 cán bộ, công nhân viên, viên chức và người làm công tác thống kê. Chúc các đồng chí sức khỏe và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang của ngành chúng ta./. 

Nguồn tin: Theo https://www.gso.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây