Huyện Văn Giang tọa lạc ở phía Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên; nằm giữa đường vành đai III - vành đai IV của thủ đô Hà Nội; giáp thành phố Hà Nội và giáp các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng Yên; huyện Văn Giang còn có lợi thế đó là: tuyến Quốc lộ 5A, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua, cùng với đó là tuyến Sông Hồng chảy qua.
Sau gần 20 năm tái lập (tháng 9/1999), nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa có bước chuyển biến tích cực; chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác các thế mạnh của huyện nhằm nâng cao đời sống của phần đông nhân dân trong huyện ngày càng được Đảng bộ và nhân dân quyết tâm thực hiện, đời sống nhân dân đã được đổi thay từng ngày.
Công tác tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, phát triển bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững môi trường sinh thái, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn được Huyện ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt đạt được kết quả quan trọng.
Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có bước phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết khí hậu; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao; công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến được áp dụng sâu rộng và được đẩy mạnh.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao, tính đến nay huyện Văn Giang hiện trồng được hơn 1.300 ha hoa, cây cảnh các loại, tập trung nhiều ở các xã: Xuân Quan, Phụng Công, Liên Nghĩa, Mễ Sở, thị trấn Văn Giang,… với nhiều loại hoa, cây cảnh đang được thị trường ưa chuộng như: hoa hồng, cúc, lan, hải đường, cát tường, đồng tiền, trà, ... và một số loại cây công trình khác. Diện tích được tập trung trồng nhiều là hoa hồng với trên 176 ha, hoa trang trí là 221 ha, quất cảnh là 253 ha…
Huyện Văn Giang là địa phương nổi tiếng trong tỉnh về trồng và thâm canh hoa, cây cảnh lại có đường giao thông thuận lợi, gần các thị trường lớn nên việc tiêu thụ các sản phẩm hoa, cây cảnh ở Văn Giang diễn ra thuận lợi, các loại cây trồng ngày càng đa dạng, chất lượng. Nhờ đó, những nhà vườn nhỏ và vừa cũng có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, những nhà vườn trồng và kinh doanh lớn đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Dự tính trong những tháng giáp Tết, diện tích hoa, cây cảnh của huyện sẽ tăng lên đáng kể, để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các nhà vườn cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao hiểu biết khoa học kỹ thuật để phòng trừ sâu bệnh đúng lúc mà vẫn tiết kiệm và hiệu quả. Bằng việc theo dõi thường xuyên sự phát triển của cây trồng, sự sinh sôi của sâu bệnh, chủ vườn lựa chọn thời điểm phun thuốc hợp lý, giảm mật độ và liều lượng thuốc.
Huyện Văn Giang cần thiết lập được đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu cho hoa, cây cảnh để có hướng duy trì, phát triển diện tích phù hợp. Ngoài ra, những hỗ trợ về giống, vốn và khoa học kỹ thuật, nhất là các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cần được chuyển giao, phổ biến kịp thời cho người làm vườn.
Hiện nay, hầu hết diện tích hoa, cây cảnh của huyện đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. Vì là cây ngắn ngày nên thời điểm này nông dân vừa tích cực chăm bón, thu hoạch, vừa gieo trồng gối vụ để nâng hiệu quả sử dụng đất. Nhờ thuận lợi trong giao thương, gần với các thị trường tiêu thụ lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng… nên việc tiêu thụ ở Văn Giang khá thuận tiện.
Tại xã Xuân Quan, một trong những địa phương được coi là “vựa hoa” của huyện Văn Giang, không khí sản xuất đang được người dân gấp rút chuẩn bị hoa cho ngày Tết. Vì là địa phương vùng bãi, có diện tích đất phù sa ven Sông Hồng màu mỡ nên sản xuất hoa, cây cảnh đã trở thành thế mạnh và đem lại nguồn thu chính cho địa phương. Năm nay toàn xã gieo trồng được hơn 273 ha hoa, cây cảnh các loại chiếm trên 30% diện tích của cả huyện.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh là hướng đi đúng của chính quyền và nhân dân huyện Văn Giang, hiệu quả đó đã đem đến cho đời sống người dân ngày càng khá giả, có mức thu nhập trung bình đạt mức cao trong tỉnh. Song để việc chuyển đổi cơ cấu đó được ổn định, phát triển lâu dài, nhân dân cần tập trung phát triển diện tích trồng hoa theo chiều sâu, thâm canh và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Bên cạnh đó, người dân, các chủ nhà vườn cần tạo lập uy tín, thương hiệu cho sản phẩm, cũng vô cùng cần thiết để sản lượng hoa, cây cảnh Văn Giang có hướng phát triển ổn định; chính quyền địa phương cần quan tâm theo dõi chặt chẽ thị trường, kết nối cung - cầu, kết nối các nhà khoa học, các nhà thương nghiệp để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất sản xuất hợp lý, cung ứng đúng nhu cầu của thị trường, sản xuất bền vững.
Một số hình ảnh về mô hình hoa, cây cảnh hiệu quả trên địa bàn huyện Văn Giang:
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hiếu, Chi cục trưởng, Chi cục Thống kê huyện Văn Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn