Phóng viên: Sau 2 năm Luật Thống kê 2015 có hiệu lực thi hành, Ông có thể đưa ra một số đánh giá khái quát về những kết quả đã đạt được?
TS.Nguyễn Bích Lâm: Năm 2015, Quốc hội thông qua Luật Thống kê, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để củng cố hoạt động thống kê trong tình hình mới. Khi xây dựng Luật Thống kê, chúng tôi hướng tới mục đích quan trọng nhất là nâng cao chất lượng thông tin và hiệu quả công tác thống kê, nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, các tổ chức xã hội và các đối tượng dùng tin khác. Chính vì vậy, Luật Thống kê đã có nhiều điểm mới, có thể kể đến như: Quy định phân tích và dự báo thống kê là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Thống kê; Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành; Hình thức thu thập dữ liệu qua hồ sơ hành chính; Chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, tổ chức; Ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu công việc của hoạt động thống kê…Điểm lại sau 2 năm Luật Thống kê đi vào cuộc sống, nổi lên một số kết quả chính: Chất lượng thông tin thống kê từng bước được nâng lên phục vụ kịp thời yêu cầu của các cơ quan Đảng, Chính phủ và các địa phương; cơ bản hoàn thiện các văn bản pháp lý thực thi dưới Luật; nhiều đề án nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê đã được thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất số liệu thống kê; công tác đổi mới tổ chức thống kê được triển khai có hiệu quả…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng tồn tại một số mặt hạn chế, như ý thức chấp hành Luật Thống kê dù đã được cải thiện song vẫn tồn tại việc cung cấp thiếu, cung cấp sai thông tin từ phía đơn vị, tổ chức, người dân đến việc làm bừa, làm ẩu của chính đội ngũ những người làm công tác thu thập thông tin; sự quan tâm đến công tác thống kê của nhiều Bộ, ngành đã được nâng lên song ở một số Bộ, ngành vẫn còn lơi lỏng, dẫn đến công tác thống kê phục vụ việc chỉ đạo của chính Bộ, ngành đó không như mong muốn; việc sử dụng đa dạng nguồn dữ liệu còn gặp khó khăn bởi những vướng mắc trong quá trình hợp nhất, chuẩn hóa dữ liệu…
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về việc hoàn thiện các văn bản pháp lý hướng dẫn thực thi dưới Luật?
TS.Nguyễn Bích Lâm: Theo quy định, đến thời điểm tháng 7/2018, các văn bản pháp lý của Luật Thống kê trước đây hết hiệu lực và được thay thế bằng các văn bản mới của Luật Thống kê 2015. Về cơ bản, ngành Thống kê đã hoàn thành việc xây dựng các văn bản dưới Luật, cụ thể: ngày 01/ 7/2016, Chính phủ đã ban hành một loạt các Nghị định như Nghị định số 94/2016-NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê; Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê; Nghị định số 97/2016/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Cách đây chưa lâu, ngày 20 tháng 4 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2018/NĐ-CP quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành nhiều Quyết định: Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 về Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Quyết định số 11/2018/QĐ-TTg ngày 01/3/2018 về Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam; Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam… Những văn bản pháp lý dưới Luật được ban hành kịp thời là căn cứ pháp lý quan trọng để ngành Thống kê triển khai công tác thống kê toàn diện, đồng bộ, hệ thống, bài bản, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành đất nước.
Ngoài ra, việc ban hành kịp thời các văn bản pháp lý này đã cung cấp những quy định, nguyên tắc, yêu cầu, chế tài cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức, cách ứng xử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc chấp hành Luật Thống kê.
Kết quả rõ nét thể hiện ở chỗ, hoạt động thống kê ngày càng được củng cố ở cả hệ thống thống kê tập trung và thống kê Bộ, ngành; nhận thức về tầm quan trọng của thông tin thống kê trong công tác quản lý, điều hành ở Trung ương và địa phương ngày càng được nâng cao; việc chấp hành cung cấp thông tin cho các cuộc điều tra, tổng điều tra do ngành Thống kê tiến hành từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cũng được cải thiện, với minh chứng rõ nét đó là việc thành công trong thu thập thông tin của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 và Tổng điều tra kinh tế 2017. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành cũng đạt kết quả khả quan.
Phóng viên: Như Ông đã nói, Luật Thống kê hướng tới nâng cao chất lượng thông tin và hiệu quả công tác thống kê, vậy ngành Thống kê đã làm gì để đạt được mục tiêu này?
TS.Nguyễn Bích Lâm: Trong thời gian qua, ngành Thống kê đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, nổi bật nhất là kịp thời cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu đánh giá tình hình, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Ngành Thống kê đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều tra thống kê, qua đó quản lý và nâng cao chất lượng số liệu đầu vào của ngành Thống kê; xây dựng các khung chỉ tiêu đánh giá các đề án chủ yếu của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; xây dựng và đánh giá thí điểm Đề án tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng; chủ động xây dựng các kịch bản kinh tế đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tham gia các tổ tư vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của Chính phủ; đặc biệt, Ngành Thống kê đã đẩy mạnh công tác phân tích và dự báo thống kê. Với việc thành lập tổ phân tích và dự báo thống kê, nhiều chuyên đề phân tích chuyên sâu đã được thực hiện và nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan, tổ chức sử dụng, như: Trình độ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam so với các nước trong khu vực: Kết quả và dấu hiệu, nguy cơ tụt hậu; đánh giá năng suất lao động, đánh giá tiềm lực của nền kinh tế…Hiện, Ngành Thống kê đang triển khai nghiên cứu các chuyên đề: Một số phân tích cấu trúc và tổng cầu cuối cùng của nền kinh tế Việt Nam qua 3 giai đoạn 2003 – 2007, 2008 – 2012, 2013 – 2017; Tác động của giảm thuế thu nhập doanh nghiệp Mỹ đến kinh tế Việt Nam; Phân tích bảo hộ của ngành nông nghiệp và thủy sản; Lạm phát và công tác điều hành của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát giai đoạn 2008 – 2017…
Hàng loạt các đề án đã và đang trong quá trình triển khai đều hướng tới nâng cao chất lượng số liệu, góp phần đưa số liệu thống kê đáp ứng các tiêu chí chính xác, kịp thời, minh bạch, hiệu quả…Các đề án đó là: Đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030; Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát…
Phóng viên: Trong Luật Thống kê có những chương đề cập đến sử dụng dữ liệu hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê, và với quan điểm xây dựng Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, vậy những năm qua, ngành Thống kê đã có những giải pháp gì để thực hiện vấn đề này, thưa Ông?
TS.Nguyễn Bích Lâm: Có thể nói, việc sử dụng dữ liệu hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê là xu hướng của thế giới, là hai trong những mục tiêu chính ngành Thống kê đặc biệt quan tâm. Để thực hiện thành công Chính phủ điện tử thì một trong những yếu tố then chốt là sự chia sẻ phối hợp thông tin dữ liệu hành chính giữa các Bộ, ngành và việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin tại mỗi Bộ, ngành đó.
Về sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê Nhà nước, trước đây ngành Thống kê cơ bản chỉ sử dụng 2 hình thức thu thập dữ liệu là từ điều tra và tổng hợp báo cáo, tuy nhiên trong Luật Thống kê 2015 có thêm một hình thức mới là thu thập dữ liệu từ dữ liệu hành chính. Đây là một kênh thông tin quan trọng cần được khai thác hiệu quả. Tất nhiên để sử dụng được nguồn dữ liệu này sẽ phải đầu tư nhiều nguồn lực, công sức, tiền của, bởi cần sự đầu tư mạnh của công nghệ thông tin, việc điều hành, quản lý, thiết kế các bài toán để hợp nhất dữ liệu sử dụng…Đó là chưa kể đến sự phối hợp, hợp tác chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị với nhau. Dù biết là khó, nhưng ngành Thống kê vẫn quyết tâm triển khai từng bước và những nỗ lực đã được đền đáp. Bằng chứng là trong những năm qua, nhiều quy chế chia sẻ thông tin đã được ký kết giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành như: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thuế, Bưu điện Việt Nam…Cũng phải nói rằng, trong số những quy chế chia sẻ thông tin được ký kết, một số chưa thật sự phát huy hiệu quả, nhưng một số lại có tác dụng vô cùng lớn. Điển hình đó là việc chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê và Tổng cục Thuế. Trong Tổng điều tra kinh tế 2017, để tiến hành điều tra hiệu quả, ngành Thống kê đã phối hợp trao đổi thông tin với Tổng cục Thuế trong việc rà soát doanh nghiệp nhằm tránh trùng, sót; đổi mới điều tra doanh nghiệp theo hướng sử dụng tối đa các thông tin về tài chính doanh nghiệp đã có từ Tổng cục Thuế. Nhờ vậy đã góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc Tổng điều tra. Có thể nói, việc chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành nếu được thực hiện ráo riết, bài bản thì đây sẽ là nền tảng căn bản để tạo nên thành công của Chính phủ điện tử.
Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của hoạt động thống kê, trước đây, ngành Thống kê là một trong những ngành có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin mạnh, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được áp dụng trong quá trình tổng hợp, xử lý dữ liệu thống kê. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang lấn sâu mạnh mẽ vào mọi mặt của đời sống xã hội thì công tác này cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trong Luật Thống kê 2015, có một chương riêng cho lĩnh vực này, điều này cho thấy tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê. Thực thi Luật, những năm gần đây, ngành Thống kê đã có nhiều động thái cụ thể để thực hiện tiến trình này. Cụ thể là đã từng bước áp dụng các công nghệ tiên tiến không chỉ trong tổng hợp, xử lý dữ liệu điều tra, dữ liệu báo cáo, mà trong cả khâu thu thập dữ liệu ban đầu (sử dụng máy tính bảng – CAPI và điều tra trực tuyến – webform trong một số cuộc điều tra và tới đây là trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, hiện đang tổ chức điều tra tổng duyệt năm 2018). Để việc ứng dụng công nghệ thông tin bài bản, hiệu quả, ngành Thống kê đã xây dựng Đề án riêng về công nghệ thông tin. Và mới đây, ngày 10 tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 501/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong hệ thống thống kê Nhà nước giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT - TT) và các phương pháp khoa học dữ liệu để nâng cao chất lượng hoạt động thống kê Nhà nước, hướng đến hệ thống thông tin quốc gia tích hợp và hiện đại trong giai đoạn 2020 – 2025.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!
Nguồn tin: Phóng viên Mai Phương - Tạp chí Con số và Sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn