Đây là nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước tại cuộc hội thảo về rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 1/10.
Bổ sung nhiều chỉ tiêu về chứng khoán, bảo hiểm
Chủ trì cuộc hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết sau 5 năm thực hiện, Luật Thống kê đã có nhiều tác động tích cực đối với công tác thống kê. Đến nay, các điều theo quy định của Luật Thống kê vẫn giữ nguyên giá trị, phù hợp với các quy định hiện hành.
Tuy nhiên trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được nêu trong Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: chưa phản ánh một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối được Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành gần đây; chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn đời sống kinh tế xã hội; thiếu các chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của kinh tế số và logistics cho nền kinh tế; thiếu các chỉ tiêu phản ánh đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, các chỉ tiêu phản ánh mức độ ứng dụng công nghệ; thiếu các chỉ tiêu phản ánh phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia...
Tại cuộc hội thảo, đại diện nhiều bộ ngành cùng các chuyên gia từ các tổ chức trong nước và quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến đa chiều về bổ sung, hoàn thiện Danh mục chỉ tiêu thống kê trên nhiều lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm, kinh tế số, giáo dục, chăm sóc trẻ em…
Về chỉ tiêu liên quan đến chứng khoán, bên cạnh các chỉ tiêu về vốn hóa thị trường cổ phiếu, giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiểu trên thị trường chứng khoán đã được đưa vào dự thảo, đại diện Bộ Tài chính đề xuất bổ sung 3 chỉ tiêu: quy mô thị trường trái phiếu so với tổng sản phẩm trong nước, tốc độ tăng quy mô thị trường trái phiếu, tổng giá trị phát hành trái phiếu.
Liên quan đến bảo hiểm, dự thảo đã bổ sung các chỉ tiêu: tổng thu phí, chi trả bảo hiểm; số người đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế…
Những chỉ tiêu được bổ sung nhiều nhất là trong lĩnh vực kinh tế số. Dự thảo đưa ra 21 chỉ tiêu phản ánh kinh tế số như: tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP; doanh thu dịch vụ viễn thông; số lượng thuê bao điện thoại; tỷ lệ người sử dụng điện thoại; tỷ lệ người sử dụng Internet… Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung 2 chỉ tiêu: tỷ lệ các nền tảng số trong nước đang hoạt động trên thị trường Việt Nam; doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến. Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Đề xuất bổ sung nhiều chỉ tiêu về chăm sóc trẻ em
Về bảo vệ môi trường, dự thảo danh mục có 8 chỉ tiêu nhóm bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung 2 chỉ tiêu là: cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; tỷ lệ ngày trong năm có nồng độ PM 2,5 và PM10 trong không khí vượt tiêu chuẩn quy định.
Liên quan đến các lĩnh vực xã hội, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam hoan nghênh việc bổ sung các chỉ tiêu như tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều, tỷ lệ người đọc báo… và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực thiện thống kê các chỉ tiêu mới này.
Việc bổ sung các chỉ tiêu này sẽ hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững, nhất là với nhóm phụ nữ, trẻ em. Nếu chỉ có tỷ lệ người nghèo đa chiều nói chung mà chưa có tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều thì sẽ bỏ sót 1,7 trẻ em nghèo không sống trong các hộ nghèo. Để góp phần thực hiện bảo vệ quyền trẻ em, vị chuyên gia này cũng đề xuất đưa thêm các chỉ tiêu như: tỷ lệ trẻ em từ 15 - 17 tuổi tham gia lao động; tỷ lệ trẻ em được học mầm non; tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi bị phạt bằng bạo lực bởi người chăm sóc chính…
Theo đại diện UNICEF, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Do đó việc thống kê là khả thi, có căn cứ pháp lý. Theo thống kê mới đây, Việt Nam có khoảng 70% trẻ em bị trừng phạt bằng bạo lực bởi người chăm sóc chính và đều ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền trẻ em, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết việc thực hiện điều tra các vấn đề xã hội có ý nghĩa quan trọng nhưng một trong những khó khăn hiện nay là nguồn lực để triển khai trong bối cảnh nhân lực, ngân sách còn hạn hẹp.
Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) cho rằng, việc sửa đổi danh mục chỉ tiêu thống kê thời điểm này là kịp thời, phù hợp với việc Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài phản ánh các thực trạng của Việt Nam, việc thống kê là yếu tố quan trọng mang tính so sánh quốc tế. Chỉ khi các chỉ tiêu đã được quy định trong Luật thì mới có đủ cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện, thu thập số liệu thống kê.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn