2 Banner ngang

Phương pháp điều chỉnh quy mô Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Thứ sáu - 15/03/2019 07:41

     1. Cơ sở pháp lý
     Thực hiện Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm biên soạn số liệu GDP cho toàn quốc và số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP). Tổng cục Thống kê đã chính thức biên soạn và công bố GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu từ tháng 5 năm 2017. Xem xét quy mô GDP của toàn quốc trong mối liên hệ với tổng GRDP đã bổ sung cách tiếp cận chi tiết và đầy đủ hơn khi phân rã chỉ tiêu này theo địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau hai năm thực hiện, về cơ bản chênh lệch giữa tốc độ tăng của GDP và GRDP đã dần khắc phục. Tuy nhiên vẫn tồn tại sự khác biệt khá lớn giữa quy mô GDP của toàn quốc và của tổng GRDP. Do đó, cần tiếp tục tiến hành xem xét, đánh giá lại quy mô GDP để hoàn thành mục tiêu khắc phục chênh lệch số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và địa phương cả về quy mô và tốc độ.
     2. Xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát
     Với mục tiêu thu hẹp phạm vi khu vực kinh tế chưa được quan sát, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đã thực hiện nghiên cứu và xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Đây là cơ sở để tiếp tục củng cố và hoàn thiện nguồn thông tin, phương pháp tính chỉ tiêu GDP và GRDP nhằm xác định đúng và đầy đủ hơn quy mô GDP. Từ đó bổ sung, cập nhật phương pháp luận của SNA 2008; áp dụng phân ngành kinh tế và phân ngành sản phẩm mới vừa được ban hành; rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin từ các cuộc tổng điều tra, từ hồ sơ hành chính của các bộ, ngành có liên quan,… nghiên cứu mở rộng phạm vi quan sát và hạch toán đầy đủ, toàn diện hơn các hoạt động mới xuất hiện trong nền kinh tế. Như vậy, thực hiện Đề án “Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” là căn cứ và cơ hội đánh giá lại quy mô GDP theo dãy năm thuộc vòng đánh giá lại thứ ba trong lý luận của hệ thống tài khoản quốc gia.
     3) Thói quen của người dùng tin trong sử dụng số liệu GDP
     Bên cạnh những nguyên nhân về chuyên môn, là thói quen không chấp nhận sự thay đổi số liệu GDP của người dùng tin trong thời gian qua cũng gây khó khăn cho việc đánh giá lại số liệu GDP. Ở Việt Nam, số liệu GDP lần đầu được công bố khi chưa kết thúc kỳ báo cáo là số liệu ước tính nhưng rất được quan tâm sử dụng để so sánh với mức tăng trưởng trong kế hoạch đã đề ra.      Hầu hết người dùng tin không chấp nhận sự thay đổi nhất là thay đổi theo hướng làm giảm tốc độ tăng trưởng. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến yêu cầu cần phải xem xét, đánh giá đầy đủ hơn quy mô GDP theo chuỗi năm. Trên thế giới, việc rà soát, đánh giá lại GDP là yêu cầu bắt buộc trong quy trình sản xuất thông tin thống kê. Các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà phân tích kinh tế và người dùng tin cho rằng đó là công việc cần thiết để hoàn chỉnh dãy số liệu sát nhất, phù hợp nhất theo thời gian làm cơ sở để xây dựng và hoạch định chính sách trung và dài hạn.
     Đánh giá lại quy mô GDP trên cơ sở phù hợp với lý luận và các khuyến nghị của hệ thống tài khoản quốc gia nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình biên soạn trước đây, tiếp tục hoàn thiện phương pháp chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động kinh tế ở Việt Nam. Từ đó, nâng cao chất lượng số liệu thống kê, giúp công tác quản lý, điều hành, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước phù hợp và hiệu quả. Ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực nêu trên một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải thực hiện đánh giá lại quy mô GDP.
     4.Một số nguyên tắc khi đánh giá lai quy mô Tổng sản phẩm trong nước
     4.1. Đảm bảo tính toàn diện

     Đánh giá lại quy mô GDP phải đảm bảo đầy đủ phạm vi của tất cả các ngành trong nền kinh tế. Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 và Tổng điều tra kinh tế năm 2017, Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và 2016 là các căn cứ tốt nhất để rà soát toàn bộ phạm vi số liệu tính toán bởi tính toàn diện và bao trùm tối đa của các cuộc Tổng điều tra.
     Thực hiện rà soát, xem xét, đánh giá lại quy mô GDP phải xuất phát từ số liệu vi mô của các cuộc tổng điều tra, các cuộc điều tra toàn bộ và điều tra mẫu hàng năm Và tính toán cho các ngành chi tiết từ cấp thấp lên cấp cao để tránh bỏ sót hoặc tính thiếu do thay đổi ngành sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
     Đánh giá lại trên cơ sở sử dụng kết quả tổng điều tra và hồ sơ hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Bởi vì, đó là những thông tin chuyên ngành được thu thập, tổng hợp một cách độc lập giúp cơ quan thống kê xem xét, cân nhắc và bổ sung thông tin để sử dụng trong quá trình biên soạn GDP.
     Đảm bảo bổ sung các hoạt động, các sản phẩm còn thiếu trong phạm vi tính toán; xuất phát từ năm có số liệu tổng điều tra. Đây là công việc cần thiết và bắt buộc trong quá trình biên soạn GDP để đảm bảo tính đồng nhất về phạm vi và cũng chính là đảm bảo nguyên tắc so sánh theo thời gian.
Cập nhật lý luận SNA 2008, cập nhật Hệ thống phân ngành kinh tế 2018 và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam 2018.
     4.2. Đảm bảo tính lịch sử và tính so sánh
     Thực hiện đánh giá lại quy mô GDP phải đảm bảo tính lịch sử, thể hiện qua việc phản ánh đúng và rõ hiện trạng, đặc điểm kinh tế, xã hội của từng năm, từng giai đoạn. Xu thế biến động kinh tế được thể hiện trong tăng trưởng của từng ngành kinh tế qua các năm được tôn trọng. Xem xét, đánh giá từ ngành kinh tế cấp 2 (trừ hoạt động nông nghiệp rà soát chi tiết theo ngành sản phẩm cấp 9) trên cơ sở tôn trọng các diễn biến lịch sử đã phát sinh và được ghi nhận.
     Thực hiện đánh giá lại quy mô GDP phải thống nhất về lý luận và thực tiễn nhằm đánh giá  đúng và đầy đủ kết quả hoạt động kinh tế của từng năm  đảm bảo so sánh theo chuỗi thời gian và không gian. Do đó, cần kiểm soát quy mô của năm có tổng điều tra và điều tra toàn bộ; sau đó mở rộng cho các năm liền kề.
     4.3. Đảm bảo thống nhất quy trình và phương pháp tính
     Thực hiện rà soát, đánh giá lại quy mô GDP phải theo quy trình chặt chẽ, khoa học và thống nhất giữa các ngành trong toàn bộ nền kinh tế và thống nhất với kết quả biên soạn GRDP của các địa phương. Thống nhất xem xét, đánh giá lại quy mô GDP từ ngành kinh tế cấp 2, tổng hợp lên ngành kinh tế cấp 1. Riêng ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản thực hiện đánh giá lại từ ngành cấp 3, tổng hợp lên ngành kinh tế cấp 2, cấp 1. Sau đó tổng hợp theo khu vực kinh tế và toàn bộ nền kinh tế.
     Thống nhất tính toán toàn bộ hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam.
     Thống nhất rà soát theo phương pháp sản xuất, theo giá cơ bản, phù hợp với quy định về phương pháp biên soạn GRDP trong Quyết định số 715/QĐ-TTg.
     Thống nhất sử dụng hệ số IC cả nước tính từ hệ số IC năm 2012 theo 8 vùng kết hợp cập nhật quyền số GO hàng năm của 63 tỉnh, thành phố theo ngành kinh tế cấp 2 để phục vụ biên soạn lại GDP.
     Thống nhất sử dụng hệ thống chỉ số giá sản xuất (PPI) của cả nước cập nhật quyền số GO hàng năm của 63 tỉnh, thành phố, 8 vùng để xác định chỉ số giá các ngành phục vụ đánh giá lại quy mô GDP.

 

 

Nguồn tin: Tổng cục Thống kê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây