2 Banner ngang

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 6 và 6 tháng năm 2019

Thứ tư - 03/07/2019 10:59

      Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, sản xuất công nghiệp-xây dựng tiếp tục đà tăng trưởng khá nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đó là: năng lực cạnh tranh nền kinh tế địa phương còn thấp; biến đổi khí hậu, dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2019, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả chủ yếu như sau:
      1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 9,65% (KH cả năm 8,3%);
      2. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh 2010 tăng 2,19% (KH cả năm 2,6%);
      3. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,92% (KH cả năm 9,5%);
      4. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ theo giá so sánh 2010 tăng 7,20% (KH cả năm 8,20%);
      5. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 15.457,3 tỷ đồng, tăng 9,73%;
      6. Số dự án đầu tư nước ngoài 22 dự án, số vốn đăng ký 199,5 triệu USD;
      7. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 18.694,5 tỷ đồng, tăng 11,99%;
      8. CPI bình quân 6 tháng tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước;
      9. Thu ngân sách đạt 6.810 tỷ đồng, đạt 52,93% Kế hoạch; trong đó: thu nội địa 4.880 tỷ đồng, đạt 51,02% Kế hoạch.

      I. Tăng trưởng kinh tế
      1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn

Sáu tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 9,65% so với cùng kỳ năm trước (KH cả năm 8,3%), đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2012 trở lại đây (năm 2012 tăng 9,34%, năm 2013 tăng 7,17%, năm 2014 tăng 7,06%, năm 2015 tăng 7,55%, năm 2016 tăng 7,8%,  năm 2017 tăng 8,16% , năm 2018 tăng 8,93%) và là tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng (Thái Bình tăng 9,30%; Nam Định tăng 8,25%; Hải Dương tăng 7,10%; Vĩnh Phúc tăng 8,52%; Hà Nam tăng 11,30%; Hải Phòng tăng 16,11%; Bắc Ninh giảm 5%;....).
Khu vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng 2,17% và đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp sáu tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, đã lây lan rộng và ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, một số sản phẩm khác lại cho kết quả tăng khá như sản lượng trâu, bò, gia cầm, thủy sản. Mặt khác, do thời tiết thuận lợi nên năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng, song do diện tích gieo trồng cây hàng năm đang có xu hướng giảm xuống nên sản lượng của cây hàng năm cũng giảm (năng suất tăng không bù đắp được diện tích gieo trồng giảm); sản lượng của một số cây lâu năm cho thu hoạch 6 tháng đầu năm tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: cam, chuối, ổi, táo,...
Khu vực công nghiệp sáu tháng đầu năm tăng trưởng 11,43% và là ngành đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh (đóng góp 6,38 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế). Từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và đi vào hoạt động tiếp tục tăng, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động có quy mô khá đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh ngành công  nghiệp, ngành xây dựng cũng tiếp tục phát triển mạnh, với các hoạt động chủ yếu như: xây dựng nhà ở dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp được tỉnh tiếp tục quan tâm và kêu gọi đầu tư. Ngành xây dựng tăng trưởng 16,58% và đóng góp 0,76 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Khu vực thương mại, dịch vụ tăng 7,03% và đóng góp 1,58 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong sáu tháng đầu năm nay, giá cả hàng hóa, dịch vụ tương đối ổn định, sức mua tăng. Các ngành thương mại, dịch vụ tăng khá như: bán buôn, bán lẻ tăng 7,83% và và đóng góp 0,47 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; hoạt động vận tải, kho bãi tăng 10,35%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,2%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 6,22%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,84% và đóng góp 0,71 điểm phần trăm.
      2. Sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản
      a. Trồng trọt

      Cây hàng năm: Kết thúc gieo trồng vụ đông xuân năm 2019, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt 48.524 ha, giảm 6,74% so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 3.505 ha). Diện tích gieo trồng một số loại cây trồng chính như sau: lúa Xuân 32.010 ha, giảm 4,16% (giảm 1.389 ha); ngô 4.164 ha, giảm 21,53% (giảm 1.143 ha); cây lấy củ có chất bột 867 ha, giảm 12,09% (giảm 119 ha); cây có hạt chứa dầu 1.170 ha, giảm 17,20% (giảm 243 ha); đậu tương 562 ha, giảm 22,72%; cây rau, đậu, hoa, cây cảnh 9.552 ha, giảm 4,98% (giảm 501 ha); diện tích hoa các loại 693 ha, tăng 9,29% (tăng 59 ha); cây dược liệu hàng năm 346 ha, giảm 24,27% (giảm 111 ha).
Diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm so với năm trước, nguyên nhân do một số hộ sản xuất đã chuyển diện tích đất sang trồng các loại cây lâu năm (nhãn, chuối, cam...), nhượng đất cho xây dựng doanh nghiệp, làm kinh tế trang trại,... Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi đất trồng từ cây hàng năm sang cây ăn quả lâu năm diễn ra ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi vụ, diện tích gieo trồng chuyển từ cây hàng năm sang cây ăn quả khoảng hơn một nghìn ha.
      Vụ đông xuân 2019, thời tiết cơ bản thuận lợi đã tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, mặt khác công tác dự báo, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên sâu bệnh phát sinh gây hại ít. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng như: lúa 67,50 tạ/ha, tăng 0,03 tạ/ha; ngô 60,64 tạ/ha, tăng 1,14 tạ/ha; khoai lang đạt 153,46 tạ/ha, tăng 4,01 tạ/ha; lạc 34,59 tạ/ha, tăng 0,21 tạ/ha; đậu tương 20,65 tạ/ha, tăng 0,62 tạ/ha; rau các loại đạt 255,59 tạ/ha, tăng 5,29 tạ/ha; đậu các loại đạt 21,20 tạ/ha, tăng 0,49 tạ/ha.
      Sản lượng các loại cây trồng như sau: lúa 216.065 tấn, giảm 4,12% (giảm 9.278 tấn), ngô 25.250 tấn, giảm 20,02% (giảm 6.322 tấn); lạc đạt 2.075 tấn, giảm 10,91% (giảm 254 tấn); đậu tương 1.160 tấn, giảm 20,44% (giảm 298 tấn); rau các loại 217.900 tấn, giảm 3,73% (giảm 8.453 tấn). Nguyên nhân là do diện tích gieo trồng các loại giảm so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi kết thúc thu hoạch lúa xuân, nông dân các địa phương khẩn trương tập trung gieo cấy lúa mùa. Theo báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp của ngành chuyên môn đến ngày 25/6, toàn tỉnh làm đất lần 1 được trên 30.561 ha, làm đất lần 2 được trên 22.620 ha; ngả mạ dược 2.263 ha, gieo mạ trên nền đất cứng 125 ha; gieo cấy 9.150 ha, trong đó: cấy 6.265 ha, gieo thẳng 2.885 ha; diện tích trồng rau màu vụ hè thu 3.112 ha, trong đó: ngô 140 ha, đậu đỗ các loại 40 ha, dược liệu 33 ha, hoa cây cảnh 168 ha, rau màu khác 2.731 ha.
      Cây lâu năm: chủ yếu là các loại cây ăn quả (không có cây công nghiệp). Diện tích các loại cây lâu năm sáu tháng đầu năm đạt 13.107 ha, tăng 942 ha (tăng 7,75%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, một số cây ăn quả có diện tích tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 như: chuối tăng 82 ha (tăng 3,58%); cây ổi tăng 207 ha (tăng 36,28%); cây cam tăng 99 ha (tăng 6,18%); cây bưởi tăng 139 ha (tăng 11,99%); cây nhãn tăng 200 ha (tăng 4,67%). Ước tính sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu như sau: Chuối đạt 39.650 tấn, tăng 6.100 tấn (tăng 18,18%); ổi đạt 6.780 tấn, tăng 1.232 tấn (tăng 22,21%); cam đạt 18.600 tấn, tăng 1.200 tấn (tăng 6,90%); táo đạt 6.280 tấn (tăng 11,74%).
      b. Chăn nuôi
      Ngành chăn nuôi của tỉnh sáu tháng đầu năm đối mặt với nhiều khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đã hành hoành suốt những tháng đầu năm đến nay. Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, toàn tỉnh đã cấp phát hóa chất, vôi bột và hỗ trợ tiền công phun hóa chất khử trùng tiêu độc được: 66.079 lít hóa chất, 1.418 tấn vôi bột và 462,5 triệu đồng tiền công phun. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 53.786 lít; cấp huyện 7.310 lít, 288 tấn vôi bột và 462,5 triệu đồng tiền công phun; cấp xã 2.303 lít, 884 tấn vôi bột; người chăn nuôi 2.680 lít, 246 tấn vôi bột.
      Kết quả, đã phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột đến nay được 61.395 lít hóa chất khử trùng, 1.246 tấn vôi bột tương ứng với trên 32,0 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường (trong đó: hóa chất khử trùng tiêu độc của tỉnh hỗ trợ phun được 25,4 triệu lượt m2; cấp huyện, xã hỗ trợ và người chăn nuôi tự thực hiện được trên 6,6 triệu lượt m2), cụ thể như sau: Hóa chất của tỉnh triển khai được 50.760 lít; hóa chất, vôi bột của huyện triển khai được 5.916 lít, 288 tấn; hóa chất, vôi bột của xã triển khai được 2.039 lít; 712 tấn; hóa chất, vôi bột của người chăn nuôi triển khai được 2.680 lít, 246 tấn.
      Bên cạnh việc cấp phát hóa chất, vôi bột khử trùng, tỉnh Hưng Yên cũng đã thành lập các chốt kiểm dịch: Cấp tỉnh thành lập được 10 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên các trục đường giao thông chính tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và thành phố Hà Nội. Cấp xã thành lập được 42 chốt (TP. Hưng Yên 5 chốt; Tiên Lữ 7 chốt; Ân Thi 9 chốt; Yên Mỹ 12 chốt; Mỹ Hào 3 chốt; Văn Giang 1 chốt, Văn Lâm 5 chốt).
Tính đến 14/6/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở 151 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố, bao gồm: TP. Hưng Yên (13/17 xã, phường); Yên Mỹ (17/17 xã, TT); Ân Thi (21/21 xã); Kim Động (16/17 xã, TT); Mỹ Hào (13/13 xã, phường); Văn Giang (10/11 xã); Tiên Lữ (15/15 xã); Phù Cừ (14/14 xã); Văn Lâm (11/11 xã); Khoái Châu (21/25 xã). Có 10 xã đã công bố hết dịch, bao gồm: Giai Phạm, Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ); Cẩm Xá, Hưng Long, Nhân Hòa, Dị Sử (TX. Mỹ Hào); Đức Hợp, Toàn Thắng, Vĩnh Xá (Kim Động), Ông Đình (Khoái Châu).
      Từ ngày 01/02/2019 phát hiện dịch đến ngày 14/6/2019, các địa phương tổ chức tiêu hủy trên 163 nghìn con lợn (tương ứng 9.555 tấn) tại 13.479 hộ, 730 thôn, 156 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố. Riêng trong tuần (từ ngày 08-14/6/2019), tiếp tục phát hiện lợn ốm, chết, tiến hành tiêu hủy theo quy định 4.011 con (tương ứng 174,4 tấn) tại 235 hộ, 84 xã của 9 huyện, thành phố. Nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan ra diện rộng trên địa bàn tỉnh.
      Theo kết quả điều tra, số lượng, sản lượng đàn gia súc, gia cầm như sau: đàn trâu 2760 con, tăng 0,18%; đàn bò 35.794 con, tăng 1,54%; đàn lợn 599.720 con, giảm 4,43% (bao gồm cả lợn sữa); đàn gia cầm có 8.815 nghìn con, tăng 11,50%. Ước tính sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 160 tấn, tăng 3,23% (quý I tăng 0,99%, quý II tăng 7,41%); sản lượng thịt bò xuất chuồng đạt 1.895 tấn, tăng 4,99% (quý I tăng 1,30%, quý II tăng 10,43%); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 50.700 tấn, giảm 6,97% (quý I giảm 1,22%, quý II giảm 17,28%); sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 16.275 tấn, tăng 9,14% (quý I tăng 3,66%, quý II tăng 17,76%).
      c. Thủy sản         
      Sản lượng thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 23.528 tấn, tăng 10,62% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khai thác đạt 335 tấn, giảm 2,84%; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 23.193 tấn, tăng 10,84%, sản lượng cá chiếm chủ yếu, ước tính 22.558 tấn.
      3. Sản xuất công nghiệp
      Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Sáu tăng 11,81% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Công nghiệp khai thác tăng 7,49%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,51%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,67%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,41%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 6,13%; thức ăn cho gia cầm tăng 24,51%; quần áo các loại tăng 7,46%; thùng, hộp bằng giấy tăng 23,61%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 12,81%; sản phẩm bằng plastic tăng 26,01%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 25,03%; sắt thép các loại tăng 14,11%; mạch điện tử tích hợp 19,33%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 13,98%.
      Tính chung sáu tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,92% so với cùng kỳ năm 2018 (quý I tăng 10,41%, quý II tăng 11,39%). Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 5,10%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,91%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,06%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,97%. Một số sản phẩm công nghiệp sáu tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: Thức ăn cho gia cầm tăng 30,35%; quần áo các loại tăng 11,39%; thùng, hộp bằng giấy tăng 12,90%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 10,87%; sản phẩm bằng plastic tăng 15,0%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 25,25%; mạch điện tử tích hợp tăng 19,93%; sắt thép các loại tăng 8,27%;thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000V chưa được phân vào đâu tăng 13,68%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 26,77%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 14,57%; điện thương phẩm tăng 7,06%.
Sản lượng sản phẩm thức ăn cho gia súc giảm 5,59% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu do dịch tả lợn Châu Phi nên nhu cầu tiêu thụ thức ăn cho gia súc giảm.
      4. Hoạt động đầu tư
      Sáu tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển trên địa ước đạt 15.457.320 triệu đồng, tăng 9,73% so với cùng kỳ năm 2018 (quý I tăng 9,69%, quý II tăng 9,77%). Trong đó: Vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 2.233.170 triệu đồng, tăng 4,90%; vốn đầu tư ngoài nhà nước 8.109.960 triệu đồng, tăng 9,15%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5.114.190 triệu đồng, tăng 12,96%. Phân theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản 11.254.130 triệu đồng, tăng 7,68%; vốn đầu tư mua sắm TSCĐ không qua XDCB 1.886.740 triệu đồng, tăng 16,86%; vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ 684.170 triệu đồng, tăng 19,33%; vốn đầu tư bổ sung lưu động 1.546.160 triệu đồng, tăng 13,78%; vốn đầu tư khác 86.120 triệu đồng, giảm 1,93% so với cùng kỳ năm 2018.
      Thực hiện vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Sáu ước đạt 207.860 triệu đồng, tăng 13,10% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: vốn ngân sách cấp tỉnh 97.960 triệu đồng, tăng 19,80%; vốn ngân sách cấp huyện 65.990 triệu đồng, tăng 19,42%; vốn ngân sách cấp xã 43.910 triệu đồng, giảm 6,19%.
      Tính chung sáu tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 1.049.815 triệu đồng, tăng 12,64% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 513.575 triệu đồng, tăng 15,01%; vốn ngân sách cấp huyện 316.285 triệu đồng, tăng 20,05%; vốn ngân sách cấp xã 219.955 triệu đồng, giảm 0,91%.
Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 18/6/2019, toàn tỉnh có 444 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.617.582 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 22 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 199.524 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 161 dự án, vốn đăng ký là 2.974.093 nghìn USD, chiếm 64,41% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 132 dự án, vốn đăng ký 651.483 nghìn USD, chiếm 14,11% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 90 dự án, vốn đăng ký 463.586 nghìn USD, chiếm 10,04% tổng số vốn đăng ký.
      5. Thương mại, dịch vụ
      a. Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ
      Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng Sáu ước đạt 3.147.960 triệu đồng, tăng 11,79% so với tháng cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.287.157 triệu đồng, tăng 11,90%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 156.726 triệu đồng, tăng 13,02%; doanh thu du lịch 583 triệu đồng, giảm 1,52%; doanh thu dịch vụ khác 703.494 triệu đồng, tăng 11,19%. Sáu tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 18.694.530 triệu đồng, tăng 11,99% so với cùng kỳ năm 2018.
      Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa sáu tháng đầu năm 2019 ước đạt 13.636.461 triệu đồng, chiếm 72,94% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 12,18% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 10,40%; hàng may mặc tăng 9,27%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 12,74%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 16,14%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 10,14%; ô tô các loại tăng 78,19%; phương tiện đi lại (trừ  ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 6,76%; xăng, dầu các loại tăng 17,81%; đá quý, kim loại quý tăng 25,52%...
      Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành sáu tháng đầu năm 2019 ước đạt 938.841 triệu đồng, chiếm 5,02% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 15,53% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 33.398 triệu đồng, tăng 0,37%; dịch vụ ăn uống 902.108 triệu đồng, tăng 16,21%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 3.337 triệu đồng, tăng 6,96%.
      Doanh thu dịch vụ khác sáu tháng đầu năm 2019 ước đạt 4.119.226 triệu đồng, chiếm 22,04% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 10,59% so với cùng kỳ năm 2018.
      b. Hoạt động vận tải
      Hoạt động vận tải hành khách
      Kết quả vận tải hành khách tháng Sáu ước đạt 1.337 nghìn lượt người vận chuyển và 82.092 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 8,74% về lượt người vận chuyển và tăng 15,05% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 63.265 triệu đồng, tăng 17,72%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2019, vận tải hành khách ước đạt 7.677 nghìn lượt người vận chuyển và 472.012 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,16% (quý I tăng 11,30%, quý II tăng 11,03%) về lượt người vận chuyển và tăng 12,68% (quý I tăng 11,66%, quý II tăng 13,70%) về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 361.706 triệu đồng, tăng 16,01%.
      Hoạt động vận tải hàng hóa
      Vận tải hàng hoá tháng Sáu ước đạt 2.836 nghìn tấn vận chuyển và 101.973 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 8,58% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 10,32% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 224.645 triệu đồng, tăng 11,16%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2019, vận tải hàng hóa ước đạt 15.703 nghìn tấn vận chuyển và 564.532 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 11,51% (quý I tăng 11,75%, quý II tăng 11,30%) về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 11,91% (quý I tăng 11,04%, quý II tăng 12,71%) về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.276.383 triệu đồng, tăng 12,84%.
      6. Hoạt động tài chính, ngân hàng
      a. Thu ngân sách nhà nước

Thu ngân sách tháng Sáu ước đạt 1.371.966 triệu đồng, tăng 48,68% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 1.001.966 triệu đồng, tăng 45,89%; thuế xuất nhập khẩu 370.000 triệu đồng, tăng 56,79%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 10.534 triệu đồng, giảm 27,50%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 178.534 triệu đồng, tăng 24,75%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 410.964 triệu đồng, tăng 79,51%; thu lệ phí trước bạ 31.124 triệu đồng, tăng 35,81%; thu thuế thu nhập cá nhân 64.944 triệu đồng, tăng 98,90%; các khoản thu về nhà đất 244.248 triệu đồng, tăng 21,29%; ...
Tính chung sáu tháng đầu năm 2019, thu ngân sách nhà nước ước đạt 6.810.003 triệu đồng, tăng 23,21% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 52,93% kế hoạch. Trong đó: Thu nội địa 4.880.000 triệu đồng, tăng 20,57%; thuế xuất nhập khẩu 1.930.003 triệu đồng, tăng 30,43%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 82.000 triệu đồng, tăng 2,51%; thu từ DNNN địa phương 23.000 triệu đồng, tăng 55,24%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 920.000 triệu đồng, tăng 13,34%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 1.615.000 triệu đồng, tăng 29,20%; thu lệ phí trước bạ 180.000 triệu đồng, tăng 29,03%; thuế thu nhập cá nhân 474.000 triệu đồng, tăng 23,24%; thu phí, lệ phí 40.000 triệu đồng, giảm 1,77%; các khoản thu về nhà đất 1.263.000 triệu đồng, tăng 21,22%; các khoản thu khác 103.000 triệu đồng, giảm 10,30%.
      b. Chi ngân sách nhà nước
Tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 18/6/2019, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 4.618.834 triệu đồng, đạt 52,42% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.964.869 triệu đồng, đạt 78,24% kế hoạch; chi thường xuyên 2.653.965 triệu đồng, đạt 42,13% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 256.533 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.008.566 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 180.739 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 45.433 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 256.329 triệu đồng; chi quản lý hành chính 616.244 triệu đồng; chi khác 269.642 triệu đồng.
      c. Hoạt động ngân hàng
      Ước tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 77.833.421 triệu đồng, tăng 6,73% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 68.668.708 triệu đồng, tăng 7,13% và chiếm 88,23% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 58.711.316 triệu đồng, tăng 5,07% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 41.887.718 triệu đồng, tăng 5,96%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 16.823.598 triệu đồng, tăng 2,90%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 56.079.619 triệu đồng, tăng 4,79%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.631.697 triệu đồng, tăng 11,31%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.151.789 triệu đồng (chiếm 1,96% tổng dư nợ), giảm 3,35% so với thời điểm 31/12/2018.
      7. Chỉ số giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
      Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,21% so với tháng trước. Trong đó: Có 5/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,37%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,44%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%. Có 3/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, bao gồm: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,46%; giao thông giảm 1,48%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,18%. Có 3/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục.
      So với tháng 12/2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng 0,41%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 0,91%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,16%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 0,56%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,16%; dịch vụ giao thông tăng 2,95%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,17%; bưu chính, viễn thông giảm 0,02%; văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,32%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,70%; nhóm giáo dục ổn định so với tháng 12/2018.
      So với tháng cùng kỳ năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu tăng 0,40%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,13%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,38%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,05%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,72%; dịch vụ giao thông giảm 1,10%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,42%; giáo dục tăng 1,80%; văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,02%.
      Bình quân chung sáu tháng đầu năm 2019, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,32% so với cùng kỳ năm 2018 (quý I tăng 1,76%, quý II tăng 1,04%). Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,84%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,82%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 0,81%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,39%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,59%; dịch vụ giao thông giảm 0,95%; bưu chính, viễn thông giảm 0,52%; dịch vụ giáo dục tăng 1,80%; dịch vụ văn hóa,thể thao, giải trí tăng 0,73%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,04%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng ổn định so với cùng kỳ năm trước.
      Các yếu tố tác động chủ yếu đến CPI sáu tháng đầu năm 2019 như: Thời điểm đầu năm là thời gian diễn ra các ngày Tết Nguyên Đán và các lễ hội cổ truyền của dân tộc, vì vậy nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân cao hơn kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa dịch vụ tăng lên; giá xăng dầu từ đầu năm đến nay đã qua 12 lần điều chỉnh với mức tăng cao so với thời điểm 01/01/2019, cụ thể: giá xăng A95 tăng 1.990 đồng/lít, xăng E5 tăng 2.450 đồng/lít, dầu diezel tăng 650 đồng/lít, dầu hỏa tăng 610 đồng/lít; giá thịt lợn giảm mạnh do dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên nhiều địa bàn trong tỉnh với diễn biến phức tạp. Đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh vẫn còn đang tiếp diễn, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải ngừng nuôi. Những tháng gần đây, nguồn cung thịt lợn ra thị trường còn ít và giá thịt lợn tương đối thấp.
      b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng Sáu tăng 1,57% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.689.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,43% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.408 đồng/USD.
      II. Một số hoạt động xã hội
      1. An sinh xã hội

      Sáu tháng đầu năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ 9.620 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn theo chương trình tín dụng ưu đãi, tổng số dư nợ trên 2.482 tỷ đồng. Cấp thẻ BHYT cho 18.822 người nghèo, 25.173 người cận nghèo, 42.425 người thuộc hộ nông nghiệp có mức sống trung bình với tổng số tiền gần 52 tỷ đồng. Thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho gần 5 nghìn học sinh các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân với số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Tổ chức 9 cuộc truyền thông trợ giúp pháp lý cho 300 người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tư vấn 249 vụ việc liên quan đến người nghèo. Hỗ trợ tiền điện cho 9.953 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.
      Công tác trợ cấp xã hội hàng tháng được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng trên 50.000 đối tượng bảo trợ xã hộ, người cao tuổi với tổng số tiền 6 tháng trên 100 tỷ đồng. Cấp thẻ BHYT cho 52.934 người cao tuổi từ 60-80 tuổi với số tiền ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 40 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, các cơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận 32 đối tượng. Hiện nay, toàn tỉnh đang nuôi dưỡng, trợ giúp 796 đối tượng (trong đó cơ sở trợ giúp xã hội công lập 731 đối thượng; ngoài công lập 65 đối tượng).
      Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Chủ tịch nước và Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ tỉnh đã thăm, tặng quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình chính sách và hỗ trợ đối tượng xã hội. Cụ thể:
      Tặng 35.319 suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí là 7.246,4 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tặng 35.316 suất quà của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ VN tỉnh tới người có công, thân nhân người có công, gia đình quân nhân làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 với mức quà 500.000đ/suất (gồm 300.000đ tiền mặt và 01 túi quà); tặng quà 05 Trung tâm điều dưỡng Người có công trong và ngoài tỉnh, mức quà 3.000.000 đồng/đơn vị và thương bệnh binh đang được chăm sóc tại các Trung tâm; lãnh đạo tỉnh trực tiếp thăm và tặng quà đại diện 23 gia đình người có công trên địa bàn tỉnh, mức quà 1.500.000 đồng/suất (gồm 1.000.000 đồng tiền mặt và 01 suất quà). Tổng số tiền là 17.707,5 triệu đồng.
      Tổ chức trao tặng Thiếp, quà chúc thọ của Chủ tịch nước cho người cao tuổi tròn 100 tuổi, Thiếp, quà chúc thọ của Chủ tịch UBND tỉnh cho người cao tuổi tròn 90 tuổi; thăm, tặng quà cho 25.344 người cao tuổi ở các độ tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100 và trên 100 tuổi, tổng số tiền là 8.919,55 triệu đồng.
      Hỗ trợ 9.953 hộ nghèo ăn Tết, với mức 300.000đ/hộ (trong đó 250.000 đồng trích từ ngân sách tỉnh và 50.000 trích từ Quỹ Vì người nghèo). Tổng số tiền là 2.985,9 triệu đồng.
      Hỗ trợ 757 đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại 05 Cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, với mức 200.000đ/người. Tổng số tiền là 151,4 triệu đồng.
      Toàn tỉnh thăm, tặng quà, trợ giúp (bằng tiền và hiện vật) cho 4.902 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo với số tiền trên 1,47 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp (trong đó nguồn ngân sách tỉnh là 194 triệu đồng).
      Ngoài nguồn ngân sách trung ương và tỉnh như đã nêu trên, các địa phương đã trích ngân sách, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng quà cho hộ nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi.
      2. Lao động việc làm
      Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm; tư vấn về việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho trên 10 nghìn lượt người; ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng cho 2.903 người.
      Xúc tiến Chương trình xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc; hướng dẫn lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình của tổ chức IM Japan. Ước tính trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 11.803 người, đạt 50,23% kế hoạch năm; xuất khẩu 1.695 lao động, đạt 48,43% kế hoạch năm. Toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 25.985 người, đạt 55,88% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: trình độ cao đẳng 1.015 người, trình độ trung cấp 1.480 người, hỗ trợ đào tạo nghề cho 295 lao động nông thôn... Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 95%.
      3. Hoạt động văn hóa, thể thao
      a. Hoạt động văn hoá

      Sáu tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, vui chơi mừng năm mới, các lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, địa phương như: kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 88 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên CSHCM, Quốc tế phụ nữ 8/3, 44 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các hoạt động được tổ chức bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc.
      Ngày 31/5, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hưng Yên đã diễn ra Liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh Hưng Yên năm 2019. Tham gia liên hoan có hơn 300 diễn viên, nhạc công thuộc 10 đoàn văn nghệ của các huyện, thành phố với 40 tiết mục đăng ký biểu diễn. Bên cạnh các thể loại truyền thống như hát chèo, hát văn, quan họ, ngâm thơ, độc tấu... liên hoan năm nay vẫn khuyến khích các đơn vị tham gia biểu diễn các tiết mục thuộc thể loại ca trù, trống quân. Liên hoan là dịp để lớp người cao tuổi tỉnh có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, góp phần sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao 04 giải A, 06 giải B, 10 giải C, 20 giải khuyến khích, cùng nhiều giải nhánh cho các đơn vị. Trong đó, giải đồng đội xuất sắc nhất thuộc về đơn vị huyện Văn Giang.
      Trong khuôn khổ hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2019, từ ngày 14/6 đến ngày 18/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm “Di sản Văn hóa, Du lịch biển đảo Việt Nam” tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Khánh Hòa. Tham gia Triển lãm, tỉnh Hưng Yên đã trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, hiện vật với chủ đề “Hưng Yên với Biển đảo Tổ Quốc”, giới thiệu những nét đặc sắc về văn hóa, lễ hội truyền thống, quảng bá tiềm năng du lịch Hưng Yên và cung cấp đầy đủ thông tin du lịch Hưng Yên đến tay hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế.
      Tối ngày 21/6/2019, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, UBND tỉnh và Đại sứ quán Cộng hoà Belarus tại Việt Nam đã tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày truyền thống ngành ngoại giao Belarus. Tham gia chương trình, đoàn Hưng Yên đã biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đặc trưng của tỉnh như: Tổ khúc chèo “Câu hát giao duyên”, điệu múa dân gian “Bức họa đồng quê”, một số tiết mục Ca trù, hát trống quân... Đoàn ca múa nhạc thiếu nhi Belarus “Rovesnik” trình diễn vũ điệu “Chào thân ái”, ca khúc “Belaia Lastauka”,vũ điệu dân tộc “Vyanochak”, vũ điệu vui nhộn “Gusachok”, vũ điệu với chiếc khăn choàng “Khustachka”, vũ điệu những người thợ rèn “Kavali”; nhạc cụ dân gian truyền thống của Belarus- đàn Tsimbals... Chương trình giao lưu góp phần nâng cao hiểu biết về văn hoá Belarus và văn hoá Việt Nam nói chung, văn hoá Hưng Yên nói riêng. Đồng thời, đây là dịp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Hưng Yên với bạn bè quốc tế.
      b. Hoạt động Thể dục thể thao
      Thể thao quần chúng: Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, chương trình “Phát triển TDTT ở cơ sở xã, phường đến năm 2020”; “Chương trình nâng cao tầm vóc, thể lực người dân Việt Nam”. Trong sáu tháng đầu năm, đã có 5 giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức; số người tập luyện TDTT thường xuyên ước đạt 33,3%.
Thể thao thành tích cao: Trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh Hưng Yên tiếp tục nâng cao chất lượng thể thao Thành tích cao; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, huấn luyện, tập huấn, thi đấu năm 2019; tập trung đào tạo, huấn luyện 235 VĐV của 14 môn thể thao tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh; đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện các môn thể thao thế mạnh; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá, thải loại các vận động viên, đồng thời tuyển chọn bổ sung thay thế ổn định quân số. Tính đến ngày 10/6/2019, tỉnh đã tham gia thi đấu 9 giải thể thao quốc gia, giành được 39 huy chương các loại, trong đó có 7 HCV, 9 HCB và 23 HCĐ.
      4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ     
      Sáu tháng đầu năm 2019 (từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/6/2019), trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 63 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 50 vụ, xử phạt gần 1.443 triệu đồng. Riêng trong tháng 6, cơ quan chức năng đã phát hiện 14 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt 6 vụ với số tiền 266 triệu đồng, 3 vụ đang được điều tra xác minh, 5 vụ bàn giao cho cơ quan khác. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu của các vụ việc là: vi phạm gây ô nhiễm môi trường, việc xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường của các doanh nghiệp, vi phạm không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khai thác cát bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
      Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019, sáng ngày 5/6, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị và ký cam kết tham gia phong trào chống rác thải nhựa. Năm 2019, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới là: “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta”. Tại Hưng Yên, thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ môi trường đã tạo sự chuyển mạnh mẽ, tích cực về nhận thức và hành động. Đến nay, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt khoảng 75%; 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới đi vào hoạt động đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường; 15 đơn vị lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động.
Sáu tháng đầu năm 2019 (tính từ 16/12/2018 đến 15/6/2019), toàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy, không có vụ nổ, gây thiệt hại tài sản 2.090 triệu đồng. Riêng trong tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, không có vụ nổ, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản 1.450 triệu đồng, trong đó: 2 vụ cháy nhà dân kết hợp cửa hàng buôn bán, 1 vụ cháy xe ô tô.
      5. An toàn giao thông
      Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/5/2019 đến 15/6/2019, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 9 người, làm bị thương 7 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 2 vụ, giảm 13,33%; số người chết giảm 3 người, giảm 25,0%; số người bị thương giảm 2 người, giảm 22,22%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 81 vụ tai nạn giao thông, làm chết 66 người, làm bị thương 48 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giảm 1 vụ, giảm 1,22%; số người chết giảm 1 người, giảm 1,49%; số người bị thương giảm 15 người, giảm 23,81%./.

Nguồn tin: Cục Thống kê Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây