Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng bẩy và bẩy tháng năm 2018
- Thứ hai - 30/07/2018 15:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản
Trồng trọt
Trong thời gian qua, nông dân các địa phương trong tỉnh đã tập trung thu hoạch lúa và rau màu vụ Xuân 2018. Vụ Xuân năm nay tình hình thời tiết đương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh ít xảy ra, vì vậy năng suất các loại cây trồng hàng năm đều đạt khá.
Đến ngày 22/6, toàn tỉnh cơ bản kết thúc thu hoạch lúa Xuân. Qua kết quả điều tra năng suất, sản lượng lúa các huyện đều cao hơn năm trước, năng suất lúa toàn tỉnh đạt 67,47 tạ/ha, tăng 1,62 tạ/ha so với năm trước và được nhận định là vụ được mùa. Bên cạnh đó, năng suất một số cây rau màu cũng tăng so với vụ Xuân năm trước như: năng suất ngô đạt 65,61 tạ/ha, tăng 0,59 tạ/ha; năng suất khoai lang đạt 181,6 tạ/ha, tăng 4,66 tạ/ha; năng suất rau các loại 285,54 tạ/ha, tăng 25,08 tạ/ha.
Sau khi kết thúc thu hoạch lúa Xuân, nông dân các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương tập trung gieo cấy lúa mùa với tinh thần gặt đến đâu làm đất đến đó, không để tình trạng mạ chờ ruộng, ruộng chờ mạ, bảo đảm kế hoạch gieo cấy và kịp thời vụ. Theo báo cáo của các huyện, thành phố đến ngày 15/7 toàn tỉnh cơ bản đã kết thúc gieo cấy lúa mùa. Một số huyện kết thúc gieo cấy sớm từ đầu tháng 7 như: Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ - đây là những huyện có tập quán gieo cấy sớm để chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông. Theo báo cáo tiến độ của ngành chuyên môn đến ngày 20/7 tiến độ chăm sóc lúa lần 1 đạt 31.960 ha, lần 2 đạt 15.200 ha; diện tích trồng rau màu vụ Hè, Hè-Thu đạt 3.182 ha.
Bên cạnh việc gieo cấy lúa và chăm sóc rau màu, các địa phương đã chú trọng đến chăm sóc các loại cây ăn quả. Thời điểm này, cây nhãn đang được nhiều nhà vườn chăm sóc và chuẩn bị thu hoạch. Dự báo khả năng sản lượng nhãn năm nay sẽ cao hơn năm trước.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm
Công tác tiêm phòng vụ Xuân cho đàn gia súc gia cầm, đến nay tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc tiêm vắc xin theo đúng kế hoạch, đúng đối tượng với tỷ lệ đạt cao. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không có địa phương nào xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc, bệnh tai xanh ở lợn. Theo báo cáo tình hình chăn nuôi đối với đàn trâu, bò trong toàn tỉnh phát triển ổn định. Hiện nay, giá bán thịt lợn hơi có dấu hiệu tăng trở lại so với năm trước, trung bình từ 50.000-53.000 đồng/kg, tạo tâm lý cho các cơ sở chăn nuôi lợn yên tâm sản xuất và phát triển đàn trong thời gian tới. Đối với đàn gia cầm vẫn tiếp tục ổn định và phát triển.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Bẩy tăng 10,58% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Công nghiệp khai thác giảm 26,69%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,10%; sản xuất và phân phối điện tăng 15,37%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,61%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 4,32%; quần áo các loại tăng 13,72%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 7,74%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 16,18%; bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 9,18%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 8,50%; sắt thép các loại tăng 7,45%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 4,76%; xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa tăng 19,89%; điện thương phẩm tăng 19,37%; ... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2017 như: Cát đen giảm 24,69%; thức ăn gia súc, gia cầm giảm 5,65%; sợi tơ (filament) tổng hợp giảm 1,27%.
Tính chung bẩy tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,78% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) giảm 22,26%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,70%; sản xuất và phân phối điện tăng 15,0%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,28%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 8,10%; thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng 10,78%; quần áo các loại tăng 14,19%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 13,06%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 12,77%; bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 8,75%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 11,22%; sắt thép các loại tăng 7,9%; mạch điện tử tích hợp tăng 8,32%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 6,73%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 9,05%; xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa tăng 14,18%; điện thương phẩm tăng 13%;...
3. Hoạt động đầu tư
a. Vốn đầu tư ngân sách nhà nước địa phương
Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Bẩy đạt 183.184 triệu đồng, tăng 13,69% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 84.012 triệu đồng, tăng 2,58%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 45.827 triệu đồng, tăng 23,47%; vốn ngân sách cấp xã 53.345 triệu đồng, tăng 26,67%.
Tính chung bẩy tháng đầu năm 2018, thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.115.173 triệu đồng, tăng 13,53% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 530.560 triệu đồng, tăng 3,97%; vốn ngân sách cấp huyện 309.283 triệu đồng, tăng 23,09%; vốn ngân sách cấp xã 275.330 triệu đồng, tăng 24,75%.
b. Đầu tư nước ngoài
Tính đến 18/7/2018, trên địa bàn tỉnh đã có 412 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.223.424 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 19 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 113.683 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Nhật Bản có 153 dự án, số vốn đăng ký là 2.789.410 nghìn USD, chiếm 66,05% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc có 121 dự án, với số vốn đăng ký là 626.237 nghìn USD, chiếm 14,83% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 81 dự án, số vốn đăng ký 433.555 nghìn USD, chiếm 10,27% tổng số vốn đăng ký.
4. Hoạt động tài chính, tiền tệ
a. Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách tháng Bẩy ước đạt 1.017.034 triệu đồng, tăng 8,34% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 747.034 triệu đồng, tăng 14,14%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 270.000 triệu đồng, giảm 4,44%. Một số khoản thu nội địa trong tháng dự tính như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 18.938 triệu đồng, giảm 38,4%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 177.361 triệu đồng, giảm 1,16%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 284.312 triệu đồng, giảm 0,75%; thu lệ phí trước bạ 22.502 triệu đồng, tăng 30,99%; thuế thu nhập cá nhân 75.389 triệu đồng, tăng 24,23%; thuế bảo vệ môi trường 23.744 triệu đồng, tăng 42,09%; thu phí và lệ phí 5.281 triệu đồng, tăng 32,42%; các khoản thu về nhà đất 127.064 triệu đồng, tăng 146,28%.
Tính chung bẩy tháng đầu năm 2018, thu ngân sách nhà nước ước đạt 6.564.682 triệu đồng, tăng 5,34% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 4.815.000 triệu đồng, tăng 10,44%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.749.682 triệu đồng, giảm 6,54%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 115.500 triệu đồng, giảm 20,18%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.000.000 triệu đồng, tăng 24,42%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 1.570.000 triệu đồng, giảm 14,63%; thu lệ phí trước bạ 162.000 triệu đồng, tăng 12,56%; thuế thu nhập cá nhân 460.000 triệu đồng, tăng 13,08%; các khoản thu về nhà đất 1.158.000 triệu đồng, tăng 53,08%.
b. Chi ngân sách nhà nước
Tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 19/7/2018, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 4.690.050 triệu đồng, đạt 53,78% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.616.215 triệu đồng, đạt 60,91% kế hoạch; chi thường xuyên 3.073.835 triệu đồng, đạt 50,66% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 281.302 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.118.970 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 326.061 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 57.738 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 251.133 triệu đồng; chi quản lý hành chính 737.227 triệu đồng, chi khác 280.020 triệu đồng.
c. Hoạt động ngân hàng
Tính đến 30/6/2018, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 70.779.177 triệu đồng, tăng 9,71% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 61.278.817 triệu đồng, tăng 9,39% và chiếm 86,58% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 53.315.709 triệu đồng, tăng 6,67% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 36.398.769 triệu đồng, tăng 6,48%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 16.916.940 triệu đồng, tăng 7,08%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 50.307.817 triệu đồng, tăng 5,48%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 3.007.892 triệu đồng, tăng 31,58%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.211.214 triệu đồng (chiếm 2,27% tổng dư nợ), tăng 66,98% so với thời điểm 31/12/2017.
5. Thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trong tháng Bẩy ước đạt 2.563.335 triệu đồng, tăng 11,21% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 2.059.496 triệu đồng, tăng 10,77%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 139.370 triệu đồng, tăng 8,67%; doanh thu du lịch 608 triệu đồng, tăng 13,54%; doanh thu dịch vụ khác 363.861 triệu đồng, tăng 14,8%. Tính chung bẩy tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 17.591.801 triệu đồng, tăng 10,95% so với cùng kỳ năm 2017.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa bẩy tháng đầu năm ước đạt 14.215.070 triệu đồng, chiếm 80,81% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13,63%; hàng may mặc tăng 11,83%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 17,01%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,04%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 10,56%; ô tô các loại giảm 63,88%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 5,75%; xăng, dầu các loại tăng 13,28%; đá quý, kim loại quý tăng 29,6%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành bẩy tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 952.636 triệu đồng, chiếm 5,42% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 7,89% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 38.963 triệu đồng, tăng 6,46%; dịch vụ ăn uống 909.945 triệu đồng, tăng 7,93%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 3.728 triệu đồng, tăng 13,11%.
Doanh thu dịch vụ khác bẩy tháng đầu năm 2018 ước đạt 2.424.095 triệu đồng, chiếm 13,77% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 11,20% so với cùng kỳ năm 2017.
6. Giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
a. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bẩy giảm 0,16% so với tháng trước. Trong đó: Có 5/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm: Nhóm hàng may mặc, mũ, nón, giầy, dép giảm 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%; Thuốc và dịch vụ y tế giảm 6,24%; dịch vụ giao thông giảm 0,35%; văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,03%. Có 4/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,84%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,3%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,2%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,63%. Riêng nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông và nhóm dịch vụ giáo dục có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.
So với tháng 12/2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bẩy năm nay tăng 2,17%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 5,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,61%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,06%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,75%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,49%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 6,22%; dịch vụ giao thông tăng 6,31%; bưu chính, viễn thông giảm 0,75%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,28%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,68%; riêng dịch vụ giáo dục ổn định so với tháng 12/2017.
So với tháng cùng kỳ năm 2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bẩy năm nay tăng 5,49%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,54%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,66%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 0,87%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,56%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,09%; dịch vụ giao thông tăng 13,05%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,75%; giáo dục tăng 3,53%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,48%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,27%.
Bình quân chung bẩy tháng đầu năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,11% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,99%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,72%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,49%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,59%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,25%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 31,09%; dịch vụ giao thông tăng 8,38%; bưu chính, viễn thông giảm 0,76%; dịch vụ giáo dục tăng 3,69%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,32%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,92%.
b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng Bẩy giảm 2,2% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.560.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,98% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.060 đồng/USD.
7. Hoạt động vận tải và bưu chính, viễn thông
a. Vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng Bẩy ước đạt 1.207 nghìn lượt người vận chuyển và 69.679 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 13,25% về lượt người vận chuyển và tăng 13,71% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 52.657 triệu đồng, tăng 15,37%. Tính chung bẩy tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách ước đạt 8.113 nghìn lượt người vận chuyển và 488.561 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,31% về lượt người vận chuyển và tăng 9,93% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 364.433 triệu đồng, tăng 11,64%.
b. Vận tải hàng hóa
Vận tải hàng hoá tháng Bẩy ước đạt 2.495 nghìn tấn vận chuyển và 89.437 nghìn tấn luân chuyển, tăng 10,84% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 9,41% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 198.132 triệu đồng, tăng 9,13%. Tính chung bẩy tháng đầu năm 2018, vận tải hàng hóa ước đạt 16.578 nghìn tấn vận chuyển và 593.887 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 10,60% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 10,77% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.329.260 triệu đồng, tăng 11,25%.
c. Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng Bẩy ước tính tăng 1.550 thuê bao, trong đó thuê bao cố định giảm 2.100 thuê bao; thuê bao di động trả sau tăng 3.650 thuê bao. Tổng số thuê bao điện thoại đến cuối kỳ ước đạt 124.644 thuê bao, trong đó thuê bao cố định 13.893 thuê bao, thuê bao di động trả sau 110.751 thuê bao. Số thuê bao internet trong tháng ước tăng 350 thuê bao, nâng tổng số thuê bao internet hiện có ước đạt 136.160 thuê bao.
8. Một số hoạt động văn hóa, xã hội
a. Thực hiện chính sách xã hội đối với thương binh, liệt sỹ
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2018), Chủ tịch nước tặng quà cho đối tượng có công với cách mạng theo Quyết định số 1079/QĐ-CTN ngày 29/6/2018. Tỉnh Hưng Yên đã thăm, tặng quà các đối tượng, gia đình chính sách theo Quyết định số 1154/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 của UBND tỉnh với tổng số tiền 19.720,15 triệu đồng (trong đó: Ngân sách tỉnh 17.932,50 triệu đồng, tiền doanh nghiệp hỗ trợ 1.787,65 triệu đồng). Cụ thể:
Thăm, tặng quà 21.700 gia đình liệt sỹ (tính theo số liệt sỹ); 7.128 thương binh; 4.507 bệnh binh; 05 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong kháng chiến; 02 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.856 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 409 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy. Mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng (gồm 300.000 đồng tiền mặt và 01 túi quà trị giá 200.000 đồng); ngoài ra, doanh nghiệp hỗ trợ thêm quà tặng trị giá 50.000 đồng vào mỗi túi quà.
Thăm, tặng quà 05 Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh trong tỉnh và ngoài tỉnh, mỗi trung tâm 01 suất quà trị giá 3.000.000 đồng (gồm 2.500.000 đồng tiền mặt và 01 túi quà trị giá 500.000 đồng).
Tặng quà 24 thương, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ quê ở Hưng Yên đang điều dưỡng tại 05 trung tâm nói trên, mỗi đối tượng 01 suất quà trị giá 500.000 đồng (gồm 300.000 đồng tiền mặt và 01 túi quà trị giá 200.000 đồng); ngoài ra, doanh nghiệp hỗ trợ thêm quà tặng trị giá 50.000 đồng vào mỗi túi quà.
Thăm, tặng quà 22 gia đình người có công, mỗi gia đình 01 suất quà trị giá 1.000.000 đồng (gồm 800.000 đồng tiền mặt và 01 túi quà trị giá 200.000 đồng); ngoài ra, doanh nghiệp hỗ trợ thêm quà tặng trị giá 50.000 đồng vào mỗi túi quà.
b. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hoá: Toàn tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7. Bảo tàng tỉnh trưng bày chuyên đề “71 năm - Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947–27/7/2018)”.
Ngày 28/6/2018, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội thi “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2018 nhằm kỷ niệm 17 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2018), hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Tháng hành động vì trẻ em. Tham gia hội thi có 10 gia đình văn hóa tiêu biểu đại diện cho gia đình trẻ của 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động thể thao: Từ ngày 5/7-14/7/2018, tỉnh đã cử 19 vận động viên tham gia giải Vô địch Taekwondo các lứa tuổi trẻ toàn quốc năm 2018 được tổ chức tại Mỹ Tho, Tiền Giang và giành 13 huy chương các loại, trong đó: 1HCV, 5HCB, 7 HCĐ.
Chương trình Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII năm 2018 tiếp tục diễn các môn thi đấu Pencaksilat, Taekwondo, Cờ vua, Cờ tướng.
c. Hoạt động Y tế
Công tác giám sát dịch được thực hiện thường xuyên, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh nào xảy ra. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm như: Tả, Viêm Não NBB, SD/SXH... không phát hiện trường hợp nào. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch khác xuất hiện lẻ tẻ tại các huyện. Phân phối đầy đủ và kịp thời vắc xin tiêm chủng mở rộng, vật tư theo kế hoạch cho y tế cơ sở triển khai tiêm chủng cho các cháu hàng tháng. Trong và sau tiêm chủng không có tai biến xảy ra. Số phụ nữ có thai được khám trên 3 lần trước khi đẻ đạt 98%, tỷ lệ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 100%.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Thành lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nhà ăn, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Kết quả như sau: số cơ sở được kiểm tra 37 cơ sở; số cơ sở đạt điều kiện ATTP 33; số cơ sở vi phạm 04; số cơ sở vi phạm bị phạt tiền 04; số tiền phạt 9,40 triệu đồng.
Tỉnh cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng bình, chai, nước đá dùng liền và bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ. Kết quả như sau: số cơ sở kiểm tra 22 cơ sở; số cơ sở đạt điều kiện ATTP 19; số cơ sở vi phạm 03; số cơ sở vi phạm bị phạt tiền 03; số tiền phạt 2,35 triệu đồng.
d. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/6/2018 đến ngày 15/7/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy xưởng tái chế phế liệu tại huyện Mỹ Hào, thiệt hại tài sản khoảng 35 triệu đồng, không có vụ nổ, không có người bị chết, bị thương do cháy. Nguyên nhân vụ cháy đang được các đơn vị chức năng điều tra làm rõ. Tính từ 16/12/2017 đến 15/7/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy, không có vụ nổ, làm 1 người chết, không có người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 656 triệu đồng.
Từ ngày 16/6/2018 đến ngày 15/7/2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 5 vụ vi phạm môi trường, đã ra quyết định xử phạt 1 vụ với số tiền 48 triệu đồng, 2 vụ đang xác minh làm rõ, 2 vụ chuyển cơ quan chức năng liên quan giải quyết. Tính từ đầu năm đến ngày 15/7/2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 75 vụ vi phạm môi trường, trong đó đã xử lý 59 vụ, xử phạt 2.533 triệu đồng.
e. An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/6/2018 đến 15/7/2018, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông (trong đó: 13 vụ tai nạn đường bộ, 2 vụ tai nạn đường sắt), làm chết 9 người, làm bị thương 10 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 1 vụ, tăng 7,14%; số người chết tăng 2 người, tăng 28,57%; số người bị thương bằng với tháng trước.