Cục Thống kê Hưng Yên

http://www.thongkehungyen.gov.vn


Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019

 Trồng trọt: Theo kết quả điều tra diện tích vụ Xuân năm 2019, toàn tỉnh gieo trồng được 39.291 ha các loại cây trồng hàng năm, giảm 1.750 ha (giảm 4,26%) so với vụ Xuân năm 2018. Trong đó: diện tích gieo cấy lúa 32.010 ha, giảm 1.389 ha (giảm 4,16%); ngô 1.987 ha, tăng 38 ha (tăng 1,94%); đậu tương 351 ha, giảm 67 ha (giảm 16%); rau các loại 3.192 ha, giảm 64 ha (giảm 1,96%). Diện tích gieo trồng giảm chủ yếu tập trung ở các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ.

     1. Nông nghiệp và thủy sản
     
Trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp tháng qua trên địa bàn tỉnh là tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, rau màu vụ xuân và phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn.
     a) Nông nghiệp
     Trồng trọt: Theo kết quả điều tra diện tích vụ Xuân năm 2019, toàn tỉnh gieo trồng được 39.291 ha các loại cây trồng hàng năm, giảm 1.750 ha (giảm 4,26%) so với vụ Xuân năm 2018. Trong đó: diện tích gieo cấy lúa 32.010 ha, giảm 1.389 ha (giảm 4,16%); ngô 1.987 ha, tăng 38 ha (tăng 1,94%); đậu tương 351 ha, giảm 67 ha (giảm 16%); rau các loại 3.192 ha, giảm 64 ha (giảm 1,96%). Diện tích gieo trồng giảm chủ yếu tập trung ở các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ.
     Từ khi kết thúc gieo cấy đến nay, nhìn chung điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên đồng ruộng hiện nay sâu bệnh đang xuất hiện như: rầy nâu, rầy lưng trắng (diện tích nhiễm 2.559 ha, diện tích phòng trừ 2.421 ha); bệnh đạo cổ bông (diện tích nhiễm 110 ha, diện tích phòng trừ 4.080 ha); bệnh bạc lá (diện tích nhiễm 652 ha, diện tích phòng trừ 3.095 ha). Theo dự báo, nếu từ nay đến khi thu hoạch tình hình thời tiết không có diễn biến bất thường thì năng suất lúa sẽ đạt khoảng 67,50 tạ/ha; ngô ước đạt 65,70 tạ/ha; đậu tương 21,49 tạ/ha; rau các loại 290,74 tạ/ha.
Bên cạnh việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu, các địa phương cũng đã chú trọng đến chăm sóc các loại cây ăn quả. Hiện nay, một số diện tích vải đã đến thời kỳ cho thu hoạch. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân các địa phương cần chú trọng đảm bảo thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật và phân bón để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm. Thời tiết năm nay nhìn chung thuận lợi cho cây ăn quả phát triển, vì vậy dự tính sản lượng chuối, cam, bưởi đều tăng so với năm trước.
     Chăn nuôi
     Công tác phòng, chống dịch bệnh: Từ ngày 01/02/2019 đến ngày 17/5/2019, Chi cục Thú y đã lấy 1.678 mẫu huyết thanh, bệnh phẩm của lợn ốm, chết gửi Trung tâm chẩn đoán Thú  y Trung ương để xét nghiệm. Kết quả có 1.229/1.678 mẫu huyết thanh, bệnh phẩm dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi. Các Trạm thú y cử cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với các địa phương hàng ngày kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn lợn và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo huyện, đồng thời tổ chức thực hiện chống dịch.
     Toàn tỉnh đã cấp phát hóa chất khử trùng tiêu độc, vôi bột và hỗ trợ tiền công phun hóa chất khử trùng tiêu độc được: 66.079 lít hóa chất, 1.418 tấn vôi bột và 462,5 triệu đồng tiền công phun. Trong đó, tỉnh hỗ trợ: 53.786 lít; cấp huyện: 7.310 lít, 288 tấn vôi bột và 462,5 triệu đồng tiền công phun; cấp xã: 2.303 lít, 884 tấn vôi bột; người chăn nuôi: 2.680 lít, 246 tấn. Kết quả đã phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột đến nay được: 46.421 lít hóa chất khử trùng, 1.246 tấn vôi bột tương ứng với trên 24,5 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường (trong đó: hóa chất khử trùng tiêu độc của tỉnh hỗ trợ phun được 17,9 triệu lượt m2; cấp huyện, xã hỗ trợ và người chăn nuôi tự thực hiện được trên 6,6  triệu lượt m2), cụ thể như sau: Hóa chất của tỉnh triển khai được 35.786 lít; Hóa chất, vôi bột của huyện triển khai được 5.916 lít, 288 tấn; Hóa chất, vôi bột của xã triển khai được 2.039 lít; 712 tấn; Hóa chất, vôi bột của người chăn nuôi triển khai được 2.680 lít, 246 tấn.  Ngoài ra, các địa phương đã hỗ trợ bình phun khử trùng, bảo hộ lao động như huyện Văn Lâm, thành phố Hưng Yên. 
     Về việc thành lập chốt kiểm dịch: Cấp tỉnh thành lập được 10 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên các trục đường giao thông chính tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và thành phố Hà Nội; cấp huyện, thành phố thành lập được 4 chốt (trong đó: Yên Mỹ 3 chốt, Văn Giang 1 chốt); cấp xã thành lập được 72 chốt (TP. Hưng Yên 15 chốt, Tiên Lữ 14 chốt, Ân Thi 9 chốt, Yên Mỹ 12 chốt, Khoái Châu 13 chốt, Mỹ Hào 3 chốt, Văn Giang 1 chốt, Văn Lâm 5 chốt).
     Diễn biến tình hình dịch tả lợn Châu Phi: Trong tuần từ ngày 10-17/5/2019, trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi và tiến hành tiêu hủy theo quy định 8.726 con (451.324 kg) tại 729 hộ, 106 xã, của 10 huyện, thị xã, thành phố, trong đó: Huyện Yên Mỹ tiêu hủy 565 con (25.120 kg) ở 33 hộ, 07 xã; TP. Hưng Yên tiêu hủy 452 con (20.681 kg) ở 22 hộ, 07 xã; Huyện Ân Thi tiêu hủy 916 con (56.049 kg) ở  37 hộ, 13 xã; Huyện Kim Động tiêu hủy 160 con (15.920 kg) ở 20 hộ, 11 xã; Thị xã Mỹ Hào tiêu hủy 228 con (8.066 kg) ở 06 hộ, 02 xã; Huyện Văn Giang tiêu hủy 1.151 con (56.146 kg) ở 50 hộ, 09 xã; Huyện Tiên Lữ tiêu hủy 83 con (2.330 kg) ở 30 hộ, 09 xã; Huyện Văn Lâm tiêu hủy 1.600 con (87.777 kg) ở 193 hộ, 11 xã, thị trấn; Huyện Phù Cừ tiêu hủy 1.206 con (50.108 kg) ở 168 hộ, 14 xã; Huyện Khoái Châu tiêu hủy 2.056 con (98.569 kg) ở 170 hộ, 23 xã. Nhìn chung, đến nay trên địa bàn tỉnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan ra diện rộng.
     Đến nay, đã có 144 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố công bố dịch, bao gồm: TP Hưng Yên (11/17 xã, phường); Ân Thi (21/21 xã, thị trấn); Kim Động (16/17 xã, thị trấn); Thị xã Mỹ Hào (13/13 xã, phường); Văn Giang (9/11 xã, thị trấn); Tiên Lữ (15/15 xã, thị trấn); Phù Cừ (14/14 xã, thị trấn); Văn Lâm (11/11 xã, thị trấn); Khoái Châu (18/25 xã, thị trấn). Tính đến hết ngày 17/5/2019, có 01 xã đã công bố hết dịch, đó là xã Đức Hợp, huyện Kim Động (công bố hết dịch ngày 29/3/2019).
     Từ ngày 01/02/2019 đến ngày 17/5/2019, toàn tỉnh đã tổ chức tiêu hủy 132.397 con lợn (tương đương 8.129 tấn) tại 11.325 hộ, 706 thôn, 154 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố.
     b) Nuôi trồng thuỷ sản
     Tình hình sản xuất thuỷ sản của Hưng Yên tháng Năm vẫn giữ được ổn định và từng bước đa dạng giống nuôi trồng. Một số mô hình nuôi cá thịt thương phẩm tại các huyện Khoái Châu, Mỹ Hào, Ân Thi… theo tiêu chuẩn Vietgap đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.
     2. Sản xuất công nghiệp
     a) Chỉ số sản xuất công nghiệp

     So với tháng trước, Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Năm tăng 0,24%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 15,72%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,27%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,91%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,57%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với tháng trước như: thức ăn cho gia cầm tăng 0,96%; quần áo các loại tăng 11,32%; thùng hộp bằng bìa cứng tăng 5,61%; sản phẩm bằng plastic tăng 4,73%; sắt thép các loại tăng 4,39%; mạch điện tử tích hợp tăng 7,69%;  dây điện đơn dạng cuộn tăng 0,23%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 8,03%.

     So với cùng kỳ năm 2018, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Năm tăng 11,35%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 5,88%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,44%; sản xuất, phân phối điện tăng 7,07%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 16,69%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 8,42%; thức ăn cho gia cầm tăng 16,43%; Quần áo các loại tăng 9,45%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 15,60%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 13,67%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 8,52%; sắt thép các loại tăng 13,25%; mạch điện tử tích hợp tăng 32,2%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 10,96%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 7,63%.
     Tính chung năm tháng đầu năm 2019, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,71% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) tăng 3,90%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,74%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,20%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,36%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: thức ăn cho gia cầm tăng 15,11%; quần áo các loại tăng 15,82%; cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ tăng 8,42%; thùng, hộp bằng bìa cứng tăng 13,36%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 10,48%; sản phẩm bằng plastic tăng 9,07%; sắt thép các loại tăng 10,18%; mạch điện tử tích hợp tăng 27,02%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5W tăng 10,68%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 10,71%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 12,48%. Bên cạnh đó do tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh phát triển và lây lan rộng nên nhu cầu tiêu thụ thức ăn gia súc bị giảm mạnh làm cho chỉ số sản xuất sản phẩm thức ăn gia súc năm tháng đầu năm giảm 5,01% so với cùng kỳ năm trước.
     3. Hoạt động đầu tư
     Vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Năm ước đạt 203.500 triệu đồng, tăng 17,73% so với tháng trước và tăng 13,54% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 98.080 triệu đồng, tăng 10,7% so với tháng trước và tăng 19,69% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách cấp huyện đạt 58.600 triệu đồng, tăng 20,09% so với tháng trước và tăng 13,61% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách cấp xã đạt 46.820 triệu đồng, tăng 32,04% so với tháng trước và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước.
     Tính chung năm tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 844.425 triệu đồng, tăng 12,86% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 33,37% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 417.290 triệu đồng, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 32,65% kế hoạch; vốn ngân sách cấp huyện 246.711 triệu đồng, tăng 18,50% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 32,68% kế hoạch; vốn ngân sách cấp xã 180.424 triệu đồng, tăng 2,97% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 36,27% kế hoạch năm.
Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 20/5/2019, toàn tỉnh có 438 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.544.141 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 17 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 167.014 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 159 dự án, vốn đăng ký là 2.957.023 nghìn USD, chiếm 65,07% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 131 dự án, vốn đăng ký  651.063 nghìn USD, chiếm 14,33% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 89 dự án, vốn đăng ký 460.456 nghìn USD, chiếm 10,13% tổng số vốn đăng ký.
     4. Thương mại, dịch vụ
     Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước thực hiện đạt 3.131.549 triệu đồng, tăng 0,56% so với tháng trước và tăng 11,94% so với cùng kỳ năm 2018.
     Bán lẻ hàng hóa:  Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Năm ước đạt 2.276.622 triệu đồng, tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 12,20% so với tháng cùng kỳ năm 2018. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng so với tháng trước chủ yếu là do các ngành sau: lương thực, thực phẩm tăng 0,41%; may mặc tăng 0,64%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 0,64%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 0,24%; ô tô và phương tiện đi lại tăng 0,44%; xăng, dầu tăng 1,08%; hàng hóa khác tăng 0,78%.
     Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống: Ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Năm đạt 156.837 triệu đồng, giảm 0,91% so với tháng trước và tăng 12,88% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú 5.786 triệu đồng, tăng 1,50% so với tháng trước và tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước 150.480 triệu đồng, giảm 1,0% so với tháng trước và tăng 13,28% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành: Doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành tháng Năm ước đạt 571 triệu đồng, giảm 0,17% so với tháng trước, do tháng trước diễn ra kỳ nghỉ lễ kéo dài nên nhu cầu đi du lịch, thư giãn của người dân tăng cao, sang tháng này bắt đầu bước vào mùa du lịch nghỉ mát hè nhưng mới đầu mùa nên nhu cầu vẫn còn thấp.
     Doanh thu dịch vụ khác: Doanh thu ngành dịch vụ khác tháng Năm ước đạt 698.091 triệu đồng, tăng 1,15% so với tháng trước và tăng 10,87% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, so với tháng trước: Dịch vụ kinh doanh bất động sản 569.775 triệu đồng, tăng 1,20%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 51.813 triệu đồng, tăng 1,0%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội xã hội 17.641 triệu đồng, giảm 0,11%; dịch vụ giáo dục và đào tạo 7.497 triệu đồng, tăng 2,0%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí 7.398 triệu đồng, giảm 0,03%; doanh thu dịch vụ khác 31.973 triệu đồng, tăng 1,50%.
Tính chung năm tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 15.546.563 triệu đồng, tăng 11,94% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: thương nghiệp 11.349.297 triệu đồng, tăng 12,24%; khách sạn, nhà hàng 778.780 triệu đồng, tăng 14,17%; doanh thu du lịch 2.754 triệu đồng, tăng 8,94%; doanh thu dịch vụ khác 3.415.732 triệu đồng, tăng 10,47%.
     5. Chỉ số giá
     a) Chỉ số giá tiêu dùng

     Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm giảm 0,09% so với tháng trước, trong đó, có 02/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,08%, nguyên nhân chủ yếu do dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang tiếp diễn và diễn biến phức tạp khó lường, mặc dù dịch bệnh không lây từ lợn sang người, song nhiều người vẫn có tâm lý lo lắng, hoài nghi và hạn chế tiêu dùng mặt hàng thịt lợn, khiến giá thịt lợn trên địa bàn tỉnh hiện vẫn ở mức thấp; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,17%. Có 8/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm dịch vụ giao thông tăng 2,60%, nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng cao vào ngày 02/5/2019 và điều chỉnh giảm nhẹ ngày 17/5/2019; đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,15%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,49%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08; bưu chính viễn thông tăng 0,01%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,02%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,11%. Riêng nhóm dịch vụ giáo dục có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.
     So với tháng 12/2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm năm nay tăng 0,20%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 1,85%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,78%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,23%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,21%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,72%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,17%; dịch vụ giao thông tăng 4,50%; bưu chính, viễn thông giảm 0,02%; văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,14%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,58%. Riêng nhóm giáo dục ổn định so với tháng 12/2018.
     So với tháng cùng kỳ năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm năm nay tăng 0,71%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,76%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 1,19%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,69%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,72%; dịch vụ giao thông tăng 1,50%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,42%; giáo dục tăng 1,80%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,21%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,87%.
     Bình quân chung năm tháng đầu năm 2019, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,42%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,76%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 0,69%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,01%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,27%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,57%; dịch vụ giao thông giảm 0,92%; bưu chính, viễn thông giảm 0,54%; dịch vụ giáo dục tăng 1,80%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,90%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,04%.
     b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
     Chỉ số giá vàng tháng Năm giảm 0,60% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.632.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,28% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.307 đồng/USD.
     6. Hoạt động vận tải
     a) Hoạt động vận tải hành khách

     Vận tải hành khách tháng Năm ước đạt 1.301 nghìn lượt người vận chuyển và 79.831 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 15,52% về lượt người vận chuyển và tăng 15,88% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 61.511 triệu đồng, tăng 16,13%. Tính chung năm tháng đầu năm 2019, vận tải hành khách ước đạt 6.339 nghìn lượt người vận chuyển và 389.920 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,67% về lượt người vận chuyển và tăng 12,20% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 298.442 triệu đồng, tăng 15,66%.
     b) Hoạt động vận tải hàng hóa
     Vận tải hàng hoá tháng Năm ước đạt 2.735 nghìn tấn vận chuyển và 98.798 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 11,74% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 13,79% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 216.586 triệu đồng, tăng 16,50%. Tính chung năm tháng đầu năm 2019, vận tải hàng hóa ước đạt 12.867 nghìn tấn vận chuyển và 462.559 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 12,17% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 12,27% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.051.738 triệu đồng, tăng 13,21%.
     7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
     a) Thu ngân sách nhà nước

     Thu ngân sách tháng Năm ước đạt 1.184.454 triệu đồng, tăng 34,28% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 814.454 triệu đồng, tăng 33,37%; thuế xuất nhập khẩu 370.000 triệu đồng, tăng 36,33%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 14.964 triệu đồng, giảm 2,14%; thu từ DNNN địa phương 1.686 triệu đồng, tăng 136,05%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 104.225 triệu đồng, tăng 64,27%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 329.453 triệu đồng, tăng 100,02%; thu lệ phí trước bạ 25.591 triệu đồng, giảm 9,16%; thu thuế thu nhập cá nhân 53.527 triệu đồng, giảm 11,51%; các khoản thu về nhà đất 241.482 triệu đồng, tăng 8,33%.
     Tính chung năm tháng đầu năm 2019, thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.103.374 triệu đồng, tăng 18,17% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 39,67% kế hoạch. Trong đó: Thu nội địa 3.550.000 triệu đồng, tăng 15,45%, đạt 37,11% kế hoạch; thuế xuất nhập khẩu 1.553.374 triệu đồng, tăng 24,90% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 47,07% kế hoạch. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 66.000 triệu đồng, giảm 23,22%; thu từ DNNN địa phương 16.000 triệu đồng, tăng 15,86%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 720.000 triệu đồng, tăng 35,54%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 1.200.000 triệu đồng, giảm 10,08%; thu lệ phí trước bạ 114.000 triệu đồng, tăng 7,89%; thuế thu nhập cá nhân 345.000 triệu đồng, tăng 12,78%; các khoản thu về nhà đất 848.500 triệu đồng, tăng 69,55%; các khoản thu khác 75.500 triệu đồng, tăng 45,84%.
     b) Chi ngân sách nhà nước
     Tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 17/5/2019, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 3.840.236 triệu đồng, đạt 43,59% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.633.426 triệu đồng, đạt 65,04% kế hoạch; chi thường xuyên 2.206.811 triệu đồng, đạt 35,03% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 201.774 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 836.546 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 141.683 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 35.682 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 222.423 triệu đồng; chi quản lý hành chính 514.108 triệu đồng; chi khác 236.140 triệu đồng.
     c) Hoạt động ngân hàng
     Tính đến 30/4/2019, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 77.233.275 triệu đồng, tăng 5,91% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 67.989.517 triệu đồng, tăng 6,07% và chiếm 88,03% tổng nguồn vốn.
     Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 57.844.614 triệu đồng, tăng 3,51% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 41.389.526 triệu đồng, tăng 4,70%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 16.455.088 triệu đồng, tăng 0,64%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 55.203.218 triệu đồng, tăng 3,15%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.641.396 triệu đồng, tăng 11,72%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.166.054 triệu đồng (chiếm 2,02% tổng dư nợ), giảm 2,15% so với thời điểm 31/12/2018.
     8. Một số hoạt động xã hội
     a) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 16/4/2019 đến ngày 15/5/2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát hiện 9 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử lý 5 vụ với số tiền xử phạt là 111,5 triệu đồng, 2 vụ đang trong quá trình xác minh, 2 vụ bàn giao cho cơ quan khác (1 vụ bàn giao cho đội quản lý thị trường, 1 vụ bàn giao cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi). Trong đó: 2 vụ vi phạm về xả thải ra môi trường vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép; 1 vụ vi phạm về khai thác cát trái phép; 2 vụ vi phạm về không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng, đã tiêu huỷ 2 tấn thịt lợn và 2,1 tấn lòng sống.
Từ ngày 16/4/2019 đến ngày 15/5/2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào.
     b) An toàn giao thông
     Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/4/2019 đến 15/5/2019, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 12 người, làm bị thương 9 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 3 vụ, tăng 25,0%; số người chết tăng 2 người, tăng 20,0%; số người bị thương tăng 2 người, tăng 28,57%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông, làm chết 57 người, làm bị thương 41 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn bằng với cùng kỳ năm 2018; số người chết giảm 3 người, giảm 5,0%; số người bị thương giảm 3 người, giảm 6,82%./.

 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây