Cục Thống kê Hưng Yên

http://www.thongkehungyen.gov.vn


Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 02 và 02 tháng năm 2018

Nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các địa phương là tập trung thu hoạch nhanh gọn cây rau màu vụ Đông và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng bước vào sản xuất vụ Xuân, trong đó đặc biệt chú ý theo dõi chặt chẽ nguồn nước các sông trục khi các hồ thủy điện xả nước phục vụ bơm nước đổ ải chuẩn bị gieo cấy lúa vụ Xuân.
   1. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản
   a. Trồng trọt
   
Nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các địa phương là tập trung thu hoạch nhanh gọn cây rau màu vụ Đông và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng bước vào sản xuất vụ Xuân, trong đó đặc biệt chú ý theo dõi chặt chẽ nguồn nước các sông trục khi các hồ thủy điện xả nước phục vụ bơm nước đổ ải chuẩn bị gieo cấy lúa vụ Xuân.
   Sản xuất vụ Đông: Theo kết quả điều tra, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2018 của toàn tỉnh là 11.691 ha, giảm 919 ha (giảm 7,29%) so với vụ Đông năm 2017 và đạt 96,70% kế hoạch đề ra. Trong đó: Cây ngô 3.357 ha, giảm 563 ha; cây khoai lang 329 ha, giảm 63 ha; cây đậu tương 310 ha, giảm 219 ha; Cây lạc 125 ha, tăng 17 ha; rau các loại 6.295 ha, giảm 114 ha. Như vậy, diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm nay không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến thời tiết, khí hậu phức tạp, ảnh hưởng của cơn bão số 10 có mưa to trên diện rộng kéo dài nhiều ngày (từ ngày 9-12/10/2017) vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch lúa Mùa và trồng cây vụ Đông. Bên cạnh đó, nhân lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm do giá trị ngày công từ trồng cây vụ Đông không cao so với các ngành sản xuất phi nông nghiệp, dẫn đến nhiều người dân không thiết tha với sản xuất vụ Đông. Một nguyên nhân khác cũng hết sức quan trọng là việc chuyển đổi từ những chân ruộng cho hiệu quả kinh tế kém sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, ổ... đang ngày càng được địa phương quan tâm và tạo điều kiện... Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã kết thúc thu hoạch cây vụ Đông. Nhìn chung, hầu hết các loại cây rau màu năm nay đều cho năng suất khá hơn năm trước. Theo tổng hợp sơ bộ kết quả điều tra về năng suất, sản lượng các loại cây trồng hàng năm, năng suất một số cây trồng như sau: Ngô đạt 55,5 tạ/ha; khoai lang 144 tạ/ha; bắp cải 285 tạ/ha; su hào 242 tạ/ha; khoai tây 170 tạ/ha; đậu tương 17 tạ/ha; rau các loại 235 tạ/ha...
   Sản xuất vụ Xuân: Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 34.430 ha, trong đó phấn đấu gieo cấy hơn 21.000 ha lúa chất lượng cao (chiếm 61% diện tích gieo trồng) bằng các giống lúa như BT7, RVT... và các giống lúa nếp. Cùng với đó tăng cường mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa lai chiếm khoảng 20-23% diện tích như: GS9, BiO404, TH3-3,... Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo một số việc trọng tâm: Cung cấp đủ lượng thóc giống, kể cả giống dự phòng cho nông dân trong tỉnh; chủ động lấy nước đổ ải khi các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang xả nước bởi năm nay theo chỉ đạo của Trung ương chỉ xả nước 3 đợt (đợt 1 từ 16/01-19/01; đợt 2 từ 28/01-04/02; đợt 3 từ 09/02-14/02), tập trung huy động 100% trạm bơm, kể cả trạm bơm do xã quản lý phục vụ công việc đổ ải khi có nguồn nước, chủ động trữ nước trong các ao, hồ, sông, trục, không tháo nước ra sông ngoài gây lãng phí, ảnh hưởng tới việc tưới dưỡng lúa sau gieo cấy; kiểm tra, giám sát công tác đặt bả, rải bả để diệt chuột theo đúng kỹ thuật; chỉ đạo bà con nông dân không gieo mạ và cấy lúa khi trời rét đậm, rét hại dưới 15oC. Đến ngày 23/02/2018, toàn tỉnh đã gieo, cấy được 13.760 ha lúa, chăm sóc lần 1 được 1.050 ha; diệt chuột đợt 1 ước tính được 4.369.100 con.

   Bên cạnh việc gieo, cấy lúa xuân, bà con nông dân các địa phương còn quan tâm gieo trồng các cây rau màu vụ Xuân. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 3.115 ha cây rau màu vụ xuân, trong đó: ngô 1.180 ha; rau màu các loại 1.785 ha.
   b. Chăn nuôi gia súc, gia cầm
   Công tác quan trọng hàng đầu trong chăn nuôi gia súc, gia cầm thời gian qua là bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Các địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tích cực triển khai công tác kiểm dịch, kiểm tra công tác giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, thường xuyên kiểm tra nắm bắt tính hình nhằm phát hiện sớm những trường hợp gia cầm ốm, dịch... Vì vậy, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Qua tổng hợp kết quả điều tra chăn nuôi 01/01/2018 cho thấy: tổng đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh phát triển ở mức ổn định; đàn trâu, bò tương đương năm trước; đàn lợn đạt 578.215 con, giảm 4,51%; đàn gia cầm 8.748 nghìn con, tăng 2,17% so với năm 2017.
   2. Sản xuất công nghiệp
   
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Hai giảm 0,09% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là do tháng Hai là tháng diễn ra Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn tháng cùng kỳ năm 2017.Trong đó: Công nghiệp khai thác giảm 28,35%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,49%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,08%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,80%. Một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2017 như: Cát đen giảm 28,35%; Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền giảm 6,52%; nước khoáng không có ga giảm 25,22%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 2,05%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu giảm 2,15%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 2,10%; sắt thép các loại giảm 3,43%; xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa giảm 6,79%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước như: Thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng 29,48%; quần áo các loại tăng 5,65%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 15,48%; bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 21,75%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 201,98%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 7,12%; điện thương phẩm tăng 7,08%;...
   Tính chung hai tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,29% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) giảm 15,15%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,03%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,39%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,27%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 17,56%; thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng 27,0%; quần áo các loại tăng 16,94%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 17,98%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 6,01%; bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 24,69%; gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 7,61%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 43,84%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 72,85%; sắt thép các loại tăng 16,63%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 16,52%...
   3. Hoạt động đầu tư
   a. 
Vốn đầu tư ngân sách nhà nước
   Ước thực hiện vốn đầu tư phát triển tháng Hai đạt 113.094 triệu đồng, giảm 3,54% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 59.212 triệu đồng, giảm 2,53%%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 29.501 triệu đồng, giảm 3,91%; vốn ngân sách cấp xã 24.381 triệu đồng, giảm 5,51%.
   Tính chung hai tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 273.518 triệu đồng, tăng 13,11% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 138.487 triệu đồng, tăng 7,78%; vốn ngân sách cấp huyện 75.301 triệu đồng, tăng 19,11%; vốn ngân sách cấp xã 59.730 triệu đồng, tăng 19,20%.
   b. Đầu tư nước ngoài
   
Tính đến 20/02/2018, trên địa bàn tỉnh đã có 403 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 3.983.388 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Nhật Bản có 143 dự án, số vốn đăng ký là 2.684.778 nghìn USD, chiếm 67,40% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc có 124 dự án, với số vốn đăng ký là 626.245 nghìn USD, chiếm 15,72% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 82 dự án, số vốn đăng ký 328.179 nghìn USD, chiếm 8,24% tổng số vốn đăng ký.
   4. Hoạt động tài chính, tiền tệ
   
a. Thu ngân sách nhà nước
   Thu ngân sách tháng Hai ước đạt 570.048 triệu đồng, giảm 28,30% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 614.976 triệu đồng, tăng 18,07%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu -44.928 triệu đồng (trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 155.134 triệu đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng 200.062 triệu đồng). Một số khoản thu nội địa trong tháng dự tính như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 11.035 triệu đồng, giảm 55,95%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 99.735 triệu đồng, tăng 41,25%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 282.638 triệu đồng, giảm 5,51%; thu lệ phí trước bạ 18.736 triệu đồng, tăng 61,87%; thuế thu nhập cá nhân 54.592 triệu đồng, giảm 19,12%; thuế bảo vệ môi trường 30.270 triệu đồng, tăng 81,69%; thu phí và lệ phí 9.364 triệu đồng, tăng 91,02%; các khoản thu về nhà đất 94.980 triệu đồng, tăng 455,76%.
   Tính chung hai tháng đầu năm 2018, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.431.048 triệu đồng, giảm 16,15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa 1.470.000 triệu đồng, tăng 15,87%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu -38.952 triệu đồng (trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 420.396 triệu đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng là -459.348 triệu đồng). Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 22.300 triệu đồng, giảm 59,80%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 290.000 triệu đồng, tăng 14,57%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 563.000 triệu đồng, giảm 15,75%; thu lệ phí trước bạ 50.000 triệu đồng, tăng 38,25%; thuế thu nhập cá nhân 130.000 triệu đồng, tăng 6,13%; các khoản thu về nhà đất 307.700 triệu đồng, tăng 492,33%.
   b. Chi ngân sách nhà nước
   Tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 20/02/2018, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 1.115.775 triệu đồng, đạt 12,79% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 436.480 triệu đồng, đạt 16,45%; chi thường xuyên 679.295 triệu đồng, đạt 11,19%. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 25.196 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 287.436 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 38.537 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 11.639 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 55.549 triệu đồng; chi quản lý hành chính 185.516 triệu đồng, chi khác 74.634 triệu đồng.
   5. Thương mại, dịch vụ
   Với mạng lưới kinh doanh thương mại rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh; quy mô và loại hình đa dạng: Từ các hộ kinh doanh cá thể đến doanh nghiệp; từ loại hình kinh doanh truyền thống (chợ, cửa hàng bán lẻ) đến các loại hình kinh doanh tiên tiến (cửa hàng tiện ích, siêu thị); các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
   Những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhân dân mua sắm hàng hóa Tết tương đối nhiều nhưng không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa trên thị trường; các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết cổ truyền đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn kinh doanh các hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết có đóng góp quan trọng trong việc dự trữ hàng hóa bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
   Thời điểm cận Tết luôn sôi động nhất trong năm về hàng hoá, cung cầu, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Thị trường trong tỉnh, từ thành thị về đến nông thôn, thời điểm gần Tết lượng hàng hóa tăng đáng kể về số lượng, chủng loại, nhất là các mặt hàng thiết yếu như hàng tiêu dùng, thực phẩm, bánh kẹo, mứt, lương thực, thực phẩm, nông sản.
   Ngoài ra, các mặt hàng thiết bị điện tử, các mặt hàng thời trang như áo, quần, giày dép cũng được các tiểu thương chuẩn bị đầy đủ với nhiều mẫu mã, kiểu dáng để người dân có thể lựa chọn theo nhu cầu. Thị trường hàng Tết năm nay, hàng nội trội hơn hẳn so với hàng ngoại do giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm, mẫu mã phong phú. Đặc biệt, năm nay các mặt hàng bánh, kẹo sản xuất trong nước, mẫu mã đẹp, giá thành vừa phải đang chiếm ưu thế trên thị trường.
   Nhìn chung thị trường hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất năm nay đã đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân về số lượng cũng như chủng loại, mẫu mã hàng hóa. Nhu cầu mua sắm của nhân dân bắt đầu tăng nhẹ từ những ngày Tết ông Công, ông Táo nhưng các doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết nên hàng hóa vẫn đáp ứng đủ nhu cầu, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
   Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trong tháng Hai ước đạt 2.528.823 triệu đồng, tăng 14,05% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu bán lẻ ước đạt 2.063.480 triệu đồng, tăng 15,47%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 131.574 triệu đồng, tăng 7,13%; doanh thu du lịch ước đạt 520 triệu đồng, tăng 19,18%; doanh thu dịch vụ khác 333.249 triệu đồng, tăng 8,51%. Tính chung hai tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 5.006.284 triệu đồng, tăng 12,21% so với cùng kỳ năm 2017.
   Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm ước đạt 4.079.115 triệu đồng, chiếm 81,48% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 13,18% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: Doanh thu bán lẻ lương thực, thức phẩm tăng 13,13%; hàng may mặc tăng 21,98%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 30,16%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 44,12%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,68%; ô tô các loại giảm 70,68%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 23,98%; xăng, dầu các loại tăng 13,09%; đá quý, kim loại quý tăng 24,22%...   
   Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành hai tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 262.502 triệu đồng, chiếm 5,24% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 6,78% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 11.019 triệu đồng, tăng 5,49%; dịch vụ ăn uống 250.474 triệu đồng, tăng 6,80%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 1.008 triệu đồng, tăng 16,67%. Doanh thu dịch vụ khác hai tháng đầu năm 2018 ước đạt 664.667 triệu đồng, chiếm 13,28% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2017.
   6. Giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
   
Chỉ số giá tiêu dùng
   Thị trường hàng hoá những ngày trước, trong và sau Tết diễn biến sôi động, giá cả của các loại hàng hoá giáp Tết năm nay so với ngày thường có tăng nhẹ: giá thịt lợn tại chợ 65.000-80.000 đ/kg, thịt gà ta 100.000-130.000 đ/kg; giò lụa 100.000 - 120.000 đ/kg, thịt bò 250.000-280.000 đ/kg; thị trường hoa, cây cảnh chơi tết phong phú nhiều chủng loại với giá cả hợp lý; mặt hàng hoa quả như bưởi, cam và một số rau củ quả khác giá cả tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường bánh kẹo phong phú về chủng loại, mẫu mã, giá cả cơ bản ổn định. Mặt hàng bia rượu, nước giải khát giá cả cũng không có nhiều biến động. Giá bia lon Hà Nội bán lẻ từ 220.000 – 230.000đ/thùng; Bia lon Heniken bán ra 360.000 –380.000đ/thùng; nước ngọt Cocacola bán ra 180.000–190.000đ/thùng; mặt hàng đường trắng, dầu ăn giá cả ổn định. Giá bán ở một số cửa hàng bán lẻ và các địa bàn khác nhau có sự chênh lệch, nhưng không nhiều. Giá hàng hóa ở các siêu thị ổn định hơn ở chợ và các cửa hàng bán lẻ, giá các loại hàng hóa cùng loại ở siêu thị, ngang bằng hoặc thấp hơn giá ngoài thị trường.
   Nhìn chung, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm trong dịp Tết khá dồi dào, hàng hóa lưu thông suốt từ thành thị đến nông thôn, không có hiện tượng sốt hàng, tăng giá đột biến; giá các loại mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho người dân ăn Tết.
   Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai tăng 0,78% so với tháng trước Trong đó: Có 6/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, bao gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,77%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,03%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,83%; dịch vụ giao thông tăng 1,04%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 0,85%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 1,71%. Có 3/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ ổn định so với tháng trước, bao gồm: Thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục. Riêng nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép giảm 0,30%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,61% so với tháng trước.
   So với tháng 12/2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng 1,22%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,46%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 0,52%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,34%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,07%; dịch vụ giao thông tăng 2,78%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 1,12%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,24%; bưu chính, viễn thông giảm 0,75%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục ổn định so với tháng 12/2017.
   So với tháng cùng kỳ năm 2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng 6,57%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,58%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,94%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 2,04%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,23%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 86,55%; dịch vụ giao thông tăng 5,88%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,76%; giáo dục tăng 3,78%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 1,09%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,93%.
   Bình quân chung hai tháng đầu năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,34% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 1,27%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,43%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 2,19%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,85%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 86,55%; dịch vụ giao thông tăng 5,61%; bưu chính, viễn thông giảm 0,77%; dịch vụ giáo dục tăng 3,78%; dịch vụ văn hóa,thể thao, giải trí tăng 1,11%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,07%.
   Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
   Chỉ số giá vàng tháng Hai tăng 1,80% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.679.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,03% so với tháng trước, mức giá bình quân 22.733 đồng/USD.
   7. Hoạt động vận tải và bưu chính, viễn thông
   
a. Vận tải hành khách
   Vận tải hành khách tháng Hai ước đạt 1.160 nghìn lượt người vận chuyển và 72.192 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 13,60% về lượt người vận chuyển và tăng 13,55% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 52.781 triệu đồng, tăng 16,08% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung hai tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách ước đạt 2.262 nghìn lượt người vận chuyển và 140.890 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,59% về lượt người vận chuyển và tăng 11,50% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 103.080 triệu đồng, tăng 12,63%.
   b. Vận tải hàng hóa
   Vận tải hàng hoá tháng Hai ước đạt 2.084 nghìn tấn vận chuyển và 74.853 nghìn tấn luân chuyển, tăng 15,85% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 16,71% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 168.403 triệu đồng, tăng 15,40%. Tính chung hai tháng đầu năm 2018, vận tải hàng hóa ước đạt 4.394 nghìn tấn vận chuyển và 160.065 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 9,24% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 9,32% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 363.503 triệu đồng, tăng 9,45%.   
   8. Một số hoạt động văn hóa, xã hội
   
a. Hoạt động văn hóa, thể thao
   Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động đón tết vui tươi, an toàn và tiết kiệm. Trong đêm giao thừa toàn tỉnh đã có 7 điểm bắn pháo hoa là thành phố Hưng Yên, các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động và Phù Cừ. Hoạt động triển lãm thư pháp, hát ca trù và cho chữ đầu năm được diễn ra thường niên tại Văn Miếu Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Cũng tại Văn Miếu Xích Đằng, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Giáo dục Hưng Yên - Xưa và nay”. Hội Nhà báo tỉnh khai mạc Hội báo xuân Mậu Tuất năm 2018, Hội báo xuân bố trí các gian trưng bày đẹp, hấp dẫn, phản ánh toàn bộ đời sống báo chí trong tỉnh. Ngoài ra, Hội Nhà báo tỉnh còn triển lãm 140 tác phẩm ảnh báo chí của Câu lạc bộ nhiếp ảnh báo chí Hưng Yên, phản ánh mọi mặt đời sống như kinh tế, chính trị, xã hội...   
   Sáng ngày 19/02 (tức mồng 4 Tết Mậu Tuất), đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng đã về thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên, dự Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất 2018 do UBND tỉnh tổ chức, hưởng ứng phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Đến ngày 23/02/2018, toàn tỉnh đã trồng được 25.950 cây xanh, trong đó 21.500 cây ăn quả và 4.450 cây bóng mát.
   b. Chăm lo các đối tượng chính sách và người có công
   Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi và đối tượng xã hội để đảm bảo người dân được đón Tết đầm ấm, vui tươi. Tổng kinh phí chi cho các hoạt động thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi, đối tượng xã hội khoảng 47 tỷ đồng. Cụ thể:
   Tặng 35.547 suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí 7.300,20 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tặng 35.623 suất quà của Tỉnh ủy - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các đối tượng chính sách, gia đình quân nhân làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 và thương bệnh binh đang được chăm sóc tại các Trung tâm nuôi dưỡng người có công với mức quà 450.000 đồng/suất (gồm 300.000 đồng tiền mặt và 01 túi quà); tặng 05 Trung tâm điều dưỡng Người có công trong và ngoài tỉnh, mức quà 3.000.000 đồng/đơn vị; thăm và tặng quà 22 gia đình đại diện các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh, mức quà 950.000 đồng/suất (gồm 800.000 đồng tiền mặt và 01 túi quà). Tổng số tiền là 16.067,15 triệu đồng.
   Tổ chức trao tặng Thiếp chúc thọ của Chủ tịch nước cho người cao tuổi tròn 100 tuổi, Thiếp chúc thọ của Chủ tịch UBND tỉnh cho người cao tuổi tròn 90 tuổi; thăm, chúc thọ, tặng quà 27.250 người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, từ 91 đến 99 tuổi, tròn 100, trên 100 tuổi. Tổng số tiền 8.946,35 triệu đồng. Hỗ trợ 12.639 hộ nghèo ăn Tết với mức 300.000 đồng/hộ, tổng số tiền 3.791,70 triệu đồng. Hỗ trợ 778 đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các Trung tâm bảo trợ xã hội trong tỉnh, tổng số tiền 556,60 triệu đồng. Ngoài ra, các huyện, thành phố đã trích ngân sách, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng quà cho các hộ nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi.
   Toàn tỉnh thăm, tặng quà, trợ giúp (bằng tiền và hiện vật) cho 3.649 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo với số tiền 1.381,85 triệu đồng (chưa kể trẻ em được chăm sóc nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội).
   c. Thực hiện chế độ đối với người lao động
   Nhìn chung, tiền lương của công nhân đã được các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đảm bảo trả đủ và kịp thời theo quy định. Đa số các doanh nghiệp có mức tiền thưởng Tết Nguyên đán bằng 01 tháng lương cơ bản. Mức thưởng trung bình của các doanh nghiệp khoảng 5,2 triệu đồng/lao động. Mức thưởng cao nhất khoảng 75 triệu đồng (Công ty CP Tập đoàn Merap).
   d. Hoạt động Y tế
   Công tác khám, chữa bệnh được duy trì, đảm bảo việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân. Trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 14/02 đến ngày 20/02/2018, tức từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 5 Tết), tổng số có 2.901 lượt người đến các cơ sở khám cấp cứu (tăng 858 lượt so với năm 2017); tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú 1.702 bệnh nhân; số ca phẫu thuật 169 ca (giảm 29 ca so với năm 2017); số ca đẻ (bao gồm cả mổ đẻ) 349 ca; số trường hợp tử vong tại bệnh viện (gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) 3 trường hợp; số bệnh nhân ra viện 1.183 bệnh nhân; số bệnh nhân chuyển viện 253 bệnh nhân.
   Công tác phòng chống HIV/AIDS: Tính đến ngày 31/01/2018, lũy kế số người nhiễm HIV/AIDS là 1.624 người, trong đó: Số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống 812 người, số bệnh nhân tử vong do AIDS 812 người. Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức thăm và tặng quà nhằm hỗ trợ, động viên người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn vui xuân đón Tết.
   Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018. Giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018 trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm, những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, cơ sở nhập khẩu thực phẩm…
   e. Tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp Tết
   An ninh quốc gia: Tình hình anh ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn được đảm bảo, chưa phát hiện vấn đề đáng chú ý.
   Về trật tự xã hội: Cố ý gây thương tích xảy ra 2 vụ, làm 4 người bị thương; Hủy hoại tài sản xảy ra 01 vụ, thiệt hại tài sản khoảng 25 triệu đồng.
   Đốt pháo trái phép: Phát hiện 5 vụ, 5 đối tượng đốt pháo trái phép, giảm 8 vụ, giảm 8 đối tượng so với cùng kỳ Tết Đinh Dậu 2017.
   Tình hình cháy, nổ: Trong dịp Tết không xảy ra vụ cháy, nổ.
   Từ ngày 16/01/2018 đến ngày 15/02/2018, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 1 vụ cháy, làm 1 người chết, không có người bị thương.
   Tình hình vi phạm môi trường: Từ ngày 16/01/2018 đến ngày 15/02/2018, toàn tỉnh đã phát hiện 15 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt 17 vụ (2 vụ phát hiện từ tháng 1), xử phạt 2 cá nhân và 15 tổ chức với số tiền 1.034 triệu đồng. Trong đó: 12 vụ vi phạm về gây ô nhiễm môi trường, 2 vụ xả chất thải nguy hại ra môi trường, 1 vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, 1 vụ vi phạm về khai thác tài nguyên, 1 vụ vi phạm khác.
   Trật tự an toàn giao thông: Tình hình trật tự an toàn giao thông cơ bản được bảo đảm, không xảy ra ùn tắc giao thông và đua xe trái phép. Trong 7 ngày nghỉ Tết từ 14/02 đến ngày 20/02 (tức từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 5 Tết), toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 1 người chết, 1 người bị thương (So với cùng kỳ Tết Đinh Dậu năm 2017 giảm 1 vụ, giảm 2 người chết, giảm 1 người bị thương).
   Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/01/2018 đến 15/02/2018, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông (trong đó: 09 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt), làm chết 6 người, làm bị thương 5 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 6 vụ, giảm 37,50%; số người chết giảm 5 người, giảm 45,45%; số người bị thương giảm 7 người, giảm 58,33%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/02/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, làm chết 17 người, làm bị thương 17 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tai nạn bằng với cùng kỳ năm 2017, số người chết giảm 4 người, giảm 19,05%; số người bị thương giảm 2 người, giảm 10,53%./.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây