Hội nghị tổng kết công tác Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021- Tỉnh Hưng Yên.
- Thứ tư - 27/04/2022 22:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng ngày 27/4/2022, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 (sau đây viết tắt là BCĐ TĐT) tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 – Tỉnh Hưng Yên. Ông Nguyễn Hùng Nam– Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị; dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên BCĐ TĐT tỉnh; thành viên Tổ Thường trực giúp việc BCĐ TĐT tỉnh; đại diện BCĐ TĐT các huyện, thị xã, thành phố; các tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 diễn ra trong bối cảnh cả nước và thế giới chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Song được sự quan tâm chỉ đạo của BCĐ TĐT Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, khắc phục khó khăn để hoàn thành cuộc Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính đúng tiến độ và đảm bảo thời gian, chất lượng thông tin và các nội dung theo yêu cầu của Phương án và kế hoạch điều tra.
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021 cho thấy: Tổng số cơ sở kinh tế, sự nghiệp, hiệp hội, tôn giáo, tín ngưỡng thực tế đang hoạt động sản xuất kinh doanh (chưa kể các đơn vị hành chính) năm 2020 toàn tỉnh Hưng Yên có 85.318 cơ sở với tổng số lao động là 385.625 người. So với kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, số lượng cơ sở tăng 0,72% (tăng 608 cơ sở); số lượng lao động tăng 1,92% (tăng 7.259 người). Bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 số cơ sở tăng 0,16% còn số lao động tăng 0,63%.
Theo loại hình kinh tế, năm 2020 toàn tỉnh có 83.070 đơn vị kinh tế, chiếm 97,37% tổng số với 358.156 lao động; 735 đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, chiếm 0,86% với 35.336 lao động và 1.513 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng chiếm 1,77% tổng số với 2.133 lao động.
Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lương cơ sở và lao động trong ba khu vực kinh tế. Trong tổng số 85.318 cơ sở năm 2020, khu vực dịch vụ có 64.263 cơ sở, chiếm 75,32%, tăng 3,17% so năm 2016. Khu vực dịch vụ thu hút 149.753 lao động, chiếm 38,83% tổng số lao động, tăng 4,81% so năm 2016 (tăng trên 6.869 lao động). Khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, năm 2020 có 20.896 cơ sở, chiếm 24,49%, thu hút 233.476 lao động, chiếm 60,54% tổng số lao động. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020 có 159 cơ sở, chiếm 0,19%, giảm 43 cơ sở; số người tham gia sản xuất kinh doanh khu vực này năm 2020 có 2.396 lao động, chiếm 0,62% tổng số lao động.
Qua kết quả Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 cho thấy, mặc dù trong điều kiện nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, các khu vực kinh tế đều chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 cũng như các tác động tiêu cực khác, nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản, ngừng hoạt động,… nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh tế trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn có nhiều điểm sáng. Theo đó, số doanh nghiệp và lao động tăng cao so với trước (số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động năm 2020 là 6.341 doanh nghiệp, tăng 70,55% so với năm 2016 và tăng 8,52% so với 2019; tại thời điểm 31/12/2020 lao động trong các doanh nghiệp có 221.207 lao động, tăng 0,46% so với năm 2019, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 3,23%), trong khi đó tổng số đơn vị hành chính giảm mạnh (do tỉnh thực hiện tốt chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy/biên chế). Kết quả này không chỉ thể hiện rõ định hướng phát triển của tỉnh mà còn cho thấy tính hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
Tại Hội nghị đã có 03 báo cáo tham luận của BCĐ TĐT huyện Văn Lâm, BCĐ TĐT thị xã Mỹ Hào và Sở Nội vụ. Các tham luận đều nhất trí cao với báo cáo tổng kết của BCĐ TĐT tỉnh, đồng thời minh hoạ thêm bằng những việc làm cụ thể của các sở, ngành và của các địa phương trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành thực hiện Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Hùng Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận các kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021; dù phải thực hiện trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, BCĐ TĐT các cấp đã chủ động, linh hoạt các giải pháp, vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, an toàn cho lực lượng tham gia điều tra và thu thập thông tin có chất lượng. Cũng tại hội nghị, Ông Nguyễn Hùng Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan, cụ thể:
(1) Cục Thống kê tỉnh: Chủ động tham cho với UBND tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Tiếp tục xử lý, tổng hợp, so sánh, đối chiếu số liệu với kỳ Tổng điều tra trước; chủ động tổng hợp, phân tích và biên soạn các báo cáo chuyên đề, chuyên sâu về bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh để cung cấp kịp thời cho lãnh đạo chính quyền các cấp theo quy định của Nhà nước; phát huy tối đa hiệu quả kết quả của Tổng điều tra
(2) Sở Nội vụ: Tích cực phối hợp với Cục Thống kê để kết nối và khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu, nhất là dữ liệu hành chính để phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Phân tích tình hình các cơ cở hành chính để tham mưu tỉnh xây dựng chiến lược, kế hoạch tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
(3) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trên cơ sở số lượng doanh nghiệp đã kê khai điều tra có đến 31/12/2021 qua kết quả Tổng điều tra, tiếp tục triển khai công tác rà soát các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng chưa thực hiện tốt kê khai điều tra ghi phiếu trong Tổng điều tra. Triển khai công tác kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp không tìm thấy, thay đổi địa chỉ SXKD, thành lập nhưng không đầu tư, không hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác hậu kiểm sau thành lập doanh nghiệp.
(4) Các sở ngành và các đơn vị liên quan: Thống nhất sử dụng kết quả Tổng điều tra sau khi có công bố chính thức của BCĐ TĐT Trung ương; phân tích kết quả so với từng giai đoạn 5 năm, 10 năm; tham mưu xây dựng chiến lược phát triển phù hợp theo ngành, lĩnh vực quản lý trong giai đoạn tiếp theo.
(5) UBND cấp huyện: Triển khai công tác Tổng kết Tổng điều tra trên địa bàn cấp huyện, công bố kết quả sơ bộ kết quả Tổng điều tra cấp huyện.
(6) Các cơ quan thông tin đại chúng: Tuyên truyền rộng rãi kết quả sơ bộ tổng điều tra, phát huy tối đa hiệu quả kết quả của cuộc tổng điều tra.
Tại hội nghị, đã trao tặng “Bằng khen” của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh và “Giấy khen” của Cục trưởng Cục Thống kê cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc thực hiện Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021./.
Một số hình ảnh tại Hội nghị