Cục Thống kê Hưng Yên

http://www.thongkehungyen.gov.vn


Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 9 và 9 tháng năm 2022

Việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khó khăn hơn do cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na kéo dài, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm; giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đặc biệt giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ, kịp thời các Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết của Quốc hội , của Chính phủ ; cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

   Việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khó khăn hơn do cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na kéo dài, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm; giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đặc biệt giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ, kịp thời các Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết của Quốc hội[1], của Chính phủ[2]; cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
  Ước tính một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 9 tháng năm 2022 như sau:
  1. Thu ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 45.223.743 triệu đồng, tăng 240,83% so với cùng kỳ năm trước và đạt 231,62% kế hoạch năm;
  2. Vốn đầu tư phát triển ước đạt 40.263.303 triệu đồng, tăng 49,63% so với cùng kỳ năm trước;
  3. Số dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới 11 dự án, số vốn đăng ký là 95.477 nghìn USD;
  4. Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 72.746 ha, giảm 4,82% so với cùng kỳ năm trước;
  5. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,23% so với cùng kỳ năm trước;
  6. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 31.910.641 triệu đồng, tăng 17,51% so cùng kỳ năm trước;
  7. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,29%.
  I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
  1. Sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản

  a) Trồng trọt
  Cây hằng năm

  Sản xuất vụ Mùa: diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Mùa toàn tỉnh đạt 32.224 ha, giảm 4,99% so với cùng kỳ năm trước (giảm 1.691 ha). Trong đó, diện tích gieo trồng một số cây chính như sau: lúa mùa 26.557 ha, giảm 5,05% (giảm 1.413 ha); ngô 796 ha, giảm 10,80% (giảm 89 ha); cây lấy củ có chất bột 66 ha, tăng 63,94% (tăng 26 ha); cây có hạt chứa dầu 308 ha, tăng 0,43%; rau, đậu, hoa các loại 3.659 ha, giảm 4,70% (giảm 180 ha); cây hằng năm khác đạt 838 ha, giảm 3,95% (giảm 34 ha).
  Hiện nay, lúa Mùa đang trong thời kỳ trổ bông, dễ nhiễm các loại sâu, bệnh gây hại. Theo báo cáo tiến độ đến 28/9/2022 của ngành chuyên môn, tình hình sâu, bệnh hại lúa như sau: diện tích nhiễm bệnh khô vằn 5.787 ha, trong đó: nhiễm nặng 347 ha; diện tích nhiễm rầy lâu, rầy lưng trắng 787 ha, trong đó: nhiễm nặng 3 ha; diện tích nhiễm bệnh đốm sọc - vi khuẩn 751 ha, trong đó: nhiễm nặng 95 ha. Nếu kiểm soát tốt sâu bệnh và thời tiết từ nay đến lúc thu hoạch thuận lợi, dự báo năng suất lúa vụ Mùa năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
 Ước tính năng suất, sản lượng một số cây trồng vụ Mùa như sau: Năng suất lúa mùa ước đạt 58,74 tạ/ha, tăng 0,15% (tăng 0,09 tạ/ha); ngô 58,16 tạ/ha, tăng 0,50%, (tăng 0,29 tạ/ha); khoai lang 187,95 tạ/ha, giảm 1,13% (giảm 2,15 tạ/ha); lạc 37,50 tạ/ha, tăng 0,21% (tăng 0,08 tạ/ha); đậu tương 24,35 tạ/ha, tăng 0,33% (tăng 0,08 tạ/ha); rau các loại 211,07 tạ/ha, tăng 0,97% (tăng 2,04 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lúa ước đạt 155.997 tấn, giảm 4,95% (giảm 8.126 tấn); ngô 4.631 tấn, giảm 9,63% (giảm 494 tấn); lạc 534 tấn, giảm 5,84% (giảm 33 tấn); đậu tương 384 tấn, tăng 7,8% (tăng 28 tấn); rau các loại 65.932 tấn, giảm 4,88% (giảm 3.385 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 72.746 ha, giảm 4,82% so với cùng kỳ năm trước (giảm 3.681 ha), trong đó: lúa đạt 53.653 ha, giảm 4,24% (giảm 2.373 ha); ngô 3.145 ha, giảm 7,8% (giảm 266 ha); cây lấy củ có chất bột 543 ha, giảm 1,86% (giảm 10 ha); cây có hạt chứa dầu 1.171 ha, giảm 6,78% (giảm 85 ha); cây rau, đậu, hoa các loại 12.430 ha, giảm 6,36% (giảm 844 ha); cây hằng năm khác 1.802 ha, tăng 0,43% (tăng 8 ha).
Năng suất bình quân một số cây trồng ước đạt như sau: lúa 63,21 tạ/ha, giảm 0,06% so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,03 tạ/ha); ngô 60,08 tạ/ha, tăng 0,02% (tăng 0,01 tạ/ha); khoai lang 160,35 tạ/ha, giảm 0,16% (giảm 0,26 tạ/ha); lạc 35,75 tạ/ha, tăng 1,45% (tăng 0,51 tạ/ha); đậu tương 20,72 tạ/ha, tăng 1,31% (tăng 0,27 tạ/ha); rau các loại 243,11 tạ/ha, giảm 0,74% (giảm 1,81 tạ/ha). Sản lượng các loại cây trồng đa số đều giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: lúa ước đạt 339.113 tấn, giảm 4,3% (giảm 15.255 tấn); ngô 18.896 tấn, giảm 7,78% (giảm 1.595 tấn); lạc 2.159 tấn, giảm 2,45% (giảm 54 tấn); đậu tương 1.151 tấn, giảm 8,45% (giảm 106 tấn); rau các loại 264.685 tấn, giảm 7,36% (giảm 21.023 tấn). Nguyên nhân sản lượng giảm chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm, mặc dù năng suất phần lớn các loại cây trồng đều tăng.
Cây lâu năm
Diện tích các loại cây lâu năm ước đạt 15.609 ha, tăng 0,09% (tăng 14 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích cây ăn quả 14.673 ha, tăng 0,38% (tăng 56 ha). Diện tích một số cây trồng chủ yếu: nhãn 4.731 ha, tăng 1,39% (tăng 65 ha); chuối 2.735 ha, giảm 0,97% (giảm 27 ha); cam 1.970 ha, giảm 8,25% (giảm 177 ha); bưởi 2.109 ha, tăng 3,49% (tăng 68 ha); vải 1.225 ha, tăng 5,39% (tăng 63 ha);...
Ước tính sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu 9 tháng năm 2022 như sau: nhãn 44.862 tấn, tăng 6,98% (tăng 2.928 tấn); chuối 56.754 tấn, tăng 2,69% (tăng 1.484 tấn); ổi 11.837 tấn, tăng 7,32% (tăng 807 tấn); đu đủ 3.476 tấn, giảm 8,53% (giảm 324 tấn); cam 22.077 tấn, tăng 9,37% (tăng 1.891 tấn); táo 6.540 tấn, tăng 18,24% (tăng 1.009 tấn); vải 12.874 tấn, tăng 4,73% (tăng 582 tấn).
b) Chăn nuôi
Từ đầu năm đến nay, công tác tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên, đồng bộ và kịp thời nên không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của giá vật tư đầu vào ở mức cao.
Hiện nay, giá thịt lợn hơi đang dao động từ 55.000-65.000 đồng/kg, đây là điều kiện thuận lợi để người dân tăng đàn nhằm đảm bảo cung ứng thịt vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ngành chức năng cũng chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi phát triển đàn, tăng đàn chủ yếu ở các cơ sở bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Tại thời điểm 01/9/2022, số lượng gia súc, gia cầm ước đạt như sau: trâu 4.169 con, tăng 3,07% so với cùng thời điểm năm trước; bò 32.268 con, tăng 2,94%; lợn 483.275 con, tăng 3,14%; gia cầm 9.415 nghìn con, giảm 3,55% (trong đó: gà 6.498 nghìn con, giảm 3,16%). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2022 ước đạt: thịt trâu 312 tấn, tăng 9,86%; thịt bò 2.691 tấn, tăng 4,95%; thịt lợn 76.202 tấn, tăng 11,76%; thịt gia cầm 30.748 tấn, tăng 3,15% (trong đó: thịt gà 23.184 tấn, tăng 2,63%).
c) Nuôi trồng thuỷ sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.098 ha, giảm 2,70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh là chủ yếu, chiếm 99% tổng diện tích nuôi trồng toàn tỉnh. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 37.479 tấn, tăng 2,27%.
2. Sản xuất công nghiệp
Từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự phục hồi và duy trì mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đây là khu vực có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Chín tăng 0,14%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,11%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,88%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,28%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với tháng trước như: thức ăn cho gia súc tăng 0,24%; thức ăn cho gia cầm tăng 4,93%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc tăng 16,38%; nước khoáng không có ga tăng 0,74%; quần áo các loại tăng 2,79%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 11,11%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 5,52%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 30,0%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60 mm tăng 13,63%; sắt, thép các loại tăng 1,49%;... Một số sản phẩm giảm so với tháng trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền giảm 0,13%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 4,81%; phụ tùng khác của xe có động cơ giảm 4,94%;...
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Chín tăng 11,08%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,61%; sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 12,11%; cung cấp nước, HĐ quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 14,02%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 24,10%; thức ăn cho gia súc tăng 11,57%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc tăng 11,36%; nước khoáng không có ga tăng 46,02%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 65,71%; sơn và véc ni, tan trong môi trường nước tăng 157,61%; sản phẩm bằng plastic tăng 59,66%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60 mm tăng 28,58%; sắt, thép các loại tăng 7,85%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: quần áo các loại giảm 8,18%; gỗ ốp, lát công nghiệp giảm 3,85%; mạch điện tử tích hợp giảm 38,33%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 21,70%; phụ tùng khác của xe có động cơ giảm 9,97%;...
Chín tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,65%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,09%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,29%.
Một số sản phẩm công nghiệp chín tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 15,64%; thức ăn cho gia súc tăng 4,42%; nước khoáng không có ga tăng 14,97%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 9,03%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 15,78%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60 mm tăng 26,30%; sắt, thép các loại tăng 7,99%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5W tăng 19,35%; dây điện đơn dạng cuộn bằng đồng tăng 17,42%; điện thương phẩm tăng 7,09%;... Bên cạnh đó, có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia cầm giảm 8,30%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 7,16%; quần áo các loại giảm 3,18%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 26,45%; sản phẩm bằng plastic giảm 6,93%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm, sứ giảm 35,04%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 3,39%; mạch điện tử tích hợp giảm 27,29%;...
3. Thương mại, dịch vụ
Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ tháng Chín tiếp phục hồi và phát triển tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 4.476.546 triệu đồng, tăng 3,78% so với tháng trước và tăng 36,33% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.414.470 triệu đồng, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 21,16% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 224.514 triệu đồng, tăng 4,34% so với tháng trước và tăng 94,59% so với cùng kỳ năm trước (dịch vụ lưu trú 6.060 triệu đồng, tăng 3,41% so với tháng trước và tăng 11,93% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống 218.454 triệu đồng, tăng 4,37% so với tháng trước và tăng 98,66% với cùng kỳ năm trước); doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành 5.460 triệu đồng, giảm 1,97% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ khác 1.832.102 triệu đồng, tăng 6,97% so với tháng trước và tăng 55,89% so cùng kỳ năm trước.
Chín tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 31.910.641 triệu đồng, tăng 17,51% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.506.725 triệu đồng, tăng 10,49%; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.683.906 triệu đồng, tăng 42,68%; doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành ước đạt 27.510 triệu đồng, tăng 466,71%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 10.692.500 triệu đồng, tăng 28,57%.
Một số nhóm ngành hàng, dịch vụ chủ yếu tăng như sau: lương thực, thực phẩm tăng 13,74%; may mặc tăng 23,15%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 29,88%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 50,28%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,3%; xăng, dầu các loại tăng 3,38%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 54,76%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 63,37%; kinh doanh bất động sản tăng 21,02%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 100,83%; giáo dục và đào tạo tăng 81,80%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 10,24%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 15,51%; dịch vụ khác tăng 12,59%. Tuy nhiên cũng có một số nhóm ngành hàng, dịch vụ doanh thu đạt thấp như: đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 0,87%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con giảm 4,18%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) giảm 5,44%; hàng hoá khác giảm 4,47%.
b) Hoạt động vận tải
Vận tải hành khách: Doanh thu vận tải hành khách tháng Chín ước đạt 82.062 triệu đồng, tăng 1,42% so với tháng trước và tăng 132,61% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển ước đạt 1,6 triệu người và 78 triệu người.km, tương ứng tăng 120,04% và 60,58% so với cùng kỳ năm trước.
Chín tháng năm 2022, doanh thu hoạt động vận tải hành khách ước đạt 679.538 triệu đồng, tăng 70,15% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển ước đạt 13 triệu người và 667,6 triệu người.km, tương ứng tăng 62,97% và 49,71% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hóa: Doanh thu vận tải hàng hóa tháng Chín ước đạt 445.338 triệu đồng, tăng 2,60% so với tháng trước và tăng 34,08% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển ước đạt 2,8 triệu tấn và 170,6 triệu tấn.km, tương ứng tăng 34,11% và 78,66% so với cùng kỳ năm trước.
Chín tháng năm 2022, doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa ước đạt 3.305.782 triệu đồng, tăng 8,60%; khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển ước đạt 23,8 triệu tấn và 1.338,3 triệu tấn.km, tương ứng tăng 7,87% và 31,38% so với cùng kỳ năm trước.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
1. Hoạt động đầu tư
a) Thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn

Chín tháng năm 2022, vốn đầu tư phát triển ước đạt 40.263.303 triệu đồng, tăng 49,63% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư phát triển phân theo nguồn vốn chủ yếu như sau: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 3.870.113 triệu đồng, tăng 36,05%; vốn trái phiếu Chính phủ 139.773 triệu đồng, tăng 34,64%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước) 113.438 triệu đồng, giảm 44,89%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 23.304.383 triệu đồng, tăng 78,07%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 11.152.240 triệu đồng, tăng 20,73%; vốn huy động khác 1.585.420 triệu đồng, tăng 15,64%.
Xét theo khu vực kinh tế, vốn đầu tư phát triển khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 732.640 triệu đồng, giảm 13,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng 14.827.061 triệu đồng, tăng 10,67%; khu vực thương mại, dịch vụ 24.703.602 triệu đồng, tăng 95,09% so với cùng kỳ năm trước.
b) Vốn đầu tư ngân sách địa phương
Ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Chín đạt 727.470 triệu đồng, tăng 59,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh 288.580 triệu đồng, tăng 242,49%; vốn ngân sách cấp huyện 228.560 triệu đồng, tăng 60,85%; vốn ngân sách cấp xã 210.330 triệu đồng, giảm 7,91% so với cùng kỳ năm trước.
Chín tháng năm 2022, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 3.789.013 triệu đồng, tăng 36,75% so với cùng kỳ năm trước và đạt 41,48% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh 1.551.633 triệu đồng, tăng 98,15% so với cùng kỳ năm trước và đạt 25,38% kế hoạch; vốn ngân sách cấp huyện 1.291.240 triệu đồng, tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước và đạt 77,71% kế hoạch; vốn ngân sách cấp xã 946.140 triệu đồng, giảm 4,42% so với cùng kỳ năm trước và đạt 69,56% kế hoạch năm.
c) Hoạt động đầu tư nước ngoài
Tính đến 20/9/2022, toàn tỉnh có 503 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 5.988.976 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 11 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 95.477 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 170 dự án, vốn đăng ký là 3.592.618 nghìn USD, chiếm 59,87% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 143 dự án, vốn đăng ký 812.568 nghìn USD, chiếm 13,57% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 118 dự án, vốn đăng ký 853.219 nghìn USD, chiếm 14,25% tổng số vốn đăng ký.
2. Hoạt động tài chính, ngân hàng
a) Thu ngân sách nhà nước

Thu ngân sách tháng Chín ước ước đạt 796.856 triệu đồng, tăng 6,97% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa 496.244 triệu đồng, tăng 15,46%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 300.612 triệu đồng, giảm 4,62%. Một số khoản thu chủ yếu trong tháng dự tính như sau: thu từ DNNN 10.525 triệu đồng, giảm 59,83%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 90.406 triệu đồng, tăng 105,16%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 162.590 triệu đồng, giảm 3,96%; thu phí, lệ phí 40.202 triệu đồng, tăng 27,69%; thu thuế thu nhập cá nhân 59.662 triệu đồng, tăng 26,91%; các khoản thu về đất 96.479 triệu đồng, tăng 77,83%;...
Chín tháng năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 45.223.743 triệu đồng, tăng 240,83% so với cùng kỳ năm trước và đạt 231,62% kế hoạch năm. Trong đó: thu nội địa 41.915.066 triệu đồng, tăng 306,04%, đạt 263,20% kế hoạch năm; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.308.677 triệu đồng, tăng 12,31% và đạt 91,91% kế hoạch năm. Một số khoản thu nội địa chủ yếu như sau: thu từ DNNN 173.000 triệu đồng, giảm 18,56%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.418.000 triệu đồng, giảm 2,56%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 3.326.000 triệu đồng, tăng 15,90%; thu phí, lệ phí 413.000 triệu đồng, tăng 7,11%; thuế thu nhập cá nhân 1.030.000 triệu đồng, tăng 16,81%; các khoản thu về đất 34.904.000 triệu đồng, tăng 844,07%; các khoản thu khác 365.000 triệu đồng, giảm 18,53%;...
b) Chi ngân sách nhà nước địa phương
Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 29/9/2022, chi ngân sách địa phương đạt 10.354.133 triệu đồng, đạt 62,75% kế hoạch năm. Trong đó: chi đầu tư phát triển 5.561.744 triệu đồng, đạt 61,46% kế hoạch năm; chi thường xuyên 4.792.390 triệu đồng, đạt 64,32% kế hoạch năm. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: chi sự nghiệp kinh tế 314.981 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.739.623 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 510.057 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thông tin 51.693 triệu đồng; chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn 41.927 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 530.352 triệu đồng; chi quản lý hành chính 1.124.908 triệu đồng; chi khác 17.459 triệu đồng.
c) Hoạt động ngân hàng
Ước tính tại thời điểm 30/9/2022, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 110.907.334 triệu đồng, tăng 3,56% so với thời điểm 31/12/2021. Trong đó: nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 102.795.009 triệu đồng, tăng 4,69% và chiếm 92,69% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 85.383.011 triệu đồng, tăng 11,36% so với thời điểm 31/12/2021. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 61.115.546 triệu đồng, tăng 10,37%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 24.267.465 triệu đồng, tăng 13,93%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 81.861.079 triệu đồng, tăng 11,18%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 3.521.932 triệu đồng, tăng 15,65%. Cụ thể:
Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 899.063 triệu đồng (chiếm 1,05% tổng dư nợ), tăng 15,31% so với thời điểm 31/12/2021.
3. Chỉ số giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
a) Chỉ số giá tiêu dùng

So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín tăng 0,38%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm có chỉ số tăng so với tháng trước, cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,32%; đồ uống, thuốc lá tăng 0,38%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,54%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,0%; giáo dục tăng 2,80%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,68%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,05%. Có 3 nhóm có chỉ số giá giảm là: nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,06%; giao thông giảm 1,49%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế không có biến động.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Chín tăng 4,08%, trong đó có 10 nhóm có chỉ số giá tăng, cao nhất là dịch vụ giao thông tăng 10,72% do tình hình xung đột giữa Nga và U-crai-na đẩy giá dầu thô thế giới tăng cao; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,01%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,52%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,09%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,78%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,23%; giáo dục tăng 4,42%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,65%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,95%. Duy nhất có dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 2,07%.
Bình quân chung chín tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng, cụ thể: ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,43%; đồ uống, thuốc lá tăng 2,65%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,45%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,69%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,22%; giao thông tăng 18,62%; giáo dục tăng 2,43%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,52%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,42%. Duy nhất nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm 1,98%.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Thị trường vàng trong nước tháng Chín tiếp tục có xu hướng giảm theo giá vàng trên thế giới. Bình quân giá vàng trong tháng ở mức 5.101.000 đồng/chỉ, giảm 2,58% so với tháng trước. Đồng đô la Mỹ tháng Chín năm 2022 tăng 0,59% so với tháng trước với mức giá bình quân là 23.664 đồng/USD.
III. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Từ cuối tháng Ba đến nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động  phát triển kinh tế - xã hội dần phục hồi và phát triển góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, Nhà nước điều hành bình ổn giá xăng, dầu trong nước, góp phần ổn định giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nên đời sống nhân dân cơ bản ổn định.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội luôn được chú trọng thực hiện. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, toàn tỉnh tổ chức thăm, tặng quà trên 177 nghìn lượt người có công, gia đình liệt sĩ, người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo/cận nghèo và các đối tượng xã hội khác; tổng kinh phí dành chi cho các hoạt động thăm, tặng quà trên 66,963 tỷ đồng. Trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), toàn tỉnh đã tổ chức thăm và tặng quà của Chủ tịch nước, quà của Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ tỉnh, các địa phương, các doanh nghiệp tới người có công và thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền trên 53,3 tỷ đồng.
Nhân Tháng hành động vì trẻ em và Tết Trung thu năm 2022, toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ cho trên 32,6 nghìn lượt trẻ em thông qua các hình thức: bảo trợ, học bổng, tặng xe đạp, phương tiện học tập, tặng quà và các hình thức khác; triển khai chương trình khám sàng lọc các bệnh lý tim mạch cho trên 800 trẻ em, trong đó phát hiện 20 trường hợp trẻ em cần can thiệp; hỗ trợ phẫu thuật tim cho 02 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 7.170 lượt người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và hỗ trợ thêm cho trẻ em, người lao động đang mang thai phải ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; 35 hướng dẫn viên du lịch; 10 hộ kinh doanh và 11.115 người phải cách ly y tế (F1, F0), hỗ trợ thêm cho 2.241 người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em là F1, F0, với tổng số tiền trên 17,5 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã phê duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà cho 35.193 lao động, với tổng số tiền là 48,749 tỷ đồng.
2. Lao động việc làm
Chín tháng năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 38.000 người, đạt 76% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 92%. Số lao động được giải quyết việc làm là 17.850 người, trong đó xuất khẩu lao động cho 1.869 người lao động sang các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,...
Tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn và kiểm tra về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động; cấp giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 779 người lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh (bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021). Số lao động nước ngoài được hỗ trợ nhập cảnh vào tỉnh là 203 người. Số người được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là 6.169 người (so với cùng kỳ năm 2021 tăng 7%).  
3. Hoạt động văn hóa, thể thao
a) Hoạt động văn hoá
Toàn tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tăng cường chỉnh trang băng rôn, khẩu hiệu, các loại cờ, cổng chào đối với các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của tỉnh trên các tuyến đường chính tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, tạo mỹ quan. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương, trọng tâm là: Đài Truyền hình phát sóng chương trình ca múa nhạc vào dịp Tết Nhâm Dần 2022, Chương trình thơ sống mãi tinh thần Tô Hiệu; chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu, ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương; 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu; 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022); kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022); kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022); kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (02/9/1945-02/9/2022);...
b) Hoạt động thể dục thể thao
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh phong trào thể dục thể thao quần chúng có những bước phát triển rõ rệt. Cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn các cấp, các ngành đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Đối với thể thao thành tích cao, tỉnh đã quyết định triệu tập các huấn luyện viên, vận động viên tham gia các giải thể thao toàn quốc nhằm chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Các vận động viên của tỉnh đã tham gia thi đấu 19 giải thể thao quốc gia, đạt tổng số 61 huy chương các loại, trong đó 6 HCV, 14 HCB, 41 HCĐ.
4. Hoạt động y tế
Tình hình dịch bệnh Covid-19: Trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 29/4/2021 đến 15/9/2022, toàn tỉnh ghi nhận 242.956 ca mắc Covid-19 (không tính các ca dương tính là người nhập cảnh cách ly). Ngành Y tế tiếp tục tuyên truyền, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tính từ tháng 3/2021 đến nay, Hưng Yên đã triển khai các đợt tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tại 179 điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong toàn tỉnh. Tổng số đối tượng từ 18 tuổi trở lên có 837.378 người tiêm 1 mũi, số người được tiêm đủ 2 mũi là 861.564 người, số người tiêm mũi 3 là 787.822 người. Tổng số đối tượng từ 12-17 tuổi có 112.803 trẻ tiêm mũi 1, số trẻ được tiêm mũi 2 là 112.803 trẻ em, số trẻ tiêm mũi 3 là 54.383 trẻ em. Tổng số đối tượng từ 5-11 tuổi có 124.678 trẻ em tiêm mũi 1, số trẻ em tiêm mũi 2 là 63.780 trẻ em.
Công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm khác: Công tác giám sát dịch được thực hiện thường xuyên, bảo đảm chế độ trực dịch và báo cáo dịch theo đúng quy định. Chín tháng năm 2022, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người; chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, thuốc chữa bệnh, bảo đảm phục vụ kịp thời, chu đáo cho bệnh nhân.
5. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Chín tháng năm 2022 (từ ngày 16/12/2021 - 15/9/2022), toàn tỉnh đã phát hiện 84 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 54 vụ với số tiền xử phạt là 1.137 triệu đồng. Riêng trong tháng Chín (tính từ 16/8/2022-15/9/2022), cơ quan chức năng đã phát hiện 13 vụ vi phạm môi trường, tăng 6 vụ so với tháng trước và tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm trước; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 vụ với số tiền xử phạt 68 triệu đồng.
Trong tháng Chín (từ 16/8/2022-15/9/2022), trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, không có vụ nổ. Chín tháng năm 2022 (tính từ 16/12/2021-15/9/2022), toàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra 15 vụ cháy, không có vụ nổ, làm bị thương 1 người, không có người chết. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy tăng 11 vụ, tăng 275%.
 6. An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/8/2022 đến 14/9/2022, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 6 người, làm bị thương 12 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 4 vụ, giảm 33,33%; số người chết giảm 2 người, giảm 25,0%; số người bị thương tăng 1 người, tăng 9,09%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 14/9/2022, toàn tỉnh đã xảy ra 96 vụ tai nạn giao thông (94 vụ tai nạn đường bộ, 2 vụ tai nạn đường sắt), làm chết 75 người, làm bị thương 72 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 1 vụ, giảm 1,03%; số người chết bằng với cùng kỳ năm trước; số người bị thương giảm 4 người, giảm 5,26%./.


[1] Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

[2] Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây