Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023
- Thứ tư - 05/07/2023 07:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023
Sáu tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới chịu tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và U-Crai-na, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao,... Các yếu tố trên đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và trong tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất; thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch, đảm bảo an sinh xã hội; cùng với sự nỗ lực phấn đấu của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá tích cực.
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng năm 2023 ước tính tăng 8,21% so với cùng kỳ năm 2022. So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thì Hưng Yên đứng thứ 4/11 tỉnh, thành phố và đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Tăng trưởng kinh tế một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng như: Hải Phòng tăng 9,94%; Quảng Ninh tăng 9,46%; Nam Định tăng 8,5%; Bắc Ninh giảm 12,59%; Hải Dương tăng 7,23%; Thái Bình tăng 7,77%; Hà Nam tăng 6,22%;...
Về sản xuất nông nghiệp và thủy sản: sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm tương đối ổn định, không có dịch bệnh xảy ra đối với cây trồng và vật nuôi. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, do diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm tiếp tục giảm nên sản lượng cây trồng hằng năm giảm. Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn giữ được ổn định và đã từng bước đa dạng giống nuôi trồng. Ước sáu tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,28%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Về sản xuất công nghiệp và xây dựng: Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do tác động suy thoái kinh tế của các nước lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp cùng lúc phải chịu ảnh hưởng từ việc thị trường một số sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp; thiếu vốn; lãi vay, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng; chi phí sản xuất kinh doanh tăng;... Một số ngành công nghiệp của tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều như: sản xuất thức ăn chăn nuôi; sản xuất kim loại; sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất hàng may mặc;... Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng cũng chịu ảnh hưởng do giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Ước tính tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 7,43% (trong đó công nghiệp đạt 6,91%), đóng góp 4,47 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Về hoạt động thương mại, dịch vụ: sáu tháng đầu năm 2023, các hoạt động kinh doanh dịch vụ tiếp đà phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước và là ngành có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ước sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng khu vực thương mại, dịch vụ đạt 12,67%, đóng góp 2,97 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành kinh doanh bất động sản có đóng góp lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ (9,94 điểm phần trăm) và tăng trưởng chung của tỉnh (2,32 điểm phần trăm).
Ước thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm sáu tháng đầu năm 2023 ước tăng 8,56%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.