Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- Thứ năm - 02/12/2021 13:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tình hình dịch Covid-19 trong nước tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm tại một số tỉnh, thành phố có xu hướng tăng trong những ngày gần đây. Các hoạt động kinh tế dần hoạt động trở lại, song ở mức còn hạn chế. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội; cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh, đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn nằm trong tầm kiểm soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong tháng qua tiếp tục đạt được những kết quả khá tích cực, cụ thể:
1. Nông nghiệp
Tháng Mười Một, hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các địa phương trong tỉnh tập trung gieo trồng, chăm sóc cây rau màu vụ đông, phòng trừ sâu bệnh cho cây lâu năm và bảo vệ an toàn trên đàn gia súc, gia cầm.
a) Trồng trọt
Cây hằng năm
Vụ mùa năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, nền nhiệt độ trung bình 28-31oC có mưa xen kẽ thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; các đối tượng sâu, bệnh gây hại trên cây trồng cơ bản thấp hơn so với năm trước.
Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa vụ mùa đạt 58,65 tạ/ha (tăng 0,51 tạ/ha so với năm trước) - là vụ được mùa, người nông dân phấn khởi, yên tâm sản xuất. Các loại cây trồng hằng năm khác cũng có năng suất ổn định và tăng so với cùng kỳ năm trước như: ngô 57,95 tạ/ha, tăng 0,71% (tăng 0,41 tạ/ha); khoai lang 190,20 tạ/ha, tăng 0,26% (tăng 0,49 tạ/ha); đậu tương 24,29 tạ/ha, tăng 0,29% (tăng 0,07 tạ/ha); rau các loại 209,05 tạ/ha, tăng 0,90% (tăng 1,86 tạ/ha); hoa các loại nhìn chung tăng khá cả về diện tích, năng suất, sản lượng.
Sau khi kết thúc thu hoạch lúa mùa, nông dân tại các địa phương trong tỉnh đã tích cực gieo trồng các loại cây rau màu vụ đông. Sản xuất vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết cũng khá thuận lợi, nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ gieo trồng rau màu vụ đông với cơ cấu giống phong phú, vì vậy dự báo nguồn cung sản phẩm cho thị trường dồi dào, năng suất, sản lượng thu hoạch cao hơn năm trước. Tuy nhiên, vụ đông năm nay cũng gặp không ít khó khăn do giá vật tư đầu vào cho sản xuất như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá nhân công tăng nhanh, trong khi giá bán sản phẩm nhiều loại cây vụ đông không ổn định; việc sản xuất vụ đông chưa tạo thành “phong trào”, thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung mà sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong tưới tiêu, canh tác và bao tiêu sản phẩm; tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp đến ngày 25/11/2021, toàn tỉnh gieo trồng được 6.521 ha các loại cây vụ đông, trong đó: ngô đạt 1.323 ha; bí các loại 823 ha; khoai tây 90 ha; lạc, đậu tương 74 ha; hoa cây cảnh 1.036 ha, rau màu các loại 3.175 ha. Đến thời điểm này, cơ bản các loại cây vụ đông đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây lâu năm
Tổng diện tích hiện có cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 15.590,48 ha, tăng 2,50% (tăng 379,72 ha) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4,1 nghìn ha cam, bưởi đang phát triển quả và cho thu hoạch. Đối với cây nhãn, vải đã thu hoạch xong, sơ bộ sản lượng nhãn đạt 41.663 tấn, giảm 9,83% so với năm trước; sản lượng vải đạt 12.292 tấn, giảm 11,47% so với năm trước.
Đại dịch Covid -19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng, trong đó nhóm nông sản chủ lực của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ. Để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại qua các hình thức như: Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ Nhãn và nông sản Hưng Yên năm 2021; Tuần lễ Nhãn lồng - Nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021 tại Hà Nội; Phiên chợ Cam Hưng Yên năm 2021; Lễ hội hoa xuân,...
b) Chăn nuôi
Trọng tâm trong sản xuất chăn nuôi của các địa phương thời gian qua là tập trung tiêm phòng dịch vụ thu - đông cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, tất cả các địa phương trong toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò và 2 bệnh đỏ ở lợn, tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Công tác phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai tốt, có hiệu quả, nhất là công tác tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi nâng cao hiểu biết, ý thức phòng dịch hơn chống dịch, chăn nuôi bền vững và an toàn hơn.
Đến nay, tình hình chăn nuôi trong tỉnh cơ bản ổn định. Các ngành chức năng, các địa phương đã chủ động, tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh và hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm. Thời điểm 01/11/2021, tổng đàn trâu, bò của tỉnh phát triển ổn định; tổng đàn lợn ước đạt 483.487 con, tăng 9,20% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm ước tính đạt 9.798 nghìn con, giảm 1,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: đàn gà đạt 6.835 nghìn con, giảm 0,80%.
2. Sản xuất công nghiệp
Trong tháng qua, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục ghi nhận các ca lây nhiễm, song với tinh thần chống dịch như chống giặc, các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch để duy trì và phát triển sản xuất.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Mười Một tăng 2,24%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 1,06%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,25%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,23%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,22%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với tháng trước như: thức ăn cho gia cầm tăng 62,86%; nước khoáng không có ga tăng 14,82%; quần áo các loại tăng 2,40%; giày, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 20,09%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 8,13%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 535,71%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 4,94%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 9,33%; dây cách điện đơn bằng đồng tăng 71,43%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 11,71%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 10,29%;... Bên cạnh đó, có một số sản phẩm giảm so với tháng trước như: thức ăn cho gia súc giảm 11,87%; thùng, hộp bằng giấy nhăn giảm 5,82%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 5,90%; sắt thép các loại giảm 16,62%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 0,74%; điện thương phẩm giảm 0,23%;...
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Mười Một tăng 13,99%. Trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 5,99%; chế biến, chế tạo tăng 13,49%; sản xuất, phân phối điện tăng 8,86%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 25,73%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 26,22%; thức ăn cho gia súc tăng 18,92%; giày, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 50,0%; thùng, hộp bằng giấy nhăn tăng 98,79%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 7,79%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W tăng 60,40%; dây cách điện đơn bằng đồng tăng 66,67%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 2,05%; điện thương phẩm tăng 8,86%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia cầm giảm 33,04%; nước khoáng không có ga giảm 12,63%; gỗ ốp, lát công nghiệp giảm 24,23%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) giảm 34,08%; sơn và véc ni, tan trong môi trường nước giảm 57,78%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 10,05%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 15,50%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 47,03%;...
Tính chung mười một tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai khoáng (cát) giảm 6,58%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,40%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,16%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,23%.
Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 19,77%; thức ăn cho gia súc tăng 24,30%; giày, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 37,14%; thùng, hộp bằng giấy nhăn tăng 64,0%; sản phẩm bằng plastic tăng 5,64%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W tăng 4,07%; dây cách điện đơn bằng đồng tăng 99,67%; điện thương phẩm tăng 10,16%;... Tuy nhiên, một số sản phẩm chủ yếu giảm như: thức ăn cho gia cầm giảm 52,70%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 15,07%; nước khoáng không có ga giảm 11,33%; quần áo các loại giảm 3,81%; gỗ ốp, lát công nghiệp giảm 2,12%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) giảm 19,01%; sơn và véc ni, tan trong môi trường nước giảm 36,51%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 28,36%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 32,51%;...
3. Hoạt động đầu tư
a) Vốn đầu tư ngân sách địa phương
Trong tháng qua, tình hình triển khai vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do: (1)Dịch Covid-19 bùng phát từ 02/11 tại nhiều địa phương trong tỉnh; (2)Tiến độ giải ngân của một số chủ đầu tư còn thấp, không đảm bảo kế hoạch được giao; (3)Chi phí hầu hết các loại nguyên vật liệu tăng cao, nhất là giá sắt thép tăng mạnh gây ảnh hưởng tới dự toán của các dự án. Nhiều dự án phải điều chỉnh dự toán phải đợi phê duyệt nên ảnh hưởng tới tiến độ triển khai.
Tháng Mười Một, ước tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 572.160 triệu đồng, giảm 7,95%, tương ứng giảm 49.434 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 123.080 triệu đồng, giảm 9,33%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 136.050 triệu đồng, giảm 28,98%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 313.030 triệu đồng, tăng 6,37%.
Tính chung mười một tháng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.909.309 triệu đồng, giảm 3,40% (tương ứng giảm 137.758 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.008.581 triệu đồng, giảm 4,83%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 1.258.080 triệu đồng, giảm 9,70%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 1.642.648 triệu đồng, tăng 3,04%.
b) Hoạt động đầu tư nước ngoài
Tính đến 22/11/2021, toàn tỉnh có 493 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 5.643.355 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 14 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 148.310 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 172 dự án, vốn đăng ký là 3.440.632 nghìn USD, chiếm 60,97% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 143 dự án, vốn đăng ký 800.672 nghìn USD, chiếm 14,19% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 110 dự án, vốn đăng ký 748.985 nghìn USD, chiếm 13,27% tổng số vốn đăng ký.
4. Thương mại, dịch vụ
Từ ngày 02/11/2021, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Trong 02 ngày, trên địa bàn tỉnh phát hiện 30 ca dương tính tại 04 ổ dịch tập trung ở thành phố Hưng Yên, huyện Văn Lâm, huyện Kim Động. Đến ngày 04/11/2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Công điện số 2745/CĐ-UBND về việc khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp với các ca dương tính xuất hiện tại hầu hết các huyện, thành phố. Các địa phương có dịch đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, các lễ hội, các hoạt động tập trung đông người.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước tính đạt 4.226.974 triệu đồng, tăng 1,38% so với tháng trước và tăng 14,91% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2.718.518 triệu đồng, tăng 0,53% so với tháng trước và tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 155.103 triệu đồng, giảm 14,37% so với tháng trước và tăng 1,73% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu ngành dịch vụ khác 1.353.353 triệu đồng, tăng 5,41% so với tháng trước và tăng 39,13% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch, lữ hành ước không có doanh thu do tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhất là trong những ngày gần đây số ca mắc có xu hướng tăng lên.
Tính chung mười một tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 41.068.311 triệu đồng, tăng 6,92% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: bán lẻ hàng hóa 28.985.802 triệu đồng, tăng 6,56%; lưu trú, ăn uống 1.253.139 triệu đồng, giảm 16,18%; doanh thu du lịch 3.060 triệu đồng, giảm 70,27%; doanh thu dịch vụ khác 10.826.309 triệu đồng, tăng 11,57%, trong đó tăng cao chủ yếu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng 27,15% (doanh thu bất động sản ước đạt 8.701.171 triệu đồng, chiếm 80,37% doanh thu dịch vụ khác).
5. Chỉ số giá
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Dịch Covid-19 tiếp túc có diễn biến phức, song chỉ số giá tiêu dùng trong tháng vẫn tương đối ổn định, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lượng thực, thực phẩm, thuốc và dịch vụ y tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười Một tăng 0,61% so với tháng trước. Trong đó: có 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,93%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,41%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; giao thông tăng 3,54%; bưu chính, viễn thông tăng 0,01%; giáo dục tăng 0,88%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%. Có 2/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, đó là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,40%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,13%.
So với tháng 12/2020, chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng 3,62%. Trong đó: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 0,94%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,27%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,70%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,69%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,93%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,19%; dịch vụ giao thông tăng 21,74%; bưu chính, viễn thông giảm 1,90%; giáo dục tăng 2,04%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,42%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,57%.
So với tháng cùng kỳ năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Một tăng 3,42%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,77% (lương thực tăng 3,88%; thực phẩm giảm 1,99%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,94%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,57%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 3,46%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,19%; dịch vụ giao thông tăng 24,85%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 1,90%; giáo dục tăng 2,04%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,88%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,14%.
Bình quân chung mười một tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 1,46%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,30%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 2,95%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,99%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14%; dịch vụ giao thông tăng 10,69%; bưu chính, viễn thông giảm 2,18%; dịch vụ giáo dục tăng 0,50%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,59%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,48%.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Thị trường vàng trong tháng luôn biến động không ngừng do tác động bởi các yếu tố từ thị trường thế giới và tâm lý người mua trong nước. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn khó lường ở trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Về xu hướng dài hạn, vàng được dự báo sẽ vẫn còn tăng. Bình quân giá vàng tháng Mười Một ở mức 5.264.000 đồng/chỉ và tăng 2,58% so với tháng trước. Đồng đô la Mỹ tháng Mười Một năm 2021 ở mức giá bình quân 22.796 đồng/USD, giảm 0,28% so với tháng trước.
6. Hoạt động vận tải
Từ ngày 02/11 đến nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh. Sở Giao thông vận tải đã có thông báo về việc khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ 0 giờ ngày 5/11 cho đến khi có thông báo mới, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tạm đóng cửa các bến xe khách, bến khách ngang sông; tạm dừng hoạt động các tuyến xe khách cố định, hợp đồng, du lịch, xe buýt liên tỉnh, nội tỉnh và xe taxi. Riêng đối với các phương tiện vận tải khách liên tỉnh trên tuyến cố định theo quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải có hành trình đi qua tỉnh không được dừng, đỗ, đón, trả khách trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đối với vận tải hàng hóa, hoạt động bình thường, lái xe, người đi theo xe phải đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và các quy định phòng chống dịch của Ủy ban nhân dân tỉnh.
a) Hoạt động vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng Mười Một ước đạt 804 nghìn lượt người vận chuyển và 50.962 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt giảm 48,41% về lượt người vận chuyển và giảm 39,57% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 40.903 triệu đồng, giảm 46,27%.
Tính chung mười một tháng, vận tải hành khách ước đạt 9.666 nghìn lượt người vận chuyển và 554.303 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt giảm 35,77% về lượt người vận chuyển và giảm 33,62% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 483.528 triệu đồng, giảm 35,61%.
b) Hoạt động vận tải hàng hóa
Vận tải hàng hoá tháng Mười Một ước đạt 1.895 nghìn tấn vận chuyển và 101.115 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt giảm 54,44% về tấn hàng hóa vận chuyển và giảm 43,10% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 330.406 triệu đồng, giảm 25,72%.
Tính chung mười một tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 26.885 nghìn tấn vận chuyển và 1.257.623 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt giảm 27,56% về tấn hàng hóa vận chuyển và giảm 22,52% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 3.787.551 triệu đồng, giảm 13,0%.
7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
a) Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách tháng Mười Một ước đạt 1.556.375 triệu đồng, tăng 21,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa 1.232.171 triệu đồng, tăng 25,04%; thuế xuất nhập khẩu 324.204 triệu đồng, tăng 9,38%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: thu từ DNNN 35.922 triệu đồng, tăng 146,78%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 228.167 triệu đồng, tăng 61,80%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 549.335 triệu đồng, tăng 25,23%; thu lệ phí trước bạ 29.685 triệu đồng, giảm 12,0%; thu thuế thu nhập cá nhân 67.461 triệu đồng, giảm 2,49%; các khoản thu về nhà đất 173.183 triệu đồng, giảm 21,50% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung mười một tháng năm 2021, thu ngân sách nhà nước ước đạt 16.851.172 triệu đồng, tăng 19,10% so với cùng kỳ năm trước và đạt 123,96% kế hoạch năm. Trong đó: thu nội địa 13.310.000 triệu đồng, tăng 20,51%, đạt 130,57% kế hoạch năm; thuế xuất nhập khẩu 3.541.172 triệu đồng, tăng 14,10%, đạt 104,15% kế hoạch năm. Một số khoản thu nội địa như sau: thu từ DNNN 286.500 triệu đồng, tăng 53,84%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 2.010.000 triệu đồng, tăng 12,90%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 4.500.000 triệu đồng, tăng 39,87%; thu lệ phí trước bạ 375.000 triệu đồng, tăng 15,03%; thuế thu nhập cá nhân 1.030.000 triệu đồng, tăng 11,35%; các khoản thu về nhà đất 3.985.000 triệu đồng, tăng 2,55%; các khoản thu khác 590.000 triệu đồng, tăng 151,70%.
b) Chi ngân sách nhà nước
Tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 22/11/2021, chi ngân sách địa phương
đạt 9.761.402 triệu đồng, đạt 99,77% kế hoạch năm. Trong đó: chi đầu tư phát
triển 4.136.899 triệu đồng, đạt 134,52% kế hoạch năm; chi thường xuyên
5.624.503 triệu đồng, đạt 83,84% kế hoạch năm. Một số lĩnh vực chi thường
xuyên như sau: chi sự nghiệp kinh tế 483.601 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo
1.943.094 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 553.314 triệu đồng; chi sự nghiệp văn
hóa, thông tin 62.352 triệu đồng; chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông
tấn 58.848 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 602.323 triệu đồng; chi quản lý hành
chính 1.403.058 triệu đồng; chi khác 32.568 triệu đồng.
c) Hoạt động ngân hàng
Đến 31/10/2021, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 104.351.104 triệu đồng, tăng 8,85% so với thời điểm 31/12/2020. Trong đó: nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 96.984.502 triệu đồng, tăng 9,15% và chiếm 92,94% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 73.448.727 triệu đồng, tăng 7,65% so với thời điểm 31/12/2020. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 52.647.535 triệu đồng, tăng 9,38%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 20.801.192 triệu đồng, tăng 3,51%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 70.540.740 triệu đồng, tăng 7,18%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.907.987 triệu đồng, tăng 20,50%. Về chất lượng tín dụng: nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 777.500 triệu đồng (chiếm 1,06% tổng dư nợ), tăng 2,01% so với thời điểm 31/12/2020.
8. Một số hoạt động xã hội
a) Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong tháng, tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên các phương tiện pano, áp phích, băng rôn, bảng điện tử, website,… nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa, quá trình phát triển tỉnh Hưng Yên trong 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đông người không được tổ chức. Ngành Văn hóa đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và nhân dân tổ chức tập luyện thể dục thể thao tại gia đình để nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh; xây dựng kế hoạch và triển khai cho vận động viên các môn tập luyện thể lực tại gia đình theo giáo án của huấn luyện viên.
b) Hoạt động y tế
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, từ ngày 29/4/2021 đến 18h ngày 23/11/2021, toàn tỉnh ghi nhận 598 ca mắc Covid-19 (không tính các ca dương tính là người nhập cảnh cách ly), trong đó: có 355 ca đã khỏi bệnh, ra viện về nhà cách ly; 242 ca đang điều trị và 01 ca tử vong tại Bệnh viện Trung ương.
Từ ngày 22/11/2021, tỉnh Hưng Yên bắt đầu tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Toàn tỉnh hiện có hơn 127 nghìn trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Dự kiến, đến quý I/2022, phấn đấu tối thiểu 95% số trẻ em từ 12-17 tuổi lưu trú trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.
c) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/10/2021 đến ngày 15/11/2021, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát hiện 11 vụ vi phạm môi trường. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ, số tiền xử phạt 115 triệu đồng. Lũy kế mười một tháng năm 2021 (từ 16/12/2020 đến 15/11/2021), toàn tỉnh đã phát hiện 112 vụ vi phạm môi trường, xử lý 82 vụ với số tiền xử phạt 4.363 triệu đồng. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu về vi phạm quản lý chất thải nguy hại, xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; tiếp nhận chất thải rắn không đúng quy định; khai thác đất trái phép;...
Từ ngày 16/10/2021 đến ngày 15/11/2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Trong mười một tháng năm 2021 (tính từ 16/12/2020 đến 15/11/2021), toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy, không có người bị chết, bị thương do cháy, tổng giá trị thiệt hại ước tính 200 triệu đồng.
d) An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 15/10/2021 đến 14/11/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông (trong đó có 26 vụ tai nạn đường bộ, 1 vụ tai nạn đường sắt), làm chết 12 người, làm bị thương 25 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 15 vụ, tăng 125,0%; số người chết tăng 4 người, tăng 50,0%; số người bị thương tăng 19 người, tăng 316,67%. Tính chung mười một tháng năm 2021 (từ ngày 15/12/2020 đến 14/11/2021), toàn tỉnh đã xảy ra 136 vụ tai nạn giao thông, làm chết 95 người, làm bị thương 107 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 1 vụ, tăng 0,74%; số người chết bằng với cùng kỳ năm trước; số người bị thương tăng 16 người, tăng 17,58%./.