NGÀNH THỐNG KÊ TỈNH HƯNG YÊN 75 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (06/5/1946-06/5/2021)
- Thứ tư - 05/05/2021 05:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cách đây hơn 75 năm, thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ và văn minh. Ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam nằm trong Bộ Quốc dân Kinh tế đánh dấu sự kiện lịch sử ngày thành lập cơ quan thống kê đầu tiên trong bộ máy nhà nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để đánh dấu mốc sự kiện quan trọng này, ngày 13/02/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 545/VPCP-KTTH đồng ý lấy ngày 06/5/1946 là ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam.
Đến nay, sau 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thống kê luôn khẳng định được sứ mệnh, vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành; đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Công tác thống kê luôn khẳng định là một ngành khoa học, một ngành có chuyên môn sâu để phản ánh toàn diện các hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước.
Để ghi nhận và tôn vinh đóng góp quan trọng của ngành Thống kê vào sự phát triển của đất nước. Ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 510/QĐ-TTg lấy ngày 6/5 hằng năm là “Ngày Thống kê Việt Nam”. Đây là sự kiện đặc biệt đối với ngành Thống kê, thống kê bộ, ban, ngành, địa phương, người làm công tác thống kê trong cả nước và tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin thống kê cho nhà nước.
Ngày Thống kê Việt Nam được tổ chức kỷ niệm vào ngày 6/5 hằng năm trong toàn quốc nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề; đồng thời khích lệ, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ luật pháp, khơi dậy và phát huy niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, người lao động, người làm công tác thống kê trong cả nước.
75 năm là một chặng đường dài, trải qua bao biến cố, thay đổi mô hình tổ chức với những lần chia tách, sáp nhập; cùng với sự trưởng thành và phát triển của ngành Thống kê Việt Nam, Cục Thống kê Hưng Yên (tiền thân là Ban Thống kê Hưng Yên được thành lập ngay sau khi thành lập Cục Thống kê Trung ương) đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt yêu cầu thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Từ những ngày đầu thành lập, tổ chức bộ máy còn sơ khai, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn. Nhưng với tinh thần của người chiến sĩ cách mạng, các cán bộ thống kê đã vừa làm, vừa học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Qua từng giai đoạn cách mạng, đội ngũ cán bộ thống kê ban đầu ít ỏi đó đã trưởng thành về mọi mặt, đủ sức thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Cùng với Thống kê cả nước, ngành Thống kê tỉnh Hưng Yên trong quá trình xây dựng và phát triển luôn bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; lấy việc phục vụ thông tin cho lãnh đạo các cấp làm mục tiêu định hướng hoạt động. Sự lớn mạnh của ngành được thể hiện qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn.
Thời kỳ 1956 - 1967: Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Thống kê, của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Hưng Yên, ngành Thống kê đã thu thập các báo cáo thống kê định kỳ, tiến hành các cuộc điều tra chuyên đề, điều tra trọng điểm, kiểm kê vật tư, hàng hóa… để tổng hợp số liệu phục vụ những nhu cầu khác nhau của các cơ quan quản lý. Đồng thời, cung cấp thông tin cho việc xây dựng kế hoạch, quản lý điều hành và trực tiếp tham gia đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch nhà nước của các địa phương, các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở.
Trong thời gian chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đất nước chuyển sang thời chiến, đội ngũ cán bộ thống kê luôn bám sát cơ sở, thu thập thông tin, phản ánh kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của hậu phương. Hướng về tiền tuyến, nhiều cán bộ thống kê trong tỉnh đã lên đường làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều đồng chí đã lập chiến công xuất sắc được Đảng và Nhà nước trao tặng huân, huy chương kháng chiến các loại.
Năm 1968, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Chi cục Thống kê Hưng Yên và Hải Dương hợp thành Chi cục Thống kê Hải Hưng. Các cán bộ, nhân viên của tỉnh mới đã kề vai, sát cánh cùng nhau xây dựng và phát triển cơ quan thống kê ngày càng lớn mạnh. Công tác Thống kê thời kỳ này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin vừa sản xuất, vừa chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh.
Năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước, nhiều cán bộ thống kê đã được điều động đến Cục Thống kê các tỉnh miền Nam để làm việc, các cán bộ này là nòng cốt xây dựng và phát triển công tác thống kê của các tỉnh miền Nam.
Khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế phát triển, nhu cầu xử lý và cung cấp thông tin ngày càng cao, đòi hỏi phải có phương tiện tính toán hiện đại. Sớm nhận thức được vấn đề này, ngành Thống kê đã áp dụng cơ khí hoá và tự động hóa tính toán trong công tác thống kê; từng bước hình thành hệ thống các Trung tâm tính toán ở Trung ương và các địa phương trong đó có Chi cục Thống kê tỉnh Hải Hưng.
Thời kỳ 1976 - 1985: Thực kiện 2 kỳ kế hoạch 5 năm (1975-1985) và tiếp tục thực hiện cơ chế quản ký tập trung bao cấp. Ngành Thống kê đã tăng cường, củng cố cả về số lượng và chất lượng thông tin thống kê. Công tác thống kê đã kịp thời phản ánh những bước thăng trầm của nền kinh tế, những thuận lợi và khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội. Thời kỳ này đã tập trung phản ánh được tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, xét duyệt hoàn thành kế hoạch, tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của các doanh nghiệp nhà nước và các Hợp tác xã thuộc các ngành kinh tế quốc dân.
Thời kỳ 1986 -1996: Đây là giai đoạn bước sang thời kỳ đổi mới của cả nước, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung bao cấp, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành như: Thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; Quyết định 217 của Hội đồng Bộ trưởng về giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp; Nghị quyết 10 của Bộ chính trị về khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động và xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ… đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Công tác thống kê đã nhậy bén nắm bắt tình hình, thu thập thông tin phản ánh kịp thời những chuyển biến sôi động của nền kinh tế.
Năm 1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, cùng với các cơ quan khác của tỉnh, Cục Thống kê Hưng Yên được tái lập trên cơ sở chia tách từ Cục Thống kê Hải Hưng. Cùng với những khó khăn chung khi mới chia tách, trong điều kiện đội ngũ cán bộ của ngành còn thiếu, cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế, Cục Thống kê Hưng Yên đã không ngừng vươn lên, khắc phục những khó khăn, thiếu thốn, từng bước ổn định tổ chức bộ máy làm việc; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức; mạng lưới Thống kê từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng và củng cố; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường.
Từ năm 1997 đến nay, sau hơn 24 năm tái lập, bằng sự nỗ lực phấn đấu cùng tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng; ngành Thống kê Hưng Yên luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tham mưu và phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.
Trong thời kỳ này, cơ cấu tổ chức của Ngành Thống kê có một số thay đổi, Tổng cục Thống kê chuyển vào Bộ Kế hoạch đầu tư (tháng 3/2007), Phòng Thống kê cấp huyện được chuyển thành Chi cục Thống kê (tháng 10/2010). Cũng trong giai đoạn này, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thống kê đã từng bước được đồng bộ và hoàn thiện; đầu tiên là sự ra đời của Pháp lệnh Kế toán và Thống kê vào năm 1988 và tiếp theo là Luật Thống kê năm 2003 và Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo nên khung pháp lý hết sức quan trọng, giúp cho hoạt động thống kê từng bước đi vào nền nếp và hội nhập. Đặc biệt, Luật Thống kê năm 2015 được thông qua với nhiều điểm mới nhằm điều chỉnh một cách đầy đủ các hoạt động thống kê phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội. Qua đó, vai trò, vị thế của hệ thống thống kê tập trung được nâng cao đáng kể.
Cùng với hệ thống các văn bản pháp lý, định hướng phát triển ngành Thống kê Việt Nam đến năm 2010 và Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tạo nền móng vững chắc, có tầm nhìn dài hạn, có quan điểm và mục tiêu phát triển rõ ràng, có các giải pháp và chương trình hành động cụ thể đảm bảo cho ngành Thống kê phát triển bài bản trong thời kỳ dài. Chính Định hướng và Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam và các đề án tổng thể khác đã hội tụ được sức mạnh và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong việc củng cố và xây dựng ngành Thống kê trong những năm vừa qua.
Bên cạnh đó, với sự chuyển đổi mạnh mẽ của cơ chế quản lý kinh tế và yêu cầu của việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đất nước trong nền kinh tế thị trường với nhiều khái niệm mới, nội dung mới, các hệ thống chỉ tiêu thống kê ở cấp quốc gia cũng như các cấp quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương đã được đổi mới toàn diện. Mới đây nhất là Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia lần đầu tiên được quy định trong Luật Thống kê năm 2015 với 186 chỉ tiêu thống kê thay thế cho hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010. Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ngày 19/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê Phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 643/QĐ-TTg ngày 11/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030,…
Các cuộc điều tra chủ yếu do ngành Thống kê tiến hành đã được sắp xếp theo kế hoạch, trong đó các cuộc Tổng điều tra như: Tổng điều tra dân số và nhà ở, Tổng điều tra kinh tế và Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản đã được Luật hóa trong Luật thống kê năm 2015; các cuộc điều tra thống kê quan trọng khác trên các lĩnh vực được thực hiện hàng năm theo kế hoạch, qua đó tạo điều kiện chủ động cho khâu chuẩn bị, triển khai và công bố thông tin của Ngành. Việc thu thập thông tin thống kê từ nguồn dữ liệu hành chính đã chính thức được quy định trong Luật thống kê năm 2015. Về xử lý, tổng hợp và phân tích của ngành Thống kê cũng đã được đổi mới theo hướng tin học hoá.
Với quan điểm đổi mới vừa phục vụ tốt sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước vừa “Hướng về người dùng tin”, trong những năm qua đối tượng sử dụng thông tin thống kê đã được mở rộng, lượng thông tin cung cấp cho mỗi đối tượng dùng tin cũng không ngừng tăng lên, hình thức phổ biến thông tin ngày càng đa dạng. Đến nay, hầu hết các loại số liệu thống kê đã được cung cấp đến tất cả các đối tượng có nhu cầu sử dụng bằng nhiều kênh phổ biến thông tin khác nhau; đặc biệt là việc tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội định kỳ 6 tháng và cả năm.
Năm 2020, cũng là năm có ý nghĩa quan trọng với ngành Thống kê Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung, đó là mô hình tổ chức của Cục Thống kê có sự thay đổi theo Quyết định số 10 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 20/5/2020, Tổng cục Thống kê đã ban hành Quyết định số 1006/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Cục Thống kê chuyển từ mô hình 7 phòng sang mô hình 5 phòng; cụ thể: Phòng Thống kê Tổng hợp được giữ nguyên như trước và bổ sung một số nhiệm vụ (Thanh tra, PPCĐ, phòng chống tham nhũng); Phòng Thống kê Kinh tế (được thành lập mới và thực hiện nhiệm vụ của 03 phòng nghiệp vụ trước đây là: Nông nghiệp, Thương mại, Công nghiệp – Xây dựng); Phòng Thu thập thông tin Thống kê (đây là một phòng hoàn toàn mới và có nhiệm vụ tham mưu tổ chức thực hiện toàn bộ các cuộc Tổng điều tra, điều tra thống kê); Phòng Thống kê Xã hội (đổi tên từ phòng Thống kê Dân số - Văn xã trước đây); Phòng Tổ chức – Hành chính (giữ nguyên như cũ và bổ sung thêm nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng). Thành lập 03 Chi cục Thống kê khu vực, gồm: Chi cục Thống kê khu vực Châu Giang (sáp nhập Chi cục Thống kê huyện Khoái Châu và Chi cục Thống kê huyện Văn Giang); Chi cục Thống kê khu vực Kim Thi (sáp nhập Chi cục Thống kê huyện Kim Động và Chi cục Thống kê huyện Ân Thi); Chi cục Thống kê khu vực Phù Tiên (sáp nhập Chi cục Thống kê huyện Tiên Lữ và Chi cục Thống kê huyện Phù Cừ).
Có thể khảng định, từ khi tái lập tỉnh đến nay, với nhiều sự nỗ lực, cố gắng của tập thể Cấp ủy và Lãnh đạo Cục Thống kê cùng toàn thể công chức và người lao động; Cục Thống kê Hưng Yên đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ; cụ thể:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch công tác hàng năm được Tổng cục Thống kê, Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao. Bằng các sản phẩm thống kê như: Niên giám Thống kê; Hệ thống chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu; báo cáo phân tích tình hình kinh tế - xã hội; báo cáo phân tích số liệu các cuộc điều tra, Tổng điều tra… đã phản ảnh tương đối toàn diện, sinh động và trung thực bức tranh tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trên các lĩnh vực về tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kết quả sản xuất các ngành, các lĩnh vực và các vấn đề về dân số, văn hóa, y tế, giáo dục, đời sống dân cư…
- Tổ chức và thực hiện thành công nhiều cuộc điều tra lớn như: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, 2009, 2019; Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014; Tổng điều tra cơ sở kinh tế và HCSN năm 2002, 2007, 2012, 2017 và đang triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2021; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2001, 2006, 2011 và 2016. Đồng thời, hàng năm còn tổ chức và thực hiện nhiều cuộc điều tra chuyên môn định kỳ, đột xuất theo yêu cầu và thực hiện hàng trăm các loại báo cáo chuyên môn khác.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quan tâm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; hàng năm nhiều lượt cán bộ, công chức được cử tham dự các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác thống kê và kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính do Trung ương và địa phương tổ chức; một số cán bộ trẻ được cử đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị, đào tạo trình độ thạc sĩ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành ngày càng trẻ hóa, có trình độ chuyên môn và được đào tạo chính quy; đặc biệt số cán bộ có trình độ thạc sĩ, Thống kê viên chính tăng nhanh trong những năm gần đây.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành được tăng cường, phương tiện làm việc được trang bị đồng bộ, hiện đại đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của toàn ngành. Phòng họp, hội trường và các phòng làm việc khang trang, sạch sẽ; được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị, phương tiện tác nghiệp của cán bộ, công chức như: Bàn ghế làm việc, điều hòa nhiệt độ, máy tính cấu hình mạnh, mạng internet tốc độ cao; hệ thống máy móc thiết bị phục vụ họp trực tuyến với Tổng cục Thống kê....
- Công tác quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, của ngành và các đoàn thể có nhiều cải tiến, nền nếp, hiệu quả thông qua việc bổ sung, xây dựng và duy trì thực hiện các quy chế, quy định cụ thể; đặc biệt là việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào các hoạt động của cơ quan Cục Thống kê. Việc áp dụng các quy trình ISO đảm bảo việc giải quyết các công việc được thống nhất, phân công rõ trách nhiệm giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý cũng như chất lượng thông tin thống kê.
- Cùng với sự phát triển của ngành Thống kê Việt nam, nhiều thế hệ cán bộ trong và ngoài ngành thống kê được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thống kê Việt Nam”; nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh và chính quyền các cấp tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn khác nhau, với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tên gọi có sự thay đổi theo yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng; nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ngành Thống kê tỉnh Hưng Yên luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Thành tích đó bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết, gắn bó, sự cố gắng, ý thức trách nhiệm và đặc biệt là sự năng động, sáng tạo trong công tác của các thế hệ cán bộ, công chức, lao động ngành Thống kê tỉnh Hưng Yên.
Ôn lại những thành tự và truyền thống tốt đẹp của Ngành trong 75 năm qua là dịp để mỗi công chức, lao động Ngành Thống kê Hưng Yên hôm nay càng ý thức sâu sắc hơn niềm vinh dự và trách nhiệm của mình với Ngành Thống kê, với quê hương Hưng Yên và sẽ tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh về chính trị tư tưởng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo; có tâm huyết với nghề; không ngừng củng cố, xây dựng đoàn kết nội bộ; thường xuyên bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, thực hiện sáng tạo nhiệm vụ chuyên môn của Tổng cục Thống kê, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao, nỗ lực phấn đấu xây dựng ngành Thống kê ngày càng vững mạnh, xây dựng quê hương Hưng Yên ngày càng giàu đẹp văn minh.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo và công chức, lao động ngành Thống kê tỉnh Hưng Yên, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện về mọi mặt của Tổng cục Thống kê, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố; sự tận tâm, tận lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công chức ngành Thống kê tỉnh Hưng Yên qua các thời kỳ đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thống kê.
Thời gian tới, trong xu thế hội nhập và phát triển, Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra; ngành Thống kê tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, chiến lược quan trọng của Ngành về công tác thống kê. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thống kê là phải luôn quán triệt, bám sát mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng năm và từng thời kỳ để phản ánh một cách sâu sắc và toàn diện. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, ngành Thống kê cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất là, thực hiện tốt công tác bảo đảm thông tin kinh tế - xã hội định kỳ và đột xuất phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê của các đối tượng sử dụng. Trọng tâm là tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thu thập thông tin thống kê; kết hợp chặt chẽ và hiệu quả ba hình thức thu thập thông tin thống kê là: điều tra thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính và báo cáo thống kê.
Thứ hai là, chú trọng công tác kiện toàn và củng cố tổ chức theo mô hình mới đi vào nền nếp và hiệu quả.
Thứ ba là, tích cực đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nhất là đối với cán bộ trong nguồn quy hoạch lãnh đạo quản lý, các cấp.
Thứ tư là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành thông qua việc triển khai ứng dụng đồng bộ, hiệu quả các phầm mềm quản lý hồ sơ, công việc; ký số và gửi nhận văn bản điện tử.
Thứ năm là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật; khơi dậy lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của ngành Thống kê; từ đó mỗi công chức, lao động hăng say lao động, tâm huyết, trách nhiệm, yêu ngành, yêu nghề và tận tâm, tận lực công hiến cho ngành Thống kê.
Trải qua chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, công chức ngành Thống kê tỉnh Hưng Yên luôn tự hào về những thành tích đạt được, về truyền thống tốt đẹp của ngành và những đóng góp của ngành Thống kê vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời truyền thống đó cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để ngành Thống kê tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa những thành tích đạt được, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong thời gian tới.
Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Cục Thống kê tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Tổng cục Thống kê, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố; sự quan tâm sâu sắc và những đóng góp, cống hiến to lớn cho ngành Thống kê trong quá trình xây dựng và phát triển của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Cục Thống kê, công chức và người lao động ngành Thống kê qua các thời kỳ.
Trân trọng cảm ơn!